Sunday, August 29, 2010

ĐÁP ÁN LÀ DÂN CHỦ

Đáp án là dân chủ!

Lê Anh Tuấn
Độc giả Dân Luận

Chủ Nhật, 29/08/2010

http://danluan.org/node/6256

Phản hồi bài "Một khía cạnh mới của đạo đức: ý thức về sự công chính xã hội" của tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

Một người bạn vừa gửi tôi bài viết "Một khía cạnh mới của đạo đức: ý thức về sự công chính xã hội" đăng trên Dân Luận: Được đọc bài này với tôi là một may mắn lớn. Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã chỉ ra những điểm bất hợp lí nghiêm trọng trong quan niệm đạo đức của người Việt, hơn thế nữa đã đề cập đến một khía cạnh rất mới (với người Việt Nam). Đây quả thực là một gợi ý đáng giá.

Cuối bài viết, tác giả kêu gọi sự quan tâm của giới nghiên cứu. Tôi chỉ là một độc giả trẻ chưa bằng cấp, có lẽ tôi không thuộc giới này. Nhưng vì cũng muốn đóng góp vài ý kiến và một đề xuất, tôi mạnh dạn gửi phản hồi tới VOA. Rất mong tác giả và bạn đọc châm trước.

* * *

Đâu là điểm mấu chốt dẫn tới những khác biệt giữa đạo đức của người Việt Nam - đặt nền tảng trên giáo lí Khổng Mạnh - và đạo đức của người Tây Phương - dựa trên ý thức về sự công chính xã hội?

Qua những hiện tượng mà tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đề cập, tôi nghĩ đó là khác biệt trong ý niệm con người của hai nền văn hóa. Người phương Tây, khác với chúng ta, có suy nghĩ tiến bộ về con người. Họ ý thức sâu sắc rằng con người, không phụ thuộc vào chủng tộc, giới tính, tôn giáo, đẳng cấp hay niềm tin, đều đã sinh ra với những khả năng như nhau, có những nhu cầu như nhau, nên cần phải được tôn trọng như nhau. Vì thế họ quý trọng phẩm giá của con người nói chung, thay vì chỉ những người quen biết. Họ đưa con người lên thành giá trị cao quí nhất. Một biểu hiện rõ nét là ý niệm nhân quyền, nền tảng của sự công chính xã hội, như tiến sĩ đã chỉ ra.

Như vậy, để nền đạo đức Việt Nam đúng đắn hơn, ý niệm con người trong óc mỗi chúng ta phải bị xét lại.

* * *

Có quá lời không, khi viết rằng người Việt ít quí trọng con người hơn những anh Tây? Có lẽ là không. Những ví dụ của tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã là bằng chứng khó chối cãi. Và cũng không thể phủ nhận những bằng chứng đang hằng ngày hiển hiện trước mắt chúng ta. Tôi chỉ xin đơn cử một khía cạnh.

Mỗi người trước hết có quyền được sống. Nếu quí trọng phẩm giá con người, trước hết anh phải quí trọng mạng người. Bài viết của tiến sĩ nhắc lại cuộc vận động rầm rộ đòi ân xá cho anh Nguyễn Tường Ân. Người Úc da trắng bênh vực anh vì cho rằng án tử hình, dù dành cho ai, cũng không thể chấp nhận. Trong cái nhìn của họ, kẻ buôn ma túy cũng là một con người, và mọi con người đều đáng được sống. Nhưng còn người Việt thì sao? Ngươc lại hoàn toàn, hình như chúng ta rất dễ dàng phán tội chết cho kẻ đồng loại của mình, dù chỉ vì những tội rất nhẹ thôi. Thậm chí vì những lí do không thể coi là một tội.

Hãy nhìn vào những vụ trộm cắp mà người ta bắt được hung thủ tại hiện trường. Chuyện như vậy xảy ra ở đâu khác thì hay, nhưng ở nước ta thì thật vô phúc. Tên trộm có 90% cơ hội nhận được từ đám đông nhân chứng bên đường một cuộc xét xử tự phát bằng đấm, đá, thụi. Bạn bè tôi, khi được hỏi, đều cho rằng cách xử lí này rất chính đáng. Rõ ràng đa số chúng ta không nhận thức được rằng một tên cướp giật cũng có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, và anh có thể đi tù nếu xâm phạm nó. Nhưng như thế đã đành. Điều đáng nói hơn là luôn có vài người chứng kiến thốt lên: "Bọn này phải bắn hết cho chừa!". Tội ăn cắp đáng bị tử hình chăng?

Nước ta hình như là ốc đảo thiên đường của điệp khúc bọn - này - phải - bắn. Người ta dùng nó trong giao tiếp một cách rất tự nhiên. Khu phố anh ở có một kẻ nghiện hút? "Bọn - này - phải - bắn!" Anh xem chương trình truyền hình về đường dây lừa đảo? "Bọn - này - phải - bắn!" Anh đọc bài báo về tội cưỡng dâm? "Bọn - này - phải - bắn!" Thật kinh khiếp khi phải nghe điệp khúc man rợ này vang lên thường xuyên trong cuộc chuyện trò của những người xung quanh tôi, kể cả nhiều vị rất có học. Và bạn biết câu cửa miệng của người Hà Nội trong những giải bóng đá lớn là gì không? "Mấy thằng đua xe chết là đúng, chúng nó chết đi em lại vui anh ạ, ĐM giống ấy sống nhiều chật đất tốn oxi." Khóc thương và âu lo chỉ là việc riêng của thân nhân người chết.

Và khi người Việt xem phim? Các phim hành động và kinh dị của Hollywood hay có cảnh một nhân vật phụ - thường là nữ - hoảng sợ tới nỗi cuống cuồng chạy vào đường cụt, hoặc không dám bắn, hoặc đánh rơi chìa khóa trong lúc tay chân bủn rủn, hoặc chỉ còn biết khóc thét, và thế là bị kẻ xấu hoặc con ma hãm hại dễ dàng. Gặp một cảnh như thế, người Việt xem phim cùng tôi thế nào cũng hét vào màn hình: "Ngu thế / Hèn thế, con này chết là đúng! Xã hội không có chỗ cho loại như mày!" Xấu hổ nhất là trường hợp cô gái không chết, mà may mắn được người hùng nào cứu. Khi đó, lời phê bình ít nhã nhặn sẽ được san sẻ cho cả hành động nghĩa hiệp và nhân ái kia. Khán giả người Việt thấy thế là vô lý lắm, nếu là họ thì nhất định không cứu. Hẳn những tình huống như thế làm bộ phim bớt hấp dẫn trong mắt họ, vì sao mà "vô lý" quá. Nhưng những biện kịch, đạo diễn, diễn viên và khán giả phương Tây - không hề ngu ngốc và chưa chắc đã hèn hạ - có đồng ý không?

Chính trị thường được xem là một lãnh vực nghiêm túc và đứng đắn. Nhưng những phát ngôn chính trị của người Việt Nam không phải là ngoại lệ. Suốt mấy chục năm nay, trên báo chí chính trị, những diễn đàn, hội thảo và cuộc meeting chính trị, các chú bác cờ vàng đòi "tiêu diệt đảng cướp Việt Cộng trong nước". Hăng hái không kém, các đồng chí Hồng Vệ Binh trẻ tuổi cũng hay than thở ghê rợn rằng nhà nước mình còn khoan hồng chán, nếu là tớ thì phải cho "bọn rân chủ" ra dựa cột gỗ thay vì vào nhà đá. Khó có thể tưởng tượng rằng những phát ngôn như thế có thể nhan nhản trong chính trường một nước tiến bộ phương Tây.

Nhiều bạn có lẽ sẽ gạt kết luận của tôi đi và quả quyết rằng những hiện tượng trên chỉ là biểu hiện của dân trí thấp. Nhưng đâu phải lúc nào cũng có thể đổ lỗi cho dân trí? Tôi nghĩ sự xem thường phẩm giá con người là một khiếm khuyết của văn hóa Việt Nam. Bởi văn hóa Việt Nam là chủng virus không buông tha trí não của bất cứ người Việt nào, kể cả những người có học với bằng cấp cao, hay sở hữu một trí tuệ sáng láng. Và thực tế diễn ra đúng như vậy. Mấy tháng trước, luật sư Cù Huy Hà Vũ viết kiến nghị đòi dành riêng cho những người phạm tội phản quốc một phương pháp xử tử dã man. Và mấy năm trước, thư gửi ông Bộ trưởng giáo dục của anh bạn Nguyễn Tiến Trung có những dòng thú nhận sau:

"Ngày 11/09/2001, khi cả thế giới bàng hoàng và đau đớn khi hai tòa nhà WTC ở New York bị tấn công, em đã nhảy lên vui mừng vì « đế quốc Mỹ » bị trừng phạt. Tính « ác » trong người em trỗi dậy nhưng em lại cho đó là suy nghĩ đúng đắn, theo những gì được dạy dỗ. Đến bây giờ em vẫn không hiểu tại sao lúc đó em có thể suy nghĩ như vậy."

Xin lưu ý rằng Nguyễn Tiến Trung không phải là một ngoại lệ. Trong vòng một tuần lễ sau ngày 11/09/2001, gần như tất cả những thanh niên Việt Nam tôi quen biết đều đã reo vui như Trung. Gần đây, khi các trận động đất và lũ lụt cướp đi sinh mệnh và hạnh phúc của nhiều người Trung Quốc, nhiều người Việt biết tình hình biển đảo cũng thể hiện sự khoái chí.

Như thế, một người Việt có thể tìm thấy đủ mọi lí do để xử tử kẻ đồng loại của mình. Vì người ta phạm những tội không đáng chết, vì người ta khác biệt quan điểm với mình, vì người ta... (có vẻ) ít can đảm và thông minh hơn mình, hoặc thậm chí chỉ vì người ta mang một quốc tịch mà mình ghét. Có thể nói rằng người Việt quí trọng phẩm giá con người, hoặc có một ý thức tiến bộ về con người hay không?

Và nền đạo đức của chúng ta nên giữ nguyên hay thay đổi?

* * *

Sẽ rất thiếu sót nếu chỉ viết rằng sự quí trọng phẩm giá con người là nền tảng đáng có của đạo đức. Ý thức tiến bộ về còn người còn sắm nhiều vai quan trọng khác. Nó đã là tâm của cơn bão tư tưởng trong Thế Kỷ Ánh Sáng - cuộc cách mạng trí não giúp loài người lần đầu biết đến phát triển, thịnh vượng và văn minh. Chính nó đã khơi nguồn chủ nghĩa đa nguyên. Chính nó đã đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc và bất đình đẳng giới. Nó thôi thúc người ta viết nên và thực hành những luật lệ công bằng cho tất cả mọi người. Nó cũng là đảm bảo vững chắc nhất cho hòa bình. Người ta có bắn giết nhau không, nếu coi trọng sinh mạng và hạnh phúc của đồng loại mình hơn những lợi lộc từ cướp phá cho tập đoàn và bản thân? Cuối cùng, cũng chính nó đã sinh ra dân chủ.

Hãy nhìn lại những nhà tư tưởng dân chủ tiên khởi. Họ đã là những triết gia đầu tiên trong lịch sử cho ra đời một nền tư tưởng chính trị lấy con người làm trung tâm, thay vì một thần linh, một huyết thống hay một giai cấp. Họ cũng là những người phát minh ra ý niệm nhân quyền - con người có những quyền tự nhiên phải được tôn trọng. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà như thế. Chúng ta biết rằng dân chủ là sự thể chế hóa tự do cá nhân, tức những tư tưởng và thông lệ giúp mỗi cá nhân được tự do trong xã hội. Ngược lại, việc tôn trọng một số quyền con người cơ bản: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử và ứng cử bản thân nó cũng là đảm bảo vững chắc nhất cho sự tồn tại của thể chế dân chủ. Như vậy, dân chủ đã hình thành từ ý thức quý trọng phẩm giá con người. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày nay, sau mấy trăm năm, chúng ta vẫn nói với nhau rằng mình chỉ có thể làm người khi sống trong một nên dân chủ.

Người Việt, bạn đã có đủ lí do để quí trọng phẩm giá con người hơn trước chưa?

* * *

Chắc chắn sự thiếu quí trọng phẩm giá con người không phải là một đặc sản Việt Nam. Nhiều nước hồi giáo ở Tây Nam Á có lẽ còn mắc bệnh này nặng hơn. Nhưng nếu cần tìm một bệnh nhân có triệu chứng thật giống chúng ta, thì tôi xin chọn Trung Quốc. Mới đây, ở căn cứ không quân Côn Minh, Vân Nam, Trung tướng Lưu Á Châu của "nước đàn anh" đọc một bài phát biểu (1) có đoạn:

"Sự hèn kém về tinh thần ắt sẽ đem lại hèn kém trong hành vi. Sự cao quý tinh thần ắt sẽ mang lại sự cao quý trong hành vi. Khoảng 20 năm trước tiểu khu tôi sống có xảy ra câu chuyện như sau: một cặp vợ chồng cãi nhau đòi ly hôn, người chồng mang bồ về nhà, hai vợ chồng cãi nhau. Người vợ chạy lên gác đòi tự tử. Rất nhiều người vây quanh xem. Có kẻ vì hí hưởng khi thấy người khác gặp nạn mà hét to: “Nhảy đi, nhảy đi!”, sau đó cảnh sát đã cứu được bà kia xuống, những người xem thậm chí còn cảm thấy tiếc rẻ. Tôi thở dài một cái rồi trở về nhà, mở tivi xem. Trên tivi đang chiếu một bộ phim kể về một câu chuyện có thật ở châu Âu: Một nước nào đó, theo trí nhớ tí ỏi của tôi có là lẽ Hunggari thì phải, 70 năm trước có một người thợ mỏ trẻ sắp cưới vợ, trong lần cuối cùng xuống giếng mỏ trước khi kết hôn đã xảy ra sụp hầm, người thợ mỏ mãi mãi không trở về. Cô dâu không thể tin người yêu của mình đã ra đi mãi mãi, cứ thế đằng đẵng chờ 70 năm trời. Cách đây ít lâu người ta sửa lại hầm mỏ, phát hiện một xác người nằm ở chỗ sâu nhất của vũng nước đọng. Đó chính là chàng rể – thợ mỏ bị vùi dưới giếng 70 năm về trước. Vì dưới ấy không có không khí, xác lại ngâm trong nước có khoáng chất nên người đó vẫn trẻ như lúc chết. Còn cô dâu đã là một bà lão tóc bạc phơ. Bà cụ ôm lấy người yêu mình khóc nức nở. Bà quyết định tiếp tục hôn lễ với người yêu của mình. Một câu chuyện thật gây xúc động: Cô dâu hơn 80 tuổi mặc áo cưới trang trọng một màu trắng tinh như tuyết. Tóc cũng trắng như tuyết. Người yêu của bà thì vẫn trẻ như vậy, mắt nhắm nghiền nằm trên một cỗ xe ngựa. Hôn lễ và tang lễ đồng thời tổ chức. Không biết bao nhiêu người đã rơi lệ.

Một sự việc có thể thử thách trình độ đạo đức của dân tộc Trung Quốc chính là việc Mỹ xảy ra “sự kiện 11/9”. Sự kiện này tuy không làm thay đổi thế giới, nhưng đã làm thay đổi nước Mỹ. Đồng thời, thế giới sau ngày ấy rất khó trở lại như trước sự kiện này. Khi xảy ra “sự kiện 11/9”, ít nhất trong một quãng thời gian sau đó Trung Quốc đã bị bao phủ bởi một bầu không khí không lành mạnh. Tối ngày 12/9, các sinh viên của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa khua chiêng gõ trống. Tôi bảo đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc còn chưa lọt vào vòng sau mà, phải đến ngày 7/10 độ Trung Quốc mới đấu trận đấu cuối cùng với các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, nếu thắng sẽ lọt vào danh sách dự Word Cup. Một lát sau tôi mới biết là các sinh viên Trung Quốc đang chúc mừng việc Tòa tháp đôi của Mỹ bị đánh sập. Khi ấy có một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Mỹ, nhìn thấy tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới bị đánh bom, các thành viên của đoàn nhà báo này không cầm được lòng đã vỗ tay. Đây là một dạng ngấm văn hóa, điều này không thể trách họ, bọn họ đã không thể kiềm chế bản thân. Kết quả là họ bị (Chính phủ Mỹ – ND) tuyên bố mãi mãi là những người không được hoan nghênh ở Mỹ. Hồi ấy, tôi đang ở không quân Bắc Kinh, mấy ngày đó đều có binh sỹ đến thăm tôi, gặp ai tôi cũng hỏi quan điểm của họ về “sự kiện 11/9”. Nhiều người nói: đánh bom hay lắm. Sau này tôi nói đây là một tình trạng rất đáng buồn. Nếu những người đó yêu mến Trung Quốc, thế thì Trung Quốc có nên cứu họ không? Về các phương tiện thông tin đại chúng thì càng không nên nhắc tới. Ở Trung Quốc, nơi không có tin tức nhất là báo chí. Năm 1997 Công nương Diana chết vì tai nạn giao thông. Bất kể Diana là người thế nào, hoàng gia Anh quốc ra sao thì ít nhất bà ấy còn có giá trị tin tức. Các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin này ở trang nhất, duy nhất báo chí Trung Quốc không đưa tin này. Hôm đó tin tức đầu bảng của các tờ báo lớn ở Bắc Kinh là “Các trường trung, tiểu học Bắc Kinh hôm nay đã khai giảng”. Tin này chẳng khác gì tin: “Người Bắc Kinh hôm nay ăn sáng rồi”, giá trị thông tin là như vậy.

Đêm thứ 2 sau sự kiện 11/9 tôi ngồi xem chương trình “Bình luận điểm nóng” trên tivi. Tôi muốn thử xem “miệng lưỡi của đất nước” đánh giá điểm nóng sự kiện 11/9 như thế nào: Nhưng chương trình hôm ấy lại có nội dung nói về việc các chi bộ ở nông thôn tăng cường xây dựng lại chi bộ gì đó. Bạn muốn xem cái gì thì không có cái ấy. Cái bạn không muốn nghe thì người ta cứ nói cho mà nghe. Dĩ nhiên, miệng lưỡi của ông nhà nước thì vô tội.

(...)

Chúng ta đối xử với người ta với thái độ như vậy, nhưng người ta không dùng thái độ như vậy đối xử với ta. Thảm án Dover có sự tương phản rõ rệt với việc này. Năm 2000, một đoàn người Phúc Kiên vượt biên trái phép ngồi trong xe thùng bịt kín cập cảng Dover lên đất Anh. Vì ngồi mấy chục giờ trong thùng xe thiếu không khí, tất cả đều chết ngạt, chỉ có 2 người sống sót. Khi vụ này bị phanh phui, không một quan chức nào của Đại sứ quán Trung Quốc xuất đầu lộ diện. Cuối cùng dân chúng nước Anh vùng Dover tự phát làm lễ truy điệu và lễ thắp nến tưởng niệm những người đã chết. Rất nhiều trẻ em tham dự, chúng cầm trong tay những thứ đồ chơi chế tạo tại Trung Quốc. Nhân đây xin nói thêm, hiện nay 90% đồ chơi trên thế giới là Made in China. Nhà báo hỏi lũ trẻ: Tại sao các cháu dự lễ truy điệu? Bọn trẻ nói: Họ cũng là người cả mà; các thứ đồ chơi trong tay chúng cháu cầm đây có thể là do những người trong số họ sản xuất. Không một người Trung Quốc nào có mặt trong buổi lễ truy điệu ấy. Thế nào là văn minh, thế nào là không văn minh?"

Vì sao chúng ta không quí trọng phẩm giá con người nhiều như người phương Tây? Và vì sao, theo cách rất giống với người Trung Quốc? Có lẽ vì chúng ta và Trung Quốc đã có lịch sử và văn hóa rất giống nhau. Những khiếm khuyết tinh thần hôm nay là hệ lụy của lịch sử và văn hóa.

Cũng như người Trung Quốc, chúng ta đã chỉ biết đến những chế độ quân chủ và độc tài bạo ngược trong suốt chiều dài sự sống của dân tộc. Nếu không may mắn được đào thoát khỏi Tổ quốc trên những con thuyền, thì mọi kiếp người Việt Nam cho tới nay đều là những kiếp nô lệ. Các biến cố chính trị trong lịch sử, dù được cho là hào hùng, đã chỉ có tác dụng đổi chủ cho chúng ta. Và có nô lệ nào được coi là một con người? Thân phận quen thuộc với người Việt Nam là tài sản của cá nhân cầm quyền (vua), hoặc công cụ của đảng cầm quyền (ĐCS). Chúng ta chưa có trải nghiệm làm người, con người thực sự - được tôn trọng đầy đủ các quyền tự nhiên. Kết quả là cho tới nay, ý thức tiến bộ về con người đối với chúng ta vẫn còn là cái gì rất lạ lẫm và khó chấp nhận.

Ách nô lệ phải được duy trì bằng một tâm lí nô lệ. Với chúng ta, nó đến từ Nho giáo - một văn hóa sinh ra để duy trì trật tự đẳng cấp trong xã hội phong kiến. Xin hãy đọc "Khổng giáo và Khổng Tử", "Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Tử", "Di sản Xuân Thu Chiến Quốc", "Đạo lý thánh hiến", và "Việt Nho", 5 chương trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng (2). Chúng vạch mặt thật của Nho giáo như "một cố gắng chính đáng hóa bạo quyền và nâng sự chấp nhận kiếp sống nô lệ lên hàng một đạo đức tuyệt đối". Nghĩa là một văn hóa khinh rẻ phẩm giá con người, trái ngược hẳn với ý thức tiến bộ về con người của văn hóa phương Tây.

Nền đạo đức Việt Nam sẽ không thể khá hơn, chừng nào chúng ta còn lưu luyến Nho giáo.

* * *

Xin trở về với câu hỏi chính: làm thế nào để người Việt Nam có một quan niệm đạo đức đúng đắn, bắt kịp với tư tưởng của nhân loại tiến bộ?

Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đề nghị một đổi mới giáo dục: "đã đến lúc ý thức về sự công chính xã hội cần được giảng dạy như một nền tảng của đạo đức học mới". Tôi rất tán thành, việc này không thể không làm. Tuy nhiên, đó có lẽ chưa phải là giải pháp quan trọng và cấp thiết nhất.

Hãy nhìn lại các kết luận:

_ Nền đạo đức Việt Nam lỗi thời vì người Việt chưa có suy nghĩ tiến bộ về con người. Chúng ta không quý trọng phẩm giá con người.

_ Chúng ta như vậy vì đã chỉ biết đến, và vì thế chỉ quen với những chế độ độc tài và quân chủ, trong đó "con người" không hơn gì vật sở hữu hoặc công cụ của kẻ cầm quyền. Văn hóa của chúng ta có tác dụng duy trì những chế độ này, nó là một văn hóa nô lệ khinh rẻ con người. Nó phủ nhận mọi quyền con người tự nhiên phải có.

_ Tư tưởng dân chủ đã phát sinh từ ý thức tiến bộ về con người. Dân chủ là chế độ duy nhất đảm bảo nhân quyền, nghĩa là cho chúng ta sống như những con người đúng nghĩa. Văn hóa dân chủ quí trọng phẩm giá con người.

Vậy đúng rồi, đáp án là dân chủ!

Xin hãy để ý một chi tiết. Muốn "hiện đại hóa" nền đạo đức Việt Nam, chắc chắn mỗi người Việt sẽ phải học nhiều điều mới. Chúng ta phải học những gì? Trước hết là một ý thức rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng, vì thế mỗi người đều đáng quí như nhau. Kế đến là các quyền con người mà mỗi người đều có và chúng ta phải tôn trọng. Một điều khác là tinh thần thượng tôn pháp luật. Dù chúng ta có ý thức được hay không, thì vi phạm những luật lệ chung cũng có nghĩa là xâm hại quyền của người khác.

Nếu thế, thì nên gọi những chuyển biến tư tưởng làm "hiện đại hóa" nền đạo đức bằng cái tên nào? Phải chăng nó chính là sự thay thế văn hóa nô lệ bằng văn hóa dân chủ - nội dung chính của cuộc vận động dân chủ?

Phải chăng chừng nào còn nắm quyền lực, chính quyền độc tài sẽ tìm mọi cách cản trở quá trình "hiện đại hóa" nền đạo đức, bởi mỗi người Việt "có đạo đức mới" sẽ là một người kịch liệt chống nó - công cụ cai trị của tầng lớp tư bản đỏ nắm mọi đặc quyền trong xã hội, cũng là kẻ thù của nhân quyền, và còn là bộ máy đã giúp một thiểu số áp đặt luật lệ hà khắc cho toàn dân?

Đúng vậy.

Chúng ta có ít nhất hai lí do để coi dân chủ là giải pháp cấp thiết nhất. Trước hết, chưa có dân chủ thì chưa thể thực hiện bất cứ giải pháp nào. Có ông Bộ trưởng Giáo dục nào của Đảng độc tôn cầm quyền sẵn lòng phê chuẩn giáo trình giảng dạy ý thức công chính xã hội hay không? Tất nhiên không, chế độ sẽ không kí lên giấy báo tử của chính nó.

Thứ hai, cuộc vận động dân chủ và quá trình thực hành dân chủ chính là lớp học "đạo đức mới" tốt nhất. Nó sẽ đặt những nền móng tư tưởng cần thiết cho 86 triệu học viên. Ngày nền dân chủ Việt Nam trưởng thành, sao cho sánh được với những nền dân chủ phương Tây cũng chính là ngày chúng ta tốt nghiệp xuất sắc.

Hãy xem người ta nói gì khi về đích tự do. Ở Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi". Ở Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể thay thế được". Ở mọi nơi, giấy khai sinh của chế độ mới cũng chính là giấy khai sinh của đạo đức mới.

Tôi tin rằng nền đạo đức Việt Nam trong tương lai sẽ rất khác. Tinh thần dân chủ trong chính trị sẽ khiến mọi người Việt đều hiểu rằng mình có quyền đòi hỏi phúc lợi và niềm tự hào từ đất nước. Cũng như thế, khi thâm nhập vào đời sống gia đình, tinh thần dân chủ sẽ chuyển cách hành xử kiểu mẫu giữa các thế hệ từ tôn trọng một chiều sang tôn trọng lẫn nhau. Được sống như một con người và hiểu sâu sắc các quyền con người qua đời sống dân chủ, người Việt sẽ sẵn lòng tranh đấu cho cả những người xa lạ thay vì chỉ thân quen. Và đạo đức Việt Nam sẽ không còn là công cụ để duy trì những đẳng cấp cũ kĩ.

Lê Anh Tuấn
23/08/2010

______________________

Link tài liệu đã đề cập:

(1): http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/08/25/toan-van-bai-phat-bi%E1%BB%83u-c%E1%BB%A7a-trung-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-khong-quan-l%C6%B0u-a-chau-t%E1%BA%A1i-can-c%E1%BB%A9-khong-quan-con-minh-van-nam-trung-qu%E1%BB%91c/

(2): http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1n3n1nmn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

.

------------------------------------------------------------

Re: Lê Anh Tuấn - Đáp án là dân chủ!

Kẻ Học Đòi gửi lúc 20:35, 29/08/2010

Bằng vào học vấn của một "kẻ học đòi", tôi có cảm giác tác giả đã nói oan cho ông Khổng - ông Mạnh hay sao ấy.
Bài dài quá, tôi đọc hông hết nổi. Chỉ lướt qua theo kiểu thầy bói xem voi, chỗ nào đụng chạm với kiến chấp của mình thì ngứa miệng nói chõ vào chơi.

Chẳng hạn như:
- Hãy nhìn lại những nhà tư tưởng dân chủ tiên khởi. Họ đã là những triết gia đầu tiên trong lịch sử cho ra đời một nền tư tưởng chính trị lấy con người làm trung tâm, thay vì một thần linh, một huyết thống hay một giai cấp.
Không biết tác giả có biết Nguyễn Du hông ta? Ổng mà hông quan tâm thân phận con người thì ổng viết Truyện Kiều chi vậy? Khi tôi nói tới Nguyễn Du, tôi cũng mong rằng đừng có ai lại nói tới cái "hạn chế" trong tư tưởng "thiên mệnh" của Nguyễn Du nhá. Đừng giống như mấy ông mang trong mình một mớ triết thuyết này nọ đi đánh giá người khác theo một lối tư duy tuyến tính cực kỳ thô sơ như hồi trước nhá. Cách giải quyết khác nhau thôi, đạo bất đồng bất khả thuyết mà.

- Nền đạo đức Việt Nam lỗi thời vì người Việt chưa có suy nghĩ tiến bộ về con người. Chúng ta không quý trọng phẩm giá con người.
Ách nô lệ phải được duy trì bằng một tâm lí nô lệ. Với chúng ta, nó đến từ Nho giáo - một văn hóa sinh ra để duy trì trật tự đẳng cấp trong xã hội phong kiến.
Nền đạo đức Việt Nam sẽ không thể khá hơn, chừng nào chúng ta còn lưu luyến Nho giáo.

Trời ạ, oan ức cho thảo dân quá, Bao đại nhân ơi! (đại khái ông Khổng Tử, ông Mạnh Tử mà sống dậy chắc phải kêu la kiểu vậy đấy)
Cái nhân pháp mà những vị đó để lại là để giúp cho cho nhân loại trên con đường tiến hóa của mình tại một thời điểm, một vị trí của con đường ấy.
Còn chuyện giai cấp thống trị nó mượn cái pháp ấy đặng làm chuyện này chuyện nọ thì cứ y án mà phê phán. Phải đúng người đúng tội chứ bác. Với lại, đã là thủ đoạn chánh trị, đã là thủ đoạn để mị dân, thì hễ có cái gì mà lừa bịp, ngu dân được, làm cho dân chúng tự nguyện làm nô lệ dưới ách thần quyền được, tất họ cứ dùng, lọ là cứ phải Nho giáo.
Rồi quay lại dân Đại Vịt, cái tánh nô lệ, hèn yếu là do đặc tính dân tộc có một nền văn hóa thiên về âm, nữ tính. Mắc mớ gì lại đổ cho Nho giáo (cứ nhìn qua Nhựt Bổn, Đại Hàn khắc thấy). Cái tánh nô lệ, ỷ lại nó khế hợp với cái thủ đoạn thần quyền (cụ thể ở đây là lợi dụng Nho giáo) nó mới trình bày ra được cái xã hội như vậy như vậy chứ.
Còn cái tính tàn nhẫn, vô cảm của người Việt bây giờ thì rõ ràng là do hậu quả của một triết thuyết vô thần vốn còn nhiều thiết sót nhưng lại tự cao tự đại được áp dụng vào Việt Nam theo một lối vô học, phủ định sạch trơn những di sản của ông cha, phá sạch nền tảng đạo đức của dân tộc. Chắc chắn là đi ngược lại với đạo làm người của Nho học. Sao lại quàng vào cổ đạo Nho cái tội ấy?

Cho nên, rốt lại, theo tôi, để mà đạo đức của Đại Vịt khá hơn, ngược lại chúng ta phải nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những giá trị của Nho; lấy đó làm thể và, đương nhiên phải đi theo thời đại, lấy mô hình xã hội dân chủ của Tây làm dụng.
Ấy mới là đạo vậy.

.

.

.

No comments: