Saturday, August 28, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ DẠY VÀ HỌC (8)

Những câu chuyện về dạy và học (8)

Liêu Thái

Thứ bảy, ngày 28 tháng tám năm 2010

http://www.talawas.org/2010/08/lieu-thai-nhung-cau-chuyen-ve-day-va.html

Chuyện 8 – Đám giỗ ông giáo làng và những em bé lột sen, bán vé số…

Ngày giỗ thầy…

Một căn nhà lợp ngói, vách ván, chật và nóng, phía trước che thêm mái dã chiến với 10 chiếc bàn tròn, mỗi bàn có 10 ghế nhựa vuông vây quanh. Vào sâu bên trong, nơi tiếp giáp giữa hiên nhà và mái dã chiến là bàn thờ của người thầy giáo, các học trò gọi ông là thầy Tri (tên thật là Phạm Doãn Sổ), căn nhà nằm ở thôn Trung Phú I – xã Điện Minh – huyện Điện Bàn – tỉnh Quảng Nam. Ông đã mất cách đây hơn hai mươi năm, và cứ mỗi dịp giỗ ông, các học trò cũ lại tề tựu đông đủ, người góp kí nếp, kí khoai tây, con gà, người khá hơn thì góp con heo quay, thùng bia, nước ngọt… để tổ chức cúng thầy, tưởng nhớ thầy và cũng nhân đó mà thăm nhau, trò chuyện, chia sẻ, học hỏi, cảm thông… Dường như năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi dịp giỗ thầy là các học trò háo hức về, không cần phải gọi mời, không cần phải đưa rước. Cái ngày ấy đã ăn sâu trong huyết quản học trò của thầy Tri.

.

Học trò cũ đứng tưởng niệm trước bàn thờ thầy Tri (Ảnh: Nguyễn Đình Tri)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgG_tWgjD3L2dCjn8uwccGJznNgYBVxsch6uHVqNhsGAUNqW2c5JnNA5ToMsTJiu2XpdJ_Cv-fW-DDviekV-Kzy9Z0MVRdQnrXMQnp_zrry_uRIwOgf0qRuibkSN4-HRNLdT9EWjYAwsJk/s400/CIMG0547.JPG

.

Một đoạn văn tế thầy Tri trong ngày giỗ (Ảnh: Liêu Thái)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh2C8gGdouuG2MYCP2hLN-41C0lQcALj1eqUSU4dO2VOx0Cr2W7mbkIoeBpQxYOtbrufP4SUM70aa4wCRKldXpjQ1tan8JvgjA7jGjjYszoXFI9gjUPDetryNpnpjcr6ncv9uYyDuAz1BY/s640/M_t+_o_n+tr%C3%ADch+v_n+t_+th_y+gi%C3%A1o+Tri+trong+ng%C3%A0y+gi_....JPG

.

Bàn thờ thầy Tri (Ảnh: Nguyễn Đình Tri)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjSTWEclp0W9PW1cuTzp6Ymtgj2S37xBmhNg1eh1M4QOv3oGMrl1CCr7jFSqcx1uvwWfK-mOxiFsffxD4007g2g5jXS-I7KW5wmlQ-hgVEzM9otqj16otvLvraxB9zxc2aG8TT1e3e6rjQ/s640/CIMG0546.JPG

.

Có thể người đọc đến đây sẽ nghĩ rằng có lẽ người nhà thầy Tri không còn hoặc họ khó khăn, neo đơn, không thể đứng ra tổ chức cho thầy đầy đủ nên các học trò mới góp như vậy. Hoàn toàn không phải vậy, các con cháu thầy Tri học hành, làm ăn khá thành đạt và ổn định, họ có nhà cửa khang trang. Nhưng họ vẫn giữ gìn, tu bổ mái nhà năm xưa mà thầy Tri dành làm lớp học như một kỉ niệm. Và ngày giỗ được tổ chức tại đây. Các học trò của thầy bây giờ tóc đã pha sương, có người đã lên hàng ông ngoại, ông nội, thậm chí có người đã lên hàng ông cố. Nhưng họ vẫn về dự ngày giỗ thầy. Với họ, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy, đó là cái đạo làm người.

Trong số những học trò thầy dạy năm xưa có mẹ tôi, theo như mẹ kể thì hồi đó thầy là người dạy lớp vỡ lòng cho bà và các bạn. Thời binh biến, một lớp học có nhiều lứa học trò cùng ngồi chung, đứa đã biết đọc, biết viết, đứa mới tập tò đánh vần, đứa đánh vần suốt cả tuần vẫn không ra chữ... Chỗ ngồi học là bộ phản gỗ, mấy chiếc bàn tre và mấy chiếc chiếu trải bệt dưới đất, các học trò thay phiên nhau đổi chỗ cho khỏi đau lưng, mỏi gối. Thầy giáo thì đi quanh từng học trò, cầm tay chỉ vẽ… Nói chung kiến thức thì thầy truyền đạt cũng không có gì là cao siêu, chỉ đơn thuần ở ngưỡng xóa mù chữ, sau đó thì học trò tiếp tục thi vào các trường công hoặc bán công để học tiếp. Sau này, có người ra bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, nhà báo, nhà văn…

Chỉ chừng đó, nghe có vẻ đơn giản, vậy sao các học trò vẫn nhớ về thầy suốt 30, 40 năm? Thầy mất hơn 20 năm vẫn nhớ ngày mà về? Trong lúc xã hội đang càng ngày càng thực dụng, ăn xổi, xem nhẹ chữ thầy cô? Khi hỏi kĩ, tôi mới nhận ra cái hay của người thầy giáo này. Ông không dạy học trò cái chữ ngay từ đầu, mà suốt một tuần học trò mới thụ giáo, ông hỏi thăm về gia cảnh, ngồi kể cho học trò mới nghe cổ tích, lâu lâu lại đệm thêm một chữ Nho hoặc tiếng Anh, sau đó giải thích nghĩa của chữ tường tận. Tự dưng, học trò dần dần bị lôi cuốn bởi người thầy. Và trên hết là học trò luôn an tâm, luôn thấy mình được chia sẻ, được cảm thông khi bước vào lớp học. Thầy đã tạo ra một lớp học đồng đẳng, đứa mặc quần đùi lò xo ngồi học vô tư, không mặc cảm với đứa mặc áo lụa, quần lãnh… Không có khái niệm giàu, nghèo, sang, hèn khi bước vào lớp học. Dường như tất cả học trò đều thương yêu, quí mến và thậm chí chia sẻ với nhau, đứa nhà giàu mang theo cơm, đứa nhà nghèo mang theo canh rau muống độn bắp rang, hạt kê… Tới bữa cơm, cả thầy và trò cùng mang thức ăn ra san sẻ, chia đều nhau, bữa cơm trở nên ngon và ấm áp vô cùng. Và đặc biệt, mỗi khi trong lớp học đó đứa nào bị đau ốm, cả thầy và trò cùng dắt nhau đến thăm, động viên… Chính nhờ vậy mà vô hình trung, những ai từng là học trò của thầy đều xem lớp học là ngôi nhà thứ hai, là nơi chia sẻ với mình nhiều nhất, tất cả như là anh em một nhà. Như mẹ tôi thường kể, thầy Tri cũng có lễ chào cờ cho học trò, nhưng không phải chào quốc kì như các buổi lễ chào cờ thường thấy, mà cờ của lớp học là bầu trời xanh, mỗi học trò chào bầu trời xanh sáng thứ Hai hằng tuần, thầy dạy học trò hãy nhìn bầu trời xanh mênh mông và hình dung mình là một cánh chim tự do, mỗi con chim tự do phải tự hứa với mình bay thật mạnh mẽ, thật đẹp vào bầu trời và góp tiếng hát cho cuộc đời thêm tươi đẹp. Buổi chào cờ chỉ có vậy.

Và bây giờ, trong ngày giỗ của thầy, học trò lại đứng chào cờ trước bàn thờ của vị thầy đáng kính. Họ, những người là ông chủ, bác sĩ, kĩ sư, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, phu bốc vác, lao công bệnh viện, phu quét đường… đang đứng chào cờ, một lá cờ màu trời xanh đang bay rộng trên vầng trán họ. Họ đang là những con chim cất tiếng hát dưới bầu trời, trong mùi khói nhang tưởng niệm người thầy kính yêu của họ. Tôi có cảm giác như ngọn khói trên bàn thờ đang rưng rưng…!

Những em bé lột sen, bán vé số…

Trong đám giỗ, có nhiều học trò thầy Tri dắt theo cả cháu nội, cháu ngoại của mình, những đứa bé gương mặt sáng, bụ bẫm và ngây thơ. Chúng cũng quì trước bàn thờ, chúng cũng học cách chào cờ và nghe văn tế vị thầy giáo của ông, bà mình. Hôm nay em nghỉ một bữa lột sen để đi cùng ông bà…

Tôi gặp một em tên H., năm nay vào lớp 10. Sau một lúc làm quen và nói chuyện, tôi hỏi em về chuyện học chính buổi, chuyện học thêm, em cười rất tươi, mắt tròn xoe, ngồi kể cho tôi nghe chuyện em đi học vui buồn ra sao, chuyện em thích môn toán, lý, hóa, em rất thích thơ nhưng không thể thích môn văn được. Tôi hơi buồn, vì gần đây các em học sinh mà tôi từng gặp, hỏi bất kì em nào cũng nói chẳng có hứng thú với môn văn. Ban đầu tôi nghĩ rằng do tâm lý thực dụng, muốn học môn tự nhiên để sau này thi vào ban tự nhiên, ra làm có nhiều tiền hơn… Nhưng khi hỏi kĩ, tìm hiểu kĩ thì hoàn toàn không phải vậy, ở học sinh cấp hai và cấp một cũng chẳng có mấy em thích học môn văn. Theo như H. nói thì em chưa có ý niệm nào về chuyện thi đại học, cũng không có ý nghĩ rằng học môn tự nhiên dễ kiếm sống hơn môn xã hội. Em thích học toán, lý, hóa, sinh vì các môn ấy hấp dẫn em, luôn bắt em phải suy nghĩ, đào sâu vào tư duy để mà giải bài, để đặt giả thiết và giải quyết vấn đề. Còn môn văn, quá khô khan, chẳng có hứng thú gì, toàn thơ Tố Hữu, rồi “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, rồi lại “Nguyên tiêu”, Nhật kí trong tù của Hồ Chủ tịch, “Đồng chí” của Chính Hữu… đọc nghe cũ rích và chẳng có gì hấp dẫn [chữ cũ rích là lời của Hoa], đó là chưa nói đến tụng thuộc lòng những ý thầy đã “phân tích” để lên trả lời mỗi khi thầy/cô dò bài, chẳng có gì là sáng tạo... Truyện thì khỏi phải bàn, những câu chuyện thời chiến tranh có hàm ý kêu gọi tinh thần đánh Mĩ, tố tội “ngụy quyền”… Nói chung là tuyên truyền và tuyên truyền, những bài học, tiết học như vậy không thể nào mang hứng thú cho học sinh. Đó là chưa nói đến thầy cô môn văn cũng chỉ được phép dạy những gì không vượt quá giáo trình do Bộ Giáo dục soạn ra. Mà vấn đề của Bộ soạn ra không có gì hơn là ca ngợi tính ưu việt của Đảng, chiến thắng của Đảng, sự tiến bộ, tính chính nghĩa của Đảng, sự phi nghĩa của phe đối lập, phe chiến bại… Cái lãng mạn được đặt trên đầu súng, đặt trên khói lửa chiến tranh. Chính vì vậy mà các em không thể nuốt những bài học đó được, không có một chút cảm hứng nào. Đó là chưa nói đến môn giáo dục công dân.

.

Mỗi ngày bé H. vừa lột vỏ, tách lụa, lấy tim và xâu chuỗi 3000-4000 hạt sen vừa phụ mẹ bán hàng tạp hóa để kiếm tiền nộp học (Ảnh: Liêu Thái)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgnuf6XiQY_53v9fH95tNHIYX-fqezmo1JJ-_hyeCMl6y3WI__iGzbwGBmRMHtCBB8iow7KYcNXio2ToI2_SlXt1mInhySIT-97Na1XmWZjcTwcWsbB12jd-gY2XFciQL6CYhrM8vOgnHw/s640/M_i+ng%C3%A0y+b%C3%A9+v_a+l_t,+t%C3%A1ch+v_+l_a,+l_y+tim+v%C3%A0+x%C3%A2u+chu_i+t_+3.000+__n+4.000+h_t+sen+v_a+ph_+m_+b%C3%A1n+h%C3%A0ng+t_p+h%C3%B3a+__+ki_m+ti_n+n_p+h_c.JPG

.

Trở lại câu chuyện những em bé lột sen, ở quê tôi, cứ đến mùa hè, lúc sen nở, cho búp, cho hạt là các em học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè nhận sen về lột vỏ, tách lụa, lấy tim và xâu thành chuỗi hạt. Thường thì mỗi chuỗi 80 hạt, với 15 chuỗi [1000 hạt sen], người lao động được trả 12.000 đồng [tương đương 0,65 Euro]. Ngày cao điểm, H. lột và xâu chuỗi được 3.000 đến 4.000 hạt sen, thu được 36.000 đồng đến 48.000 đồng. Đây cũng là nguồn thu chính của các em học sinh trong ba tháng hè để có khoản tiền nộp học hè, học thêm và mua sách vở cho niên khóa tới. Ở đây, dường như tất cả học sinh vào hè đều không có mùa hè, thay vì đi du lịch, nghỉ hè, đi dã ngoại như những bạn đồng lứa thì các em phải lo bon chen, bươn chải với đời, phải kiếm chút tiền tích lũy cho niên học mới. Nếu không làm như vậy, các em sẽ có nguy cơ bị thất học vì cha mẹ không thể cung cấp đủ cho các em. Nhất là các em con nhà nghèo, quanh năm suốt tháng lo vừa học vừa làm, đứa bán vé số, đứa bán nước dừa, nước mía, đứa bưng hủ tiếu, bưng thức ăn cho quán, có đứa đi hái bèo nuôi heo, đi phụ hồ, hái măng, bắt ốc, mò cua, câu cá, bẫy chim… Tuổi thơ của những em học sinh ở đây dường như chắng có gì khác ngoài nai lưng ra làm để có tiền ăn học, phụ gia đình. Và thời học trò của các em cũng chẳng có mùa hè, mùa hè với các em là khoảng ao vừa đủ để thả cần câu cơm cho niên khóa…

Theo như bé H. nói thì dù sao lột sen cũng thú vị hơn bán vé số, vì em cũng có lần đi bán vé số, đi suốt ngày, nắng, mưa, lê bước từ quán này sang quán nọ có khi suốt buổi mời được vài vé, lãi cũng chẳng bao nhiêu. Đó là chưa nói có lần em bị người ta lừa vé trúng, mất hết gần hai trăm ngàn đồng. Lần đó ông khách nhìn ăn mặc cũng sang trọng, lịch sự, dò kết quả xong hô lên mình trúng giải tám được bốn vé, ông hỏi H. có đổi vé số đang bán lấy vé trúng không, ông không những đổi không mà còn cho H. hai mươi ngàn đồng, em mừng quá, đồng ý ngay. Ông lấy ba mươi sáu vé, mỗi vé năm ngàn đồng, như vậy là đúng một trăm tám mươi ngàn đồng. Dư hai mươi ngàn đồng cho em. Em cám ơn rối rít và chạy về đại lý, chủ đại lý kiểm tra vé thì hỡi ôi, bốn vé giả. Em chỉ biết khóc. Gần mười ngày sau đó em cày ngoài mưa nắng bán vé bù lỗ. Xong lần đó, em chằng dám tin ai nữa.

Bài học đầu tiên của các em

Có nhiều đứa bé vừa đi bán vé số vừa lẩm nhẩm bài hát:… ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Bác chúng mình, Bác chúng mình… Tôi thấy cũng lạ, giữa trưa nắng mà thằng bé cứ cầm tập vé số đi lang thang hát vậy thì coi bộ không bình thường, tôi dụ nó vào quán nước hỏi: em yêu Bác Hồ lắm hay sao mà cứ hát bài hát đó vậy? Nó cười, giơ ra tờ tiền có in hình Hồ Chủ tịch đang mỉm cười, tờ 50.000 đồng. Nó bảo: ông Bác Hồ này mới yêu thiếu niên nhi đồng nè, và Bác này thì thiếu niên nhi đồng mới yêu hơn cả… Tôi im lặng, không nói được gì thêm, mua mấy tấm vé, mời nó ly nước rồi tạm biệt… Cảm giác tôi lúc đó khó tả thật!

Trường hợp bé H. thì có khác, em suốt ngày lột sen, miệng lẩm nhẩm Quốc ca, đội ca, đoàn ca… Tôi lấy làm lạ, hỏi sao em hát hoài mấy bài này mà không thấy chán sao? Em bảo không hề thích mấy bài này nhưng phải thuộc, vì nếu không thuộc, nhỡ bị cán bộ lớp [cũng là học sinh] kiểm tra đột xuất thì xem như xong, điểm hạnh kiểm bị tụt, học cho giỏi cũng chẳng có thưởng, mất đủ thứ quyền lợi, chính vì vậy mà em cần phải lẩm nhẩm ôn kẻo quên. Tôi hỏi thêm, em nói thật lòng là khi hiểu ý nghĩa của bài hát thì em thấy sợ nó hơn là thích, nhất là Quốc ca, những câu như:… đường vinh quang xay xác quân thù… thì em có cảm giác như người ta đang bỏ từng xác người vào cái máy xay rồi nghiền thành bột cám lợn… Nói xong em cười ngất. [1] Tôi hỏi vậy em thích hát loại nhạc nào và lại bất ngờ khi nghe em nói thích những bài như: Tình thôi xót xa, Giã từ dĩ vãng, Không còn yêu thì anh cứ đi trên đường đi nói câu biệt ly… Tôi cố nín cười. Phải thú thật là với một hệ thống giáo dục và phổ biến văn hóa như hiện nay trên khắp Việt Nam, vấn đề thị hiếu và khả năng tiếp nhận, cảm thụ văn hóa, nghệ thuật là hết thuốc chữa. Thật sự hết thuốc chữa! Và bài học đầu tiên của các em ở đâu? Các em đã bị đánh tráo ngay từ buổi đầu bước chân tới trường bởi những bài tuyên truyền và đầu độc về cái điều gọi là đạo đức, lòng yêu nước. Một thứ đạo đức và lòng yêu nước được đồng nhất với chủ nghĩa cộng sản, với sự yêu Đảng, yêu Bác… mà người ta gọi đó là bài học, là giáo dục! Điều này làm tôi nghĩ tới sự tiến bộ của một ông giáo trường làng cách đây nửa thế kỉ với buổi chào cờ và những bài học đậm tính người của ông – thầy Tri.

Có thể nói rằng trong giáo trình của Bộ Giáo dục hiện nay, trừ những môn học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh, những môn còn lại đều nồng nặc mùi tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, kể cả môn văn là môn nhạy cảm, cần có tính người nhất, cũng đậm đặc giọng tuyên truyền chủ nghĩa thì làm sao học trò có thể yêu văn chương, yêu nghệ thuật và đến gần với tính nhân văn được? Đó là chưa nói đến môn giáo dục công dân, có thể nói đây là môn học nhồi sọ chính trị là đúng hơn. Về môn này xin trình bày trong bài viết sau.

Chú thích

[1] Thực ra đoạn này Hoa thuộc nhầm, "xây xác" chứ không phải "xay xác", nhưng chắc em cũng sợ chuyện xây đường bằng xác quân thù không kém chuyện nghiền xác.

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

.

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ DẠY VÀ HỌC (7)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/nhung-cau-chuyen-ve-day-va-hoc-7.html

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ DẠY & HỌC (6)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/07/nhung-cau-chuyen-ve-day-va-hoc-6.html

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (5)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/07/nhung-cau-chuyen-ve-day-hoc-5.html

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (4)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/nhung-cau-chuyen-ve-day-hoc-4.html

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (3)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/nhung-cau-chuyen-ve-day-hoc-3.html

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (2)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/nhung-cau-chuyen-ve-day-hoc-2.html

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (1)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/nhung-cau-chuyen-ve-day-hoc-1.html

.

.

.

No comments: