Saturday, August 21, 2010

CẢM NHẬN BIỂN ĐÔNG - KỲ III

Cảm nhận Biển Đông-Kỳ III:

Việt Nam với Trung Quốc và với Mỹ

TS Nguyễn Ngọc Trường

7h:58' - 20/8/2010

http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Ky-Iii-Viet-Nam-Voi-Trung-Quoc-Va-Voi-My.html

(Toquoc)-Quan hệ với hai cường quốc này có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh, phát triển và hiện đại hoá Việt Nam, đòi hỏi nhận thức đúng và xử lý đúng.

Kỳ I: Trung Quốc và Biển Đông

Kỳ II: Mỹ và Biển Đông

.

Sự giận dữ của Trung Quốc trước thái độ quyết đoán của Mỹ về vấn đề biển Đông làm cho quan hệ hai nước lớn trở nên căng thẳng. Nhưng Biển Đông chỉ là nguyên cớ. Phần chìm của tảng băng là cuộc xung đột lợi ích và vai trò nước lớn tại Đông Á thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giới phân tích thời cuộc quốc tế cho rằng Việt Nam khó tránh khỏi sa vào “tâm bão” cuộc tranh cãi ngoại giao Mỹ-Trung và “bị kẹp” trong cuộc kình địch giữa hai nước lớn này. Nhưng đây là ý kiến của giới phân tích thời cuộc quốc tế, còn sự lo ngại đó có diễn ra trong thực tế hay không lại là chuyện khác. Việt Nam có đường đi nước bước của Việt Nam.

.

Việt Nam với Trung Quốc

“Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn” - câu nói này của một chính trị gia nổi tiếng của nước Anh cuối thế kỷ XIX, Lord Palmerston, rất được ông Gorbachev và ông Đặng Tiểu Bình ưa dùng. Khi ông Gorbachev nhắc lại câu nói này trong bài phát biểu trước Nghị viện Anh, một giai đoạn mới phi ý thức hệ quan hệ quốc tế trong ngoại giao Xôviết đã bắt đầu.

Nhưng giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ có lợi ích địa-chính trị/kinh tế mà còn có vô vàn mối ràng buộc sâu xa vượt thời gian. Mới đây, ông Tôn Quốc Tường, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đã khái quát khá chuẩn về mối quan hệ này: “Hai nước Trung-Việt sơn thuỷ tương liên, văn hoá tương thông, lý tưởng tương đồng , vận mệnh tương quan”[1].

Ngoại giao Việt Nam những năm gần đây xuất hiện nhiều lần nhóm từ “đối tác chiến lược”. Nhưng để là “đối tác chiến lược”, thì phải xét phía bên kia có xem mình là chiến lược đối với họ hay không và mối quan hệ này có mang lại những lợi ích chiến lược thiết thực cho cả hai phía hay không. Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược sống còn và vĩnh viễn là như vậy, bất luận sự thăng trầm của bang giao qua các thời kỳ lịch sử.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một hiện tượng thời đại. Mọi nước liên quan đều thích ứng tuỳ vào vị thế địa-chính trị/kinh tế của mình với Trung Quốc. Người Việt Nam ta nhiều khi suy nghĩ chưa thật thấu đáo. Hàng hoá Trung Quốc kém phẩm chất, đầu tư Trung Quốc công nghệ lạc hậu, thường đổ cho phía Trung Quốc “chơi xấu”. Chứ ít khi thấy cái lỗi của người nhà mình. Nhiều cái có thể sản xuất nội điạ thì không chịu đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh. Trong buôn bán và đầu tư, thường ham rẻ, hám lợi mà du nhập hàng chất lượng kém, ký kết các dự án công nghệ cũ hoặc bị nước bạn đào thải. Thị trường vốn thiếu gương mặt người, tự ta phải lo phòng bị cho ta, trách mình trước, soi người sau.

Hiện nay Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình kinh tế, thực hiện một cuộc đổi mới công nghệ mang tính cách mạng, thị trường nội địa đang mở rộng không ngừng, đó là động lực cho quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại mà nhiều nước đang tìm cách thực hiện. Với một số lợi thế, Việt Nam nên mở rộng cửa hơn nữa để đón nhận các chuyển dịch đầu tư nước ngoài do giá nhân công Trung Quốc tăng cao và về lâu dài già hoá dân số.

Biển Đông là cuộc xung đột lợi ích. Với Việt Nam, Trung Quốc chủ trương “lục hoãn hải khẩu” (trên đất liên hoà dịu, ngoài biển căng thẳng). Nhưng Biển Đông còn liên quan đến nhiều nước khác. Cần kiên trì đàm phán, đấu tranh có lý có tình, trước hết là song phương. Đa phương chỉ hỗ trợ chứ không thay thế được song phưong. Từ năm ngoái, lãnh đạo các cấp hai nước đã nhiều lần đề cập giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp Diễn đàn Bác Ngao, tháng 4/2009, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nêu rõ: Nam Hải (Biển Đông) là vấn đề cuối cùng do lịch sử để lại mà hai nước vẫn chưa giải quyết được. Hai bên cần nhìn xa trông rộng, xuất phát từ đại cục, tích cực bảo vệ ổn định Nam Hải, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi, tranh thủ Nam Hải cùng mở ra đột phá tích cực. Vị Thủ tướng rất được người dân Trung Quốc yêu mến này bày tỏ hy vọng giải quyết thỏa đáng vấn đề Nam Hải.

Tháng 11/2009, khi ký kết các văn kiện liên quan tới việc thực thi Hiệp định biên giới trên đất liền, hai bên đã thống nhất sẽ hình thành quy chế về giải quyết vấn đề trên biển. Tân Hoa Xã trích lời Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói rằng Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách “đúng mực”, dựa trên quan hệ chung và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Phó Thủ tướng Việt Nam cũng khẳ̉ng định nguyên tắc giữ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tại cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt-Trung tại Bắc Kinh ngày 2/7/2010, dưới sự chủ tọa của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, hai bên thỏa thuận sẽ cùng giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông một cách “đúng mực”. Chủ đề Biển Đông cũng được đề cập tới trong cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nhân dịp sang dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) với các đối tác và Diễn đàn ARF-17 Hà Nội, đã trả lời phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, bày tỏ mong muốn giải quyết thỏa đáng các vấn đề biên giới lãnh thổ, thiết thực duy trì ổn định ở Biển Đông.

Ba năm qua, Nhật Bản kiên trì nêu vấn đề thực hiện thoả thuận cấp cao Trung-Nhật cùng khai thác mỏ khí đốt ở vùng chồng lấn tại biển Hoa Đông. Kết quả vòng đàm phán cách đây hai tuần chưa được công bố. Từ kinh nghiệm đó, ngày 27/7 vừa rồi, phát biểu tại buổi họp báo ở Hà Nội, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada trong khi nhấn mạnh cần thúc đẩy đối thoại trong một khuôn khổ quốc tế, về chủ trương của Trung Quốc tiến hành đàm phán song phương với các nước liên quan để giải quyết tranh chấp, ông nói: “Vấn đề về lãnh thổ, có thể cuối cùng vẫn là vấn đề giữa hai nước. Tuy nhiên, các chủ trương phức tạp đan xen, hi vọng sẽ có sự thảo luận mang tính xây dựng tại các hội nghị như Hội nghị cấp Bộ trưởng ARF”.

Hơn lúc nào hết, cần chủ động phát huy các cơ chế đã được thiết lập với Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng “ngoại giao nguyên thủ” mà hoá giải được bao vướng mắc, hiểu lầm, để được việc ta, hài lòng bạn. Lãnh đạo hai nước những năm vừa qua xác định được các phương châm quan hệ: 16 chữ - “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (1999) và 4 tốt - “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Đó là những thành tựu quan trọng mà ta cần chủ động phát huy.

Chủ trương của ta về Biển Đông đang dần dần được quốc tế ủng hộ. Nhưng khi đấu tranh dư luận, trái tim nóng cần cái đầu lạnh. Tránh quá khích, làm phức tạp các nỗ lực chính trị ngoại giao và mất sự ủng hộ của dư luận nước bạn. “Hoà hiếu với láng giềng” - tư tưởng cốt lõi của ngoại giao Đại Việt - vẫn cần xem trọng. 2010 là “Năm hữu nghị Trung-Việt”. Rất tiếc ta chưa làm được nhiều.

.

Việt Nam với Mỹ

Quan hệ Việt-Mỹ đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thuận lợi. Trong giới chính trị Mỹ, ngày càng nhiều người Dân chủ và Cộng hoà chia sẻ tư duy chiến lược muốn Việt Nam mạnh, nâng cấp quan hệ đối tác với Việt Nam lên tầm cao hơn. Các cơ chế chiến lược, chính trị, kinh tế và quân sự đang hình thành nhằm tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Ngày 17/8, cuộc đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam khai mạc tại Hà Nội. Tuy vậy, một cựu quan chức Bộ quốc phòng Mỹ nhận xét trên báo Daily Caller (Mỹ): “Không nên chờ đợi có bước tiến mạnh dạn nào trong quan hệ quân sự Mỹ-Việt”. Sự thận trọng là điều cần thiết.

Chính sách Việt Nam của chính quyền Mỹ được cải thiện một bước đáng kể. Nhưng tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Mỹ-Trung cao hơn quan hệ Mỹ-Việt. Tuy không ít dự báo có thể về xung đột hải chiến khó tránh khỏi giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng giới phân tích cho rằng sự căng thẳng Mỹ-Trung sớm muộn sẽ tan băng.

Nền tảng quan hệ Việt-Mỹ cần được gia cố với tầm nhìn dài hạn dựa trên các lợi ích song phương bền vững. Ngay như Trung Quốc 30 năm qua và nước Nga hiện nay đều hướng tới Mỹ tìm động lực tiếp sức cho hiện đại hoá đất nước. Đấy cũng là điều Việt Nam nên làm. Mỹ có thể chưa coi Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu ở khu vực, nhưng Việt Nam phải chủ động xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Thị trường Mỹ, đầu tư Mỹ, khoa học kỹ thuật công nghệ Mỹ, đào tạo và giáo dục đại học Mỹ và không kém quan trọng là văn hoá doanh nghiệp Mỹ là những lĩnh vực ta cần tiếp thu thật mạnh dạn và hiệu quả hơn bao giờ hết... Tổng thống Barack Obama đã đưa Việt Nam vào danh sách sáu “thị trường kế tiếp” cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong khuôn khổ Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia mới của chính phủ Mỹ. Việt Nam đang tham gia đàm phán với Mỹ và 5 nước khác về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu thành tựu, Hiệp định này có thể nâng cao kim ngạch buôn bán song phương và củng cố đà phát triển của quan hệ Việt-Mỹ.

***

Người ta cho rằng, đối trọng và cân bằng quyền lực là một cuộc cờ, chứ không phải một trận đấu tennis thắng-thua. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về quan hệ với các nước lớn vẫn mang tính thời sự: Hết sức tránh đối đầu chừng nào còn có thể tránh được, tìm ra điểm đồng giữa ta và họ, hiểu quan hệ giữa họ với nhau, không để Việt Nam bị “kẹp” trong xung đột nước lớn, thực hiện là bạn của tất cả các nước và “không gây thù oán với một ai”.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono xác định “Nghìn bạn bè, không kẻ thù”. Các nước lớn kình địch, thì đoàn kết ASEAN càng có ý nghĩa sống còn, cần có thái độ hữu nghị, trung lập, rộng mở đối với họ và tránh bị chia rẽ.

Giải quyết hài hoà mối quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ trên một cơ sở bền vững là bài toán khó, nhưng quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam đương đại. Đối với một dân tộc có bản lĩnh, thách thức chính là động lực để phát triển./.


[1] Việt Nam - Trung Quốc: 60 năm hợp tác hữu nghị và hoà bình phát triển. Đặc san của báo Thế giới & Việt Nam, 2010, tr. 43.

.

Bình luận :

Ông này vẫn đề cao “16 chữ vàng và 4 tốt” tỏ ra là người thiếu thực tế và không biết rõ lòng địch cũng như ta. Hãy xem thử một tài liệu dưới đây :

ĐÃ CÓ THÔNG TIN CHÍNH THỨC TỪ BỘ NGOẠI GIAO VỀ YÊU CẦU CỦA BLOG PHAMVIETDAONV: KIỂM CHỨNG THÔNG TIN TRUNG QUỐC XÂM LẤN SÂU LÃNH HẢI VN Ở QUẢNG NGÃI ? (blog Phạm Viết Đào)

.

.

.

No comments: