Tường An, thông tín viên RFA
2010-08-06
Cộng đồng người Việt tại các nước Đông Âu, Liên Xô có cuộc sống khá khác biệt với những cộng đồng người Việt khác ở hải ngoại.
Sau hơn 20 năm hình thành, mặc dù có nhiều khó khăn, những người Việt tại đây cũng đã tạo nên một chỗ đứng cho mình với những đặc thù của một xã hội VN thu nhỏ mà nổi tiếng nhất là những khu chợ lồng mang màu sắc rất VN. Thông tín viên Tường An có dịp ghé thăm các khu chợ này và tường trình.
.
Khó khăn ban đầu
Năm 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ san bằng ranh giới giữa Tây Đức và Đông Đức, cùng với sự tan rã của chế độ CS tại Liên bang Xô Viết 2 năm sau đó và cuộc cách mạng nhung tại Tiệp đã đưa đến những điều kiện để hình thành một xã hội Việt Nam thu hẹp trong lòng các nước Đông Âu.
Do lịch sử hình thành phức tạp nên đời sống của cộng đồng người Việt tại đây cũng khá đặc thù. Chúng tôi thử tìm hiểu những thuận lợi cũng như những khó khăn của một số anh chị em sau hơn 20 năm buồn vui với quá trình hội nhập trên đất khách.
Sự bắt đầu nào cũng đầy những khó khăn, anh Phạm Hoàng, một cựu sinh viên nghệ thuật tại Bungari, định cư tại Munchen từ năm 1990, đã từng làm báo tại Đông Âu, hiện có cơ sở làm ăn tư nhân và đang điều hành báo điện tử Cánh Én hồi tưởng lại thời gian đầu:
"Tất cả các nước Đông Âu bị cắt cầu viện trợ của Liên Xô đã tạo ra những cuộc khủng hoảng về kinh tế. Tất cả những cửa hàng trước kia đầy ắp hàng hóa theo chính sách bao cấp mà Liên Xô chịu trách nhiệm cung cấp hàng hoá bỗng dưng bị biến mất. Thậm chí có những nước Đông âu đã phải quay về chế độ tem phiếu như thời bao cấp tại VN.
Trước kia, những thuyền nhân sang trước hay những người là sinh viên của chế độ VNCH có bằng cấp thì họ đều làm việc trong các hãng xưởng, không phải làm việc chân tay. Những người Việt sang sau này, tiếng Đức kém, không được đào tạo tại Đức, những tay nghề mà họ làm việc tại các cơ sở nhà nước xã hội chủ nghĩa cũ của Đông âu thì đều rất là khó đáp ứng với các tiêu chuẩn lao động mới.
Sau một thời gian ở tại Đức, dù là tiếng vẫn còn rất khó khăn nhưng họ đã bắt đầu tìm việc làm ở các có sở tư nhân hay nhà nước và tất nhiên là họ phải chấp nhận làm những cái việc mà người Đức không làm như là những việc lau chùi nhà vệ sinh, vào làm trong những cái bếp của những người VN cũ đã ở lại đó trước. Đó là những công việc từ 10 tiếng 1 ngày trở lên và với đồng lương rất là ít ỏi."
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người Việt phải kiếm sống bằng những việc làm bất hợp pháp, anh Phạm Hoàng tiếp :
"Đức lúc đó thì có tệ nạn là buôn bán thuốc lá lậu cho những người công nhân XHCN trước kia nay trở thành công dân Tây Đức nhưng chưa đuổi kịp nhu cầu vật chất để có thể thích ứng với cuộc sống mới của họ."
Những ngày đầu được tiếp xúc với bầu không khí tự do, không ít người với ước vọng xây dựng một xã hội dân chủ, đa nguyên đã bắt tay ngay vào việc thực hiện những tờ báo, anh Phạm Hoàng nhớ lại:
"Qua cơn chấn động của cuộc cách mạng dân chủ này, việc đầu tiên là ra những tờ báo dân chủ. Ví dụ ở Tiệp thì có tờ Diễn Đàn Praha, Điểm tin báo chí ở Brazen, ở Bungari thì tờ Tiếng Nói, ở Nga thì là tờ Lửa Hồng. Những tờ báo này nó đem lại 1 cái nhìn mới mà những người VN sinh sống làm việc học tập tại các nước Đông âu cũ và Liên Xô cũ thì đều không được tiếp cận với những thông tin này. Chỉ khi bức tường sụp đổ mở ra 1 chân trời mới cho họ thì mới nhìn thấy những tư tưởng, những sự thật khác với những tuyên truyền giảng dạy trước khi họ ra nước ngoài."
.
Thành lập cộng đồng người Việt
Tại nhiều nước Đông Âu, cộng đồng người Việt sinh sống nhờ kinh doanh buôn bán, họ tạo thành những khu chợ với những món hàng rẻ tiền nhập từ Trung Quốc hay Việt Nam, tạo thành một nét đặc thù của người Việt tại đây, là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người Việt ở khắp Đông Âu. Anh Phạm Hoàng nói:
"Đông âu thì lại hình thành một bộ phận người VN đi bán hàng ở các chợ và ở các chợ này thì những người Việt Nam mới sang chỉ cần học đếm số là chính, như thế là đủ để tiếp thị và bán hàng, những món hàng rẻ tiền nhập từ Trung Quốc và VN. Và Những chợ này đã là một nguồn sống cũng như là cứu cánh cho hàng vạn người VN ở các nước Đông âu."
Berlin có hai khu chợ lớn là chợ Thái Bình Dương và chợ Đồng Xuân, nhiều nhất là những gian hàng quần áo bán sỉ, siêu thị, chợ quê, nhà hàng
v.v
Chị Hồng, chủ nhà hàng Ẩm Thực Phố Cổ ở chợ Đồng Xuân vui vẻ nói về công việc của mình:
"Đây là Ẩm Thực Phố Cổ của Hà Nội. Quán này bọn em làm ăn theo tính chất đặc thù của quê hương. Tất cả món ăn mang tính chất đặc thù của người Hà nội. Những món ăn của người VN nhà mình như món phở, món bún, phở gà hay phở bò tái, miến xào. Thực đơn của chúng em chủ yếu phục vụ người Việt, người Đức và những người đến du lịch tại đây."
Nghề làm móng tay cũng không thể thiếu. Anh Nguyễn Văn Lũy, một chủ tiệm cho biết:
"Tôi sống ở Berlin, bọn tôi chuyên phục vụ cho nghề làm "nai", tiếng Việt nói là làm "neo". Chuyên cung cấp tất cả những vật liệu hoá chất cho nghề làm móng tay."
Trong giờ nghỉ trưa, vắng khách, chị Mai, chủ một tiệm uốn tóc tâm sự:
"Chỗ này của em là một chỗ trong khu chợ Đồng Xuân của một trung tâm do người Việt ở Berlin. Em cắt tóc nam nữ, xâm, làm đẹp cho da làm đẹp cho tóc, trang điểm, nối lông mi, tóc tai làm cho cả nam nữ, cả trẻ con nữa."
Những ngày ghé lại đây, chúng tôi nhận thấy các gian hàng tương đối vắng vẻ. Do tình trạng kinh tế khó khăn, sự buôn bán tại đây ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Chị Hồng thì bi quan về tình trạng này, chị nói bây giờ làm ăn càng ngày càng khó khăn, tình trạng chung.
Nhưng anh Lũy thì chấp nhận và lạc quan hơn, anh nói: "Kinh tế xuống thì làm ăn nó khó hơn thời xưa. Buôn bán thì có lúc lên, có lúc xuống. Thậm chí như thế càng tốt vì như thế người ta mới biết sự chịu khó, tận tụy trong công việc."
.
Hố cách biệt giàu nghèo
Cách Berlin không xa, cuộc sống của người Việt tại Slovakia thì cũng không kém phần nhộn nhịp. Anh Thành nói tthêm:
"Một số thì làm cho các xí nghiệp, đi ra buôn bán, mở công ty sản xuất, mở các quán ăn nhanh, kinh doanh bất động sản, các nghề về may mặc. Cũng có những người thành đạt hơn thì họ làm những trung tâm thương mại. Trung tâm thương mại lớn nhất đúng tiêu chuẩn Châu Âu là Trung Tâm thương mại Asia Center. Đây là trung tâm buôn bán đầu tiên do người Việt xây dựng, phục vụ cho Người Việt, một số doanh nhân khác đến làm ăn : Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan."
Chúng ta vừa nghe anh Trần Quang Thành sơ lược về đời sống người Việt tại Slovakia. Anh Trần Quang Thành là một nhà báo lâu năm tại VN, do những bài báo tố cáo tham nhũng, buôn người mà anh đã bị tạt acide huỷ hoại cả gương mặt vào đúng ngày sinh nhật của con gái anh, ngày 4 tháng 7 năm 1991. Đó là một ngày mà anh Thành không thể nào quên. Năm 2008, anh đã đến Slovakia định cư do sự bảo lãnh của người con trai. Tuy đã tàn phế, nhưng anh vẫn đeo đuổi nghiệp làm báo, hiện anh đang điều hành trang báo điện tử Vietinfo. Anh cho biết:
"Tôi là Trần Quang Thành, là nhà báo, làm việc tại đài Tiếng Nói VN và đài Truyền hình VN đã hơn 50 năm. Qua cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng và tiêu cực xã hội VN, tôi đã bị kẻ xấu trả thù và tạt acide làm hủy hoại hết 81% sức khoẻ. Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn trong nước và với bệnh tật thì tháng 8 năm 2008, được sự giúp đỡ và chấp thuận của nhà nước Slovakia tôi đã sang định cư tại thủ đô Bratislava và đến nay đă được là hơn 2 năm."
Với kinh nghiệm của một nhà báo, khi được hỏi về cái nhìn của anh về đời sống người Việt tại đây, anh Thành nói:
"Cái khó khăn nhất chủ yếu là những người bị xuất khẩu lao động sang trong cái điều kiện bây giờ là các xí nghiệp phá sản, công nhân thất nghiệp. Khi họ ra đi thì họ phải mất cả trăm triệu, có những người bây giờ là phải trở về VN, đấy là những người khổ nhất hiện nay.
Vất vả lắm. Theo con mắt nhìn nhận của tôi thì người lao động rất chăm chỉ làm ăn, chịu khó, đùm bọc nhau. Cũng có người rất thành đạt. Nhưng mà cuộc sống giữa người thành đạt với người lao động quá cách biệt. Tình ruột thịt với nhau cũng là một điều mà người ta đáng suy tâm mà người ta gọi là cá lớn nuốt cá bé. Có những người có tiền có thế lực với những người địa phương ở đây hay ở chỗ khác mà mình không tiện nói rõ. Họ lại khống chế, đe doạ làm cho người lao động đôi lúc cũng khổ không khác gì cuộc sống của những người mất tự do và lắm lúc người ta bảo rằng đây là nước nô lệ mới."
Bức tường Bá Linh sụp đổ đã san bằng ranh giới địa lý giữa đông và tây, còn một bức tường vô hình nào vẫn chia đôi đời sống của những kẻ tha hương?
.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment