Tuesday, August 31, 2010

TRUNG QUỐC TẬP TRẬN Ở HOÀNG HẢI NHƯNG TRÁNH TRỰC DIỆN VỚI MỸ

Trung Quốc tập trận trên Hoàng Hải để phô trương, nhưng tránh trực diện với Mỹ

Trong Nghia
Chủ nhật 29 Tháng Tám 2010

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100829-trung-quoc-tap-tran-tren-hoang-hai-de-pho-truong-nhung-tranh-truc-dien-voi-my

Vào đầu tháng 9 này, biển Hoàng Hải nằm giữa Bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc sẽ dậy sóng với hai cuộc tập trận song song của Trung Quốc và của liên quân Mỹ – Hàn. Quyết định của Trung Quốc vừa được loan báo hôm nay, 29/08/2010 được xem là một động thái phô trương thanh thế mới của Bắc Kinh nhắm vào Washington.

Tân Hoa Xã hôm nay loan báo : Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Nhân dân Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận trong vùng biển Hoàng Hải từ ngày mồng 1 đến mồng 4 tháng 9 tới đây. Thông báo cho biết rõ là cuộc tập trận sẽ được tiến hành tại khu vực ngoài khơi bờ biển phía Đông của thành phố Thanh Đảo, nơi đặt trụ sở của Bắc Hải Hạm Đội. Phía Trung Quốc còn nhấn mạnh là cuộc diễn tập bao gồm các bài tập bắn đạn thật từ các chiến hạm, nằm trong kế hoạch tập huấn thường lệ hàng năm.

Theo các nhà quan sát, dụng tâm phô trương thanh thế của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ trong quyết định tiến hành cuộc tập trận này rất rõ ràng, thể hiện qua địa điểm cũng như thời điểm thao diễn.

Về thời điểm, ngày giờ tâp trận của được Bắc Kinh chọn lựa có thể trùng với cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp Mỹ – Hàn với nội dung chống tàu ngầm mà Washington và Seoul dự trù vào đầu tháng 9 nhưng chưa cho biết thời điểm cụ thể. Trung Quốc đã từng cực lực đả kích các cuộc tập trận Mỹ – Hàn, xem đấy là những hành động gây ra tình hình căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù chỉ trích Mỹ gây ra căng thẳng qua các cuộc tập trận, nhưng bản thân Trung Quốc cũng đã liên tiếp tiến hành các chiến dịch thao diễn quân sự, kể cả tại vùng Biển Đông đang tranh chấp. Cuộc tập trận trên Hoàng Hải lần này nằm trong loạt động thái phô trương sức mạnh đó, và có thể là một hình thức đáp trả lại các cuộc tập trận Mỹ – Hàn.

Thế nhưng, dù phô trương cơ bắp, nhưng Bắc Kinh dường như cũng tránh va chạm trực tiếp với Hoa Kỳ. Dù cuộc tập trận tới đây của Trung Quốc cũng diễn ra trên Hoàng Hải, nhưng địa điểm cụ thể lại nằm ở gần Thanh Đảo, phía tây Hoàng Hải tức là cách xa khu vực diễn tập dự trù giữa Mỹ và Hàn Quốc, sát cạnh bán đảo Triều Tiên về phía Đông.

Phải nói là dù phô trương thanh thế, nhưng Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ đều phải thận trọng để khỏi gây ra sự cố đáng tiếc. Chinh trong khuôn khổ đó mà mới đây, cho dù vẫn duy trì các cuộc tập trận trong Hoàng Hải, Hoa Kỳ cũng đã tỏ thiện chí khi quyết định thôi không đưa hàng không mẫu hạm George Washington vào tham gia như từng tuyên bố trước đó. Khả năng Mỹ đưa tàu sân bay vào Hoàng Hải là một trong những điều bị Bắc Kinh phản đối kịch liệt nhất.

.

Đối với nhà báo Ngô Nhân Dụng tại California, Hoa Kỳ, thì quyết định có thể nói là lùi một bước của Mỹ trên vấn đề hàng không mẫu hạm George Washington, thực ra là một ngón đòn ngoại giao tinh tế. Trả lời RFI, ông Ngô Nhân Dụng phân tích :

“Hàng không mẫu hạm George Washington là một biểu tượng khá lớn trong trận chiến ngoại giao này. Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất của nước Mỹ, địa bàn hoạt động của nó là cả miền biển ở phía tây Thái Bình Dương, tức là phía đông của Á châu. Cho nên khi tàu đó dự cuộc thao diễn ở biển Nhật Bản, rồi đi qua eo biển Đài Loan xuống đến Việt Nam, rồi có tiếp một số quan chức quốc phòng Việt Nam, đi lượn quanh cả một số hòn đảo của Hoàng Sa. Thì tất cả những việc đó cũng có thể coi là một đòn ngoại giao để chứng tỏ cho tất cả các nước ở phía đông của Á châu, và đặc biệt cho Trung Quốc biết là sức mạnh hải quân của Mỹ còn rất lớn, và họ có mặt ở khắp cái vùng đó.

Cũng như là khi bà Hillary Clinton tuyên bố rằng vùng Biển Đông của nước ta với các cuộc tranh chấp trên hải đảo đó, thì phải cấm dùng vũ lực. Đó là một cách để cảnh cáo là không thể dùng sức mạnh quân sự của Trung Quốc để bắt nạt các nước nhỏ khác. Sau khi bà nói như vậy thì Trung Quốc đã phản đối một cách mạnh mẽ, coi rằng Mỹ đã xía vô một địa bàn mà Trung Quốc coi như ao nhà của họ, tức là cái biển mà họ gọi là biển Nam Hải.

Cuộc chiến ngoại giao đó đi đến tình trạng có thể nói là càng ngày càng căng thẳng. Cho nên bây giờ nếu Mỹ tiếp tục cuộc thao diễn ở Hoàng Hải, thì để chứng tỏ rằng Mỹ vẫn cứng, nhưng mà họ không gây hấn, khiêu khích. Cho nên Mỹ tiến một bước lớn là tiếp tục thao diễn ở Hoàng Hải, nhưng lùi một bước nhỏ là sẽ không đưa hàng không mẫu hạm George Washington vào trong vùng Hoàng Hải đó nữa.

Có thể là từ trước đến nay họ nói về cuộc thao diễn này mà không nói cụ thể có hàng không mẫu hạm đó hay không. Bây giờ thì họ xác định là không có. Một lý do khiến cho chiếc tàu đó trở thành một điểm gọi là rất nhạy cảm, là vì chiếc tàu này rất mạnh. Một chiếc máy bay F18 ở trên tàu đó có thể bay tới Bắc Kinh rồi bay trở về một cách nhẹ nhàng. Thành ra sự có mặt của tàu đó có tính cách như là biểu diễn một vũ khí tấn công nhiều hơn là một vũ khí dùng trong chiến lược phòng thủ. Bởi vì Mỹ vẫn nói rằng họ chỉ muốn sử dụng lực lượng hải quân của họ để bảo vệ an ninh cho những nước đồng minh như Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, chứ không phải là để tấn công ai hết. Bây giờ nếu đưa chiếc George Washington vào Hoàng Hải, với khả năng tàu đó có trên 80 máy bay, có 5 tầng chứa máy bay, 4 thang máy đưa máy bay lên xuống để sẵn sàng cất cánh, và những máy bay F18 có khả năng bay đến tận Bắc Kinh, thì đó có lẽ là một điểm rất nhạy cảm. Nếu đưa chiếc tàu đó tới Hoàng Hải, tức là sát bên cạnh Trung Quốc thì nó có tính khiêu chiến mạnh mẽ.

Cho nên việc thao diễn vẫn diễn ra, Mỹ vẫn nhượng bộ một bước là trong cuộc thao diễn không có chiếc mẫu hạm. Nhưng một sự thật là chiếc mẫu hạm đó có vào cuộc thao diễn hay nó đứng bên ngoài, thì tình trạng không thay đổi bao nhiêu. Vì khả năng của một chiếc hàng không mẫu hạm, những máy bay của nó có thể đi rất xa, không cần phải đến gần mới có thể tấn công được.”

.

.

.

No comments: