Monday, August 2, 2010

ĐHQG HÀ NỘI PHẢN HỒI VỤ LIÊN KẾT TRƯỜNG NGOẠI DỎM

Trường dỏm, trường thật

Nguyễn Văn Tuấn

Thứ hai, 02 Tháng 8 2010 20:27

http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/1041-truong-dom-truong-that

.

Đại học Quốc gia Hà Nội mới ra thông cáo về việc trường liên kết với Irvine University (IU). Tôi tránh dùng chữ “trường đại học” hay “đại học” cho IU, mà chỉ dùng IU như là tên một doanh nghiệp. Có lẽ thông cáo này ra đời như là một phản ứng với thông tin trường ĐHQGHN đã liên kết với IU mà tôi có đề cập trong một bài trước đây. Đọc qua thông cáo này tôi vẫn thấy không thuyết phục.

.

Thông cáo của ĐHQGHN có đoạn viết:

Trong thời gian gần đây, có thông tin làm xôn xao dư luận về trường đại học Irvine (Irvine University), Hoa Kỳ, là trường đại học liên kết với Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN, thậm chí còn cho rằng đây là một trường đại học ‘dỏm’, ‘cơ sở sản xuất bằng cấp’ (Diploma mill).

Đây là một thông tin không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến các học viên đang theo học tại trường cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của ĐHQGHN.

Các chương trình của Trường Đại học Irvine đã được cơ quan giáo dục tiểu bang California BPPE (Bureau for Private Postsecondary Education - một tổ chức pháp lý có vai trò kiểm soát chất lượng đào tạo các trường cao đẳng và đại học tư đang hoạt động tại tiểu bang California.) thẩm định và công nhận cấp phát văn bằng theo số Institution Approval # 20787.

Như vậy, trường Đại học Irvine hoàn toàn có tư cách pháp nhân với tiểu bang California để hoạt động như một trường đại học tư.

Trích ĐHQG Hà Nội phản hồi vụ liên kết trường ngoại “dỏm”

.

Có vài vấn đề cần bàn thêm trong thông cáo trên:

Thứ nhất là câu hỏi IU có phải là một “diploma mill” (hãng sản xuất bằng dỏm)? Theo Tiến sĩ Mark A. Ashwill, một chuyên gia giáo dục người Mĩ đang làm việc tại Hà Nội, đã liệt kê một danh sách các hãng sản xuất bằng dỏm. Có thể xem bài phỏng vấn Ts Ashwill trên Tuổi Trẻ. Irvine University đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của một diploma mill:

(a) Địa chỉ của Irvine University chỉ là một suite (tức một văn phòng nhỏ, có thể chỉ vài chục mét vuông). Một trường đại học chỉ là văn phòng nhỏ, mà không có campus!

(b) Irvine University không có bất cứ một giáo sư nào có công bố quốc tế, cũng chẳng có một danh sách các lecturers, assistant professor, associate professor, và professor.

(c) Irvine University chủ yếu hoạt động trực tuyến.

(d) Irvine University lấy tên giông giống với đại học danh tiếng là University of CaliforniaIrvine.

Thứ hai, thông cáo báo chí của ĐHQGHN hiểu sai sự việc hoặc cung cấp thông tin sai. Cơ quan gọi là California Bureau for Private Postsecondary Education (BPPE) là một cơ quan của Bộ Tiêu thụ Sự vụ (California Department of Consumer Affairs), không phải trực thuộc Bộ Giáo dục, nên không phải là cơ quan có thẩm quyền giám định giáo dục hay công nhận bằng cấp (accreditation). Trong trang nhà của BPPE có viết rõ ràng rằng: "If the bureau has granted an institution approval to operate, the institution may indicate that the institution is "licensed" or "licensed to operate," but may not state or imply either of the following:
(1) The institution or its educational programs are endorsed or recommended by the state or by the bureau.
(2) The approval to operate indicates that the institution exceeds minimum state standards as set forth in this chapter
."

Tức là sự phê chuẩn của BPPE chỉ có nghĩa là doanh nghiệp được phép hoạt động, chứ không có nghĩa là chương trình giáo dục được công nhận.

Thứ ba, thông cáo báo chí của ĐHQGHN không phân biệt giữa giám định giáo dục (accreditation) và tư cách pháp nhân. Thông cáo có đoạn viết “Như vậy, trường Đại học Irvine hoàn toàn có tư cách pháp nhân với tiểu bang California để hoạt động như một trường đại học tư.” Một doanh nghiệp buôn bán bằng cấp hay phẩm hàm (như Who is Who) hoàn toàn có tư cách pháp nhân vì được phê chuẩn (và đóng thuế), nhưng những phẩm hàm của họ được ai công nhận hay không là vấn đề accreditation. BPPE viết rất rõ rằng một doanh nghiệp được phê chuẩn hoạt động không có nghĩa là bằng cấp từ doanh nghiệp đó được công nhận (“Approval is not the same as accreditation”).

Việc một nhân viên sứ quán Mĩ hiện diện trong buổi lễ tốt nghiệp tuy thú vị nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Rất có thể vị quan chức này chỉ có mặt đơn giản nhằm ủng hộ doanh nghiệp của Mĩ ở Việt Nam. Cũng có thể vị quan chức này không biết rằng Irvine University chưa bao giờ được cơ quan giáo dục Mĩ công nhận là một đại học. Do đó, tôi nghĩ lấy sự hiện diện của quan chức đại sứ Mĩ là một viện dẫn quá yếu (nếu không muốn nói là ... ngụy biện -- ngụy biện dựa vào thẩm quyền!)

Nói tóm lại, Irvine University “hội đủ” nhiều tiêu chuẩn của một diploma mill. Nhưng điều đáng tiếc là một đại học mang tiếng quốc gia lại không phân biệt được trường dỏm và trường thật, và không phân biệt được approval và accreditation.

Câu hỏi đặt ra là làm sao phân biệt được trường thật và giả? Sau đây là vài dấu hiệu để các bạn có thể tìm hiểu thêm.

Một trường đại học thật phải:

có campus và địa chỉ rộng lớn (chứ không thế nào là một văn phòng thuê);

có văn bản pháp qui, chẳng hạn như mỗi đại học Úc đều ra đời bằng một đạo luật do quốc hội phê chuẩn và thông qua;

có hội đồng quản trị và ban điều hành;

có phân khoa, trung tâm nghiên cứu, với các môn học rõ ràng;

có giáo sư, với những công trình nghiên cứu được công bố trên các tập san khoa học quốc tế; chỉ cần nhìn qua danh sách giáo sư và thành tích khoa học người trong ngành có thể biết giáo sư dỏm hay thật!

có hoạt động cộng đồng và hội sinh viên có hoạt động độc lập;

có website nghiêm chỉnh.

Ngoài ra, để xác định danh tính các trường đại học và cao đẳng hợp pháp ở Mĩ, có thể tra cứu tại Cơ sở lưu trữ dữ liệu các viện và chương trình đào tạo sau trung học được công nhận. Irvine University không có trong danh sách này. Đó chính là câu trả lời cho thông cáo báo chí của ĐHQGHN ./

NVT

.

Đọc thêm:

Thêm một trường hợp bằng dỏm từ trường giả

Chuyện động trời: Trường "dỏm" Irvine University hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội!

.

Ghi thêm: Một bạn đọc còn cho biết IU còn liên kết đào tạo tiếng Anh ở TPHCM:

Hiện cháu đang là sinh viên năm cuối nghành điện công nghiệp trường đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM. Ước mơ của cháu là sau khi tốt nghiệp sẽ học tiếp cao học và nếu có cơ hội sẽ học tiến sỹ ở MỸ hoặc ở ÚC, cháu rất muốn học cao hơn nữa để sau này đi dạy tại các trường đại học ở Việt Nam vì giáo viên có trình độ cao ở các trường hiện nay còn rất ít hoặc nếu có thì lại làm quản lý, không còn thời gian để đứng lớp nữa mà sinh viên chúng cháu thì lại rất muốn được những thầy cô có kiến thức thụ dạy mình. Vì thế cháu đang theo học tiếng anh để đủ điều kiện về anh văn khi muốn đi MỸ hoặc ÚC, cháu đang học tiếng anh tại trường Anh ngữ [đục bỏ], địa chỉ: [đục bỏ]. Mục tiêu của cháu là thi lấy bằng CPE, vì cháu muốn có trình độ anh văn thật tốt để giúp ích cho việc học tập sau này chứ không chỉ là thi đủ điểm TOEFL hay IELTS để đi nước ngoài học.
Vấn đề của cháu hiện nay là : sau loạt bài báo mấy ngày gần đây đăng trên báo Tuổi Trẻ về “Tiến Sỹ dởm, trường giả, bằng dởm”. cháu rất lo lắng vì chứng chỉ CPE mà cháu đang theo học do trường liên kết với trường đại học IRVINE UNIVERSITY có website là
http://www.irvineuniversity.edu cấp chứng chỉ này. Mà từ trước dến giờ cháu cứ nhầm tưởng là trường UNIVERSITY of CALIFORNIAIRVINE có website là http://www.uci.edu/ . Cháu thực sự rất lo lắng vì trong các bài báo có đề cập rằng bằng dởm do trường IRVINE UNIVERSITY cấp. Cháu muốn hỏi Chú là chứng chỉ CPE do đại học IRVINE UNIVERSITY có website là http://www.irvineuniversity.edu/ cấp có được quốc tế công nhận không? Và trường này là trường có chất lượng và đã được kiểm định tại MỸ hay chỉ là một cơ sở kinh doanh bằng giả?
Cháu rất mong được sự giúp đỡ của Chú vì cháu cùng các bạn đang học tại đây rất hoang mang về vấn đề này. Vì chúng cháu có hỏi thư ký của trường thì họ nói là chứng chỉ thật, và được quốc tế công nhận nhưng chẳng có cơ sở hay bằng chứng nào chứng minh cả
.”

Đọc thư này mà thương cho sinh viên bên nhà. Tôi nghĩ các nhà chức trách giáo dục phải có động thái làm sạch tình trạng này. Nếu không thì còn biết bao nhiêu người tốn tiền một cách không cần thiết.

.

.

.

ĐHQG Hà Nội phản hồi vụ liên kết trường ngoại “dỏm”

Cập nhật lúc: 8/2/2010 12:26:39 AM (GMT+7)

http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=876

.

Phản hồi của ĐHQG Hà Nội có điểm thiếu chính xác

Cập nhật lúc: 8/2/2010 7:13:24 PM (GMT+7)

http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=889

.

Coi chừng bằng quốc tế "dỏm"

Tuổi Trẻ

Cập nhật lúc: 8/2/2010 7:05:07 PM (GMT+7)

http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=887

.

.

.

No comments: