'Song phương là cách hiệu quả nhất'
BBC
Cập nhật: 08:46 GMT - thứ hai, 16 tháng 8, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/08/100816_scs_china_view.shtml
Cuộc tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông dường như đang nóng lên sau khi Hoa Kỳ ngỏ ý quan tâm tới việc giữ ổn định tại đây.
Ngay sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố giải quyết các xung đột một cách hòa bình là "quyền lợi quốc gia" và "ưu tiên ngoại giao" của Mỹ, Trung Quốc tổ chức tập trận tại Biển Đông.
Vậy quan điểm chính thống của Trung Quốc về giải quyết tranh chấp Biển Đông là như thế nào?
Đài BBC hỏi chuyện bà Lý Kiến Vĩ, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Biển thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông của chính phủ Trung Quốc đặt trên đảo Hải Nam:
Bà Lý Kiến Vĩ: Theo cách hiểu của tôi thì lập trường của Trung Quốc luôn là giải quyết tranh chấp một cách hòa bình giữa các quốc gia liên quan, dựa trên luật pháp quốc tế, trong có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Đàm phán về biên giới giữa hai quốc gia thì luôn luôn phải là đàm phán song phương và kinh nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy rằng đàm phán song phương thì hiệu quả hơn cả.
Tất nhiên nếu như trong tranh chấp có bên thứ ba liên quan, thì chắc là bên thứ ba này sẽ muốn tham gia đàm phán. Thế nhưng đàm phán song phương phải là nguyên tắc chủ đạo để đạt kết quả. Và tôi xin lặp lại rằng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình năm 1985 từng nói rằng "hòa bình và phát triển là hai chủ đề chính của thế giới ngày nay".
BBC: Thưa bà, gần đây Hoa Kỳ có bày tỏ quan tâm tham gia giải quyết bất đồng và nói ổn định tình hình ở Biển Đông là quan tâm quốc gia của Mỹ. Bà nghĩ thế nào về việc này?
Bà Lý Kiến Vĩ:Tôi cho rằng, các nước tham gia tranh chấp có thể cân nhắc việc cho phép Hoa Kỳ hợp tác một cách nào đó tương tự như hợp tác ở Vịnh Eden, tức là đơn thuần về mặt lưu thông hàng hải. Và các nước khác có quan tâm về hàng hải cũng có thể đề đạt nguyện vọng với các nước trong khu vực.
Thế nhưng khi nói tới chủ quyền, thì đó hoàn toàn là vấn đề của các nước trong khu vực, những nước có quyền lợi chồng lấn nhau và các nước này sẽ phải giải quyết với nhau, không được có sự can thiệp của bên ngoài.
Tôi rất quan ngại về cách thức mà báo chí phản ánh chủ đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vì nhiều khi báo chí không tường thuật đúng quan điểm của chính phủ các nước. Theo tôi các báo phương Tây đã quá ầm ĩ về sự tham gia của nước thứ ba (ám chỉ tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại hội nghị Arf ở Hà Nội) và điều này chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng việc một nước thứ ba lợi dụng sự kiện quốc tế nào đó để đưa ra ý tưởng của mình một cách rầm rộ, thu hút chú ý của báo giới, cũng không phải là cách làm tốt.
BBC: Bà ngoại trưởng Mỹ đã đề cập tới chủ đề khu vực vì có sự quan tâm của các nước trong khu vực, cũng như Hoa Kỳ. Theo bà điều ấy không nên làm hay sao?
Bà Lý Kiến Vĩ: Tôi nghĩ việc đàm phán, thảo luận tốt nhất là thực hiện song phương trực tiếp giữa các nước với nhau, chứ không nên mang ra diễn đàn chung như vậy.
Các nước, chứ không chỉ Trung Quốc, đều có cách hiểu khác nhau về chủ đề này, dựa trên cơ sở lịch sử, kinh nghiệm thực tiễn của mình và một diễn đàn chung chỉ làm cho cuộc nói chuyện thêm rối rắm.
BBC: Đã một thời gian, không thấy Trung Quốc đưa ra lập luận hay tuyên bố gì mới về đường chín đoạn (đường lưỡi bò khoanh định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông). Quan điểm về đường chín đoạn này hiện ra sao, thưa bà?
Bà Lý Kiến Vĩ: Đường chín đoạn là do lịch s̉ử để lại, nó đã có từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Để đề cập tới chủ đề này, chúng ta phải hiểu nguồn gốc lịch sử của nó, cũng như Trung Quốc phải hiểu quan ngại của các nước ở trong khu vực, vì nó ảnh hưởng tới đời sống của mọi người dân, thí dụ như ngư dân các nước vẫn đang đánh bắt bên trong đường chín đoạn chẳng hạn.
Tất cả những yếu tố đó phải được cân nhắc một cách thận trọng, kỹ càng và để đưa ra một giải thích đầy đủ về đường chín đoạn, cần có thời gian.
Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng không nên và không thể gây ấn tượng là nước lớn có quyền ăn hiếp nước nhỏ. Vậy cho nên lại thêm một lý do nữa để cân nhắc kỹ từng bước trước khi có một cách giải quyết dứt khoát bất cứ chủ đề gì.
Chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề phức tạp và lâu dài. Nhưng thà rằng mất thời gian để giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, từng bước, thì còn hơn là đưa ra quyết định nhanh chóng để rồi sau hối tiếc.
Các nước quan tâm trong khu vực cần ngồi lại để thảo luận với nhau, nhằm giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
BBC: Bà nói nhiều tới giải pháp hòa bình, nhưng có lẽ là khó có thể thuyết phục các nước láng giềng về điều này nếu như mới đây Trung Quốc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ngay tại Biển Đông?
Bà Lý Kiến Vĩ: Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất tập trận ở trong khu vực này. Có quốc gia không nằm trong khu vực này mà còn tới đây tập trận cơ mà? Họ làm vậy là có ý gì?
Nếu muốn nói về việc tập trận của Trung Quốc thì theo tôi cần phải tính tới những yếu tố như vậy nữa.
Tôi cũng cho rằng không nên nhìn nhận các hoạt động đang diễn ra dưới lăng kính nước này đối trọng với nước kia, không đúng bản chât vấn đề.
.
.
.
No comments:
Post a Comment