Monday, August 30, 2010

KỊCH BẢN CHÍNH TRỊ QUANH VỤ "VINH DANH NGÔ BẢO CHÂU" ĐÃ CÓ THAY ĐỔI

Kịch bản chính trị quanh vụ “vinh danh Ngô Bảo Châu” đã có thay đổi
Ngô Huy Liễn

30.08.2010

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=B4ACDD9439498CC6A786646D74D8FC0A?action=viewArtwork&artworkId=11241

.

Sau khi đọc bài “Ngô Bảo Châu, từ huân chương toán học đến ‘kịch bản’ chính trị” của ông Đỗ Đình Bổn, tôi xin đóng góp vài thông tin. Ngoài sự thay đổi kịch bản trong việc đón tiếp GS Ngô Bảo Châu tại sân bay Nội Bài như ông Đỗ Đình Bổn đã ghi nhận, còn có một số thay đổi khác sau đó.

1) Trong buổi lễ vinh danh GS Ngô Bảo Châu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Mỹ Đình, Hà Nội, đêm 29/8/2010, tiết mục “trao Huân chương Hồ Chí Minh” đã không diễn ra. Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước CHXHCNVN, người có quyền quyết định trao Huân chương Hồ Chí Minh, cũng đã không đến dự. Vì vậy chưa biết việc trao Huân chương ấy sẽ diễn ra hay không? Nếu có thì sẽ diễn ra lúc nào (vì GS Ngô Bảo Châu sẽ rời Việt Nam đi Mỹ ngày 05/9/2010)? Nếu không diễn ra thì vì lý do gì?

2) Mấy hôm nay ở Hà Nội trong giới trí thức có nhiều người bàn tán với nhau về việc nên hay không nên “trao Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu”. Trong những lời bàn tán ấy người ta thường nhắc đến (theo hay chống) các quan điểm trong các bài viết trên Tiền Vệ như “Đảng biết trọng nhân tài? Hay chỉ giành vinh dự?” của Lương Thị Nữ Nhi, “Ngô Bảo Châu sẽ nhận Huân chương Hồ Chí Minh hay không?” của Vương Thế Lan, “Một sự xấu hổ” của Luân Nguyễn, “Một vinh dự đểu cáng” của Trần Thị Kim Lệ...

3) Dư luận của trí thức có ảnh hưởng đến sự thay đổi “kịch bản” chính trị của Đảng hay không thì không thể biết được. Nhưng rõ ràng đã có sự thay đổi “kịch bản”.

4) Trong bản tin “Lễ chào mừng GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields 2010”, báo Thanh Niên tường thuật:

Phát biểu mở đầu buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh GS Ngô Bảo Châu, người con ưu tú, nhà khoa học xuất chúng đã đưa VN trở thành quốc gia thứ 2 của châu Á được nhận giải thưởng danh giá Fields. GS Ngô Bảo Châu cũng là người đầu tiên của các nước đang phát triển nhận được vinh dự này. Đây không chỉ là giải thưởng riêng của GS Châu mà còn là phần thưởng cho toán học VN. Sự kiện này còn nhân thêm niềm vui cho toàn Đảng, toàn dân trong thời điểm cả đất nước kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2.9 và đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Thủ tướng cho rằng giải thưởng cao quý của GS Châu là nguồn động viên mạnh mẽ, là tấm gương vươn lên đối với các nhà khoa học của VN. Giải thưởng Fields của GS Châu cũng đã phần nào hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi toàn thể học sinh nhân ngày khai trường: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Nhắc tới đây, Thủ tướng xúc động cho biết ngay trưa nay GS Ngô Bảo Châu và gia đình đã đến viếng và thắp hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với phần thưởng vừa giành được của GS Ngô Bảo Châu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mỗi người trẻ cần phải tranh thủ thời cơ vượt qua thách thức, biến vận hội mới thành sứ mệnh lịch sử cho mỗi chúng ta. Niềm tự hào Ngô Bảo Châu cần được nhân lên mạnh mẽ trong mỗi người trẻ VN. Hiện tại, nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của nước ta hiện nay chính là nguồn nhân lực. Không có một nguồn nhân lực tốt thì không thể có một đất nước phát triển. Chính vì vậy, đó là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Chính phủ và toàn xã hội. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt và mạnh mẽ công cuộc cải cách giáo dục, tạo tiền đề để thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Như vậy rõ ràng ông Thủ Tướng đã cố ghép cái vinh dự của GS Ngô Bảo Châu vào với Đảng và Hồ Chí Minh. Theo như những thông tin tôi thu thập được, việc GS Ngô Bảo Châu và gia đình đã đến viếng và thắp hương Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tiết mục trong kịch bản do Đảng dàn đựng và đạo diễn, không thể làm khác được. Sáng ngày 29/8/2010, Trung ương đã chỉ định một nhóm cán bộ mang xe ô tô đến đón GS Ngô Bảo Châu và gia đình đến khu di tích Hồ Chủ tịch tại Phủ Chủ tịch (không phải viếng Lăng Hồ Chủ tịch, như một số người có thể hiểu nhầm). Cuộc thăm viếng này xảy ra nhanh chóng và có phóng viên chụp ảnh viết bài lập tức. Xem Vnexpress

5) Trong khi đó, bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu hoàn toàn không có một chữ nào nhắc đến Đảng và Hồ Chí Minh. Hơn nữa, GS Ngô Bảo Châu còn nhấn mạnh đến “sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học”, tức là một điều hoàn toàn đi ngược lại Quyết định 97/2009/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 24/7/2009 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/9/2009, trong đó việc nghiên cứu khoa học không được tự do mà phải đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà Nước. Chính cái Quyết định 97/2009/QĐ-TTg đã khiến Viện nghiên cứu phát triển (IDS) tự giải thể ngày 14/9/2009 để phản đối. Chủ tịch Hội đồng Viện là GS Hoàng Tụy, một nhà toán học nổi danh và cũng là một người đã được Đảng và Nhà nước trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” đợt I (1996). Trong quyết định tự giải thể, Viện nghiên cứu phát triển (IDS) nhấn mạnh:

“Trước tình hình như vậy, với một quyết định hạn chế đến mức vô lý quyền nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện nghiên cứu phát triển IDS không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ của mình. Chấp nhận hoạt động theo Quyết định 97, viện IDS và các thành viên sẽ không thể làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng về trí thức mới ban hành, đồng thời không thể làm tròn trách nhiệm công dân và nghĩa vụ người trí thức của mình.”

6) Đây là toàn văn bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu do báo Tiền Phong ghi chép trong buổi lễ vinh danh tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Mỹ Đình, Hà Nội, đêm 29/8/2010:

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng!

Kính thưa Chủ tịch Hội đồng Học hàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân!

Kính thưa các vị khách quốc tế. Kính thưa các thầy các cô giáo, các đồng nghiệp, các bạn sinh viên, học sinh thân mến.

Trước hết, tôi xin bày tỏ tấm lòng cảm kích của tôi đối với nhà nước, chính phủ đã tổ chức buổi lễ mừng công hôm nay với một tấm lòng trân trọng và chân thành.

Tôi thực sự cảm động khi nhận thấy niềm vui, niềm tự hào về giải thưởng Fields đã được chia sẻ với đồng bào cả nước, bắt gặp sự hân hoan, niềm tự hào trong mắt các bạn học sinh, sinh viên trong buổi lễ hôm nay làm niềm hân hoan, tự hào của cá nhân tôi nhân lên nhiều lần.

Lần đầu tiên, giải thưởng Fields, giải thưởng quan trọng nhất của toán học đã được cho một nhà toán học xuất thân từ một nước đang phát triển. Sự kiện này có thể tạo tiền đề cho sự thay đổi lớn về chất nền toán học Việt Nam nói riêng và công tác nghiên cứu khoa học nói chung.

Đó là điều mà cá nhân tôi và rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý khoa học tâm huyết đang rất hy vọng. Nhưng trước khi nói về tương lai, tôi nghĩ, chúng ta nên điểm lại quá khứ để tìm hiểu cái gì là nguyên nhân, những nhân tố tích cực nào đã đưa đến thành công ngày hôm nay.

Tôi xin tâm sự một vài điều. Tôi sinh ra trong kháng chiến chống Mỹ và lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Tuy không ai thích thú những chuyện ôn nghèo, kể khổ, ta vẫn không thể không nhớ rằng những yếu tố đã tạo thành con người của chúng ta, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Ngay khi còn bé, tôi đã hiểu rằng bố mẹ đã phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Gần 20 năm trở lại đây, tôi sinh sống ở nước ngoài, rất lâu ở Pháp và gần đây ở Mỹ, tiếp xúc với cuộc sống của người nước ngoài, tôi hiểu ra một điều rằng: tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa của tôi có thể thiệt thòi hơn về cái ăn, cái chơi nhưng về học tập thì chưa chắc.

Sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống, việc học hành của tôi luôn là ưu tiên số 1 của bố mẹ. Có lẽ, vì bố mẹ là những nhà khoa học nên niềm đam mê khoa học, giá trị tuyệt đối của trí thức đã ngấm vào máu tôi từ lúc nào mà tôi không biết!

Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất nhưng tình yêu trí thức, yêu khoa học trong suy nghĩ chủ quan của tôi vẫn là sự hiếm hoi.

Điều kiện thuận lợi đặc biệt nữa cần kể đến là tuổi học trò của tôi đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng. Tôi hiểu cộng đồng Toán học theo nghĩa rộng.

Từ thầy Tôn Thân - giáo viên chuyên toán trường Trưng Vương đến thầy cô khối chuyên toán A0 trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cho đến nhiều nhà khoa học trẻ thời đó đã dạy tôi với tất cả tâm huyết của mình, hoàn toàn vô tư trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn lúc đấy. Tôi không thể kể tên được hết các anh, nhưng xin lấy một ví dụ, như thầy Phạm Hùng khối chuyên Toán. Tôi đến học thầy trong căn phòng 8 m2, lúc nào cũng nghi ngút khói thuốc bắc vì thầy hay đau ốm, nhưng thù lao thầy nhận từ bố mẹ tôi đôi khi là cân đường, đôi khi là một vỉ thuốc bổ.

Trong cộng đồng toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là một điều hết sức tự nhiên. Gần đây do được cọ xát với một số ngành khoa học khác tôi mới hiểu ra rằng, tinh thần yêu thương đoàn kết trong cộng đồng toán học Việt Nam là cái rất hiếm hoi và đáng quý.

Khoa học của nước chúng ta nói chung và toán học nói riêng chưa có một sự xuất sắc trên thế giới nhưng nếu không có sự đoàn kết, tình yêu thương lẫn nhau cùng tinh thần nghiêm khắc không bao che những yếu kém về học thuật thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác không theo kịp bất kỳ một cơ hội nào để tiến bộ.

Cái may mắn tiếp theo là việc được Chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Pháp học đại học. Là một sinh viên người nước ngoài nhưng trong suốt quá trình học tập ở Pháp, chưa một lần nào tôi cảm thấy mình được kém ưu tiên so với sinh viên Pháp.

Ngược lại, chính giáo sư trưởng khoa toán trường ĐH Sư phạm Paris nơi tôi học đã khuyên tôi nên làm việc với giáo sư Laumon, lúc đó là một nhà toán học Pháp xuất sắc nhất. Ông Laumon là người đã giúp tôi từ một cậu sinh viên thích học toán trở thành nhà Toán học chuyên nghiệp.

Ông là một người thầy tuyệt vời. Trong số 6 -7 học trò của ông thì tính đến nay có 2 được giải thưởng Fields. Và gần đây nhất, cô học trò trẻ nhất của ông đã được phong giáo sư trường Harvard, khi chưa đầy 30 tuổi. Trưởng thành trong nhóm khoa học của ông Laumon và một vài đồng nghiệp do ông lãnh đạo không chỉ có tôi và anh Lafforgue, người đoạt giải thường Fields 2002, mà còn rất nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc khác.

Ôn lại thời gian này, tôi hiểu sự quan trọng của nguồn sức mạnh của nhóm nghiên cứu khoa học, kết hợp những nhà khoa học có tên tuổi, có kinh nghiệm, có hiểu biết nhiều lĩnh vực khác nhau và những sinh viên, nghiên cứu sinh tràn trề đam mê khoa học.

Tôi thực sự hạnh phúc khi giải thưởng Fields tuy trao cho cá nhân tôi nhưng cũng mang lại vinh dự xứng đáng cho cho cộng đồng khoa học Pháp cũng như cộng đồng khoa học Việt Nam.

Mấy năm nay tôi có may mắn hiếm hoi được làm việc tại viện nghiên cứu cơ bản cao cấp ở Princeton. Viện được thành lập từ những năm 30, là nơi Albert Einstein đã làm việc hơn 40 năm. Ngoài một số nhỏ giáo sư cơ hữu mà hầu hết là những nhà toán học, vật lý hàng đầu thế giới, viện thường xuyên đón các nhà khoa học trẻ làm việc trong thời gian 1 đến 2 năm.

Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính lớn từ chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức tư nhân, cách tổ chức công việc hiệu quả của viện Princeton là cái đáng để học tập. Sau 50 năm, một khoảng thời gian không lớn so với lịch sử nghiên cứu khoa học, viện đã trở thành lá cờ đầu của Toán học, Vật lý lý thuyết và đóng vai trò rất lớn trong sự hình thành lịch sử toán học Mỹ, và vào thời điểm hiện tại, đóng vai trò số 1 không phải bàn cãi.

Nếu không có thời gian làm việc ở Princeton, rất có thể, bổ đề cơ bản chưa được hoàn thành ở thời điểm này. Ngoài ra, với sự tiếp xúc với những thiên tài như Gerard Laumon, tôi đã định hình rõ ràng chương trình nghiên cứu tiếp theo của mình sau khi bổ đề cơ bản đã được hoàn thành.

Từ trải nghiệm làm việc ở Pháp cũng như ở Mỹ tôi hiểu ra rằng môi trường học tập lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của những nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn xếp ở vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng trong các nhà khoa học không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.

Cuối cùng tôi xin nhắc đến một người, là nhà khoa học, người bạn lớn của Việt Nam. Đó là ông Henry Rogermortier. Khi còn là sinh viên, Henry đã tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp phản đối chính sách thực dân ở Đông Dương. Sau này, ông đã qua Việt Nam nhiều lần và trở thành người bạn thân thiết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người sáng lập Ủy ban Khoa học kỹ thuật hợp tác Việt - Pháp. Tôi có may mắn sống trong nhà ông nhiều năm, học được rất nhiều từ con người của ông. Ông không bao giờ nói dài như tôi đang làm. Nhưng qua việc làm của ông, tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể xuất xứ, không nhất thiết phải là người thân, cái cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển, trong khoa học, và rộng hơn là trong cuộc sống.

Đấy là điều mà tôi mốn nói với các nhà khoa học Việt Nam, những nhà quản lý và tất cả những người làm cha làm mẹ.

Hiện trạng khoa học và giáo dục của chúng ta chưa được như chúng ta mong đợi nhưng kiến thức của mỗi người và sự cố gắng của Nhà nước, Chính phủ qua những quyết sách đúng đắn dũng cảm chính là tiền đề cho sự chuyển biến theo một chiều hướng tích cực.

Cuối cùng, tôi xin chúc các bạn trẻ luôn giữ được niềm tin, niềm say mê để đi tiếp con đường mình đã chọn!

Xin cảm ơn quý vị!

--------------

Bài liên hệ:

29.08.2010

Ngô Bảo Châu, từ huân chương toán học đến “kịch bản” chính trị - Ðỗ Đình Bổn

[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Chúng ta hãy chờ xem cái “kịch bản” trao Huân chương Hồ Chí Minh có diễn ra theo “dự kiến” hay không, và GS Châu có nhận cái Huân chương Hồ Chí Minh hay không. Qua đó chúng ta sẽ có nhận định đúng hơn về con người của GS Châu. Không phải Huân chương nào cũng đáng để nhận, và một nhà trí thức đúng mực thì không bao giờ nhận những gì không đáng nhận... (...)

26.08.2010

Sự diễn giải của nàng Đông Thi - Luân Nguyễn

[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Trước tiên, tôi xin gửi đến tác giả Trần Thị Kim Lệ lời cảm ơn chân thành vì chị không những bỏ công đọc, mà còn “hiểu” được “cảm giác” của tôi trong bài viết “Một sự xấu hổ”! Những điều chị viết, tôi tin, xuất phát từ lòng nhiệt huyết đối với xã hội Việt Nam. Xin được chia sẻ với tác giả! Song, sự diễn giải nhấn mạnh của chị Kim Lệ đã đi chệch chủ ý của tôi trong bài viết trước đó... (...)

Một vinh dự đểu cáng - Trần Thị Kim Lệ

[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Mọi công dân Việt Nam có quyền tự hào về thành tích của GS Ngô, nhưng Đảng không có cái quyền tự hào đó, vì Đảng đã tạo ra một thực trạng giáo dục bầy hầy, ghê tởm mà mọi người đều thấy rõ. Là một người công tác giảng dạy, tôi càng thấy rõ hơn, thấy hàng ngày. Đảng không hề xây dựng được một nền giáo dục lành mạnh và tốt đẹp chút nào cả... (...)

25.08.2010

Một sự xấu hổ - Luân Nguyễn

[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa nhận huân chương Fields danh giá. Là một công dân Việt Nam, tôi không thể không tự hào về điều đó, vì ít ra, giáo sư Ngô cũng sinh ra và có tuổi thơ ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi biết tin Đảng Cộng sản Việt Nam sắp trao Huân chương Hồ Chí Minh cho giáo sư Ngô, niềm tự hào đó đã biến thành sự xấu hổ ghê gớm... (...)

Ngô Bảo Châu sẽ nhận Huân chương Hồ Chí Minh hay không? - Vương Thế Lan

[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Nhưng nếu cuối cùng việc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ diễn ra, thì ta phải hiểu rằng thực chất đây chỉ là việc giành lấy thành tích của nhà toán học về cho Đảng. Đây không phải là thái độ trọng vọng nhân tài. Nếu Ngô Bảo Châu nhận cái Huân chương Hồ Chí Minh hư hão đó, thì uy tín khoa học của ông sẽ bị cái bóng ma của Đảng CSVN làm vấy bẩn suốt đời còn lại... (...)

Đảng biết trọng nhân tài? Hay chỉ giành vinh dự? - Lương Thị Nữ Nhi

[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Tại sao một cậu bé thần đồng toán học lại phải báo cáo thành tích cho một ông lãnh đạo Đảng (mà chính ông ấy lại là một kẻ dốt toán)? Cái thái độ quan liêu dửng dưng của ông lãnh đạo Đảng chứng tỏ rằng Đảng không hề quan tâm đến toán học hay khoa học gì cả. Đảng chỉ quan tâm đến những thành tích mà cậu bé thần đồng đạt được. Cái trò này chỉ là cái trò chực giành lấy thành tích của một cá nhân làm thành tích của Đảng... (...)

Thôi bà con, xin hãy yên lặng chút đi! Để anh Châu được thảnh thơi bắn một bi thuốc đã nào! - Giao

[VINH QUANG & BÁO CHÍ] ... Không biết Châu biết hút thuốc lá từ hồi nào. Có biết hút thuốc lá, ta mới biết được sự sảng khoái của việc “làm một bi” sau những phút căng thẳng nó ra làm sao. Chúng ta hãy tàm tạm yên lặng nhé, để nhà khoa học của chúng ta được một phút thảnh thơi... (...)

20.08.2010

Giáo sư Ngô Bảo Châu hãy cố mà chịu đựng! - Ðỗ Trung Quân

[VINH QUANG & BÁO CHÍ] ... Nước Pháp biểu lộ vừa đủ thái độ trân trọng và văn hoá ứng xử. Nước ta chưa kết thúc ở đấy. Tuổi nhỏ của giáo sư đã bị báo chí ta xới lên. Trang Blog của giáo sư đã bị trưng bày. Sắp tới sẽ là phòng ngủ và toilet... Giáo sư khổ rồi. Với kiểu cách của báo chí Việt Nam, đời tư của ông sẽ không còn là đời tư nữa... (...)

.

.

.

No comments: