LÝ GIẢI VỀ NHỮNG TIẾNG SẤM GIỮA TRỜI QUANG
TS. ĐINH HOÀNG THẮNG
(Bản gốc bài của TS. Đinh Hoàng Thắng)
30-08-2010
http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/08/inh-hoang-thang-ly-giai-ve-nhung-tieng.html
Một loạt các tuyên bố, thư ngỏ, khuyến nghị chính sách từ đỉnh chóp quyền lực đến các giới think-tank Trung Quốc (TQ) đang làm tốn không ít giấy mực báo giới. Lý giải tiếng sấm giữa trời quang này, TS Đinh Hoàng Thắng gửi tới SGTT hai kỳ báo:
.
Kỳ 1: Những cánh én báo hiệu mùa xuân?
Còn quá sớm để khẳng định như vậy đối với kêu gọi cải cách, yêu cầu thay đổi hệ thống chính trị, đề xuất xây dựng “chủ nghĩa xã hội hiến định” từ các nhân vật trong lòng chế độ như Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trung tướng Lưu Á Châu, Giáo sư Hồ Sinh Đạo… Nhưng tất cả có vẻ như là những chỉ dấu bộc lộ nhu cầu muốn lấy pháp trị làm nền tảng đối với việc điều hành quốc gia.
Theo bản tin của Tân Hoa Xã ngày 13/8, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (đương nhiệm) kêu gọi TQ không chỉ cần đổi mới kinh tế mà còn phải đổi mới cả chính trị. Người đứng đầu chính phủ TQ nói thêm, đổi mới chính trị là điều kiện cần thiết để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững cho quốc gia. Ông còn cho rằng nếu đổi mới chính trị không được đảm bảo thì những thành quả kinh tế đạt được cũng sẽ mất và TQ không thể đi tới mục tiêu hiện đại hóa.
Từ lãnh đạo cấp cao đến giới ưu tuyển
Mặc dù Thủ tướng Ôn Gia Bảo không trình bày cụ thể những điểm Đảng Cộng Sản Trung Hoa sẽ làm để đổi mới hệ thống chính trị, nhưng phát biểu ông đưa ra có thể được xem là phản ánh quan điểm của giới lãnh đạo đảng và nhà nước. Ôn Thủ tướng khẳng định: Quyền dân chủ và các quyền lợi hợp pháp khác của người dân cần được đảm bảo. Người dân cần được động viên và tổ chức để giải quyết các công việc liên quan đến nhà nước, kinh tế, xã hội và văn hóa theo đúng pháp luật.
Một nhân vật cấp cao khác, tướng Lưu Á Châu, chính ủy Đại học Quốc phòng, trước đó cũng phát biểu: Nếu một hệ thống chính trị không cho phép người dân được thở không khí tự do, không phát huy sức sáng tạo đến mức tối đa, không được lựa chọn để đưa những người tốt nhất đại diện cho chế độ và nhân dân vào các vị trí lãnh đạo thì hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong. Vị tướng này dự đoán: Trong 10 năm tới TQ không thể tránh khỏi xẩy ra chuyển đổi từ chính trị của quyền lực sang chính trị của dân chủ.
Lấy chế độ Liên Xô trước đây làm ví dụ, vị tướng hai sao chứng minh rằng nguyên nhân sụp đổ của Đảng Cộng sản Xô-viết chính là hệ thống chính trị, chứ không phải do nguyên nhân kinh tế hay quân sự. Tương phản với Liên Xô, bí quyết thành công của Hoa Kỳ nằm ngay trong chế độ pháp trị bền vững của nước này và hệ thống chính trị đằng sau chế độ pháp trị này, chứ không phải nằm trong sức mạnh tại trung tâm tài chính phố Wall hay công nghệ cao thung lũng Silicon.
Sau tuyên bố của tướng Lưu hai ngày, Giáo sư Kinh tế tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh Hồ Sinh Đạo công bố trên trang mạng một kiến nghị gửi Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, nhan đề “Con đường dẫn đến sự sụp đổ của TQ và lối ra”. Trong bức thư ngỏ này, Hồ Sinh Đạo cho rằng chính sự thiếu vắng công bằng xã hội và pháp trị đang đẩy TQ vào con đường bấp bênh nguy hiểm. Phương thuốc duy nhất để cứu nước là phải phát động cải tổ chính trị để trả lại cho người dân những quyền hiến định của họ.
Một kinh tế gia khác, Tiến sỹ Ngô Kính Liễn cuối tuần trước trả lời phỏng vấn trên Tuần báo Quảng Đông đã phê phán tình trạng quá tập trung quyền lực vào tay nhà nước. Theo ông, quyền lực của nhà nước càng được tập trung, các vấn đề sẽ càng tích tụ lại. Cái vòng tròn luẩn quẩn tệ hại này sẽ càng trở nên bế tắc, cho đến khi nào khu vực nhà nước đẩy lùi khu vực tư nhân và đưa toàn bộ hệ thống vào ngõ cụt. Kinh tế gia họ Ngô còn căn cứ theo hệ số Gini để kết luận TQ hiện đang đứng đầu thế giới về mức độ bất bình đẳng trong xã hội.
Sấm rền từ trong lòng chế độ
Những tiếng sấm rền vọng từ chân nào?
Tướng họ Lưu là con rể của (nguyên) Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, vốn được coi là tầng lớp 5C “con cháu các cụ cả”, ở TQ gọi là thành phần “thái tử đảng”. Là một sĩ quan quân đội cao cấp, ông nổi tiếng vì có những phát ngôn thẳng thắn, dám công khai phê phán, góp ý cho nhiều chủ trương chiến lược. Được coi là một tướng lĩnh cấp cao có tinh thần đổi mới tư tưởng quân sự, tiếp thu các trào lưu tiên tiến phương Tây, phê phán sự lạc hậu bảo thủ của văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Giáo sư Hồ Sinh Đạo là nhà nghiên cứu hàng đầu về các nhóm bị thiệt thòi quyền lợi tại TQ. Giải pháp ông đưa trong thư ngỏ là phải xây dựng một thể chế ông gọi là "chủ nghĩa xã hội hiến định", trong đó pháp trị và công bằng xã hội là nền tảng cho việc cầm quyền. Nhưng ông này cổ vũ con đường cải tổ phù hợp với điều kiện của TQ, chứ không rập khuôn tự do kiểu Tây phương. Theo ông, người dân phải được mọi quyền hợp hiến như bầu cử và giám sát chính phủ, quyền tự do ngôn luận và thông tin.
Tiến sỹ Ngô Kính Liễn là nhà kinh tế học chỉ rõ cội nguồn của tham nhũng và bất công xã hội là do nhà nước nắm quá nhiều quyền lực, đặc biệt ông phê phán quyết liệt chủ nghĩa tư bản thân hữu và chủ nghĩa tư bản nguyên thủy. Ông là một kinh tế gia trở nên nổi tiếng vì thái độ phê phán công khai sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào đời sống kinh tế.
Như vậy là, khác với những lời kêu gọi cải cách trước đây phần lớn xuất phát từ các nhà bất đồng chính kiến, những lời kêu gọi cải tổ, những tuyên bố và thư ngỏ trên đây đều khởi nguồn từ lãnh đạo cấp cao và giới ưu tuyển của bộ máy đảng-nhà nước và xã hội TQ. Những phát ngôn này rõ ràng là hiện tượng hiếm thấy, phần nào thể hiện một mức độ tự do ngôn luận nào đó trong chính trường TQ.
Khoảng chừng hai năm nữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của TQ mới nghỉ hưu theo luật định. Trước thời điểm này xuất hiện nhiều tiếng nói kêu gọi đẩy mạnh cải cách. Điều này chứng tỏ những phần tử có đầu óc cởi mở trong giới nắm quyền lực, vì mất kiên nhẫn, đang lo lắng rằng nếu TQ không thực hiện những thay đổi chính trị cho phù hợp với bước tiến của chuyển đổi kinh tế, thì quốc gia này sẽ kinh qua những động loạn xã hội có thể hủy hoại tất cả các thành tựu của những thập niên qua.
.
Kỳ 2: Đừng thấy đỏ mà ngỡ là chín!
Nhu cầu điều hành quốc gia bằng pháp trị có thể là lối ra cho những mâu thuẫn hiện nay sau 30 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa. Sự nghiệp hiện đại hóa TQ từ nay có còn là “dò đá qua sông” hay phải tập trung tìm lời giải cho các nan đề của TQ?
Trên thực tế, lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với bài toán muôn thuở là tập trung quyền lực về trung ương để gìn giữ ổn định, hay phân quyền cho các địa phương để phát triển, nhưng là quá trình phát triển không đồng đều trên một lãnh thổ có ba vùng chênh lệch: trung nguyên, biên trấn và nội địa. Đấy là chưa nói đến sự móc nối giữa một số tập đoàn ngoại quốc với các công ty ở trong nước.
Những nan đề của Trung Quốc
Hơn 10 năm trước, Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ phát động "Tây tiến" kêu gọi đầu tư vào các tỉnh lạc hậu bị “khoá” trong lục địa. Nhưng thiên nhiên hiểm trở và thị trường lý tài đã làm cho phong trào không đi tới kết quả. Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sau này đề cao khẩu hiệu "tiểu khang" để nhắc nhở đến quyền lợi của khối nhân quần bên dưới. TQ quảng bá “xã hội hài hòa” là một chế độ pháp trị dựa trên công lý và bình đẳng xã hội.
Nhưng địa lý vẫn là nhân tố bất trị. Sau những thập kỷ cải cách, tại khu vực trung nguyên, các tỉnh duyên hải làm giàu nhanh nhất. Ở khu vực nội địa (nằm phía Tây) và khu vực biên trấn (vùng trái độn có ý nghĩa phòng thủ) nông dân vẫn thấy mình bị thiệt thòi, đất đai canh tác bị cưỡng đoạt cho công cuộc đô thị hóa. Hố sâu giàu nghèo bị đào sâu giữa các thành phần dân cư và giữa các tỉnh thành.
Bài toán hợp tan TQ là làm sao thống nhất được trung nguyên, kiểm soát được canh nông, khống chế được nội địa và bảo vệ được vùng biên trấn. Ngay tại trung nguyên, một vấn đề khác cũng từng đặt ra là làm sao quản trị trên vùng đất trù phú và đông dân nhất trong khi mâu thuẫn Bắc-Nam đã nhiều lần xảy ra. Ngày nay, ở miền Nam vẫn nói tiếng Quảng Đông, miền Bắc nói tiếng Quan hoả, và giữa hai vùng là nhiều ngôn ngữ địa phương khác.
Thách đố đặt ra cho lãnh đạo TQ nằm trong hệ thống chính trị quá tập trung. Hệ thống này không có khả năng giải quyết bài toán về hợp tan và phân quyền, vốn dĩ nằm trong cơ cấu địa dư hình thể và cả văn hoá của xứ này. TQ đạt kết quả tăng trưởng cao nhưng lại tốn nhiều tài nguyên vì quyền đầu tư chủ yếu nằm trong tay nhà nước. Đấy là một cách phân bố tài nguyên lãng phí, hiệu năng thấp, chỉ có lợi cho thành phần có đặc quyền.
Trung Quốc thật ra cũng ngập nợ mà bên ngoài không biết. Các công ty đầu tư địa phương được chính quyền lập ra để đi vay tiền và tính đến đầu năm nay mắc nợ ít ra là 1.700 tỷ usd, trên 30% GDP. Hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong tay nhà nước và đang chìm dưới một núi nợ xấu, có thể lên tới 40% GDP. Nếu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế thì nhiều ngân hàng đã phá sản về pháp lý mà vẫn được nhà nước duy trì. Người dân ký thác vào ngân hàng tiền tiết kiệm, tổng cộng khoảng 3.600 tỷ usd.
Thê đội lãnh đạo hiện nay sẽ không còn nhiều thời gian để “dò đá qua sông” mà phải giải quyết các thách thức về chất lượng tăng trưởng trước khi muốn chuyển sang một “pha” mới của cải cách. Báo chí gần đây có nhắc đến cuốn sách của nhà bất đồng chính kiến Dư Kiệt phê phán trực diện Ôn Gia Bảo. Thủ tướng TQ tung ra những ý kiến cổ vũ cải tổ chính trị vừa qua có thể là để tìm cách làm an lòng dư luận trong nhân dân.
Nhu cầu quảng bá cái uy
Trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới về GDP, TQ chuyển dịch từ một cường quốc tiếp nhận thành một đế chế điều hành. Sau một thập kỷ gia nhập WTO, TQ hiện được yêu cầu tham gia trong G20, chứ không chỉ thụ động như trước đây. TQ cùng một lúc đang hoạt động trên cả hai cấp độ: vừa là cường quốc tiếp nhận theo lối truyền thống trên phạm vi quốc tế, vừa trở thành một đế chế điều hành ngày càng năng nổ ở khu vực.
Sẽ không thực tế nếu chờ đợi một TQ như thế mà lại không đóng một vai trò rộng lớn và nổi trội hơn trên thế giới. Vừa có nhu cầu tiếp tục trỗi dậy, vừa muốn quảng bá cái uy của một đại cường đang lên, TQ bắt đầu mở rộng các đòi hỏi về chủ quyền. Tây Tạng và Đài Loan là vùng quyền lợi quốc gia cốt lõi, TQ cảnh báo nước ngoài không được can thiệp vào các vấn đề nội bộ đó. Giờ đây Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chính sách ngoại giao này đối với cả Biển Đông.
Tướng Lưu Tá Châu từng tuyên bố chiến tranh Trung-Việt năm 1979 là để phục vụ cải cách và mở cửa. Muốn hiện đại hóa mà không có viện trợ của phương Tây là nhiệm vụ bất khả thi. Đánh Việt Nam thì viện trợ kinh tế, khoa học-kỹ thuật và vốn đầu tư sẽ chảy vào TQ. Đánh Việt Nam mở ra thời kỳ trăng mật Trung-Mỹ 10 năm, mãi đến 1989 (sự kiện Thiên An Môn) mới chấm dứt. Có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa TQ đã được cất lên từ cuộc chiến tranh biên giới này.
“Cho dù một nước TQ như hiện nay hay một nước TQ cải tổ nhiều hơn nữa như lãnh đạo và các giới tinh hoa của Bắc Kinh vừa kêu gọi thì mục tiêu đại chiến lược của TQ không hề thay đổi. Riêng đối với Việt Nam, phương lược của người làng giềng khổng lồ này từ ngàn xưa và mãi mãi cho tới mai sau vẫn thế!” Đó là lời khẳng định của vị tướng già, cây đại thụ trong làng ngoại giao Việt Nam, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta suốt 13 năm tại TQ Nguyễn Trọng Vĩnh nói với cộng tác viên của SGTT chiều 24/8 tại tư thất.
Lão tướng-đại sứ lâu niên Nguyễn Trọng Vĩnh trầm ngâm khi ông từ quá khứ liên hệ tới hiện tại và tương lai một cách khúc chiết đến bất ngờ: “Bằng các biện pháp ngoại giao, kinh tế và kể cả dùng quân sự TQ luôn luôn muốn giữ Việt Nam trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Các triều đại phong kiến Việt Nam xưa và các chính quyền của nền cộng hòa dân chủ của chúng ta 65 năm qua luôn luôn thi hành chính sách hòa hiếu nhưng độc lập và tự chủ với TQ. Phải luôn nhớ rằng, mọi đe nẹt của TQ đối với bên ngoài chỉ là mặt trái của sự lo lắng, sợ hãi từ bên trong!”
.
* Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp thị: Kỳ 1 và Kỳ 2.
* TS. Đinh Hoàng Thắng nguyên là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan. Bản gốc toàn văn này do Ông gửi riêng cho Nguyễn Xuân Diện- Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả
.
.
.
No comments:
Post a Comment