Tuesday, August 10, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ DẠY VÀ HỌC (7)

Những câu chuyện về dạy và học (7)

Liêu Thái

11/08/2010 1:20 sáng

http://www.talawas.org/?p=23058

.

Chuyện 1: Buổi trưa ở huyện Đại Lộc và người đàn ông đau khổ

Chuyện 2 – Chuyện của La

Chuyện 3 – Câu chuyện ở Huế – Thầy cô bớt đi nhà trọ đi…

Chuyện 4 – Càng dạy nhiệt tình học trò càng hỏng…

Chuyện 5 – Ở trong chuồng sớm muộn rồi cũng lậm mùi chuồng…

Chuyện 6 – Chúng tôi cần một chính sách tử tế

.

Trong chuyến đi này, tôi đi nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều mục tiêu khác nhau cho chuỗi phóng sự mà tôi sắp giới thiệu với quí độc giả. Mỗi câu chuyện như một mảnh rời của một chuỗi dài mối liên hệ nhân quả có liên quan trực tiếp từ vấn đề giáo dục, lịch sử và ý thức hệ. Trong những phóng sự này, tôi chỉ đưa ra những sự việc có thật mà tôi đã nắm bắt, đã “chớp” trên đường mình đi qua.

Chuyện 7 – Thầy H.: Khép con mắt thánh, mở con mắt phàm

.

Trong lúc tôi ngồi nói chuyện với thầy H. và Hành (ngày 25 tháng 7 năm 2010) – một bạn học cũ từng là học sinh giỏi toán toàn quốc những năm 1993–1994, sau này do khó khăn, bỏ học, dính bệnh tâm thần và quanh quẩn ở quê làm dịch vụ vé số, chơi đề… – trong quán nước gần trường cũ tôi học hồi cấp III thì ở Tam Kỳ, sáu chiếc xe Toyota loại 24 chỗ chở các giáo viên trường bán công trong các huyện đến đậu trước cửa Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam với các băng rôn căng trên hông xe có nội dung: giáo viên các trường bán công đến Sở Giáo dục và UBND tỉnh hỏi thông tin xét tuyển. Chỉ vậy thôi, không có gì hơn, nhưng điều này làm cho các cán bộ tỉnh bắt đầu chú ý và mời người đại diện của họ vào thương thảo, nội dung thương thảo được giữ bí mật. Một số phóng viên của đài truyền hình và báo tỉnh cũng có mặt nhưng không được ghi hình và chẳng có dòng thông tin nào về chuyện này trên các phương tiện thông tin vào sáng hôm sau. Các giáo viên được lệnh phải ra về và cử người đại diện của 8 trường bán công (8 hiệu trưởng) đến Sở Giáo dục làm việc…

“Đâu cũng lại vào đấy thôi, vì chắc chắn tám ông/bà hiệu trưởng này là đảng viên, vào trong đó Đảng bộ tỉnh sẽ răn đe và… cuối cùng thì cũng như không… chìm xuồng, uổng tiền thuê xe thì có!” – Hành đã nói vậy khi tôi kể lại nội dung vừa nhận từ điện thoại của cô giáo Nga, cô Nga còn tiết lộ cho tôi biết ai là người châm ngòi cho cuộc này nhưng vì sự an toàn của họ nên tôi không tiện nêu tên. Nghe vậy, thầy H. cười mỉm, có vẻ như thầy không đặt niềm tin hay tơ tưởng gì về chuyện này.

Thầy H. là thầy giáo dạy môn giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu – Điện Bàn từ trước thời tôi còn học cấp ba cho tới bây giờ. Tôi nhớ những ngày mới gặp, thầy là người đàn ông có khí chất mạnh mẽ, tư duy sắc sảo, vốn là sinh viên của hai chế độ; trước năm 1975 thầy là sinh viên Văn khoa Sài Gòn, sau biến cố 30-4–1975, thầy gián đoạn một thời gian rồi thi vào Đại học Sư phạm Huế, sau đó dạy môn lịch sử. Có điều là thầy dạy khá thú vị và kì cục, càng dạy học trò càng thấy ngán ngẩm môn lịch sử vì lúc dạy, thầy dành nhiều thời gian cho việc đọc thơ, bình thơ… Dường như chẳng có học sinh nào học sử của thầy mà nhớ cho rõ một bài để lên trả bài cho thầy vì thầy quan niệm mọi thứ vốn có sẵn trong sách, có giảng thêm chỉ tổ thêm rối mù, lú trí…, thầy thường dạy cho học sinh cách lược chép giáo trình rồi ngồi bình thơ, văn, nhạc, thậm chí có lúc mang cả kinh Phật, tác phẩm của Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư… ra bình. Có lẽ nhờ thầy mà chúng tôi biết thêm về các tác giả này và có thêm niềm đam mê đi lục tìm các tiệm sách cũ. Về sau, thầy “được” chuyển qua dạy môn giáo dục công dân vì môn này hồi đó thiếu giáo viên và dạy cũng không kiếm thêm cơm cháo được gì, ít ai chịu dạy môn này vì ít tiết, không có khí thế để dạy, nếu lỡ dạy rồi thì cũng tìm cách học thêm một bằng khác để thay đổi môn dạy. Và với kiểu dạy lịch sử như thầy thì chỉ còn một cách chọn môn giáo dục công dân mà làm cần câu cơm!

Bẵng đi hơn mười năm, tôi vào Nam học đại học rồi đi làm, trải qua không biết bao nhiêu chuyện, rồi lại về quê, tình cờ hôm nay gặp lại thầy trong quán cà phê, tôi hết sức ngạc nhiên vì nhìn thầy quá lạ lẫm, cái nụ cười hiền pha chút lãng tử, bất cần đời ngày nào không còn nữa, thay vào đó là nụ cười méo xệch, một con mắt mở không tròn như ngày trước. Thấy thầy thay đổi nhiều quá, tôi chạnh buồn, cố tình không hỏi chuyện về con mắt của thầy. Nghiệt nỗi ông bạn tên Hành của tôi cũng chẳng vừa, cứ nhìn thấy gì là hỏi cho ra nhẽ, ngày trước đi học cũng vậy, ông này hay vặn thầy cô lắm. Sau câu hỏi của Hành: “Sao mắt thầy chưa lành?”, thầy H. cười hề hề, chỉ tay vào con mắt bị sụp và nói: “Con mắt này là con mắt thánh, con mắt còn lại là con mắt trần, trong lúc như thế này, thế sự nhiễu nhương, con mắt thánh mở ra mà không giải quyết được gì nên nó đành khép lại…”. Thực tâm thì thấy thầy mình bị con mắt như vậy tôi buồn lắm, nhưng nghe ông nói tôi không nhịn cười được, tôi hỏi tiếp: “Vậy thầy có định khi nào cho con mắt thánh mở lại không vậy thầy?”; thầy H. lại cười hề hề bảo: “Chuyện này thì chỉ khi nào thánh nhập mới nói chuyện được chứ giờ ngồi trong chốn có nhiều phàm tục quá nói không linh!”. Tự dưng tôi thấy yêu quí người thầy gặp quá nhiều trắc trở và buồn tủi này vô hạn!

Theo như lời Hành kể, sở dĩ thầy bị một con mắt mỗi lúc một khép và có nguy cơ sẽ không mở ra được nữa vì trước đây thầy bị một khối u trong não, phải phẫu thuật để cắt nó đi. Do không có tiền để đến những bệnh viện lớn, thầy chữa bệnh theo diện bảo hiểm nhà trường, được chăm sóc cũng không kĩ và trong quá trình phẫu thuật bị đứt một sợi dây thần kinh nào đó nên mắt thầy mỗi lúc một nhắm dần… Tôi thì lại nghĩ khác, nhưng có lẽ không nên nói ra ở đây!

Sở dĩ tôi nói thầy gặp nhiều trắc trở là vì chuyện thu nhập, chỗ ăn chỗ ở đối với người thầy gần hai mươi năm đứng trên bục giảng này luôn là nỗi trăn trở, cũng may về đoạn sau, thầy lập gia đình, vợ thầy cũng là cô giáo, tính hiền, phúc hậu nên cũng chia sẻ được ít nhiều với thầy. Gần hai mươi năm dạy học, lương của thầy bây giờ ở mức 3,33 + 30% [3,33 x 750.000 x 30%] tiền đứng lớp nhân cho 750.000 đồng và trừ đi tiền bảo hiểm xã hội, tiền chi phí công đoàn… còn ngót nghét hai triệu tám trăm ngàn đồng [xấp xỉ với 130 Euro]. Không có thu nhập gì thêm, thầy cô cũng không chăn nuôi thêm được vì không có thời gian, và cũng không có thêm được sào ruộng nào để có hạt lúa giáp mùa, mọi thứ đều phải mua, chuyện con cái ăn học, chuyện phải trái giao tế xã hội… Mọi thứ đều dựa vào đồng lương. Đương nhiên theo qui định nhà nước thì với thâm niên dạy học như vậy, có thể bậc lương của thầy sẽ nhỉnh hơn chút đỉnh, nhưng có lẽ do thầy không có thi đua, khen thưởng gì nên lương của thầy cứ bò chầm chậm điệu rùa vậy thôi.

Thực ra, nếu làm một phép so sánh giữa thu nhập của thầy H. với thu nhập của một người nông dân làm 400 m2 lúa, vài chục mét đất vườn trồng rau hoặc buôn thúng, bán bưng, thì có vẻ như thu nhập của thầy có nhỉnh hơn chút đỉnh. Vì một người nông dân với 400 m2 đất do nhà nước cấp sau “Khoán 10” năm 1995, sau 3 tháng cày sâu cuốc bẫm, chăm nom, thu được chừng 300 kg đến 320 kg lúa, trừ tất cả công cán, phân, thuế thủy lợi và thuốc trừ sâu, người nông dân thu lãi từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng [tương đương 12 đến 18 Euro]. Đương nhiên, nếu như chỉ bám vào đám ruộng thì không cách nào đủ ăn, trong những ngày rỗi việc họ tranh thủ đi buôn rau hành, làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm, bán vé số… để có thêm thu nhập, nhiều người giỏi “cày” mỗi ngày kiếm thêm cũng được 50.000 đồng đến 70.000 đồng [tương đương 3–4 Euro], vị chi mỗi tháng kiếm thêm được từ 1.500.000 đồng đến 2.100.000 đồng [tương đương 70 đến 95 Euro] cũng đủ đi chợ, sửa sang nhà cửa và dành dụm phòng khi đau ốm…

.

Người nông dân đi buôn ve chai trong những ngày trái vụ (Ảnh: Liêu Thái)

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/08/h3-ng__i-nông-dân-_i-buôn-ve-chai-trong-nh_ng-ngày-trái-v_...-400x300.jpg

.

Có những nông dân khá hơn nhờ có nghề thợ hồ, nghề lái máy cày, chạy xe công nông chở cát, chở sạn thuê… thì kiếm được khoản tiền cũng tương đương với mức thu thập của giáo viên dạy giáo dục công dân lâu năm như thầy H. hoặc khá hơn chút đỉnh. Nhưng không phải nông dân nào cũng có cái may mắn ấy, cho đến thời điểm tôi viết những dòng này, trong xóm tôi vẫn còn rất nhiều người đi mò cua, bắt ốc và thậm chí đi bẻ măng trộm để cải thiện đời sống, chính tôi đã hai lần nhìn tận mắt một người đàn bà chạy như ma đuổi sau khi bẻ trộm mấy mụt măng và bị chó dữ rượt. Lúc đó tôi và một người bạn nữa đã rút cây cọc rào rượt lại con chó để giải thoát cho bà. Cũng là sinh kế cả thôi, chẳng biết nói gì hơn!

Các thầy cô cùng ra trường một năm với thầy H. nhưng dạy các môn như toán, lý, hóa, ngoại ngữ thì có vẻ thu nhập khá hơn nhiều, thậm chí có người thu nhập gấp 10, 12 lần thầy H. là chuyện bình thường. Cũng có thể cùng dạy môn như thầy H. nhưng kiêm thêm cán bộ quản lý nhà trường hoặc quản lý công đoàn trường, tham gia ban bí thư đoàn, bí thư đảng của trường thì mức thu nhập sẽ vượt xa, dễ sống, dễ thở hơn.

Thầy Th. Và cô Th. là giáo viên dạy lý và toán cùng trường với thầy H. Ngoài việc dạy chính thức ở trường, thầy cô còn về nhà mở lớp dạy thêm. Trước đây họ dạy thêm tại trường, nhưng sau này có chỉ thị của Sở, Bộ Giáo dục cấm dạy thêm vì làm như vậy các thầy cô sẽ tìm cách ém kiến thức dạy thường ngày để dành cho lúc dạy thêm và nếu học sinh nào không đi học thêm thì sẽ bị thiệt thòi, nhưng cấm ở trường thì họ về nhà dạy, không những vậy họ còn có lý lẽ của họ rằng phụ huynh hoc sinh dắt con tới nhờ họ dạy chứ họ không hề muốn vậy. Và cuối cùng thì không có lý gì để vặn họ được. Tôi tìm hiểu, được biết mỗi học sinh đi học thêm ở nhà thầy cô nộp 50.000 đồng/tháng, học kèm thì 300 ngàn đồng/ tháng. Trung bình mỗi thầy cô dạy thêm từ 5 đến 7 lớp, mỗi lớp chừng 30 tới 40 em, thậm chí những lúc cao điểm, có thầy cô dạy đến mười mấy lớp và số lượng học sinh cũng đông hơn rất nhiều, nhất là những lớp ôn thi tốt nghiệp, thi đại học, có cả học sinh rớt tốt nghiệp, rớt đại học từ năm trước vào học, rất đông. Như vậy trung bình mỗi tháng, thấp nhất các thầy cô này cũng thu được 7 đến 10 triệu đồng, những tháng cao điểm thì gấp vài lần tháng bình thường (20 đến 40 triệu đồng).

Như vậy, so về thu nhập giữa một giáo viên dạy thêm với giáo viên không dạy thêm thì mức chênh lệch lên rất cao, người dạy thêm có thu nhập gấp từ 10 đến 20 lần thu nhập của người kia.

.

Đoàn tàu vận tải chở cát của một ông hiệu trưởng (Ảnh: Liêu Thái)

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/08/h2-_oàn-tàu-v_n-chuy_n-cát-s_n-c_a-m_t-ông-hi_u-tr__ng-400x300.jpg

.

Còn, ở Việt Nam, làm hiệu trưởng một trường cấp ba với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng là một công việc hết sức “thơm” và nhiều người mơ. Trong một nghĩa nào đó, làm hiệu trưởng cũng là làm quan (cỡ bự), nếu không bự sao với mức lương không quá cao, không dạy thêm như vậy mà các hiệu trưởng người thì sắm biệt thự trong thành phố, kẻ sắm xe hơi, có người có cả một đoàn xe vận tải, mở cả công ty vận chuyển… Nói chung, có nhiều thầy cô giáo dạy lâu năm, mức lương tương đương với hiệu trưởng vì thầy cô đó có thêm 30% tiền đứng lớp nhưng không thể nào giàu được, đó là chưa nói đến giàu sụ và quyền uy đầy mình như các hiệu trưởng. Nghiệt một điều là trong giới trí thức sư phạm ở Việt Nam, họ xem hiệu trưởng và những người quản lý giáo dục là những quan to, nhưng họ không có niềm tin và sự nể phục vào nhóm người này, thậm chí có nhiều thầy cô còn cho rằng những kẻ dốt nát, ưa nịnh thường lên làm quản lý kẻ có chữ…

Nếu xét thu nhập của thầy cô có dạy thêm thì thấy một mức thu quá hời, nhưng xét ngược về một gia đình nông dân, có chừng vài đứa con đi học, vẫn còn những gia đình có cả năm, sáu, thậm chí chín, mười đứa con vì họ tự làm tự đẻ tự nuôi, không tuân theo qui định của Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình (vào thời điểm đó là do tướng Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch hóa gia đình) thì mỗi đứa như vậy tốn 150.000 cho tiền học thêm, vài đứa con thì cứ vậy nhân lên, đó là chưa nói đến tiền đóng chính thức, sách vở, áo quần, ăn uống, xe cộ, đau ốm… Chuyện thất học vì nhà đông con là chuyện như cơm bữa ở quê. Ngược lại, các thầy cô có thu nhập cao như vậy nhưng chỉ có từ một đến hai con, vì trước đây họ tuân thủ qui định của nhà nước, nếu họ không tuân thủ sẽ bị phạt, thậm chí đuổi việc. Sự phân bố không đồng đều trong tỉ lệ thu nhập, nuôi con và tiêu thụ của hai thành phần này cũng là một kiểu phân hóa xã hội. Nhưng chuyện này sẽ bàn ở một bài khác.

Chính vì sự không cân xứng trong thu nhập nên phần lớn trong một cơ quan (ở đây là trường học) thường có sự phân rẽ đẳng cấp một cách ngấm ngầm, những giáo viên giàu thường đi chơi chung với nhau, shopping, du lịch, nhà hàng… còn phần lớn những giáo viên nghèo thường rủ rỉ riêng một góc, chiều thứ Bảy lại dắt nhau đi chợ, uống rượu gạo, ra quán thịt chó (vì với họ, thịt chó vừa bổ, vừa ngon mà lại rẻ nữa, hạp với rượu gạo, đỡ phải tốn tiền mua bia…). Và không riêng gì ở một trường, một địa phương xảy ra hiện tượng phân rẽ theo nhóm bộ môn như những thầy cô tôi vừa nêu mà hầu hết, các nơi cũng không khác mấy. Điều này vô hình trung đẩy những giáo viên có thu nhập thấp vào tình trạng mặc cảm, chán chường mỗi lúc một lớn dần và nhiệt tâm dạy học mỗi lúc một vơi đi. Họ ít nhiều thấy mình trở nên bất lực trước gia đình và đồng nghiệp. Trường hợp hai vợ chồng cùng là giáo viên, chồng dạy môn xã hội, vợ dạy môn tự nhiên thì mặc cảm này càng rõ rệt và lớn gấp bội lần. Tôi có biết một thầy giáo cùng trường với thầy H., thầy này dạy môn xã hội, vợ thầy dạy môn tự nhiên, thầy bốn mùa lãnh lương chay, vợ thầy dạy thêm thuộc hàng có số có má trong huyện, thu nhập tháng đỉnh cao có thể lên 40, 50 triệu đồng mỗi tháng, thầy thì suốt ngày lầm lũi dọn dẹp nhà cửa, quét nhà, rửa chén, nấu ăn, đi chợ, giặt đồ, chăm sóc con… Nói chung là trong gia đình, thầy đóng vai trò nội trợ, cô đóng vai trò người đi ra xã hội. Cuộc sống cứ như vậy cho đến ngày mọi việc nổ tung ra, thầy phát hiện ra cô tư tình với học trò của mình, hai người dắt nhau ra tòa, ly hôn. Mọi chuyện đổ vỡ có nguyên nhân hết sức tế nhị.

Trở lại câu chuyện thầy H., dường như thầy cũng không có tiếng nói cho cân bằng trong gia đình, cái thời cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ăn sâu vào quan niệm và máu thịt mọi người, không loại trừ ai, trong đó, ý hướng thực dụng, xem đồng tiền, lương tháng là máu huyết, là thang điểm giá trị đã ngự trị trong từng mái nhà. Thầy H. không có được niềm vui của một người cha, người chồng trong gia đình, ngoài việc đi dạy thầy chỉ còn biết ngồi trước chiếc tivi 24 inch và coi những chương trình mà như thầy nói là mở lên cho đốt thì giờ, chẳng có gì thú vị. Thầy không biết về vi tính, không biết về mạng, nhà thầy cũng không nối truyền hình cáp hay internet. Nói chung, nhìn một người thầy dạy công dân, tôi liên tưởng đến những nhà tu khổ hạnh nhiều hơn là nhà sư phạm truyền đạt tri thức, đạo đức và hướng đạo nhân cách cho học trò trong thế kỉ bùng nổ thông tin này!

Cách đây vài hôm, tôi ghé thầy xin tài liệu về môn giáo dục công dân để chuẩn bị cho những bài viết tới có tính chất so sánh chuyện dạy môn này dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và mái trường tư bản chủ nghĩa… Thấy thầy buồn xo, tôi mời thầy đi uống cốc bia giải khuây, thầy nhận lời. Ra quán, uống đến ly thứ hai, tự dưng, tôi không hỏi, thầy cười buồn nói với tôi: “Chắc là con mắt thánh nó khép luôn rồi em ơi!”. Tôi im lặng. Một lúc sau tôi hỏi thầy: “Thầy dạy môn công dân thấy thế nào thầy?”, thầy trả lời: “Chán, quá chán! Con mắt thánh khép lại luôn rồi!”. Tôi im lặng. Ở bài sau tôi sẽ giới thiệu với quí độc giả một ít thông tin về kiểu dạy công dân và những kiến thức của môn này tại Việt Nam, để quí vị dễ bề so sánh với cách dạy và giáo trình của môn này ở những nước khác.

(Còn tiếp)

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

.

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ DẠY & HỌC (6)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (5)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (4)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (3)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (2)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (1)

.

.

.

No comments: