Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, August 02, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116851&z=97
Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài
.
Tình báo ISI của Pakistan và sở trường của Hoa Kỳ
Lâu lắm rồi, trong một bữa tiệc có vẻ thanh lịch, người viết được nghe gia chủ yêu cầu một dương cầm thủ trình bày... bản giao hưởng số bảy của Beethoven. Mọi người chết lặng. Nếu có một cỗ đàn điện keyboard thì may ra còn gõ lên vài giai điệu. Chứ một cây đàn piano không thể trình tấu một bản giao hưởng được viết cho mấy chục nhạc cụ.
Cây chuyện vui ấy lại trở về khi theo dõi tin tức về việc WikiLeaks tiết lộ hơn 91,000 tài liệu mật về cuộc chiến tại A Phú Hãn.
.
Thành lập và chủ trương trang điện tử là Julian Assange, một người Úc 39 tuổi. Nghi can đang bị điều tra vì có thể đã cung cấp tin mật cho Wikileaks là một binh nhất người Mỹ, 22 tuổi. Cậu Bradley Manning bị truy tố từ tháng 5 vì chuyển tài liệu mật vào máy điện toán riêng và có thể tiết lộ nhiều bí mật cho báo chí khi phục vụ ngành quân báo tại Iraq.
.
Sở dĩ ta nghĩ đến chuyện đòi dương cầm đánh một bản giao hưởng vì anh lính này và cả Julian Assange chỉ thuộc loại “one man band”, nhạc trưởng kiêm nhạc công trong một dàn nhạc điện tử... cá thể. Một loại “vạn lý độc hành” đầy bất mãn và khật khùng như chú Bradley Manning hay kỹ sư điện toán cực tả và phản chiến như Julian Assange thì chỉ là diễn viên thôi.
Họ không thể là đạo diễn của vụ tiết lộ quân sự được coi là nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ. Còn hơn Daniel Ellsberg và vụ Pentagon Papers thời chiến tranh Việt Nam rất xa, ít ra về số lượng tài liệu mật đã bị công khai hóa.
.
Xin hãy ngẫm lại mà xem: Dù có là phân tách viên về quân báo, làm sao một binh nhất có thể sao chép và chuyển tải một khối lượng tài liệu lớn lao như vậy của nhiều phần vụ khác nhau từ một hệ thống điện toán cũng tuyệt mật, rồi phóng ra cho WikiLeaks tung lên không gian điện toán?
Những ai là đạo diễn của vụ tiết lộ và làm như vậy cho mục tiêu gì? Câu hỏi này có thể không có giải đáp sau rất nhiều cuộc điều tra điều trần của các cơ quan liên hệ. Hoặc sự thật sẽ không thể được trình bày cho trung thực vì nhiều lý do bí hiểm khác. Mà cũng chẳng sao!
Nhìn từ bên ngoài, vụ WikiLeaks này đáng chú ý ở nhiều khía cạnh khác. Ðôi khi những khía cạnh ấy sẽ gián tiếp trả lời cho câu hỏi.
.
Thứ nhất, WiliLeaks chẳng tiết lộ chuyện gì ghê gớm ngoài vài chi tiết ghê tởm về chiến tranh và mặc nhiên trình bày tính chất phi chính nghĩa của cuộc chiến. Mọi cuộc chiến đều có điều ghê tởm cùng vơi một số lầm lẫn chiến thuật của những người trong cuộc. Nhưng cách tiết lộ có chọn lọc rất dễ đưa tới kết luận đó - là phần vụ còn lại của truyền thông báo chí.
Thứ hai, khi phanh phui mặt trái của chiến tranh, nó cung cấp tên tuổi và hình ảnh phương hại cho sự an toàn của dân A Phú Hãn và các binh lính phải phục vụ trong chiến trường này. Ðấy là điều đáng kết án về luân lý. Người ta có thể phản chiến mà vẫn can tội giết người được. Chuyện ấy cũng hợp lý như những kẻ điên trong phong trào bảo vệ súc vật mà gài bom vào một xưởng thuộc da, khiến nhân viên tử nạn! Những chuyện kỳ lạ như vậy quả thật là đáng chú ý.
.
Nhưng đáng chú ý hơn cả không thuộc về nội dung chẳng có gì là bí mật của vụ tiết lộ. Ðáng chú ý là cách báo chí Hoa Kỳ khai thác tin này.
Trước hết, WikiLeaks khéo dùng ba nhật báo đều thiên tả, là tờ The New York Times của Mỹ, The Guardian của Anh và Der Spiegel của Ðức, để trình bày có chọn lọc rồi diễn giải một cách mạch lạc sự phi lý của cuộc chiến. Sau khi tin tức được tiết lộ, trong mấy ngày liền, các bình luận gia thuộc cánh tả của Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến một sự thật khác là chính quyền Barack Obama không liên hệ gì tới những tội ác của chiến tranh A Phú Hãn. Rồi bắt đầu lý luận thêm về mục tiêu đích thực của cuộc chiến: vấn đề không nằm tại A Phú Hãn mà tại Pakistan. Kết luận hàm chứa ở dưới là Hoa Kỳ nên rút khỏi A Phú Hãn và quan niệm lại đối sách với Pakistan.
Nếu hiểu không lầm thì sau khi rút khỏi Iraq, Hoa Kỳ nên sớm rút khỏi A Phú Hãn. Quả là phù hợp với chủ trương của ông Obama!
Nhưng sau đó Hoa Kỳ sẽ phải chuẩn bị rọi đèn vào Pakistan!... Vì sao như vậy?
Vì xuyên qua tin tức và cách bình luận về vụ WikiLeaks, một sự thật mà ai cũng biết nay được xác nhận. Ðó là vai trò của cơ quan Tình báo Liên quân ISI Pakistan (Inter-Service Intelligence). Lần mò vào ngôi rừng bí hiểm đó, người ta bỗng lại thấy... “bàn tay lông lá” của Mỹ.
Cơ quan ISI được một thiếu tướng... Anh thành lập trong quân đội Pakistan từ năm 1948 - khi quốc gia vừa độc lập này còn nằm trong Khối Thịnh Vượng Chung của Ðế quốc Anh - nhằm khắc phục nhược điểm của Cục Quân Báo trong cuộc chiến giữa Pakistan và Ấn Ðộ vào năm đó. Trong 10 năm liền, ISI được bình yên và vô tích sự cho tới vụ đảo chánh năm 1958 của Tướng Ayhub Khan. Trong 10 năm sau đó, ông ta dùng cơ quan này củng cố chế độ của mình, ISI trở thành mật vụ về nội chính, và rất kém khả năng về tình báo đối ngoại.
Sau khi Ayhub Khan bị truất phế năm 1969, Tướng Yahya Khan lên cầm quyền thì ISI bị trôi vào tranh chấp nội bộ. Nhưng khi nội chiến bùng nổ giữa hai phe Ðông Hồi (Liên minh Awami) và Tây Hồi, và Ðông Hồi tách riêng thành xứ Bangladesh năm 1971 thì ISI trở thành công cụ đàn áp dân Bengali đòi ly khai. Sự can thiệp của Ấn Ðộ vào cuộc nội chiến giữa hai phần Ðông và Tây của Pakistan khiến vai trò của ISI bắt đầu được quan niệm lại, nhưng phải mất cả chục năm mới trở thành cơ quan tình báo đối ngoại, và chuyên trị về các lực lượng Hồi Giáo.
Ðấy là lúc Hoa Kỳ nhảy vào giúp sức. Lý do là sự can thiệp của Liên Xô vào A Phú Hãn năm 1979. Cơ quan ISI được tình báo Hoa Kỳ và Saudi Arabia yểm trợ để tiếp tế và huấn luyện các lực lượng kháng chiến Hồi Giáo chống lại chính quyền của đảng Cộng Sản Á Phú Hãn do Liên Xô dựng lên tại Kabul.
Và hiện tượng thẩm thấu đã xảy ra: ISI hỗ trợ kháng chiến Hồi Giáo A Phú Hãn nhưng kháng chiến Hồi Giáo đã thành “Thánh chiến” khủng bố và xâm nhập ngược vào bộ máy ISI. Hai bên sống chung và nhờ cậy lẫn nhau!
Ðộng lực của các tướng lãnh chỉ huy tổ chức này là dùng Thánh chiến Hồi Giáo tấn công các nhóm ky khai của sắc tộc Pashtun, nằm tại vùng biên giới giữa hai nước. Kết quả là phe Pashtun thiên tả bị đánh bại, và Thánh chiến Hồi Giáo thắng lớn! Khi chuyện ấy xảy ra, Hoa Kỳ không thể không biết: ISI được cơ quan CIA và tình báo Saudi Arabia giúp sức để yểm trợ hạt nhân đầu tiên của lực lượng Al-Qaeda - và lãnh tụ Osama bin Laden!
Nhưng mục tiêu của ISI và các tướng lãnh Pakistan lại hơi khác với những tính toán của Hoa Kỳ. Lãnh đạo Pakistan muốn đánh bại phe tả tại A Phú Hãn và lập ra một chính quyền thân Pakistan tại Kabul. Chưa mấy thành công trong mục tiêu đó, ISI lại lâm vào một cuộc chiến giấu tên khác: phong trào nổi dậy của dân Hồi giáo trong khu vực do Ấn Ðộ kiểm soát tại Kashmir vào năm 1989 khiến ISI nhìn từ hướng Tây qua hướng Ðông. Họ yểm trợ các lực lượng Hồi Giáo quá khích tại Kashmir để gây khó cho Ấn Ðộ.
Mà chuyện này cũng không qua mắt được Hoa Kỳ. Năm 1992, bộ Ngoại Giao Mỹ quyết định đưa Pakistan vào danh sách các quốc gia xuất cảng khủng bố và ISI bèn lột xác để khỏi bị trừng phạt.
Lột xác là thay đổi cái vỏ bên ngoài. Thực chất bên trong vẫn còn mục tiêu xây dựng lực lượng Hồi Giáo thân Pakistan tại Kabul. Vì mục tiêu đó, ISI giúp một nhóm Hồi Giáo của dân Pashtun lớn mạnh thành phong trào. Ðó là lực lượng Taliban - theo tiếng Pashtun là “sinh viên.” Sau khi giúp Taliban cướp chính quyền tại Kabul năm 1996, nhiều viên chức ISI còn đưa Osama bin Laden và các lãnh tụ Al-Qaeda từ Sudan về lập hậu cứ tại A Phú Hãn. Chuyện này, Hoa Kỳ thời Tổng Thống Bill Clinton cũng không thể không biết. Chính ông Clinton ra lệnh tấn công một cơ sở Al-Qaeda tại Sudan sau khi bin Laden tổ chức việc tấn công hai sứ quán Mỹ tại Phi Châu!
Nhớ lại vậy, người ta phải thấy bàn tay ISI trong các nhóm khủng bố Hồi Giáo tại cả A Phú Hãn ở hướng Tây lẫn Kashmir ở hướng Ðông. Một viên tướng phụ trách hồ sơ Kashmir này chinh là Pervez Musharraf, người sẽ đảo chánh và nắm chính quyền tại Pakistan vào cuối năm 1999.
.
Vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ đảo lộn trò chơi kỳ lạ ấy.
Tướng Musharraf khi đó vừa lên làm tổng thống được tối hậu thư của Thứ Trưởng Ngoại giao Richard Armitage: Pakistan sẽ trở về thời đồ đá nếu không sát cánh tấn công Al-Qaeda và lực lượng Taliban. Mối quan hệ được xây dựng mấy chục năm giữa ISI và Taliban bị tạm gián đoạn. Tạm thôi, chứ không đảo ngược. Lãnh đạo ISI chọn giải pháp nước đôi: giúp Hoa Kỳ truy lùng đặc công khủng bố của Al-Qaeda nhưng tiếp tục yểm trợ để kiểm soát lực lượng Taliban lẫn các nhóm Hồi Giáo cực đoan khác, kể cả khủng bố Hồi Giáo tại Kashmir, thủ phạm vụ tấn công trụ sở Quốc Hội Ấn Ðộ vào cuối năm 2001.
Hoa Kỳ không thể không biết chuyện này vì gây áp lực rất mạnh với Islamabad. Musharraf chỉ thực sự thay đổi lãnh đạo của ISI khi chính ông bị ám sát hụt vào cuối năm 2003. Nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Ðầu lãnh của ISI có thay đổi, các sĩ quan cấp dưới vẫn giữ liên lạc và yểm trợ Taliban.
Lần thứ ba mà Hoa Kỳ gây sức ép nữa là đầu năm 2004, khi Pakistan phải xua quân vào vùng cấm địa Waziristan tại biên giới để truy lùng các tộc trưởng đang yểm trợ Al-Qaeda. Cơ quan ISI bị nhiều lãnh tụ Taliban nghi ngờ. Nhưng, hậu quả bất lường cho mọi người trong cuộc là sự hình thành của một phong trào Taliban tại Pakistan. Lãnh đạo Pakistan bỗng có hai lực lượng Taliban. Tại A Phú Hãn là loại Taliban “tốt” và tại Pakistan là bọn “xấu”... Trong khi ấy, Hoa Kỳ khỏi cần phân biệt và tiếp tục không tập khu vực tự trị của các sắc tộc tại biên giới giữa hai nước để tiêu diệt bộ phận đầu não của Al-Qaeda đang lẩn trốn ở nơi đó và gặp ác cảm không che giấu của ISI....
.
Chuyện chưa đủ nhức đầu! Quốc Hội Hoa Kỳ không hài lòng với chế độ độc tài của Musharraf và gây áp lực để ông ta phải rút lui. Chính quyền dân sự được bầu lên thay thế vào đầu năm 2008 là một chính quyền yếu. Và không thể kiểm soát được cơ quan ISI. Bên trong ISI, nhiều sĩ quan tiếp tục liên lạc và đỡ đầu cho Taliban tại A Phú Hãn. Họ là ai thì không ai biết rõ.
Cơ quan này do một sĩ quan cấp trung tướng là chỉ huy trưởng. Bên dưới là sáu viên tướng ở cấp thiếu tướng, rồi vài chục chuẩn tướng và cả trăm đại tá... Họ có nhiệm vụ rất rộng lớn, từ tình báo đến phản gián, an ninh nội chính lẫn “Hồi Giáo Vụ” và là thế lực mà lãnh đạo chính trị không thể coi thường, và phải thỏa hiệp để cầm quyền. Thực tế thì cơ quan này là một quân đội trong quân đội và lấy những quyết định có khi đi ngược với quyền lợi của Pakistan, gây ra nhiều vụ khủng hoảng chính trị trong một xứ Hồi Giáo duy nhất có võ khí hạch tâm.
Vì vậy, việc ISI yểm trợ Taliban và cản trở nỗ lực của Hoa Kỳ không là sự lạ, hoặc một bí mật vừa mới được WikiLeaks phanh phui. Khi điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện, một chuyên gia về chiến tranh chống nổi dậy và cố vấn của Ðại Tướng David Petraeus đã cho biết như vậy và khuyên các nghị sĩ nên tham khảo một phúc trình của Giáo Sư Matt Waldman thuộc Ðại Học Harvard đã soạn thảo cho trường London School of Economics. Chẳng thể nào công khai và quốc tế hơn!
.
Quan hệ giữa ISI và Taliban đã có từ lâu rồi. Nó manh nha ít ra đã ba chục năm nay khi chính quyền Jimmy Carter cho can thiệp vào A Phú Hãn để cản trở Liên Xô.
Kết quả ngày nay không phải là nước Mỹ đang sa lầy tại A Phú Hãn. Kết quả ngày nay là Pakistan đang lâm khủng hoảng vì có cái vỏ dân chủ ở trên, bên dưới là một ổ rắn độc. Lãnh đạo xứ này thường xuyên bị ám ảnh bởi mối nguy Ấn Ðộ nên ISI càng yểm trợ Taliban mạnh mẽ hơn vì e ngại Ấn Ðộ sẽ can thiệp vào Kabul và gây thêm sức ép cho Pakistan từ hướng Tây.
.
Hậu quả? Không phải ngẫu nhiên mà sau vụ WikiLeaks, các khuynh hướng phản chiến đều lên tiếng khuyên chính quyền Obama nên xét lại ưu tiên và sớm rút khỏi A Phú Hãn. Ðấy là mục tiêu của các đạo diễn giấu mặt sau vụ WikiLeaks chăng?
Làm sao biết được! Nhưng hậu quả bất lường - như rất nhiều hậu quả bất lường người ta vừa thấy ở trên - là
Vì những mục tiêu nhất thời, nhiều khi Hoa Kỳ đã nuôi ong tay áo. Nhưng yên tâm là trong tay áo người khác. Lần này, có khi đàn ong sẽ vỡ tổ và bay tứ tung từ Trung Á qua Nam Á, hay Trung Ðông và xuống tới Phi Châu. Sở trường của nước Mỹ chăng?
.
.
.
NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune
August 02, 2010
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4880
.
Từ Hồ Sơ Ngũ Giác Đài Đến Tài Liệu Wikileaks
HOÀNG NGỌC NGUYÊN/Việt Tribune
August 02, 2010
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4879
.
.
.
No comments:
Post a Comment