Monday, August 16, 2010

BÁO TQ : VIỆT NAM SẼ TIẾP TỤC TỔ CHỨC HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG

Báo Trung Quốc: Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông

Nghiên Cứu Biển Đông

Thứ sáu, 13 Tháng 8 2010 00:00

http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/994-viet-nam-se-tiep-tuc-to-chuc-hoi-thao-quoc-te-ve-bien-dong

Đông Phương tảo báo, ra ngày 6/8/2010, tổng hợp phỏng vấn GS. Lý Kim Minh (Đại học Hạ Môn-TQ) và TS. Trần Trường Thủy (Học viện Ngoại giao-VN) bình luận về các diễn biến gần đây tại Biển Đông xung quanh các vấn đề "quốc tế hóa", sự can dự của Mỹ, chính sách của Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia VN tổ chức. (Xem nguyên văn bài phỏng vấn của phóng viên với TS. Trần Trường Thủy tại đây)

---------------------------

Sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Cliton tuyên bố tại Hội nghị ARF được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng trước rằng Nam Hải (Biển Đông) là “lợi ích quốc gia của Mỹ”, vấn đề Nam Hải đã đột ngột trở nên phức tạp. Tuyên bố này đã đi ngược lại nguyên tắc kiên quyết “không quốc tế hóa” vấn đề Nam Hải của Chính phủ Trung Quốc, và dường như đã đánh trúng vào điều mà Việt Nam mong muốn.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn hy vọng có thể thông qua ASEAN quốc tế hóa vấn đề Nam Hải, nhưng đều không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nước. Tuyên bố lần này của Mỹ đã làm cho Việt Nam nhìn thấy khả năng của việc quốc tế hóa vấn đề Nam Hải. Ông Trần Trường Thủy, thành viên của “Nhóm đề tài Biển Đông”, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao - đơn vị đã tổ chức “Hội thảo khoa học về Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông)” vào hồi cuối tháng 11 năm ngoái đã nói với phóng viên của Đông Phương rằng Hội thảo khoa học lần thứ hai đang trong quá trình chuẩn bị . Ông nói rằng, mục đích của lần Hội thảo này là tạo ra một diễn đàn cho các học giả về biển Nam Hải trên toàn thế giới giao lưu, trao đổi quan điểm, đồng thời có thể đưa ra những đánh giá về chiều hướng phát triển của tình hình tại Nam Hải, thậm chí cả những biện pháp giải quyết vấn đề từ góc độ của học giả.

Tuy nhiên, những học giả Trung Quốc tham dự Hội thảo lần thứ nhất đã bày tỏ sự nghi ngờ. Giáo sư Lý Kim Minh thuộc Viện Nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn nói với phóng viên, trong lần Hội thảo trước tại Việt Nam rất khó tìm thấy một học giả nước ngoài nào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, “bởi vì những học giả này đã được phía Việt Nam chọn lựa rất kỹ càng”. Trong lần Hội thảo bao gồm 54 học giả đến từ 22 quốc gia này, dưới sự công kích của rất nhiều học giả nước ngoài về cơ sở pháp lý đối với đường 9 đoạn của Trung Quốc, sáu học giả Trung Quốc hiển nhiên trở thành “phe yếu thế”.

Có bóng dáng của Chính phủ đứng sau Ban Tổ chức

“Nhóm đề tài Biển Đông” của Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao đã được thành lập hơn mười năm, và “quốc tế hóa vấn đề Nam Hải” vẫn luôn là sự theo đuổi của Nhóm. Ngày 26 – 27/11 năm ngoái, Nhóm nghiên cứu này đã tổ chức “Hội thảo khoa học về Biển Đông” dưới danh nghĩa của Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam. Hành động này lúc đó được nhiều người cho rằng là minh chứng rõ ràng cho ý đồ “quốc tế hóa” vấn đề Nam Hải của Việt Nam.

Nhưng ông Trần Trường Thủy lại giải thích với phóng viên rằng Hội thảo đó chỉ “đơn thuần vì mục đích học thuật”, đồng thời nhấn mạnh nhóm nghiên cứu của mình “hoàn toàn độc lập với chính phủ”. Ông Thủy đã giải thích về mục đích của Ban Tổ chức là “muốn nâng cao hợp tác khu vực, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau”.

Nhưng GS Lý Kim Minh lại nói rằng: “(Hội thảo) nhất định có giới quan chức đứng đằng sau, (“Nhóm đề tài Biển Đông” thuộc Học viện Ngoại giao) Học viện Ngoại giao thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam cũng là tổ chức nghề nghiệp toàn quốc có bóng dáng của chính phủ ở đằng sau.” Ông còn tiết lộ, người lúc đó liên hệ mời ông tham gia Hội thảo là Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, toàn bộ chi phí đi lại và ăn ở tại Việt Nam đều do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc chi trả.

Ông Trần Trường Thủy nói: “Quan điểm mà các học giả Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo khác với quan điểm của học giả Việt Nam, cũng như quan niệm phổ biến của các học giả nước ngoài, nhưng những cuộc tranh luận không hề làm cho không khí của Hội thảo trở nên căng thẳng”. Lý Kim Minh là một trong những học giả tham gia phát biểu. Ông hồi tưởng lại,ngay sau khi ông phát biểu xong đã cảm thấy có gì đó “khác lạ”. “ Phát biểu của tôi lúc đó xoay quanh chủ đề phát biểu của Hội thảo, là báo cáo khoa học liên quan đến hợp tác và an ninh tại Nam Hải. Nhưng khi tôi vừa phát biểu xong, một học giả người Anh không bình luận gì về bài phát biểu tôi vừa trình bày, mà lại đặt nghi ngờ về cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn của Trung Quốc. Đây thực chất là những đường đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra từ những năm 1947. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, các quốc gia xung quanh không hề có bất kỳ sự phản đối nào, điều này có thể được cho là đã ngầm thừa nhận. Tại sao bây giờ họ lại đưa ra những ý kiến khác? Các học giả Việt NamMalaysia đều nói nếu chúng ta không bỏ đường 9 đoạn thì chúng ta không bao giờ có thể đứng vững trong vấn đề Nam Hải. Những lời nói của bọn họ mới thật sự là những lời nói không có lý.”

Cố ý lôi kéo Mỹ vào cuộc

Đối với “lập trường mới” của Ngoại trưởng Clinton về vấn đề Nam Hải, ông Trần Trường Thủy cho rằng, tuy Mỹ không phải là một bên có tranh chấp chủ quyền tại Nam Hải, nhưng lại là “cơ chế hỗ trợ cho việc giải quyết vấn đề bằng đa phương”. “Tôi tin rằng Mỹ cũng như các cường quốc khác trên toàn thế giới, vì lợi ích kinh tế của mình đều có nhu cầu về sự ổn định và hòa bình tại Nam Hải, nhằm đảm bảo sự vận hành thuận lợi của các tuyến hàng hải. Hơn nữa đây cũng là lợi ích chung của các bên tại Nam Hải.”

Việc Mỹ dẫn đầu các nước gây khó dễ với Trung Quốc về vấn đề Nam Hải trong Diễn đàn ARF tháng trước, bị đánh giá là hành động của Việt Nam nhằm dựa vào thế của Mỹ để chèn ép Trung Quốc. Ông Trần Trường Thủy tất nhiên không thừa nhận quan điểm này, “Việt Nam hy vọng các nước trên thế giới duy trì sự giao lưu chặt chẽ, Trung Quốc vừa là nước láng giềng của Việt Nam, vừa là một cường quốc trên thế giới. Mỹ cũng là một cường quốc mà Việt Nam muốn thắt chặt quan hệ hơn nữa. Hơn nữa Việt Nam và Mỹ có nhiều lợi ích chung trong khu vực này.” Theo ông Thủy, Việt Nam chỉ hy vọng có thể duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Ông Thủy cũng phủ nhận việc khả năng Việt Nam sẽ cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh làm cảng quân sự. “Trước mắt, chính sách về cảng Cam Ranh của chính phủ Việt Nam vẫn là để phục vụ công cuộc mở cửa cải cách của Việt Nam.”

Nhưng GS Lý Kim Minh lại cho rằng, Mỹ sẽ không để “phí” cảng Cam Ranh lâu, “vấn đề hiện nay là tiền thuê quá cao và áp lực quốc tế, nhưng sớm muộn Mỹ sẽ thuê được cảng Cam Ranh. Bởi nếu thuê được cảng Cam Ranh thì có thể khống chế được toàn bộ Nam Hải. Điều này cũng tương đương với việc Việt Nam sẽ lôi kéo được Mỹ vào vùng biển này.”

Đối với chính sách “gác tranh chấp,cùng khai thác” của chính phủ Trung Quốc, GS Lý Kim Minh đưa ra kiến nghị: “ chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” cần có một kế hoạch và những bước đi cụ thể, không thể chỉ nói không là “ gác tranh chấp” , làm cho các nước khác cho rằng Trung Quốc chỉ hô khẩu hiệu. Chúng ta phải chủ động, có thể mời các quốc gia Đông Nam Á cùng khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển chúng ta kiểm soát. Làm như vậy mới có thể đưa các quốc gia quay lại bàn đàm phán.”

(Nguồn Đông Phương tảo báo (Dong fang zao bao), ra ngày 6/8/2010, tại địa chỉ http://epaper.dfdaily.com/dfzb/html/2010-08/06/node_16.htm)

.

.

.

No comments: