TÌM GẶP GIA ĐÌNH CÁC ĐỊA CHỦ THỜI CẢI CÁCH
truongduynhat
11 Aug, 2010, 09:29
http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/247945
Những lúc buồn lại muốn lao xe lên núi. Có những thời khắc không ngồi yên được, cứ muốn ôm vô lăng lao xe ra đường, đến đâu thì đến.
Thoát khỏi Đà Nẵng lúc 9 giờ sáng. Một mình lao mãi đến Đông Hà ăn trưa với Trương Minh Tứ và Lâm Chí Công. Đường Đà Nẵng- Huế- Đông Hà vẫn chật chội, ngột ngạt. Lại bất ngờ nghe Công kể chuyện sàm sỡ của một quan chức Quảng Trị trước kỳ đại hội. Thì ra không chỉ có chuyện Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang (có lẽ chuyện này sẽ trở lại bằng một bài viết khác khi cần).
Cũng vội vàng thôi, vì những Đông Hà, Quảng Trị, Lao Bảo với mình quá quen thuộc rồi, viết chán chê rồi. Từ Cam Lộ chạy ra bắt đầu có được cảm giác khoan khoái khi lao xe giữa rừng. Đường HCM đẹp. Tôi thích và thèm một con đường chạy dọc đất nước với hai khoảng dọc bên đường chỉ toàn rừng xanh. Tiếc rằng thi thoảng thấy những cụm dân cư nhà cứ vươn ra bám sát mặt đường, trông lôm nhôm và phí. Tắt máy lạnh, hạ cửa kính hít ngửi gió rừng ùa ngập xe mà cảm như mình được tắm lại tâm hồn.
Chiều tối đến Hà Tĩnh. Phạm Xuân Nguyên cũng từ Hà Nội chạy vào chờ sẵn. Hà Tĩnh vẫn là thị xã. Một thị xã bé tủn với quang cảnh, phong cách và nếp sống thị không ra thị mà quê chẳng ra quê. Duy nhất một tòa 15 tầng mang tên BMC được xem như “biểu tượng” cho sự… thịnh vượng. Hình như trong thị xã ai cũng biết nhau. Anh Bình (em ruột Phạm Xuân Nguyên) kể nghe vanh vách, đủ thứ chuyện, kể cả gốc tích và những vết hằn, những đàm tiếu để lại của các nhân vật đã đi khỏi Hà Tĩnh, kể cả câu chuyện người ta bán mỏ như thế nào và dùng nguồn tiền bán mỏ cao như núi ấy vào việc gì.
Tối nhậu với những người bạn học anh Nguyên. Họ tổ chức họp lớp sau 35 năm ra trường. Một lớp học chuyên toán của tỉnh Hà Tĩnh ngày xưa mà Phạm Xuân Nguyên khi đó là lớp trưởng. Tuy chưa thấy đẻ ra được một nhà toán học sáng danh nào, lại tòi ra một nhà phê bình văn học tên tuổi như Phạm Xuân Nguyên. Ai đó bảo học toán thì đầu óc và tư duy khô khan là sai. Toán học và thơ văn có điểm giống dễ “hòa trộn” được, đó là óc tưởng tượng. Vì thế, không chỉ hiện tượng Phạm Xuân Nguyên, nhiều nhà toán học đã làm thơ, và nhiều người học toán lại trở thành những nhà thơ tên tuổi hơn cả những nhà thơ học… thơ!
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy một “thằng trẻ” lạ hoắc là tôi ngồi lọt trong cái mâm chuyên toán nổi tiếng kia. Nhưng cũng có mấy người chạy lại ôm vồ lấy hỏi “có phải Trương Duy Nhất không?”. Thì ra trong những người bạn học cũ anh Nguyên có người ngày nào cũng di chuột vào đọc Trương Duy Nhất blog. Blog làm nhiều người biết đến tôi hơn. Và nhờ đó tôi kết được ngày càng nhiều hơn những người bạn quí sau mỗi cuộc hành trình dọc đường gió bụi.
Hôm sau chạy xe ra sân bay Vinh đón ALec. Một gã trẻ người Mỹ mà mới nhìn phát hoảng vì cậu ta cao đến 1m97. Trên đường chạy lại vào Hà Tĩnh, tôi bất ngờ vì sự thông thạo tiếng Việt và cách làm quen rất nhanh của ALec.
ALec tạo cho tôi một ấn tượng lạ bởi quá nhiều điều ngạc nhiên. Tay người Mỹ cao khuều này chấp nhận một cách rất dễ dàng khi trọ trong những khách sạn chất lượng kém mà chúng tôi luôn bực mình. Nhiều lần áy náy dọ hỏi ở thế được không thì ALec luôn miệng “được, tốt”.
Thì ra “hắn” làm rể Thanh Hóa. Vợ ALec là nữ nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, tác giả “Bóng đè” gây sóng gió một thời.
Ba ba ở Hà Tĩnh được cái là ba ba tự nhiên, con nào con nấy cỡ 5 đến 15 ký, chứ không phải 9 lạng một cân như ba ba nuôi công nghiệp trong Đà Nẵng. ALec khiến tôi bất ngờ. Gã ăn được mọi thứ, chả kiêng gì, kể cả mấy loại mắm ruốc mắm tôm mà tôi không bao giờ chấm được.
Hết mấy ngày ở Hà Tĩnh. Cùng ALec và Phạm Xuân Nguyên về Thạch Linh. Trước gọi là xã Thạch Linh, giờ đã thành phường nhưng vẫn toàn tre và lúa, và nếp sống vẫn trùng lắng, nhẹ êm như một vùng quê xưa cũ. Đây là quê ngoại anh Nguyên, và thưở học trò anh sống-học tại nơi này. Chơi thân với nhau quá lâu rồi, nhưng chỉ khi về quê trong chuyến này mới biết ông ngoại anh Nguyên bị kết tội địa chủ trong thời cải cách ruộng đất. Anh Nguyên là cháu ngoại địa chủ, cháu nội lính khố xanh. Nghe nói khi làm hồ sơ kết nạp đảng cũng gian truân lắm. Ừ mà gian truân gì thì đến nay anh cũng đã gần 30 năm tuổi đảng. Trong khi một người có lý lịch 3 đời đỏ lòm như tôi lại vẫn là “thằng” ngoài đảng.
Cả làng Thạch Linh thời cải cách ruộng đất có đến 8 người bị qui địa chủ. Một bị xử bắn, một chết trong trại giam, một người uất quá thắt cổ tự tử sau nhiều ngày bị trói ném vào ổ kiến lửa. Ông ngoại anh Nguyên là Lê Văn Hằng, bị kết tội địa chủ, chết trong lúc giam trong trại. Cho đến mãi bây giờ, con cháu vẫn không biết đích xác ngày chết của ông, chỉ biết chọn ngày khi đó được trại báo lên nhận xác về chôn làm ngày giỗ.
Con, dâu và cháu chắt ông Hằng vẫn còn sống tại làng. Họ vẫn nhớ như in cái cảnh người ta lôi xềnh xệch ông Hằng như lôi… lợn đi đấu tố và ngày nhận xác ông về. Bà Lê Thị Tám, 82 tuổi, con gái ông Hằng (tức dì anh Nguyên) kể: Bà vào đảng năm 1949, đi dân công hỏa tuyến, tăng cường cho tiền tuyến. Nhưng đến năm 1955 vướng vụ cải cách, cha bị kết án địa chủ nên tổ chức nhủ (khuyên bảo) làm đơn xin ra khỏi đảng để “khỏi làm ảnh hưởng đến thanh danh của đảng”.
Vừa rồi, nghe trên bảo làm hồ sơ, kê khai lại thành tích và quá trình tham gia cách mạng để nhận tiền “đền bù”, nghe đâu 3 triệu. Nhưng bà không thèm làm, bởi “lấy chi đền bù nổi và khơi gợi lại nỗi đau uất đó mần chi?”.
Nhưng cũng có người làm. Họ làm không phải vì muốn nhận 3 triệu tiền “đền bù” sai phạm từ thời cải cách, mà vì bây giờ họ đã là đảng viên, là cán bộ quan chức trong bộ máy nhà nước rồi, không nhận lại sợ qui tội thiếu ý thức cách mạng, chống đối chủ trương. Người viết, người không, nhưng dù có viết hay không viết thì đến nay vẫn chưa nghe thấy ai nhận được số tiền 3 triệu gọi là “đền bù” này.
Duy có chung một điều khiến tôi (và có lẽ cả ALec) xúc động đến khâm phục sau mấy ngày tìm gặp hầu hết con cháu 8 địa chủ làng Thạch Linh: Họ sẵn sàng gạt bỏ tội lỗi sai lầm một thời của đảng, không ai nuôi mãi sự hận thù. Tôi tin là ALec nhìn ra được điều này, một tính cách rất Việt
Gần tối ghé tìm một người con địa chủ đặc biệt khác. Đó là ông Mai Văn Niệm, chủ nhân của 3 khách sạn mang tên Đại Bàng ở Hà Tĩnh. Ông Niệm 68 tuổi. Gia đình 4 thế hệ theo cách mạng. Bố ông là Mai Văn Giới, tham gia Việt Minh từ 1939 và trở thành cán bộ Ban chấp hành Việt Minh, vào đảng năm 1944. Ông Giới từng làm Chủ tịch 5 xã trong vùng cho đến năm 1946 lên làm huyện ủy viên. Mẹ ông Giới (tức bà nội ông Niệm) là người phụ trách hũ gạo nuôi quân. Vậy mà đến thời cải cách, ông Giới bị qui địa chủ, thành viên Quốc dân đảng, bị bắt giam 4 tháng rồi xử bắn. Khi đó ông Giới chưa được 30 tuổi. Nghe đâu có qui định ở trên rằng chỉ bắn người trên 30 tuổi, dưới 30 không được bắn. Thế nhưng người ta đã khai man cho ông Giới thành 31 tuổi để bắn ông.
“Nếu nỗi oan Nguyễn Trãi và vụ án Lệ Chi Viên là bi kịch của một giai đoạn bi hùng trong lịch sử dân tộc thì nỗi oan của gia đình tôi là câu chuyện “Lệ Chi Viên Hà Tĩnh”. Đây là một nỗi oan của gia đình. Tôi không hận ai, càng không hận đảng. Chỉ cần một sự công bằng lịch sử chứ không cần một xu nào”. Ông gửi cho chúng tôi một tập hồ sơ dày gần gang tay với chi chít những chữ ký, con dấu của vị này, cấp nọ trong hành trình mấy mươi năm kêu oan cho cha. “Tôi sẽ còn gặp Bí thư tỉnh đề nghị minh oan. Không xong tôi ra gặp tiếp Chủ tịch nuớc. Chủ tịch nước cũng không xong thì tôi tới… Liên Hiệp Quốc. Có thể không được, có thể tôi sẽ nằm lại đâu đó, hay gửi xác lại nơi bên kia địa cầu ngay trước trụ sở Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, nhưng tôi vẫn sẽ đi, quyết đi đến cùng sự việc”- Ông Niệm vừa kể vừa rút khăn lau nước mắt. Những giọt nước mắt cố kìm nén trên khuôn mặt khắc khổ của một ông chủ hàng đại gia đất Hà Tĩnh này. Cha bị bắn, ông bị qui là con địa chủ, con của thành phần Quốc dân đảng phản động, không được sinh hoạt thiếu niên tiền phong, không được vào đoàn. Bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, ông đi chăn vịt, nuôi tằm. Vịt nuôi thì bị đập chết. Nuôi tằm thì bị phá, bị đốt vì “tội” có mưu mô làm giàu bất chính như bố. Khi tậu được một chiếc xe đạp thồ để chở vật liệu xây dựng, củi gạo kiếm sống thì cũng bị tịch thu.
Khi tình hình hơi lỏng (sau thời sửa sai cải cách ruộng đất), ông chuyển sang làm xe bò kéo, rồi nhận thầu. Từ từ thầu từ bé sang lớn, từ cái cổng chợ đến ngôi nhà, rồi sau đó tích cóp dần xây khách sạn… ông bước lên dần dần thành một ông chủ doanh nghiệp hàng đại gia của Hà Tĩnh với hệ thống 3 khách sạn sừng sững mang tên Đại Bàng. Vậy mà mới đây thôi. Khi cho thợ đúc cái hình con đại bàng trên nóc khách sạn liền bị một anh nhà báo tới hỏi thăm, vặn vẹo tại sao lại đúc tượng đại bàng vì đó là loài ăn thịt, và có ý đồ gì khi xây cái mỏ đại bàng chĩa về hướng Thạch Đài?
Quá nhiều chuyện bi thương mỗi khi gợi nhắc về làng. Nhưng vài năm trước, ông vừa bỏ tiền xây cho làng một con đường dài trên 10 km nối Thạch Đài đến Thạch Hà. Con đường đó không có tên, nhưng dân trong vùng luôn gọi là đường Mai Niệm.
“Xem phim “Ma làng” tôi thấy y chang cuộc đời mình. Thậm chí cuộc đời tôi còn tệ hơn thế”. Ông cố gặng cười, một nụ cười chua chát rồi ném thêm một câu khá cay “bây giờ toàn ma trung ương cả, ma làng mà kể vô!”.
Câu nói chia tay và giọng cười gắng gượng của ông Niệm khiến tôi bần thần mãi trong suốt chặng đường chạy ra Vinh. Lịch sử luôn công tâm. Không ai và không một điều gì bị quên lãng.
.
.
XEM HÌNH : http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/247945
.
.
.
No comments:
Post a Comment