Những câu chuyện về dạy và học (6)
Liêu Thái
19/07/2010 12:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=22075
.
Chuyện 1: Buổi trưa ở huyện Đại Lộc và người đàn ông đau khổ
Chuyện 3 – Câu chuyện ở Huế – Thầy cô bớt đi nhà trọ đi…
Chuyện 4 – Càng dạy nhiệt tình học trò càng hỏng…
Chuyện 5 – Ở trong chuồng sớm muộn rồi cũng lậm mùi chuồng…
.
Trong chuyến đi này, tôi đi nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều mục tiêu khác nhau cho chuỗi phóng sự mà tôi sắp giới thiệu với quí độc giả. Mỗi câu chuyện như một mảnh rời của một chuỗi dài mối liên hệ nhân quả có liên quan trực tiếp từ vấn đề giáo dục, lịch sử và ý thức hệ. Trong những phóng sự này, tôi chỉ đưa ra những sự việc có thật mà tôi đã nắm bắt, đã “chớp” trên đường mình đi qua.
Chuyện 6 – Chúng tôi cần một chính sách tử tế
.
Nỗi lo mất việc của các thầy cô
Các giáo viên ở Hội An đã hẹn gặp tôi lần này có thâm niên trên dưới mười năm dạy học, họ là nhóm đối tượng hợp đồng xanh. Tôi đến một quán cà phê trên đường Nguyễn Thái Học, gọi điện thoại mời họ uống cà phê để nói chuyện, họ hẹn tôi hai giờ sau mới có mặt đầy đủ vì đang bận việc gia đình, dạy hè và phụ bán cửa hàng đồ lưu niệm…
Những thầy cô hẹn gặp đến nơi. Không đợi tôi đặt vấn đề, H. cô giáo dạy văn của trường Nguyễn Trãi nói ngay: “Em nói trước với anh Thái, em đến đây là em không sợ gì bất kì chuyện nào nữa vì em có sự thật, với em, sự thật là quan trọng nhất! Em cũng đã đọc anh rất nhiều trên internet nên em biết anh muốn gì khi đến đây. Em chỉ nói là riêng về mặt lãnh đạo nhà trường thì ok, tuyệt vời, họ đứng về phía tụi em, họ cũng thấp thỏm lo cho tụi em. Em chỉ bất bình là đi dạy gần mười năm nay mà bây giờ còn phải thấp thỏm cái chuyện tuyển dụng, anh thấy vô lý không? Phải chi lúc đầu không xét tuyển, không xem điểm thì chuyện bây giờ xét tuyển nghe còn bùi tai, đằng này khi tụi em vào hợp đồng phải nộp bảng điểm tốt nghiệp, phải phỏng vấn, phải kiểm tra kiến thức rồi mới được nhận vào dạy thử một thời gian, gần ba năm trời mới được hợp đồng, bây giờ lại cho xét tuyển lại từ đầu thì chẳng ra làm sao! Mà còn phải để tụi em yên tâm mà dạy chứ, trong diện như tụi em, ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác người ta đã vào biên chế lâu rồi, tụi em thì thấp thỏm nghe hết thông tin này đến thông tin khác nào là sẽ xét tuyển, rồi sẽ đưa bớt 30% lên miền cao miền sâu, rồi sẽ thi công chức… Nói chung là chẳng biết đâu mà lần! Cứ mỗi lần họp hội đồng trường về là mỗi lần đau đầu, lo lắng, lấy đâu an tâm để dạy chứ!”
Thấy cô H. nói say quá, tôi định để cô nói tiếp nhưng có người đang ngồi bàn gần đấy lắng nghe, mà anh này thì tôi có biết, có gặp trong vài cuộc hơi nhạy cảm, nên hiểu được anh là ai và nghe để làm gì, tôi chuyển sang hỏi các cô dùng loại nước gì và gọi người phục vụ. Khi cô phục vụ đi rồi thì tôi lấy cớ bàn này hơi chật, nên đổi ra một bàn khác ngoài vườn rộng hơn. Các cô hiểu ý tôi, ra ngoài. Cô L. giáo viên dạy ngoại ngữ hơn mười năm nay, đồng nghiệp của H. nói: “Anh biết không? Hồi đó tụi em học không có chuyện xin điểm hay đi chơi, làm thân thậm chí là quá mức thân với thầy cô để được nâng điểm như bây giờ. Tụi em không biết điểm ảo là gì. Bây giờ mà đem so bảng điểm của tụi em với mấy đám sau, chuyện đó chẳng công bằng tí nào, vì hệ số hồi đó cũng khác bây giờ, hồi đó điểm trung bình là 4, bây giờ là 5, chừng đó là đủ chết tụi em rồi. Vả lại tụi em đã dạy hơn mười năm, chừng đó không đủ khẳng định khả năng sao? Vô lý!”
Tôi hỏi H.: “Ngoài những cái vô lý như vừa nêu thì cô giáo thấy còn điểm vô lý nào nữa không?”, H. trả lời ngay: “Cái này là không cụ thể nhưng nó mọc đầy trong xã hội, đó là cái phong bì, tụi em con nhà nghèo, học kiếm cái chữ, học để làm người và dạy học, tụi em có lòng tự trọng, anh biết là em không những đọc sách của văn học bây giờ đâu, em có cả một tủ sách ở nhà, toàn sách văn học trước 1975, em đọc, tham khảo để cho kiến thức khỏi bị khuyết, em có lòng tự trọng của một giáo viên, em không thể cầm phong bì để làm chuyện đó, em càng không thể hạ mình để xin xỏ những kẻ đang quản lý tụi em theo kiểu áp đặt vì làm như vậy là tiếp tay cho cái xấu, cho tội ác! Mà bây giờ giữa một tình hình như thế này thì tụi em phải làm sao chứ? Tiếp tay cho tội ác à? Hay là nghỉ việc đi buôn?”
H. ngưng một lúc, ngồi uống nước, mắt rơm rớm đỏ. Tôi đốt điếu thuốc, khen bâng quơ mấy câu ngụ ý các cô xinh đẹp, không khí giãn ra lại, H. nói tiếp: “Đó là chưa nói chuyện con ông này ông kia, rồi chuyện đi thi tuyển sinh mà trong hồ sơ còn có kèm một tờ giấy nho nhỏ mang vài dòng gửi gắm của ông A, ông B nào đó với một chữ kí to đùng đến chỗ tuyển dụng, chưa phỏng vấn, chưa thi mà đã thấy có li đậu rồi… Thì làm sao mà tụi em chịu nổi chứ?” H. ngừng, tôi hỏi: “Nhưng cô giáo vẫn chưa cho anh biết rõ hơn về tình hình lương bổng, rồi thực trạng của các cô tại trường?”, “Thì em đã nói rồi đó!” – H. trả lời.
P. giáo viên dạy vật lý nói: “Ý anh Thái nói là mình nói rõ về chuyện tuyển dụng và tương lai cũng như kế hoạch của mình ấy mà! Đúng không anh Thái?”, tôi gật đầu, P. nói tiếp: “Bây giờ thì có vài thầy cô đã chuyển vào Sài Gòn đi phỏng vấn, đi xin việc khác vì họ sợ đến khi nước tới chân thì nhảy không kịp, còn tụi em thì chồng con hết rồi, nếu không nhận vào dạy tiếp thì nghỉ ở nhà đi buôn hoặc làm chuyện gì đó chứ không thể đi xa được, suy cho cùng thì tụi em làm, nỗ lực cũng chỉ vì gia đình, vì tương lai con cái, xã hội một phần, gia đình một phần, nhưng gia đình vẫn là trên hết, anh đồng ý không? Tụi em là người tử tế, tụi em không thể thỏa hiệp với những chính sách không tử tế được, nếu xã hội, chế độ này có công bằng thì phải giải quyết chỗ làm việc ổn định cho tụi em, đừng chơi trò vắt chanh bỏ vỏ, lúc trường bán công mới mở ra, chẳng có ma nào thèm tới học vì nghĩ là chất lượng kém, nhưng qua một quá trình dạy và học, thấy có chất lượng, người ta mới thi nhau đưa con vào trường, và bây giờ Nguyễn Trãi có uy tín đương nhiên là có một phần lớn của tụi em trong đó. Bây giờ đưa giáo viên mới về làm sao hiểu học trò và kinh nghiệm bằng tụi em chứ? Tụi em gầy dựng, lót ổ à? Vô lý! Lẽ ra phải xử sự với tụi em tử tế hơn kia, tụi em học mười mấy hai mươi năm trời, không cần gì cả, chỉ cần một chính sách tử tế, đúng nghĩa con người!” Tôi nhắc P. nhớ là có nhiều người ở đây cũng như P. thôi, sao P. lại nổi nóng như vậy, sẽ không tốt cho chính P. “Em uống chút nước cho nó hạ nhiệt!” – tôi nói. P. phì cười và uống nước.
Tôi xoay sang chuyện chính sách, nhưng có vẻ như các cô giáo không rành mấy về chính sách nhà nước dành cho giáo dục và thậm chí các qui định của Bộ Giáo dục cũng thay đổi liên tục, rối rắm nên các cô không quan tâm, không trả lời câu nào và cô P. chỉ nói là: “Anh thấy đó, năm nay thi tốt nghiệp nhìn khủng khiếp hơn mấy năm trước, dù gì đi nữa thì ông Nguyễn Thiện Nhân cũng là một Bộ trưởng tốt hơn những ông khác, tốt hơn nhiều lần, vì ông ta có ăn học đường hoàng, ông ta chú tâm đến chất lượng học và thi, ở đây em không bàn chuyện học và thi cái gì… nên những năm ông ta làm Bộ trưởng, các kì thi tốt nghiệp nghiêm túc hơn. Năm nay, ông Nhân vừa nghỉ chức Bộ trưởng thì mọi việc đổ xòa ra ngay, các phòng thi lộn xộn không gì bằng, trên lý thuyết thì không cho lộ đề và không cho tài liệu lọt vào phòng thi. Nhưng nghiệt nỗi là Thanh tra [Bộ] lưu động, ba chặp chỗ này ba chặp chỗ kia, có khi là ba chặp đang ở đâu đó trong quán bia vì trường này không thấy thì nghĩ là các ông đang ở trường khác, coi thi mà giống như đi xem bắn pháo bông vậy, lúi húi đi đi đến đến chẳng ra làm sao! Các giám thị thì thực sự chẳng dám nói gì khi có học sinh quay cóp trong phòng thi, vì nhìn tụi nó dữ quá, em và thầy Q. la một đứa vì nó quay cóp quá nhiều lần, nó hỏi lại em là: … tôi mất thi, thầy cô mất mạng, lựa chọn kỹ rồi lập biên bản đi! Tôi sẽ ra khỏi phòng ngay. Thầy Q. thấy vậy nháy em để nó làm gì thì làm… Bó tay anh ơi! Thi cử như vậy thì học hành với dạy dỗ làm gì cho mệt chứ!”. P. nhìn ra đường, mệt mỏi. Tôi nói với P. là mọi việc rối lên như vậy thì cũng khó mà hy vọng nền giáo dục này tốt hơn một sớm một chiều được, chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng vào một sự thay đổi có tính lịch sử nào đấy kia mới được. P. gật đầu đồng tình. Tôi tạm biệt các cô, nghe nặng trĩu, nếu như trước đây tôi nặng trĩu vì chuyện mất chất của một số thầy cô thì bây giờ lại nặng vì chuyện các cô nghiêm túc, tử tế vẫn cứ gặp trục trặc. Kiểu gì rồi cũng thấy nặng trĩu trong lòng.
Trên đường về, tôi ghé thăm Quốc, đứa em kết nghĩa của tôi, nó có cô vợ cũng là giáo viên dạy hợp đồng cho trường bán công Nguyễn Hiền – Duy Xuyên – Quảng Nam, cùng nơi với thầy giáo La dạy sử mà tôi có đề cập trong chuyện 2. Lúc tôi đến cũng là lúc vợ nó đang sinh ở bệnh viện đa khoa Điện Bàn, nó gọi điện thoại hỏi tôi có quen với ai trong khoa sản thì gửi gắm vợ nó giùm vì cô ấy đang tăng huyết áp đột ngột, khó thở nhưng không thấy các bác sĩ quan tâm, kêu ai cũng không được… Tôi gọi nhờ chị bạn đang là trưởng khoa sản, chị nói mình đang ở Sài Gòn nhưng chị hứa sẽ gọi điện gửi giúp. Mười lăm phút sau thì nó gọi lại cám ơn tôi và cho biết là các bác sĩ, y tá đã chiếu cố đến vợ nó, đã trông nom kĩ hơn. Trong đêm đó, cô vợ nó sinh được một bé trai nặng 3,4 kg, nó gọi tôi báo tin vui lúc 12h khuya. Sáng hôm sau, lúc 7h sáng nó gọi tôi, hỏi tôi có tiền cho nó mượn gấp 100.000 đồng [tương đương với 4,5 Euro]. Tôi hỏi: “Em mượn làm gì có một trăm ngàn, mà sao không chuẩn bị để bây giờ lúng túng quá vậy?”, nó nói là mượn để cho các y tá trong phòng hộ sinh, nó cho 150.000 đồng nhưng họ chê ít, không lấy, nó cần thêm 100.000 nữa mới tạm được. Nó tỏ ra rất bực, nói ở đây có vài bác sĩ, vài y tá, hộ lý, người nào cũng có bằng cử nhân, thạc sĩ hết mà sao đối xử tệ hơn một đứa thất học… Tôi khuyên nó không nên nổi nóng và đừng cho vợ biết chuyện này vì như vậy không tốt cho sức khỏe của người mẹ trong lúc hậu sản. Tôi cũng không thể hỏi thêm chuyện gì được, đợi khi thư thái một chút sẽ hỏi nó về những mắc mứu trước đây của vợ nó trong chuyện dạy học. Lần sau vậy!
.
Tôi đóng vai chồng cô giáo
Lẽ ra tôi đã gửi bài này sớm hơn nhưng cô Nga – giáo viên dạy văn trường Nguyễn Trãi [một trong những người gặp tôi tại quán cà phê đã nói ở phần trên] lại nhắn tin cho tôi với nội dung vừa bi quan, chán nản, vừa có dấu hiệu nổi loạn. Vậy là tôi phải tiếp tục chờ tin tiếp theo. Ngày 14 tháng 7 năm 2010, lúc 5h sáng, cô Nga gọi điện thoại rủ tôi cùng đi Tam Kỳ, vào Sở Giáo dục Quảng Nam nộp đơn với cô. Tôi nhận lời. Trên đường đi, cô Nga giải thích lý do rủ tôi cùng đi vì cô đã đi 3 lần nhưng lại bị từ chối nhận đơn, cô rất bực, lý do từ chối là không đầy đủ thủ tục và cách nói khích của người nhận hồ sơ không thuyết phục cô chút nào. Và cô cũng hỏi tôi có mang theo máy ghi âm gì không, cố gắng ghi âm giùm cô để cô có bằng chứng về sự vô lý này. Tôi nói cô cứ yên tâm mà nộp đơn, mọi việc còn lại có tôi lo.
10h, sau chuyến đường dài 70km đầy ổ gà, ổ voi, lô cốt, tôi phải chạy hết sức chậm và cố gắng tránh mọi ổ gà vì cô Nga đang mang thai, hơn nữa khi nghe cô bảo cô có chồng năm năm rồi, lần này là lần thứ hai cô mang thai, lần trước cô mang thai ngoài tử cung, phải phẫu thuật và không cứu được đứa bé, da gà tôi nổi lên từng trận vì nghĩ rằng mình đang chở hai sinh mạng yếu đuối, dễ vỡ trên xe.
Đến số 6 – Trần Phú – Tam Kỳ, tôi dừng xe, đưa tay ra, cô Nga vịn và bước xuống đường một cách khó khăn. Tôi và cô cùng vào bên trong sở, cô Nga dặn tôi nhớ đóng vai chồng cô cho thật ngọt, vậy là tôi phải làm một ông chồng ngoan dìu bà bầu vào phòng nhận hồ sơ. Đến hành lang vào phòng thì hỡi ôi, cô Nga bảo thôi chắc mình về rồi chiều quay lại nộp đơn chứ đông người, chen chúc kiểu này thì chờ tới tối cũng không ăn thua. Tôi khuyên cô cứ bình tĩnh đứng đợi, tôi sẽ có cách.
Trong lúc cô Nga đang đợi, tôi tranh thủ ghé thăm thầy cũ, thầy Hà Thanh Quốc, thầy cán bộ đoàn trường thời tôi học cấp III, bây giờ làm chuyên viên Sở Giáo dục – phòng Phổ thông. Tôi vừa bước vào phòng, ông nhận ra tôi và mời ngồi, ông hỏi tôi đi chơi hay là có chuyện gì, tôi nói là chở vợ đi nộp hồ sơ, ông hỏi thêm là nộp hồ sơ tên gì, tôi nói tên cô Nga, ông nói luôn: “Lần này khó lắm em ơi, vì số lượng hồ sơ quá nhiều, hai ngàn mấy hồ sơ, trong khi đó lượng xét tuyển rất thấp, các thầy ở sở đang nghĩ kế hoạch bốc thăm, hên xui may rủi thôi…” Tôi trả lời thầy: “Dạ, thưa thầy là em chỉ vào đây thăm thầy, lâu quá không gặp, còn chuyện vợ em nộp hồ sơ, thì thôi… chờ may rủi vậy!” Tôi vừa nói đến đây thì thầy Quốc chìa tay bắt tay với tôi: “Ok, em nói vậy thì ok rồi, em ngồi đó chơi, thầy bận vô một số hồ sơ…” Tôi hiểu ý thầy muốn nói gì, chào tạm biệt thầy và lên chỗ cô Nga đang đứng đợi.
.
Giáo viên chờ nộp hồ sơ tại Phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Giáo dục Quảng Nam (ảnh: Liêu Thái)
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/07/LT6-Giao-vien-cho-nop-ho-so-400x300.jpg
.
Cô Nga (áo xanh) đang nộp hồ sơ cho cán bộ (ảnh: Liêu Thái)
.
Lúc đứng đợi tôi nói với Nga là có cách, nhưng cách gì tôi chưa nghĩ ra thì sau đó chừng nửa giờ, anh chàng đứng bên cạnh cô Nga bảo: “Chị ơi, tới lượt em rồi, chị vào nộp đi, em đợi cũng được, chị nộp rồi lo mà về kẻo mệt”. Cô Nga cám ơn và vào bên trong. Cô vừa đặt đơn xuống bàn thì ông cán bộ nhận hồ sơ đeo kính cận bảo: “À, cô này đây, tôi nói luôn với cô là số lượng đông lắm, tôi nhận thì nhận vậy thôi chứ có xét tuyển hay không là còn may rủi, hên xui…” Cô Nga nói: “Tôi dạy mười năm hơn, khi tuyển vào, các ông cũng xét điểm, phỏng vấn, làm đủ mọi thứ, suốt mười năm dạy học, tôi chưa làm mất lòng một em học trò, tôi luôn đặt việc dạy lên hàng đầu, điều này học trò và phụ huynh các em sẽ nói cho ông nghe. Vậy sao các ông đối xử với tôi tệ vậy, tôi phải đi lần thứ tư, trong khi tôi mang thai như thế này đây!” Ông cán bộ nói: “Cô không đủ tư cách làm một giáo viên, cô xử sự lớn tiếng… Tôi sẽ không nhận hồ sơ!”
Những giáo viên đứng bên ngoài xì xầm: “Đúng rồi, chị Nga đúng, sao lại xử sự tệ vậy được, nếu người ta nộp thiếu thì cho gửi bổ sung, có đâu hành hạ người ta bụng bầu dạ chửa đi đi lại lại hai trăm tám chục cây số vậy! Bốn lần bảy hăm tám, đúng rồi, hai trăm tám…” Tôi cảm thấy nếu mình không “ra tay nghĩa hiệp” thì rất có thể cô Nga tiếp tục bị gây khó dễ. Tôi đưa tay ra hiệu mọi người dạt sang hai bên cho tôi bước vào. Tôi nói to: “Chào thầy! Xin lỗi thầy, tôi muốn nói chuyện với thầy 5 phút, ok?”. Ông cán bộ đeo kính cận ngước lên nhìn tôi, mặt hơi tái, vì tôi biết một người “trí thức” như ông mà thấy một tay bặm trợn, để đầu hơi trọc, mặt quần jean, áo pull, móc kính đen giữa cổ áo, mắt lăm lăm thì đường nào cũng phải suy nghĩ lại. Đúng y vậy, ông cán bộ ngước lên nhìn tôi, hỏi: “Xin lỗi, anh cần gì?” Tôi trả lời: “Xin lỗi thầy, vì vợ tôi đang ốm nghén nên hơi nóng nảy, có chi thầy thông cảm cho!” Nói xong tôi vỗ vai cô Nga bảo: “Em bình tĩnh!” Cô Nga im lặng, ông cán bộ nói nhanh một lèo: “Tôi nói thật với anh tôi cũng thông cảm lắm nhưng tôi rất bực cho thái độ cô Nga này lần trước vào đây nộp đơn, hỏi gì cô cũng trả lời trống không, cô bằng tuổi con tôi chứ mấy sao lại vô văn hóa vậy?…” Hình như cô Nga không nghe câu này, tôi gằn giọng, chậm: “Thầy nghĩ thế nào là người có văn hóa? Sao thầy dám mắng vợ tôi vô văn hóa trước mặt tôi? Thầy dựa trên cơ sở nào nói vậy? Thầy coi lại nhé, tôi nhắc lại với thầy là coi lại mình, thầy dám mắng phụ nữ mang thai thì có văn hóa chắc!” Ông cán bộ im lặng, cầm tập hồ sơ săm soi vài ba lần một cách miễn cưỡng, vô cảm rồi bỏ vào đống hồ sơ dày to ứ nự mà tôi đoán chừng gần hai ngàn hồ sơ. Xong ông ta bảo cô Nga đóng một trăm ngàn đồng lệ phí, cô Nga đóng tiền và yêu cầu ghi phiếu thu. Ông cán bộ ngước mặt lên nói: “Cô thông cảm cho tôi, cấp trên qui định tôi thu thì tôi thu chứ không có phiếu phiếc gì hết, nếu cô không đóng thì chịu khó mang hồ sơ về!” Nói xong, ông cán bộ cầm tờ trăm ngàn polymer nhét vào túi áo rồi ra hiệu cho cô Nga đứng dậy tới lượt người khác. Tôi nháy cô Nga thôi bỏ qua và chào ông cán bộ ra về.
Trong lúc ông cán bộ, cô Nga và tôi nói hơi lớn tiếng thì có vài thầy giáo khác cũng đợi nộp hồ sơ đi vào bên trong phòng đứng nhìn, ông cán bộ quát: “Đi ra ngoài hết! Vào đây làm chi!” Mấy thầy giáo im lặng ra ngoài, có vẻ như họ mang nỗi sợ hãi nào đó với ông cán bộ này!
Ra đến cổng, tôi và cô Nga ghé vào cái quán nhỏ trước cổng Sở Giáo dục ngồi uống nước, tôi lại phát hiện ra một điểm nhận hồ sơ khác, đó là bà chủ quán nước, người mập ú, chừng 50 tuổi, mắt lúc nào cũng láo liên, dớn dác nhìn chung quanh khi có ai mang hồ sơ và tiền đến, bà nhận và lui vào bên trong sở, đi ra trở lại với tay không. Lại láo liên, dớn dác… Nhìn thấy cảnh này, cô Nga bảo: “Em nghĩ em rớt là cái chắc, nhiều lý do để rớt, tụi nó chạy ngõ sau kiểu này thì em có mơ cũng không đậu!” Tôi khuyên cô thật bình tĩnh, chuyện gì còn có đó. Cô Nga thở dài.
Tiếng thở dài của cô Nga hoàn toàn có căn cứ, vì cô không phải là con của thương binh, liệt sĩ, không nằm trong diện ưu tiên được cộng điểm của đợt xét tuyển này, vì theo chỉ đạo của cấp trên – Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP; căn cứ Thông tư số 02/2008/TT-BNV ngày 03/3/2008 của Bộ Nội vụ sửa đổi điểm b khoản 1 Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về định mức biên chế, chế độ công tác đối với viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên; Căn cứ Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 05/01/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam về tạm giao chỉ tiêu biên chế hành chính và chỉ tiêu biên chế sự nghiệp năm 2010 tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 29/04/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc ủy quyền tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam – thì:
1. Người dân tộc thiểu số, người tình nguyện phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động, được cộng 30 điểm;
2. Người dự tuyển có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng được cộng 20 điểm;
3. Người dự tuyển có học vị thạc sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; những người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ, công chức cấp xã có thời gian làm việc liên tục tại cơ quan, tổ chức cấp xã từ ba năm trở lên được cộng 10 điểm;
4. Người dự tuyển đang hợp đồng làm giáo viên giảng dạy hoặc đang hợp đồng làm GVTB tại các trường THPT, PT DTNT tại tỉnh Quảng Nam được cộng tối đa 10 điểm; chia ra:
a) Thời gian công tác: cứ hợp đồng làm việc: (đúng chuyên môn nghiệp vụ cần tuyển) ở mỗi năm học thì được cộng 01 điểm (không quá 07 điểm).
b) Được khen thưởng: Cá nhân có bằng khen của Bộ trở lên thì được cộng 02 điểm; đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi cấp tỉnh thì mỗi danh hiệu được cộng 1,5 điểm; đạt danh hiệu giáo viên giỏi; chiến sĩ thi đua cơ sở thì mỗi danh hiệu được cộng 01 điểm (không quá 03 điểm).
Tổng số điểm ưu tiên cho người đang hợp đồng: không quá 10 điểm.
Tính theo thang điểm 200 để xét tuyển. Như vậy, cho dù có học giỏi hoặc đã dạy nhiều năm nhưng với kiểu xét điểm, cộng điểm như thế này, những giáo viên không có “lý lịch đỏ” chắc chắn khó mà lọt được vào nhà nước, biên chế!
“Cứ mỗi bộ hồ sơ nộp một trăm ngàn, hơn hai ngàn rưỡi bộ, vị chi hơn hai trăm rưỡi triệu đồng được nộp vào cho các quan mà không có phiếu thu, không có mã thuế, không có gì ngoài việc xìa tiền, cầm tiền nhét túi, có thần mới biết số tiền ấy về đâu. Đậu hay không đậu là chuyện của giáo viên, được tiền là chuyện của quan giáo dục tỉnh… Ở một đất nước không có sự ổn định thì có dạy cả mấy mươi năm cũng cứ như ngồi trên lửa khi nghĩ tới áo cơm chứ mười năm như cô Nga ông kể ăn thua gì… Tôi nói với ông là cái quán nước mà ông kể là đầu mối của đường dây năm mươi đó. Có cả ngàn lẻ một chuyện bất bình và ốt dột, nhục nhã lắm ông ơi!” – Một giáo viên khác đã có biên chế nói với tôi như vậy khi anh nghe tôi kể chuyện về cô Nga và các thầy cô dạy hợp đồng. Tôi hỏi anh “đường dây năm mươi” là gì, anh trả lời: “Thì hồ sơ có kèm năm mươi triệu đồng, có ràng buộc ngầm… vậy thôi!”
Sau chuyến đi với cô Nga, ngồi lai rai với ông bạn giáo viên đã có biên chế nhà nước, tôi nghiệm ra rằng ở xứ sở này, chuyện giáo dục là chuyện nhạy cảm và đau đớn, để kiếm được chỗ đứng trong ngành, người ta phải trả giá quá đắt, và khi vào ngành, cái điều làm người ta nghĩ đến đầu tiên phải là cơm, áo, gạo tiền… Không thể khác được, vì họ phải lấy lại những gì họ mất. Trừ những thứ đã mất vĩnh viễn: nhân tâm, danh dự và phẩm chất nghề nghiệp… Những thứ này sẽ chết mòn theo dấu mối của lòng tham, sự đục khoét và những vô lý… Điều này do đâu? Tự dưng, tôi thấy những người thầy có nhân tâm còn sót lại thật là đáng kính, nhưng sao hiếm quá!
(Còn nữa)
© 2010 Liêu Thái
© 2010 talawas
.
NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (5)
NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (4)
NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (3)
NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (2)
NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (1)
.
.
.
No comments:
Post a Comment