Saturday, August 7, 2010

MỖI CHÚNG TA ĐANG ĐỒNG PHẠM VỚI TỘI ÁC TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY

Mỗi chúng ta đang đồng phạm với tội ác trong xã hội ngày nay

Hà Đình Sơn

Tháng Tám 7, 2010

http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/08/07/moi-chung-ta-dang-dong-pham/

Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng Tòa án tôi muốn nói ở đây bao gồm tòa án pháp lý, tòa án lịch sử và tòa án lương tâm. Tôi xin sử dụng các khái niệm pháp lý để làm rõ trách nhiệm hành vi và tội đồng phạm của con người.

.

1. Khái niệm Đồng phạm

Điều 20 của Bộ luật hình sự năm 1999, khái niệm đồng phạm được nêu ra như sau:

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Đồng phạm là những người chung ý chí, chung hành vi. Nếu một tổ chức mà phạm tội gì thì các thành viên của nó sẽ chịu trừng phạt về tội ấy.

Khái niệm hành vi được hiểu là: Hành động hoặc không hành động.

Điều 19 của Bộ luật hình sự cũng quy định “Tự ý chấm dứt việc phạm tội”:

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Như vậy người phạm tội có tổ chức biết tự mình chấm dứt hành vi phạm tội bằng việc từ bỏ tổ chức tội phạm thì sẽ được miễn tội.

.

2. Nhận thấy

Do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin: Người ta có thể phạm tội do văn hóa thấp, thiếu giáo dục, thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin.

Do bị tuyên truyền lừa bịp: Có văn hóa, có giáo dục nhưng bị tuyên truyền quá mức dẫn đến mất khả năng độc lập tư duy, hoặc bị lừa bịp bởi các sự giả tạo. Là nạn nhân của tệ nạn sùng bái cá nhân.

Do tác động bởi tâm lý đám đông.

Do hám danh, hám lợi: Biết nhưng do hám danh, hám lợi nên vẫn làm.

Do nhu nhược, đê hèn: Biết nhưng nhu nhược, sợ bị trừng phạt. Hoặc đê hèn vì bản năng ngu dốt, gian dối của mình có đất để thỏa mãn dục vọng của cá nhân và gia đình.

Những trường hợp này, khoa học pháp lý gọi là yếu tố “lỗi”. Nó bao gồm “lỗi cố ý” hoặc “lỗi vô ý”.

Lỗi cố ý: Là biết trước hậu quả xảy ra bởi hành vi của mình nhưng mong muốn xảy ra, hoặc bỏ mặc muốn đến đâu thì đến.

Lỗi vô ý: Có nghĩa vụ phải biết hậu quả xảy ra do hành vi của mình nhưng lại không biết.

Bất luận nguyên nhân nào, mỗi cá nhân trong xã hội đều có lỗi. Chúng ta không thể thoái thác được trách nhiệm của mình trong quá khứ, trong hiện tại để tội ác xã hội đang diễn ra và nguy cơ trong tương lai.

Tội ác xã hội đó là: Đói nghèo, tụt hậu, nhân phẩm con người bị xâm phạm, thiếu tự do.

.

3. Xét thấy

Mỗi chúng ta đã, đang chính là đồng phạm của tội ác xã hội.

Chúng ta vừa là tội phạm vừa là nạn nhân.

Tác động tiêu cực của nó không trừ một ai, không trừ một gia đình nào. Chỉ có điều đã xảy ra hay chưa xảy ra, đến sớm hay muộn; ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp mà thôi.

Mỗi chúng ta dù vô tình hay hữu ý đều đã biến mình thành thanh củi nhỏ dưới đáy “vạc dầu tội lỗi”.

Chúng ta đã từng làm ngơ với tội ác xung quanh, để đến lỗi hôm nay tội ác đã phát tác thành đại dịch.

Như thế là phạm tội.

Sẽ không cá nhân nào có thể nguyên vẹn trong đại dịch xã hội. Không có lối thoát riêng cho kẻ mưu cầu đi ngược lại vận mệnh Đất nước. Hồn thiêng sông núi Việt Nam sẽ không cho kẻ đó yên thây.

.

4. Giác ngộ

Mọi người đa phần nay đã nhận thức được sự thật, có thông tin đầy đủ, thất vọng tràn trề.

Nguyên nhân mọi thất bại của xã hội là dốt nát, ngoan cố, bảo thủ đã bị phơi bày trước nhân dân.

Bản thân mỗi người và mỗi gia đình đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tội ác xã hội đó; càng ngày càng không thể né tránh.

Dám đoàn kết, dám vượt nên sợ hãi, dám không cam chịu nhục nhã nữa.

Lương tâm day dứt, đòi hỏi được sám hối. Sống lâu đã thấy nhân phẩm mà không được coi trọng, sống mà thiếu tự do thì sự sống chẳng có nghĩa lý gì.

Không cam chịu làm nạn nhân của chính mình lâu hơn nữa.

Không lẽ nhìn thấy xã hội tương lai đang ở trước mắt mà không dám bước lên.

Thà sống cho dù 01ngày là chính mình còn hơn cả 100 năm sống vì người!

Như lời Phật dạy: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

Quyết không để nợ cho tương lai!

.

5. Làm gì

Hãy tự ý chấm dứt tuy không có gì ngăn cản.

Hành động hoặc không hành động để không là đồng phạm của tội ác.

Hãy dũng cảm, đàng hoàng tuyên bố rút khỏi tổ chức tội phạm, ngay lập tức, không chần chừ, không bao biện.

Nếu trước đây chúng ta bị lừa gạt, bị ép buộc choàng cái thòng lọng vào cổ, thì ngày nay không ai có thể bắt chúng ta phải giữ cái thòng lọng đó cho đến ngày nó mục dữa hoặc đến ngày chúng ta rời khỏi cõi đời.

Dùng phép của Tôn Tử “rút củi dưới đáy nồi”, không là “Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.

Không làm những gì nếu pháp luật không bắt buộc.

Hãy làm những gì nếu pháp luật không cấm.

Mỗi chúng ta phải bằng hành vi cụ thể sửa chữa lỗi lầm của chính mình và từ hôm nay “dừng tay” đồng phạm.

Không là đồng phạm với phía Ác là đứng về phía Thiện. Thế giới này chỉ hoặc Thiện hoặc Ác, hoặc Trắng hoặc Đen, ở bên kia trần thế cũng chỉ có Thiên đường và Địa ngục, không có phía thứ ba.

Hà Nội, tháng 8/2010

Hà Đình Sơn

HS_TS_VN_1001@YAHOO.COM

.

.

.

No comments: