Tại sao hầu hết sinh viên Việt Nam học ra chỉ muốn lãnh đạo?
Phạm Viết Đào
Tháng Tám 27, 2010
Những tấm gương tày liếp đó là nhiều cán lãnh đạo không cần học hành đến nơi đến chốn, do biết luồn lách và dám bỏ tiền ra mua bằng rởm, chạy chọt nên đã chiếm giữ được những vị trí béo bở. Đó chẳng phải là tấm gương để cho 97,9 % chọn con đường làm lãnh đạo để tiến thân noi theo hay sao? (Có phải tất cả những người này đều là đảng viên cộng sản không?)
--------------------------------
Báo “Người Lao Động” vừa đưa tin:
“Ngày 10/08, Công ty NhanViet Management Group công bố kết quả khảo sát sinh viên với nghề nghiệp…
Chương trình khảo sát được thực hiện từ tháng 4 đến nay với sự tham gia của 941 sinh viên hiện đang theo học tại hơn 20 trường đại học, cao đẳng ở TPHCM.
Kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 97,9% sinh viên mong muốn trở thành lãnh đạo trong tương lai. Cụ thể, hơn 50% cho biết sẽ cố gắng phấn đấu tới vị trí quản lý cấp trung trong 3 năm tới trong khi chỉ có khoảng 8,4% nghĩ tới vị trí giám đốc.
Để thực hiện ước mơ, 71,2% sinh viên đã tự hoạch định lộ trình cũng như kế hoạch hành động ngay khi còn trên ghế giảng đường, trong khi 15,3% thì dự định sẽ thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp.
Đáng chú ý là có tới gần 70% sinh viên tham gia khảo sát cho biết mong muốn được làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài. 5,7% sinh viên mong muốn làm việc cho doanh nghiệp Nhà nước…”
.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia việc điều tra xã hội học là một trong những thao tác bắt buộc, cần thiết và hữu ích đối với công tác quản lý, các cơ quan quản lý và các nhà quản lý… Rất nhiều quốc gia đã tổ chức thành lập ra nhiều Viện điều tra xã hội học độc lập, tức là không nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước. Sở dĩ phải có thiết chế này để giúp cho các cơ quan hoạch đinh chính sách nhà nước thật sự có được những thông tin độc lập, khách quan, tránh ngụy tạo loại thông tin “đẽo chân cho vừa giày”…
Tất nhiên các kết quả điều tra xã hội học này có được từ các nguồn kinh phí tài trợ, bảo trợ này, nếu cơ quan nào sử dụng tới nó phải thanh toán bản quyền và thường là rất cao; người ta coi đó là một thứ sản phẩm như các loại sản phẩm của kinh tế tri thức.
Để thật sự có được tác động ngược lại, sau khi có các số liệu khô khan, độc lập, khách quan, các cơ quan điều tra xã hội học phải làm được cái việc phân tích, dự báo, cảnh báo các chiều hướng xã hội trên cơ sở con số thăm dò điều tra. Đây là một thao tác mang tính khoa học xã hội nhân văn chứ không là thứ ăn ốc nói mò.
Dựa trên cơ sở của thao tác này, chúng ta hãy cùng phân tích bằng con mắt xã hội học các kết quả điều tra mà Công ty NhanViet Management Group công bố kết quả khảo sát sinh viên với nghề nghiệp…
.
Nhận xét 1:
- Căn cứ vào kết quả điều tra cho thấy đang có một sự lệch chuẩn nhận thức đáng báo động đối với tầng lớp sinh viên; sự lệch chuẩn do nhận thức méo mó về tương lai, môi trường nghề nghiệp này có nguy cơ làm rối loạn môi trường đào tạo, định hướng nghề nghiệp cũng như môi trường đầu tư lực lượng lao động tri thức cao đó là sinh viên đại học.
.
Phân tích:
Đáng tiếc Công ty NhanViet Management Group đã không đi đến cùng trong việc tổ chức cuộc điều tra này, chỉ nêu khơi khơi thành ra các kết quả điều tra cũng như hướng điều tra rất đáng hoan nghênh và rất quan trọng đã bị lọt thỏm giữa sự hồn loạn của thông tin đa chiều.
Từ kết quả điều tra: “97,9% sinh viên mong muốn trở thành lãnh đạo trong tương lai…” cơ quan điều tra đáng ra phải khảo sát tiếp: hiện nay, lực lao động quản lý tính từ Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đến tổ trưởng dân phố chiếm bao nhiêu phần trăm lực lượng lao động.
Theo ước đoán của chúng tôi, số lực lượng lao động thuộc thành phần quản lý nhiều lắm chiếm tới chưa 10 % trên tổng số lực lượng lao động được đào tạo hàng năm; nếu lực lượng quản lý chiếm tới 10 % thì đầu vào cần cho nó nhiều nhất tới 20 % là vừa, nếu đầu vào tới 97,9 % mà đầu ra chí tiếp nhận có 10 % thì sẽ xảy ra sự cạnh tranh khắc nghiệt, thái quá. Lực lượng quản lý không thể lên tới 50-60 % lực lượng lao động để có thể thuận chiều được với lực lượng đầu vào 97,9 % người muốn dự tuyển vào môi trường này…
Không ai phủ nhận vai trò của các nhà quản lý, “một người lo bằng một kho người làm” (tục ngữ) hay “Cán bộ quyết định hết thảy” (Lenin), nhưng điều đó không có nghĩa một thiết chế xã hội đều tập trung đạo tạo nhân tài cho loại lao động quản lý mà không cần các nhân tài chuyên môn khác…
Một thiết chế xã hội lành mạnh thì bên cạnh công trạng, vai trò vĩ nhân của các nhà quản lý cũng phải rất cần các chuyên gia đầu ngành đó là: các nhà khoa học-kỹ thuật, các tài năng văn nghệ, báo chí, các nghệ nhân trong các loại ngành nghề tiêu biểu, đặc trưng, mang ý nghĩa quốc hồn, quốc túy… Đó là những nhân tố mà nếu thiếu nó không thể coi là một thiết chế xã hội lành mạnh được, không đủ cấu thành một nền văn hóa, một thiết chế văn hóa… Nếu thiếu những nhân tố đó thì chưa thể coi đó là một cộng đồng người đang tồn tại trong một thiết chế xã hội văn minh theo đúng nghĩa đen của từ này…
.
Nhận xét 2:
Số liệu “97,9% sinh viên mong muốn trở thành lãnh đạo trong tương lai…” cho thấy chỉ có 2,1 % số sinh viên không quan tâm tới nghề lãnh đạo do đó tập trung cho chuyên môn sâu, tức đầu tư cho chuyên môn còn 97,9 % tập trung thời gian và trí tuệ để ra trường nhanh chóng lao vào con đường làm lãnh đạo, số sinh viên này sẽ chắc chắn không quan tâm gì nhiều lắm cho công việc chuyên môn, chuyên môn chi là đối phó để có cái bằng là chính.
Cụ thể, văn bản điều tra đã thống kê: “Hơn 50% cho biết sẽ cố gắng phấn đấu tới vị trí quản lý cấp trung trong 3 năm tới trong khi chỉ có khoảng 8,4% nghĩ tới vị trí giám đốc.
Để thực hiện ước mơ, 71,2% sinh viên đã tự hoạch định lộ trình cũng như kế hoạch hành động ngay khi còn trên ghế giảng đường, trong khi 15,3% thì dự định sẽ thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp…”
Số liệu này cho thấy đấy là một tai họa đã được lập trình đối với kinh tế-xã hội nước ta; bởi xã hội đã được lập trình từ trên ghế trường đại học, những lực lượng lao động trong tương lai chỉ chăm chăm làm thế nào có được cái ghế, kiếm được cái ghế chứ nếu lao vào chuyên môn thì khồng thể tiến thân, không có tương lai nếu không muốn nói là sẽ bị đói…
.
Nhận xét 3:
Nguyên nhân và hệ quả từ đâu dẫn đến kết quả điều tra đáng sợ kể trên? Theo người viết bài này, đó là thực trạng xã hội, những “tấm gương mờ” tày liếp của cha anh đã thúc đầy 97,9 % sinh viên đã có những lệch chuẩn về nhận thức đối với quan hệ ngành nghề cũng như sự tiến thân trong xã hội.
Trong số 97,9 % không loại trừ có những sinh viên có năng lực, năng khiếu thiên bầm về tài năng quản lý nhưng con số không thể lên tới 97,9 %? Trong số 97,9 % này chắc chắn có rất nhiều phần tử a dua, bỏ “sở trường chạy theo sở đoản”… chỉ vì thấy nghề quản lý béo bở, dễ tiến thân, còn làm nghề khác hết thảy đều tăm tối… Cuộc chạy đua này chắc chắn sẽ “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” sẽ trực tiếp tác động xấu tới xã hội, làm rối loạn, lệch chuấn các giá trị trong xã hội. Điều này chẳng khác chi Hà Nội có thời đổ xô đi nuôi chó Nhật…
Những tấm gương tày liếp đó là nhiều cán lãnh đạo không cần học hành đến nơi đến chốn, do biết luồn lách và dám bỏ tiền ra mua bằng rởm, chạy chọt nên đã chiếm giữ được những vị trí béo bở. Đó chẳng phải là tấm gương để cho 97,9 % chọn con đường làm lãnh đạo để tiến thân noi theo hay sao?
Nghề lãnh đạo là nghề có điều kiện để tham ô, nhận hối lộ, ăn gian, nói dối… nên chóng giàu, dễ làm bố thiên hạ… còn làm chuyên môn thì chỉ ba cọc ba đồng thôi, mạt kiếp không ngóc cổ lên được…
Nhân sự kiện Ngô Bảo Châu có nhà báo đã nảy ra một thuật ngữ rất hay, gọi Ngô Bảo Châu là một dạng “Hòa thượng Thích Học Toán”; Ngô Bảo Châu là con người đã được cả thế giới biết đến và vinh danh, thế nhưng nếu tổ chức một cuộc điều tra xã hội học xem, tuổi trẻ Việt Nam sẽ có bao nhiêu phần trăm lấy chọn Ngô Bảo Châu làm tấm gương noi theo, học tập, phần đấu? Nếu không có môi trường như nước Pháp, Ngô Bảo Châu có thành công được hay không?
Trong khi đó thì có tới 97,9 % sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó “71,2% sinh viên đã tự hoạch định lộ trình cũng như kế hoạch hành động ngay khi còn trên ghế giảng đường, trong khi 15,3% thì dự định sẽ thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp…” để đi theo con đường mà Huỳnh Ngọc Sĩ (Vụ án hối lộ PCI), Phạm Thanh Bình (Chủ tịch Tập đoàn Vinashin ), Bùi Tiến Dũng… theo tấm gương của một số anh Chánh, Phó Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch tỉnh bỏ tiền ra mua bằng dỏm mà vẫn được cái ghế thật béo bở. Thế có khiếp không?!
.
Chắc chắn trong số 97,9 % số sinh viện lựa chọn con đường quản lý này không hiếm kẻ sẽ rút kinh nghiệm bài học, bởi họ là lớp “hậu sinh khả ố hơn”. Họ có bằng thật chứ không bằng rởm, họ sẽ ăn, đục khoét bằng hoặc thậm chí hơn Huỳnh Ngọc Sĩ, Phan Thanh Bình, Bùi Tiến Dũng… nhưng họ sẽ biêt cách để không sa vào lưới pháp luật, tức sẽ không bị tù như cha, anh họ… vì họ tài hơn, vì họ đã lập trình tiến thân từ trên ghế nhà trường?
.
Tác giả bài viết này không có ý vơ đũa cả nắm, kết luận 97,9 % số sinh viên kia đều bị những “tấm gương mờ” lung lạc cả; nhưng số liệu “97,9 % số sinh viên mong muốn trở thành lãnh đạo trong tương lai…” là một số liệu đáng báo động đối với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục Đào tạo, các cơ quan tuyên giáo các cấp… Nếu các vị làm tốt phận sự thì làm sao để đến nông nỗi này?
.
Một xã hội mà sinh viên là tầng lớp có trí thức nhất, còn trong sáng trong chừng mực nào đó, “áo trắng em chưa lấm bụi trần” thế mà khi đang ngồi trên ghế nhà trường, họ đã nghĩ và lựa chọn con đường làm quan để vinh thân, phì gia; họ chỉ nghĩ cách, chọn nghề đế có nhiều tiền không qua lao động có chuyên môn cao và sâu?
.
Con số 97,9 % còn cho thấy các kết quả tuyền truyền, giáo dục, các thao tác quản lý đối với tầng lớp được coi là trí thức nhất chỉ đạt chưa tới 3 %. Trong khi đó cái thời mông muội của Khổng Tử, ông chỉ xếp hại loại người khó dạy nhất đó là: đàn bà và đám trẻ chăn trâu…
.
Đến 97,9 % không tin vào chân thiện mỹ nữa thì xã hội sẽ đi về đâu? Ngành giáo dục-đào tạo đang làm cái gì? Đang dạy điều tốt đẹp hay đang làm cho những điều tốt đẹp ngày càng bị sủi tăm để nhường chỗ cho những tham vọng quyền lực, đồng tiền??? ■
.
Nguồn: Blog Phạm Viết Đào. Tựa đề bài của Lê Diễn Đức
.
.
.
No comments:
Post a Comment