Friday, August 6, 2010

NGUYỄN HOÀNG VĂN : VỀ ĐẠI HỘI VIII HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Về “Đại Hội Nhà văn Việt Nam”

Nguyễn Hoàng Văn

07/08/2010 12:05 sáng

http://www.talawas.org/?p=23163

.

Sau khi tôi gửi bản câu hỏi phỏng vấn về vụ “Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII” đến nhiều nhà văn trong và ngoài nước, một số người đã tham gia cuộc phỏng vấn từ những góc nhìn khác nhau (như Nguyễn Viện, Liêu Thái, Nguyễn Đăng Thường, Ðỗ Trung Quân, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Quỳnh, Hoàng Ngọc Biên, Thận Nhiên, Nguyễn Quốc Chánh). Một số người khác cũng tham gia, nhưng không bằng cách trả lời các câu hỏi, mà bằng cách gửi một bài thơ hoặc một bài viết ngắn… Dưới đây, tôi xin chuyển đến độc giả một bài viết ngắn của nhà văn Nguyễn Hoàng Văn.

Hoàng Ngọc-Tuấn

_________________

.

Về “Đại Hội Nhà văn Việt Nam”

Nguyễn Hoàng Văn

Theo nhận xét của tôi thì mỗi lần nhà cầm quyền gặp điều gì đó lúc túng, hoặc khó nói, hoặc cần nói thật to, thật nhiều chuyện gì đó; lúc đó sẽ có… Đại hội Nhà văn.

.

Trước đây tôi đã ghi nhận điều này trong một tiểu luận của mình:

Không phải ngẫu nhiên mà, cứ một lần xã hội va chạm với thực tế cay nghiệt của những thí nghiệm chính trị, là một lần giới lãnh đạo lại quan tâm hết mức đến chuyện văn nghệ. Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra năm 1957, là cái năm chứng kiến những hệ lụy thảm khốc của cải cách ruộng đất ở nông thôn và phong trào “Trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực văn nghệ, là hai món hàng nhập từ Trung Quốc. Đại hội thứ hai của cái hội ấy diễn ra năm 1963, là cái năm mà xã hội miền Bắc phân hoá sâu sắc bởi cuộc đấu tranh chống xét lại và chống chủ nghĩa hoà bình, cũng là món hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Rồi đến đại hội lần thứ ba, diễn ra năm 1983 giữa cảnh kiệt quệ, đói nghèo và vỡ mộng: bắt giới văn nghệ chờ đợi suốt mười hai năm chiến tranh đã đành, những lãnh tụ chính trị, trong tư thế của người chiến thắng hãnh tiến, đã bắt họ chờ đợi thêm những tám năm hoà bình cho đến khi không thể nào tiếp tục hãnh tiến được nữa, và phải chờ tới lúc đó thì giới nghệ sĩ mới có được ngày hội của mình, cái ngày hội “tẻ nhạt diễn ra với sự sắp đặt trước, báo cáo tham luận duyệt trước, nhân sự chỉ định trước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp sít sao của Bí thư Trung ương đảng Hoàng Tùng…”[1]

.

Những thực tế cay nghiệt là những thực tế khó nói. Nhà cầm quyền cần nhà văn là để nói thay cho mình, tạo ra “hiện thực” cho mình. Do đó mới có “Đại hội Nhà văn”.

.

Lại nói theo một cái “thuyết” của tôi thì đây là một canh bạc giữa các nhà văn là người “cầm chữ” và chính quyền là kẻ “cầm quyền”.[2] Anh có chữ và anh có quyền, hai anh thương lượng và đổi chác với nhau. Thế cũng gọi là “đại hội”.

.

Trước đại hội toàn quốc đang diễn ra tuần này là “Đại hội Hội Nhà văn khu vực Miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long” khai mạc sáng 16.06.2010 tại đất Bến Tre đồng khởi. Trong cái đại hội con này chúng ta đã có dịp nghe cuộc đối thoại thú vị (nhưng đau đớn) giữa chủ tịch Hữu Thỉnh và nhà thơ Bùi Minh Quốc:

Hữu Thỉnh: Về việc lên tiếng về Hoàng Sa Trường Sa, tôi đã nghe anh Quốc nói nhiều lần, tôi cũng đã báo cáo cấp trên nhưng cấp trên bảo Hội Nhà văn không được lên tiếng.

Bùi Minh Quốc: À, ra thế…[3]

Nói theo nhà cầm quyền Trương Tấn Sang thì nhà cầm chữ Bùi Minh Quốc là kẻ thiếu “bản lĩnh chính trị”, chỉ lạm dụng chuyện “nhạy cảm” như biển đảo để “làm khó” nhà lãnh đạo. Hành xử như ông chủ tịch hội Hữu Thỉnh mới là “có bản lĩnh”.[4]

.

Mà tôi cũng để ý rằng hình như Đại hội Nhà văn nào cũng bị Trung Quốc ám cả.

Thí dụ, đại hội năm 1957 và 1963: nhà cầm quyền hô khẩu hiệu chống xét lại thì các nhà cầm chữ có thẻ hội viên nhai nhải trăng Trung Quốc tròn hơn trăng… Liên Xô.

Đại hội 1983 diễn ra trong giai đoạn bị cấm vận, nhà cầm quyền chỉ biết trông cậy vào Liên Xô. Trung Quốc thì bị Hiến pháp 1982 vạch mặt như là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”. Lúc này các nhà cầm chữ có thẻ hội viên của chúng ta thay đổi thái độ: Trăng Trung Quốc méo hơn Trăng Liên Xô.

Bây giờ thì trăng Trung Quốc là nhất, miễn là trăng đó đừng mọc ở Hoàng Sa hay Trường Sa. Mọc thế rất khó cho… lãnh đạo.

.

Đại hội có diễn ra và có bầu cho những ai thì cũng chỉ là vậy, không ngoài cái quy luật này: Nhà cầm quyền muốn tìm những nhà cầm chữ biết ngắm trăng theo… nghị quyết.


[1] Nguyễn Hoàng Văn, “Ngôn ngữ. văn học và chính trị”, Tiền Vệ.

[2] Nguyễn Hoàng Văn, “Cầm quyền và cầm tri thức”, talawas.

[3] Bùi Minh Quốc, “Cần dứt khoát đổi mới tổ chức hội”, Viet-studies.

[4] Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, sáng 19-6, nhân kỷ niệm 84 năm “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam” (21-6-1925/21-6-2009). Xem bài“‘Bản lĩnh chính trị’ của nhà báo VN”, BBC.

.

.

.

No comments: