Saturday, August 21, 2010

TRUNG QUỐC : KINH TẾ HẠNG NHÌ, HUNG ĐỒ HẠNG NHẤT

Trung Quốc: Kinh tế hạng nhì - Hung đồ hạng nhất

NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune

August 20, 2010

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4972

.

Và bất an mới là số một…

Nếu là người đa nghi và nhìn đâu cũng thấy âm mưu quỷ quái, ta có thể nghĩ rằng thế giới đang cho lãnh đạo Trung Quốc… uống nước đường!

Chẳng là không ngày nào mà không có tin cho thấy sự lớn mạnh của thế lực kinh tế Trung Quốc.

.

Hôm Thứ Hai 16/8 đầu tuần thì chính Nhật Bản xác nhận rằng sản lượng kinh tế trong quý hai của mình – từ tháng Tư đến tháng Sáu – đã thua kém Trung Quốc. Truyền thông quốc tế lập tức loan tin và bình luận việc Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để thành nền kinh tế thứ nhì thế giới. Nghĩa là sau khi vượt Đức rồi vượt Nhật, Trung Quốc đang trên đà bắt kịp Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia kinh tế còn dự báo thời điểm lịch sử ấy là năm 2030!

Nếu thực tin như vậy thì các kinh tế gia này có thể chiếm giải Nobel về sự lạc quan ngớ ngẩn!

Vì sự thật nó lại không đơn giản như vậy.

.

Sản lượng kinh tế một nước – tạm dùng “Tổng sản lượng nội địa” GDP – thường được đo bằng Mỹ kim. Thí dụ như trong quý hai, GDP của Nhật là 1.288 tỷ Mỹ kim và của Tầu là 1.337 tỷ Mỹ kim. Xét vậy, Trung Quốc quả là đã vượt Nhật, chứ có oan ức gì đâu. Khốn nỗi, đấy là “mệnh giá” – face value – tính bằng đô la. Mà một đô la bên Tầu thì mua được nhiều thứ hơn một đô la ở tại Nhật. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế mới điều chỉnh mệnh giá lý thuyết ấy bằng khái niệm “tỷ giá mãi lực” – purchasing power parity, gọi tắt là PPP. Nếu tính theo tỷ giá này, kinh tế Trung Quốc thực tế đã vượt Nhật Bản từ cả chục năm trước. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì trong năm 2009, sản lượng PPP của Tầu đã hơn gấp đôi của Nhật (tám ngàn tỷ 763 triệu so với bốn ngàn tỷ 165 triệu đô la). Cho nên, chuyện đáng là ầm ĩ từ lâu.

.

Nhưng vì sao mà từ sau Thế chiến II, các nền kinh tế Nhật và Đức đều được tái thiết và phát triển thành thế lực kinh tế hạng nhì hạng ba mà không ai lo sợ về nguy cơ bành trướng? Hoặc vì sao, không ai e ngại nền kinh tế có một tỷ dân của Ấn Độ, hiện đang đứng sau Nhật Bản về sản lượng tính bằng tỷ giá mãi lực?

Mà vì sao, hơn 25 năm trước, thiên hạ nói đến thế lực kinh tế Nhật Bản, một chủ nợ và chủ đầu tư có thể mua đứt nước Mỹ, đến nỗi dân Mỹ đã có phản ứng bài Nhật, rồi suốt 20 năm qua, kinh tế Nhật chưa ra khỏi khủng hoảng? Và nay đang dẫn đầu thế giới và lịch sử về chuyện nợ nần?

.

Sau ba chục năm mở cửa và cải cách kinh tế, Trung Quốc bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa với tốc độ tăng trưởng rất cao. Nhật Bản, Đài Loan rồi Nam Hàn cũng trải qua bước phát triển ấy để tạo ra cái gọi là “phép lạ Đông Á”. Chiến lược của họ là lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng và duy trì hối suất đồng bạc rất thấp để chiếm lợi thế cạnh tranh nhờ bán hàng rẻ. Các nước Đông Nam Á cũng theo sau và vươn lên thành rồng cọp, các nước “tân hưng”.

Nhưng, khác với trường hợp Trung Quốc, các nước Đông Á đã phát triển về cả lượng lẫn phẩm, có mức công bằng xã hội cao hơn, và ô nhiễm môi sinh thấp hơn.

Vậy mà chiến lược phát triển Đông Á cũng có sự bất toàn của nó.

.

Phép lạ Đông Á trở thành huyền thoại – chuyện tào lao mà cứ được lưu truyền – khi Nhật Bản bị bể bóng đầu tư vào năm 1990. Từ đó, Nhật trôi vào chu kỳ suy sụp kéo dài, suốt hai chục năm bị sáu lần suy trầm rồi mắc nợ nhiều nhất cổ kim, tính theo ngạch số tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối so với tổng sản lượng. Dân số Nhật Bản, 127 triệu người, cứ co cụm dần vì hiện tượng lão hóa, với tỷ trọng ngày một cao hơn của người già. Là một xã hội tương đối thuần chủng và coi trọng ổn định, Nhật Bản không dám và không thể tiến hành cải tổ sâu rộng về cơ cấu và không ồ ạt sa thải nhân công. Là một quốc gia dân chủ, Nhật Bản xoay trở bằng giải pháp chính trị sau mỗi đợt bầu cử, dù bất toàn mà không gây loạn. Là một nước tiên tiến, Nhật có nền công nghiệp siêu hạng và dân trí rất cao nên vẫn là một đại gia kinh tế của thế giới.

Sau khi thử nghiệm giải pháp phiêu lưu quân sự trong bước công nghiệp hoá và gây chiến tại Đông Á, Nhật bị bại trận và từ bỏ con đường chinh chiến. Quốc gia này thật ra vẫn giàu mạnh và dù lệ thuộc vào thị trường bên ngoài vì chẳng có tài nguyên nội địa, Nhật bảo vệ nguồn cung cấp và thị trường bằng giải pháp tự do và ôn hòa.

.

Phép lạ Đông Á cũng tan vỡ vào năm 1997, với vụ khủng hoảng Tháng Bảy 1997 tại Thái Lan rồi lan từ Đông Á ra khắp thế giới. Sau vụ suy trầm 1997-1998, các nước Đông Á đều rút kinh nghiệm và trả nợ rồi thì chấn chỉnh lại nền tảng kinh tế cho cân bằng lành mạnh hơn. Khủng hoảng kinh tế đã lật đổ các chính quyền tại chức, nhưng chính trị dù sao cũng dân chủ khiến các nước này bầu lên tầng lớp lãnh đạo mới. Ta không thấy cảnh tắm máu trong bạo động. Quốc gia có nhiều vấn đề nhất sau ba chục năm “ổn định” kiểu độc tài là Indonesia còn cải cách cả kinh tế lẫn chính trị cho hoàn hảo hơn.

.

Trung Quốc chưa đi vào giai đoạn ấy.

Vì địa dư, hình thể và lịch sử, quốc gia độc tài này thật ra không có một chế độ chính trị thống nhất, như một nước theo thể chế liên bang.

Địa dư hình thể khiến Trung Quốc có ba nền kinh tế khác biệt. Lần lượt từ hướng Đông vào trong là 1) nền kinh tế thị trường của các tỉnh duyên hải, 2) kinh tế lạc hậu của các tỉnh bị khoá trong lục địa, và 3) kinh tế còn đói khổ hơn của các vùng phiên trấn, vùng trái độn quân sự, gồm Cao nguyên Thanh Hải tới Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu.

Lịch sử bất an và mặc cảm sợ hãi truyền thống của Trung Quốc – mà biểu hiện có thể thấy từ mặt trăng là Vạn Lý Trường Thành – khiến quốc gia này có phản ứng tự nhiên là bảo đảm sự thống trị của Hán tộc tại khu vực Trung nguyên, chống lại bất ổn và “cách mạng” nổi lên từ khu vực bát ngát ở miền Tây và nguy cơ ngoại xâm tràn vào qua các khu vực phiên trấn. Cách mạng và ngoại xâm – Hung Nô, Kim, Liêu, Mông Cổ, Mãn Thanh, v.v… – đã nhiều lần xảy ra nên mới dẫn tới sự sợ hãi truyền thống đó.

Nhưng chế độ tập quyền của cộng sản chỉ tập trung quyền lực vào một đảng, mà trung ương không có toàn quyền áp dụng một quốc sách phát triển: quyền lực trung ương thường xuyên bị các đảng bộ địa phương thách đố và phá hoại. Thế lực kinh tế của nhiều tỉnh đã gây sức ép rất mạnh cho trung ương và giải pháp thỏa hiệp bên trong đảng là giải pháp bất toàn.

Nguy hiểm hơn vậy, tiến trình phát triển theo chiến lược Đông Á còn đào sâu dị biệt của ba khu vực kinh tế và tinh thần lý tài phổ biến của cả xã hội khiến bất công ngày càng đào sâu, lan rộng. Mà khác hẳn các nước Đông Á kia, khủng hoảng kinh tế tất nhiên dẫn tới động loạn xã hội và thách thức quyền lực của đảng. Sau gần hai trăm năm đói khổ, loạn lạc và lụn bại, lẽ chính danh của đảng là đem lại áo cơm và thỏa mãn tự ái dân tộc bằng thế lực quốc tế cùa đất nước. Điều ấy giải thích nhu cầu bành trướng của một đế quốc đang khôi phục lại vị trí đã mất của mình.

Nhưng chỉ giải thích một phần thôi.

.

Thực tế thì trong lịch sử mấy ngàn năm của xứ này, đây là lần đầu tiên mà một quốc gia nông nghiệp đã sống triền miên trong chế độ tự cung tự cấp đang trở thành một nước công nghiệp cho nhu cầu giao tiếp với thế giới. Trung Quốc cần nguyên nhiên vật liệu và thị trường ở bên ngoài để có thể tăng trưởng, nếu không thì loạn. Đó là nền kinh tế đi xe đạp, không lăn bánh là đổ. Thực chất ít ai nói tới: Trung Quốc là một xứ đói ăn khát dầu và đang cần thiên hạ.

Mà càng tăng trưởng theo chiến lược hướng ngoại kiểu Đông Á là càng đào sâu những dị biệt kinh tế và mâu thuẫn chính trị ở bên trong. Những mâu thuẫn ấy lại đang chồng chất.

Khi thắt lưng buộc bụng người dân để xuất cảng bằng mọi giá – rất bèo và với phẩm chất rất tồi – Trung Quốc có chủ đích định giá đồng bạc rất thấp. Ngoại tệ thu về thì nhà nước độc quyền nắm giữ, với một khối dự trữ làm cả thế giới khâm phục, gần hai ngàn tỷ bốn trâm triệu Mỹ kim. Tài sản ấy cho phép Bắc Kinh múa và đòi khống chế thiên hạ. Chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ chứ có tệ đâu!

Nhưng chiến lược ấy khiến người dân không được hưởng thành quả của sản xuất và doanh nghiệp trong cả chu trình sản xuất, thu mua và xuất cảng, đều có mức lời cực thấp. Có khi còn bán lỗ để tiếp tục tạo thêm việc làm và tồn tại là nhờ trợ cấp của nhà nước, qua tăng chi hay tín dụng ngân hàng, cũng của nhà nước. Tình trạng ấy đã từng xảy ra cho Nhật Bản – chiếm thị phần bất kể lời lỗ – và sẽ dẫn tới khủng hoảng, như đã thấy tại Đông Á.

Lãnh đạo Bắc Kinh có biết vậy mà không thể sửa được.

.

Từ khi lên cầm quyền năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo muốn tái phân lợi tức và đầu tư cho các địa phương nghèo, muốn tiệm tiến điều chỉnh hối suất cho cao hơn để người dân được hưởng và để thị trường nội địa có khả năng tiêu thụ lớn hơn hầu thay thế vai trò đầu máy của thị trường xuất cảng. Những nỗ lực chính đáng ấy đều bị nhiều đảng bộ địa phương cản trở vì xâm phạm vào quyền lợi của họ.

Rồi còn bị nạn tổng suy trầm 2008-2009 chặn đứng: Bắc Kinh phải ráo riết tăng chi và bơm tín dụng cả ngàn tỷ cho doanh nghiệp khỏi sụp, chiếc xe đạp khỏi đổ. Cỗ xe lấn tới, vượt qua Nhật Bản và đang lao vào mé vực mà Nhật Bản chưa thể ngoi lên.

Trong khi ấy, lãnh đạo vẫn phải tìm cách bảo vệ nguồn cung cấp và thị trường bằng chánh sách bành trướng đầu tư, mua chuộc ngoại giao và uy hiếp quân sự.

Khác với phản ứng ngàn năm là xây dựng vùng trái độn trong lục địa, Trung Quốc muốn có thêm vùng trái độn ngoài biển. Vùng biển cận duyên, biển xanh lục, ngoài Đông Hải là vùng trái độn ấy, cho một cường quốc đại lục đang muốn thành cường quốc hải dương. Và hiện nguyên hình một chế độ hung đồ.

Cho nên mới gặp phản ứng của một chuỗi quốc gia hải đảo hay bán đảo ở chung quanh. Và lời cảnh báo của Hoa Kỳ, một siêu cường toàn cầu.

.

Vấn đề vì vậy là một cuộc đua trong ngoài. Trung Quốc bành trướng tới mức nào thì sẽ sụp đổ vì bị tan rã ở bên trong? Nhật Bản bị khủng hoảng mà chế độ dân chủ không tiêu vong. Khi Nhật lâm vào cuộc khủng hoảng đó, thế giới không thèm biết vì bận theo dõi sự sụp đổ và tan rã – từ bên trong – của Liên bang Xô viết. Nhìn vậy, có lẽ ta phải kết luận về sự quỷ quái của thế giới, khi tiếp tục thổi ống đu đủ cho con ếch sớm to bằng con bò.

Mà có lẽ lãnh đạo Bắc Kinh cũng có người hiểu như vậy.

.

Mươi hôm trước, một ông tướng hai sao, thuộc loại “thái tử đảng” vì là con đại tướng và con rể của đại lão đồng chí Lý Tiên Niệm, đã có lời cảnh báo rất lạ trên tờ Phoenix xuất bản tại Hong Kong. Hoa Kỳ là quốc gia thiên tài đã lập ra một cơ chế chính trị khiến kẻ tầm thường cũng có thể lãnh đạo. Tướng Lưu Á Châu này có thẩm quyền nói ra điều ấy vì đã từng là Chính ủy của Binh chủng Không quân và vừa lên làm Chính ủy cho Học viện Quốc phòng thuộc Quân ủy Trung ương. Tất nhiên, ông cũng am hiểu lịch sử Trung Quốc nên nhấn mạnh tới khái niệm ấy vì nó nằm ngay trong tư tưởng của Hàn Phi Tử trong phái Pháp gia.

Nhưng ly kỳ hơn cả, ông còn phê phán cơ chế Trung Quốc là làm cho người có tài cũng bó tay và biến chất thành tồi bại. Và kết luận: Trung Quốc phải cải cách và cải cách theo mô thức Hoa Kỳ, nếu không là bị tiêu vong như Liên Xô! Lập luận ấy cho thấy những tranh luận rất gay gắt và căn bản trong tầng lớp lãnh đạo khi họ phải chuẩn bị Đại hội đảng vào năm 2012 tới đây.

.

Khi nào Trung Quốc có loạn thì chưa ai biết được. Nhưng người Việt thì biết rõ là khi Trung Quốc có loạn, Hà Nội sẽ đổi chủ. Có khi tắm máu. Đấy mới là chuyện đáng chú ý!...[NXN]

.

.

ĐỌC THÊM :

NIỀM TIN và ĐẠO ĐỨC (Bài nói chuyện của LIU YA ZHOU) (tuanvietnam.net)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/niem-tin-va-ao-uc-bai-noi-chuyen-cua.html

TƯỚNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC DÁM NÓI RÕ SỰ THẬT (VOA)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/tuong-cong-san-trung-quoc-dam-noi-ro-su.html

.

.

.

No comments: