Thursday, August 5, 2010

SỰ ÁP ĐẶT NGUY HIỂM CỦA TRUNG QUỐC

Bình luận của Phương Tây về thái độ hung hăng của Trung Quốc

Sự áp đặt nguy hiểm của Trung Quốc

Patrick Cronin và Paul Giarra

Lê Nguyên Long dịch từ The Diplomat

Theo Viện Những Vấn Đề Phát Triển (VIDS)

Ngày cập nhật: 1/8/010

http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=802&ID=1273

Một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán đang tạo dựng học thuyết Monroe của riêng mình áp đặt lên các vùng biển châu Á.

Quyền lực đang tăng lên mạnh mẽ của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề gây lo ngại.

Một quốc gia khôn ngoan và tư lợi

Suốt một thời gian dài ở Mĩ đã có sự ủng hộ về mặt chính sách của cả hai đảng trong việc nhấn mạnh sự hợp tác đồng thời giảm thiểu sự cạnh tranh với Trung Quốc. Tổng thống Obama, người đã nói rằng mối quan hệ Trung-Mĩ sẽ định hình nên thế kỉ 21, cũng tán thành chủ trương này. Nhưng ở phạm vi rộng, người ta cũng cho rằng một nước Trung Hoa đang trỗi dậy trở lại sẽ trở thành một quốc gia khôn ngoan và tư lợi.

Thực vậy, sự quyết đoán về mặt quân sự và ngoại giao gần đây của Trung Quốc mà rõ ràng được thể hiện ra với sự tự tin thái quá đang tạo nên sự e ngại, đặc biệt đối với vấn đề tự do trên biển.

Theo logic thì giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ muốn giai đoạn yên lặng được kéo dài chứ không phải là lôi kéo sự chú ý tới việc tăng cường từng bước lực lượng vũ trang. Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc đã tập trung vào sức mạnh lục địa, và thái độ nhiệt thành, "chúng ta hãy cùng kinh doanh" của Trung Quốc đã đạt được thành công trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng khi Trung Quốc trở nên có ảnh hưởng hơn, nước này tất yếu cũng trở nên quả quyết hơn trong vấn đề ngoại giao. Sự quả quyết này thể hiện rõ hơn hết trong sức mạnh hải quân của nó, và điều đó thúc đẩy nhiều người đặt câu hỏi: liệu có phải giờ đây Trung Quốc đang trở nên liều lĩnh hơn, đặc biệt là trong vấn đề biển Đông.

.

Bốn quan điểm cho thấy bản chất

Hãy cùng xét đến bốn quan điểm tách biệt mà trên bề mặt dường như không quan hệ với nhau song cả bốn quan điểm lại chỉ rõ những mong muốn đầy tham vọng của Trung Quốc - nếu không muốn nói là một chiến lược "chuỗi ngọc trai" trên thực tế - trên các hải trình thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương:

- Giáo sư Wang Jisi, một trong những học giả tài năng bậc nhất của Trung Quốc khi làm việc với Hoa Kì đã viết rằng khả năng bùng nổ xung đột giữa các nước lớn trong vùng có thể phụ thuộc vào vai trò của hai lực lượng hải quân [tức hải quân Mĩ và hải quân Trung Quốc - người dịch];

- Một học giả hàng đầu khác, giáo sư Shen Dingli của Đại học Phúc Đán, đã phân tích logic trong khẳng định chính thức gần đây rằng biển Nam Trung Hoa (biển Đông) là "lợi ích cốt lõi" của Trung Hoa khi ông viết rằng, "Khi Mĩ cân nhắc quan điểm về việc triển khai hàng không mẫu hạm hạt nhân ở Hoàng Hải, rất gần Trung Hoa, hà cớ gì Trung Hoa lại không nên có cùng cảm giác giống như Mĩ đã có khi Liên Xô triển khai giàn hoả tiễn ở Cuba?" [vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, kết quả của sự đối đầu giữa Mĩ và Liên Xô đứng đầu 2 khối ý thức hệ thời đó - người dịch]

- Một sinh viên Trung Quốc thuộc chương trình trao đổi học giả hiện đang tham gia một chương trình nghiên cứu chuyên sâu mang tên Washington, gần đây đặt câu hỏi liệu xung đột có tất yếu diễn ra giữa một nước Trung Hoa đang trỗi dậy và một nước Mĩ đang suy yếu hay không;

- Và một trong những nhân vật thuộc hàng cao cấp nhất trong bộ máy hoạch định chính sách của chính quyền Hồ Cẩm Đào gần đây đã có hành động vẫy tay về phía một quan chức cấp cao của Hoa Kì và nói, "Tôi biết các ông sẽ làm gì," trong một chỉ dấu rõ ràng về việc can dự ngoại giao của Hoa Kì với một nước láng giềng.

Nếu xét riêng biệt thì bất kì quan điểm nào trong số này cũng có thể bị loại bỏ. Nhưng điều quan ngại là ở chỗ: đó là bộ phận tạo nên một khuynh hướng các tuyên bố của Trung Quốc vượt ra ngoài giới hạn của sự ngạo mạn. Liệu chúng ta có thể giải thích như thế nào về việc Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Bình Nhưỡng trong vụ Bắc Hàn đánh chìm chiến hạm của hải quân Nam Hàn đợt mùa xuân vừa rồi? Trung Quốc cũng chỉ trích một cuộc tập trận trong vùng đã được lên kế hoạch giữa Mĩ và Nam Hàn nhằm gửi tới Bắc Hàn một lời cảnh báo rằng sự gây hấn hung hăng của nước này phải gánh chịu hậu quả.

Ngày càng trở nên rõ ràng rằng Bắc Kinh có thể đã hiểu sai về một chuỗi các phản ứng quốc tế có phần tiêu cực nhưng chắc chắn là với tinh thần hoan nghênh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và sự kết hợp các hành động hải quân hung hăng cùng với các tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc thể hiện một chỉ dấu báo động: sự quyết đoán của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ đang tăng nhanh cùng với sự thịnh vượng về kinh tế và sự phát triển sức mạnh được thừa nhận của Trung Quốc.
Thái độ không dễ chịu một cách có chủ đích của Bắc Kinh dường như đưa đến quan niệm rằng Trung Quốc sẽ không tham gia vào Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu (Global Commons), rằng Tây Thái Bình Dương sẽ không rộng cửa cho tất cả, mà thay vào đó càng ngày càng trở thành một bộ phận thuộc tầm ảnh hưởng riêng biệt của Trung Quốc.

Thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề biển Nam Trung Hoa (biển Đông) đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Vùng biển này gần đây đã được Trung Quốc xác định là một "lợi ích cốt lõi" - cụm từ cũng được Trung Quốc dùng khi nói tới Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương.

.

Không muốn Chia sẻ lợi ích toàn cầu

Trong diễn trình này, Trung Quốc thực tế đang loại bỏ các quan niệm quốc tế về Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu - những vấn đề về hàng hải, hàng không, không gian, lĩnh vực dữ liệu điện toán toàn cầu bao gồm hệ thống trao đổi qua lại của một thế giới toàn cầu hoá. Bởi Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu giúp tạo nên trật tự quốc tế dựa trên cơ sở quyền tiếp cận gần như là không loại trừ cho bất kì nước nào, bộ nguyên tắc luật pháp và quyền tự do lưu thông, cho nên việc Trung Quốc thách thức những nguyên tắc này đã tạo nên những cú tấn công trực tiếp vào nước Mĩ.

Quả thực là Trung Quốc dường như xem xét các chia sẻ lợi ích toàn cầu theo một kiểu cách độc đoán cho riêng mình. Đối với một khu vực nhất định nào đó, người Trung Quốc mong muốn hoặc là thống trị hoặc các nước khác không được phép can thiệp.

Trên thực tế, theo cái nhìn của Trung Quốc thì chẳng có gì là "các chia sẻ lợi ích chung." Việc Trung Quốc coi biển Nam Trung Hoa (biển Đông) như một "mối quan tâm cốt lõi" là một cố gắng áp đặt các giới hạn mà họ tuyên-bố-là-của-Trung-Quốc lên trên năng lực của cộng đồng quốc tế hòng sử dụng luật pháp quốc tế để đòi hỏi các quyền lợi cho mình.

Trung Quốc có hai kiểu tuyên bố bị xem là tuỳ tiện: một khẳng định rằng các vùng biển thuộc chủ quyền Trung Hoa mở rộng tới hầu khắp biển Nam Trung Hoa (biển Đông), và tuyên bố gần đây hơn cho rằng họ có quyền kiểm soát các hoạt động hàng hải và nghiên cứu, cấm đánh bắt cá và các nguồn lợi đáy biển bên trong vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones - EEZ). Nếu không bị thách thức, thủ đoạn lấn dần từng bước ngày càng quyết đoán của Trung Quốc sẽ đem lại những rủi ro cho luật pháp quốc tế, bởi luật pháp quốc tế được xây dựng dựa trên các chuẩn mực.

Ngược lại, học thuyết ngoại giao và quân sự từ trước tới giờ của Mĩ thể hiện rất rõ rằng các lực lượng hải quân - bao gồm cả của Trung Quốc - hoàn toàn có quyền hoạt động trên các vùng biển khơi, thậm chí bao gồm cả các vùng lãnh hải của các quốc gia khác. Để hỗ trợ cho học thuyết này, Washington đã nỗ lực thiết lập một chương trình đối thoại mạnh mẽ và cởi mở với quân đội Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc xem các hoạt động của Mĩ bên trong chuỗi đảo thứ nhất như là sự động chạm đến chủ quyền của mình, bởi Trung Quốc diễn giải Công ước Liên hợp quốc về Luật biển rằng chủ quyền của Trung Quốc mở rộng ra trong giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) (đang còn tranh cãi) của nước này.

Việc Trung Quốc kết hợp chiến lược về pháp luật quốc tế của mình với sức mạnh hải quân đang nói lên rằng: không giống như các bên khác đòi yêu sách đối với vùng biển Nam Trung Hoa (biển Đông), Trung Quốc hỗ trợ cho lời nói của mình bằng sức mạnh quân sự.

Hải quân Mĩ hiện vẫn thực sự là lực lượng hải quân mạnh nhất và duy nhất trên thế giới, và là chỗ dựa và sức mạnh cho Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu, một hệ thống giao thương tự do và sự tiếp cận không giới hạn trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Thực chất, trong quan điểm khác biệt của mình, dường như Trung Quốc lại có mục tiêu khác đối với sự tiếp cận này: một sự tiếp cận giới hạn đối với các nước khác và một sự tiếp cận đặc quyền dành cho Trung Quốc.

Trong khi đó, chiến lược bất đối xứng của Trung Quốc từ chối thương lượng về lãnh thổ và phản đối quyền tiếp cận này đem lại kết quả là một sự bố phòng ngày càng lớn mạnh có chức năng tiêu diệt lực lượng Hải quân, với một hệ thống tên lửa chống tàu với năng lực ngày càng cao và các loại vũ khí khác. Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra tiền lệ cho sự tiếp cận hạn chế trong giới hạn của chính nó và sự tự do bị thu giảm dành cho lĩnh vực hàng hải.

Mĩ sẽ cần phải có một tiến độ thích hợp để phát triển các chiến lược, năng lực và khả năng tương tác với các đồng minh và đối tác trong vùng. Một sự nhấn mạnh tương đương ở tầm mức quốc tế về quyền tiếp cận được đảm bảo đối với Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu sẽ lưu ý rằng cộng đồng quốc tế trông đợi một hệ thống dựa trên bộ luật ứng xử, và không phải là một hệ thống dựa trên việc sử dụng tuỳ tiện sức mạnh và các tuyên bố về quyền sở hữu. Sự tự do của Các Chia sẻ lợi ích Toàn cầu cung cấp một sự hợp lí cho việc hợp tác ngày càng lớn hơn giữa các nước có cùng mối quan tâm bao gồm việc hỗ trợ cho lực lượng hải quân của các bên đối tác và các lực lượng không quân trong vùng.

Cùng lúc, Hoa Kì nên tiếp tục hợp tác hải quân và không quân với các đối tác trong vùng. Các giải pháp bao gồm quyền tự do cho các nhiệm vụ hàng hải, các hoạt động diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm, phối hợp phòng thủ tên lửa, và các nhiệm vụ phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo và ứng phó với thảm hoạ thiên tai cũng như chống cướp biển.

Trên hết, trong khi Bắc Kinh sẽ mong muốn đặt ra điều kiện rằng nó đơn giản khẳng định học thuyết Monroe của chính nó, thì một lực lượng hải quân và không quân mạnh đi kèm với các đồng minh và đối tác là một trong những lời nhắc nhở hữu hiệu nhất rằng sự tương thuận chỉ là giả tạo, và rằng các tuyến đường vận chuyển trên biển đối với vùng Đông Á là những Chia sẻ lợi ích chung phải được bảo đảm quyền tiếp cận cho tất cả các bên.

Một số ý kiến có thể phản bác rằng các hành động quả quyết là mánh lới mà phái cứng rắn trong quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) sử dụng để giành ảnh hưởng. Xu hướng thiên về hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc sẽ nói lên điều khác. Mĩ và các đồng minh nên thúc đẩy và hỗ trợ một môi trường pháp lí và an ninh để thuyết phục Trung Quốc lựa chọn sự hợp tác hơn là đối đầu và liều lĩnh. Bắc Kinh cần được nhắc nhở rằng tất cả các bên đều sẵn sàng cho sự đối thoại hữu ích và hoan nghênh các cơ hội hợp tác ý nghĩa với Trung Quốc, nhưng hành vi gây hấn sẽ gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ, bức tường thành cần thiết cho các thảo luận hiệu quả.

Tóm lại, nói chuyện với Trung Quốc, xây dựng khu vực, bảo vệ Hoa Kì và sức mạnh không gian và hàng hải gắn liền. Đó là các mối lợi ích của tất cả mọi người.

Lê Nguyên Long dịch từ The Diplomat

Patrick M. Cronin là Cố vấn Cấp cao và Giám đốc Cấp cao Chương trình An ninh châu Á tại Trung tâm An ninh Mới của Hoa Kì; Paul S. Giarra là Chủ tịch chương trình Chiến lược và Chuyển đổi Toàn cầu.

.

.

.

No comments: