Kho ảnh vô giá về Việt Nam đầu thế kỷ 20 tại Viện Bảo Tàng Albert Kahn
Thứ hai 09 Tháng Tám 2010
Đối với những người quan tâm về Việt Nam, Viện Bảo Tàng Albert Kahn vùng ngoại ô Hauts-de-Seine sát cạnh Paris là một địa chỉ không thể bỏ qua. Đây là nơi lưu trữ một bộ sưu tập hiếm hoi ảnh màu về Việt Nam chụp ngay từ đầu thế kỷ 20, thời ngành nhiếp ảnh vẫn còn sơ khai. Giá trị của bộ sưu tập này rất lớn vì nó giúp cho các thế hệ hiện nay thấy rõ được bằng hình ảnh, với màu sắc rõ ràng, một phần diện mạo của Việt Nam cách nay một thế kỷ.
.
Công chúng rộng rãi đã được biết đến sự tồn tại của các bức ảnh về Việt Nam trong bộ sưu tập của Viện Bảo Tàng Albert Kahn vào năm 1986, khi Hội Đồng Tỉnh Hauts-de-Seine cho phát hành tập sách ảnh chuyên đề ‘’Villages et villageois au Tonkin’’ (Làng và dân làng tại Bắc Kỳ). Có thể nói đây là lần đầu tiên mà cánh cửa kho báu của Viện Bảo Tàng Albert Kahn đã hé mở, để cho công chúng rộng rãi có thể thưởng lãm khoảng 60 tấm ảnh về Việt Nam chụp trong những năm từ 1915 đến 1920.
Qua năm 2008, vài chục tấm ảnh khác về Việt Nam tiếp tục được công bố trong công trình chung ‘’Albert Kahn, le monde en couleurs’’ (Albert Kahn và Thế giới có mầu sắc) của nhà báo David Okuefuna, giới thiệu tổng thể kho tư liệu hình ảnh về thế giới đầu thế kỷ 20 đang được bảo tàng Albert Kahn lưu trữ.
.
Các bức ảnh về Việt Nam đã khiến người xem phải ngỡ ngàng do chuẩn mực kỹ thuật cao, với những màu sắc rất thật, một chín một mười so với những bức ảnh màu ngày nay. Giá trị lịch sử hay văn hóa của những bức ảnh này thì khỏi nói, vì Leson Busy, tác giả của hầu hết các tấm hình, đã có cái nhìn của một nhà nghiên cứu xã hội.
Xem qua các bức ảnh được chụp, ta có thể thấy rõ là cách đây một trăm năm, người Việt Nam ăn mặc như thế nào, màu sắc ra sao, có những thú tiêu khiển gì, làm những việc gì. Về cảnh trí tự nhiên cũng thế, độc giả đây đó có thể thấy được là phố xá Hà Nội ngày xưa ra sao, các nơi như Văn Miếu, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn như thế nào, chưa kể đến những thành phố khác như Hải phòng, Huế hay Sài Gòn...
Có điều là những tấm ảnh được in lại trên giấy chỉ là một phần rất nhỏ trong kho hình ảnh của Viện Bảo Tàng Albert Kahn. Các hình ảnh này lại nằm trên những tấm kính, do đó không thể mang ra triển lãm được. Trong tình hình đó, Hội đổng tỉnh Hauts-de-Seine và Viện Bảo Tàng Albert Kahn từ năm 2006 đến nay đã thực hiện chương trình ‘’số hóa’’ kho phim ảnh lưu trữ của mình, tạo thuận lợi cho công chúng được tiếp cận với toàn bộ kho tư liệu.
.
Đây là một chương trình mang tên là FAKIR, viết tắt của Fonds Albert Kahn Informatisé pour la Recherche (Kho lưu trữ Albert Kahn được tin học hóa để phục vụ nghiên cứu). Tuy nhiên, Fakir trong tiếng Pháp cũng có nghĩa là ‘’phù thủy Ấn Độ", và chương trình tin học của Viện Bảo Tàng Albert Kahn đã đóng được vai trò của một người có phép thần thông, đưa được toàn bộ kho lưu trữ hình ảnh của viện bảo tàng đến với công chúng, rộng cũng như hẹp.
.
Trả lời câu hỏi của RFI, bà Frédérique Le Bris, chuyên trách bộ phận Quyền khai thác hình ảnh lưu trữ tại Viện Bảo tàng Albert Kahn giải thích rõ về tính năng của chương trình FAKIR, về thực chất là một cơ sở dữ liệu tin học.
Cơ sở dữ liệu này trong thực tế có 3 ứng dụng : một ứng dụng cho phép quản lý tất cả các hình ảnh. Chúng tôi có một kho lưu trữ bao gồm 72 000 tấm ảnh màu thực hiện theo phương thức autochrome, 180 000 thước phim tài liệu, và khoảng 5000 tấm ảnh làm theo phương pháp ảnh ‘’nổi’’ hai chiều (stéréoscopique), vừa màu, vừa đen trắng.
Ứng dụng thứ hai hướng tới công chúng rộng rãi, cho phép khách tham quan tiếp cận với hình ảnh nằm trong kho lưu trữ của chúng tôi, từ những máy vi tính và màn hình đặt ngay trong không gian triễn lãm của viện bảo tàng chúng tôi.
Ứng dụng thứ ba dành riêng cho giới nghiên cứu, cho phép những ai quan tâm, tham khảo toàn bộ phim ảnh trong kho lưu trữ, cùng với những phần chú thích do các nhân viên chuyên trách tư liệu của chúng tôi thực hiện.
.
Ứng dụng dành cho quảng đại quần chúng tương tự như một cuộc triển lãm thường trực, vì bất cứ ai đến tham quan Viện Bảo Tàng Albert Kahn đều có thể sử dụng một trong bốn chiếc máy tính gắn liền với cơ sở dữ liệu FAKIR để hiển thị ngay trên màn hình các bức ảnh hay đoạn phim trong kho lưu trữ.
Bà Le Bris giải thích :
Đối với quần chúng thì họ có thể tham khảo được những bức ảnh được đưa ra dưới dạng diaporama theo chủ đề, hay dưới dạng một đoạn phim vidéo được cấu tạo theo một đề tài nhất định.
Từ trước tới nay, kho tư liệu lưu trữ của chúng tôi luôn luôn được mở ra cho giới nghiên cứu. Riêng chương trình Fakir thì đã có từ 4, 5 năm nay, với ứng dụng dành cho công chúng được hoàn tất ngay từ đầu. Riêng phần dành cho các nhà nghiên cứu thì chỉ xong từ khoảng một năm rưỡi nay. Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu đến tham khảo và cánh cửa Viện bảo tàng chúng tôi ngày càng rộng mở rộng cho mọi người.
.
Hiện nay, Viện Bảo Tàng Albert Kahn trước mắt chỉ mới chọn lọc ra 41 tấm ảnh về Việt Nam trong kho lưu trữ của mình để giới thiệu rộng rãi, sắp tới đây sẽ có thêm. Riêng giới nghiên cứu thì đã có thể tham khảo hơn 1000 tấm ảnh và khoảng một chục đoạn phim ngắn trong đó có tài liệu rất quý giá như về lễ hội Phù Đổng hay diễn tiến của một đám cưới tại Hà Nội chẳng hạn.
.
1382 bức ảnh mầu autochromes về Việt Nam
Theo bà Le Bris, bảo tồn chứng tích về những sắc thái văn hóa có nguy cơ mai một cũng là một trong những mục tiêu mà ông Albert Kahn người sáng lập ‘’Thư khố Hành tinh’’ đã đặt ra cách nay một thế kỷ. Bà Le Bris giải thích :
Toàn bộ ảnh về Việt Nam có 1382 tấm ảnh màu autochromes hầu như đều do nhà nhiếp ảnh Léon Busy chụp. Ông nguyên là quân nhân trong quân đội viễn chinh Pháp, đồng thời là một nhà quay phim tài tình và một người thành thạo kỹ thuật ảnh màu autochrome. Ông đã ghi lại được những bức ảnh rất đẹp và đã đề nghị làm việc cho Albert Kahn, lúc đó đang tập hợp tài liệu cho ‘’Thư khố Hành tinh’’ của ông.
Albert Kahn muốn sử dụng những phương thức tối tân nhất vào thời đó để cho mọi người ta có thể xem những dân tộc khác sống như thế nào. Ông tin tưởng là khi thấy được người khác mình sống như thế nào, điều đó sẽ giúp ta hiểu rõ người ấy hơn, góp phần vào mục tiêu chung sống hoà bình giữa các dân tộc.
Phải nói là cuộc chiến 1870 giữa đế quốc Phổ và Pháp, sau đó là cuộc thế chiến thứ nhất, với mất mát khủng khiếp về nhân mạng đã gây chấn động mạnh nơi ông Albert Kahn. Ông mong muốn không bao giờ thấy trở lại những cảnh tàn bạo đó. Ông tin rằng nếu các dân tộc hiểu nhau và chấp nhận sự khác biệt của nhau, thì sẽ không còn chiến tranh nữa. Thư khố Hành tinh mà ông thành lập chính là một trong những phương tiện tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau qua những hình ảnh, để người ta có thể xem và thấy sự khác biệt văn hoá giữa các dân tộc.
Ngoài ra, những tấm hình chụp được còn là chứng nhân cho những phương cách sống mà ông Albert Kahn đã cảm thấy có nguy cơ biến mất. Đấy là hai mục đích chính gắn liền với các hình ảnh này lưu trữ ở đây.
Sự tồn tại của kho tư liệu hình ảnh về Việt Nam tại Viện Bảo Tàng Albert Kahn lẽ dĩ nhiên đã thu hút mối quan tâm của giới sử gia trong nước. Nhân dịp ghé Paris mới đây, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc đã bỏ thì giờ đến tìm hiểu về kho tư liệu này. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, anh Dương Trung Quốc không che giấu niềm hứng thú.
.
.
.
No comments:
Post a Comment