Monday, August 2, 2010

LẠI CHUYỆN BẰNG GIẢ và BẰNG DỎM (Nguyễn Hưng Quốc)

Lại chuyện bằng giả và bằng dỏm

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 02 tháng 8 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/bang-gia-va-bang-dom-08-02-2010-99780294.html

Trong mấy tháng vừa qua, dư luận trong nước xôn xao về vụ hai viên chức cao cấp ở Việt Nam mua bằng dỏm từ một cơ sở giáo dục dỏm ở ngoại quốc: trường “Đại học” Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University). Đó là hai ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Thọ và ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó bí thư tỉnh uỷ Yên Bái. Ông Nguyễn Ngọc Ân thì, theo báo chí, không biết tiếng Anh; còn ông Nguyễn Văn Ngọc thì từ lúc ghi danh đến lúc nhận bằng chỉ mất có sáu tháng. Giá của mỗi cái bằng tiến sĩ dỏm ấy là 17 ngàn đô Mỹ.

Thật ra, những chuyện như vậy cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Thứ nhất,
trước vụ bằng dỏm của hai ông Ân và Ngọc bị phát hiện, hầu như ai cũng biết hiện tượng sử dụng bằng dỏm và bằng giả rất phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả bằng thật do các cơ sở giáo dục thật cấp thì chất lượng, phần lớn, cũng không khác gì bằng giả và bằng dỏm. Ví dụ, bằng cấp từ các khoá chuyên tu hay tại chức, chẳng hạn.

Thứ hai, trên phạm vi thế giới, hiện tượng mua bán bằng giả và bằng dỏm cũng không hiếm. Nó hình thành cả một kỹ nghệ liên quốc gia rộng lớn, bao gồm hai hình thức chính: chế biến bằng giả từ các trường có thật (diploma mill) và chế biến bằng thật từ các cơ sở giáo dục ma, nghĩa là chỉ có danh hiệu nhưng không có chương trình và cũng không được công nhận, thậm chí, ở nhiều quốc gia, bị xem là bất hợp pháp (degree mill). Để cho tiện, trường hợp đầu, chúng ta gọi là bằng giả; trường hợp sau là bằng dỏm. Doanh thu của các cơ sở chế biến bằng giả và bằng dỏm này rất cao; hơn nữa, càng ngày càng cao.

Theo Candis McLean, trong bài “A high degree of fraud” trên báo Economics số ra ngày 12 tháng 8 năm 2002, thu nhập của kỹ nghệ chế biến bằng giả và bằng dỏm lên đến 300 triệu Mỹ kim mỗi năm (tr. 40). Bốn năm sau, theo George Brown, trong bài “Degrees of Doubt: Legitimate, real and fake qualifications in a global market” trên tạp chí Journal of Higher Education Policy and Management số 28, tháng 3 năm 2006, số thu nhập ấy nhảy lên đến khoảng 1 tỉ (tr. 71).

Xin lưu ý: số liệu 1 tỉ đô Mỹ này chỉ dừng lại ở thời điểm 2006, cách đây đã 4 năm. Bây giờ, tôi đoán, nó đã tăng vọt. Một phần vì nhu cầu có bằng cấp giả và dỏm càng lúc càng nhiều, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, trong đó, có Việt Nam. Hiện nay, hầu như chính phủ nước nào cũng thấy tầm quan trọng của kinh tế tri thức (knowledge economy), do đó, đều khuyến khích dân chúng và các viên chức học tập. Bằng cấp trở thành một bậc thang cần thiết để tiến thân. Nhưng không phải ai cũng có khả năng hoặc điều kiện để có thể có được một bằng cấp đàng hoàng bằng chính sức lực của mình từ những cơ sở giáo dục được công nhận. Thành ra có vô số người chọn đi đường tắt bằng cách gian lận.

Hơn nữa, hiện nay, với sự phát triển của các kỹ thuật truyền thông hiện đại, việc quảng cáo và in ấn bằng cấp giả và dỏm trở thành cực kỳ dễ dàng. Cứ vào Google, đánh chữ bằng giả (Fake degree), chúng ta sẽ thấy cơ man trang web rao bán bằng giả hoặc bằng dỏm với giả rất rẻ, có khi chỉ vài trăm đô cho một cái bằng, từ cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ.

Có nhiều lý do để người ta mua bằng dỏm và bằng giả.

Thứ nhất,
về tâm lý, nó đáp ứng sự hiếu danh rất thông thường của nhân loại. Tôi có người quen, sau khi về hưu, có lẽ cảm thấy buồn tủi vì không còn danh hiệu (title) gì khác để người khác gọi, bèn mua một cái bằng dỏm, đi đâu cũng khoe um lên là mình có bằng tiến sĩ. Anh in trên danh thiếp (business card) hẳn hoi, gặp ai cũng phát, kể cả các đồng nghiệp cũ. Họ biết, nhưng tế nhị và rộng lượng, tất cả đều im lặng. Một người khác, vốn là doanh nhân, làm ăn có vẻ khá thành công, nhưng có lẽ sợ mang tiếng là trọc phú vô học, nên cũng mang một cái bằng tiến sĩ dỏm để treo trong phòng khách. Những chuyện như vậy, chắc chắn không phải chỉ có ở Việt Nam hay trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Có thể nói: ở đâu cũng có. Ở các quốc gia càng trọng học vấn bao nhiêu, tâm lý ấy càng dễ phát triển bấy nhiêu. Tuy nhiên, dù sao, đó cũng là điều vô hại.

Lý do thứ hai, về kinh tế, bằng giả và bằng dỏm có thể tạo cơ hội để người ta có việc làm hay thăng quan tiến chức. Báo chí khắp nơi trên thế giới từng phanh phui ra nhiều vụ sử dụng bằng giả và bằng dỏm cho những mục đích như thế. Có những vụ sử dụng bằng giả và bằng dỏm rất liều lĩnh, như trong lãnh vực y khoa, chẳng hạn. Thỉnh thoảng, đây đó, báo chí phanh phui ra một vài bác sĩ giả. Họ không học hành gì về y khoa cả. Họ chỉ bỏ tiền ra mua một cái bằng giả hoặc dỏm. Rồi họ mở phòng mạch. Cũng khám bệnh. Cũng cho thuốc. Ngay ở địa phương tôi ở, cách đây mấy năm, cũng có một “bác sĩ” như thế. (Tôi chỉ biết điều này qua báo chí. May là tôi chưa đến khám bệnh ở phòng mạch của ông bao giờ!)

Ở Mỹ, những vụ sử dụng bằng giả và dỏm để xin việc, thậm chí, những việc khá cao cấp, cũng khá nhiều. Được dư luận bàn tán sôi nổi nhất là vụ bà Laura Callahan, vụ trưởng Vụ thông tin trong bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ bị phát hiện có bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ từ một trường dỏm có tên là Hamilton University vào năm 2003.

Mới đây, ở Pakistan, người ta cũng phanh phui ra mấy chục dân biểu và nghị sĩ sử dụng bằng giả và bằng dỏm. Số lượng người bị phát hiện như vậy khá lớn, gây nên một scandal chính trị dữ dội đến mức một số người tiên đoán là chính phủ đương nhiệm sẽ gặp khủng hoảng, thậm chí, có thể bị sụp đổ hẳn.

Bằng giả và bằng dỏm ở đâu cũng có.

Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Chỉ có một sự khác biệt lớn, và quan trọng, là phản ứng của chính phủ trước các vụ scandal về bằng giả và bằng dỏm ấy.

Ở Mỹ, sau khi bà Laura Callahan bị phát hiện là mua bằng dỏm, bà bị buộc từ chức ngay. Chưa hết. Chính phủ Mỹ liền thành lập một uỷ ban điều tra có quy mô lớn trong phạm vi toàn quốc. Sau 11 tháng điều tra, có 463 người có bằng cấp dỏm và giả bị phát giác. Năm sau, người ta phát giác thêm 135 viên chức trong chính phủ liên bang mang tội danh tương tự. Năm 2009, cơ quan an ninh Mỹ cũng phát hiện 350 nhân viên chính phủ liên bang là khách hàng của cơ sở chế biến bằng cấp giả và dỏm mang tên Saint Regis. Trước đó, vào ngày 31 tháng 7 năm 2008, báo Washington Post thông báo là họ có trong tay danh sách 9600 người mua bằng giả từ St Regis. (1)

Tại Pakistan, sau khi có 43 nghị sĩ và dân biểu bị phát hiện sử dụng bằng giả, Toà án tối cao đã ra lệnh kiểm tra lại bằng cấp của toàn bộ trên 1100 nghị sĩ và dân biểu cấp quốc gia cũng như địa phương trong cả nước. Người ta biết việc điều tra này có thể dẫn đến việc một số khá đông các vị dân cử bị bãi nhiệm, từ đó, dẫn đến tổ chức bầu cử sớm và chính phủ đương nhiệm có thể sẽ bị sụp đổ. Biết vậy, nhưng người ta vẫn làm (2).

Còn ở Việt Nam thì sao? Ngoài hai ông Nguyễn Ngọc Ân và Nguyễn Văn Ngọc, còn có người nào khác sử dụng bằng giả và bằng dỏm không? Không ai biết cả. Giới truyền thông thì hẳn nhiên là không đủ sức để điều tra một cách toàn diện. Nhà cầm quyền thì im lặng.

Hoàn toàn im lặng.

Một sự im lặng lạ lùng. Nó vừa vô trách nhiệm lại vừa dại dột. Có lẽ người ta nghĩ phanh phui ra bao nhiêu thì sẽ làm mất uy tín của đảng và nhà nước bấy nhiêu. Nhưng che đậy thì được gì? Chả được gì cả. Chỉ được sự nghi ngờ của dân chúng: Người ta sẽ không còn phân biệt đâu là thật và đâu là giả. Cuối cùng, người ta sẽ thấy ai cũng là giả cả.
Chỉ tội nghiệp cho những người có thực học và thực tài.

Chú thích:
1. Theo Sabir Shah, “Govet mum over verification of public servants’, The News ngày 28.6.2010.
Đọc trên http://www.thenews.com.pk/top_story_detail.asp?Id=29722
2. Xem trên
http://www.abc.net.au/news/stories/2010/07/14/2953777.htm
http://www.theage.com.au/world/hunt-for-fake-degrees-20100701-zqh8.html

.

.

.

No comments: