Nguyễn Viện
07/08/2010 11:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=23043
Bất chợt tôi cảm thấy mình rơi vào trong một “hệ thống” cùng với hai người khác.
Ba chúng tôi cùng xếp một hàng chéo nhau như những quân cờ và được sai khiến ngồi xuống một chiếc ghế như trong lớp học. Có một điều gì đấy giống như ký ức nói với tôi rằng, từ nay tôi không còn là một cá thể nữa, mà chỉ là một đơn vị, cho dù tôi vẫn mang một cái tên. Nghĩa là những cái như ý thức, tự do, tư tưởng và hành động của tôi sẽ không phải do chính tôi mà do cái không phải tôi hành xử. Tôi thuộc về một hệ thống.
Tôi hỏi người ngồi xéo phía bên trái tôi: “Anh từ đâu đến?” Anh ta nói: “Tôi là người rao giảng tin lành. Và tôi đến từ người đã sai tôi.”
Tôi hỏi người phía bên phải: “Anh đến từ đâu?” Hắn bảo: “Tôi không đến cũng không đi. Tôi được đặt vào.”
Còn tôi, liệu tôi phải trả lời thế nào về trường hợp của mình?
Quả thực, đây là một điều khó. Như tôi đã nói bên trên, tôi bất chợt cảm thấy sự hiện diện của mình, ở đây. Tôi không thể biết được cái nguyên ủy cũng như cái tương lai. Nếu có thể gọi là ý thức, cái giúp tôi định vị mình, tôi cũng không chắc cái ý thức đó có thật từ tôi hay không. Vậy thì làm sao tôi có thể nói về tôi như chính tôi là?
Tuy nhiên, tôi vẫn phải nói với hai người kia một điều gì về sự có mặt của mình chứ. Tôi thú thật: “Tôi không biết tại sao tôi lại ở đây và làm gì.” Và tôi hỏi tiếp họ: “Các anh sẽ làm gì?” Cả hai đồng thanh nói: “Chúng tôi chờ được sai bảo.”
Đã rõ. Chẳng lẽ tôi cũng sẽ phải chờ như họ?
Người rao giảng có lẽ thương cảm tình cảnh của tôi. Anh ta kể: “Trước đây, cũng có lúc tôi không thật sự biết mình là ai. Tôi lang thang và làm đủ mọi thứ nghề chỉ để tìm câu trả lời: Sống để làm gì? Sự thay đổi không soi sáng cho tôi được gì. Những cái mà người ta hay nói như chứng nhân của sự hiện diện của Thượng đế chẳng làm tôi thêm hy vọng. Đôi khi, tôi tự hỏi tra vấn như thế có ích gì. Mọi thứ tồn sinh trên mặt đất này, trong bầu trời này có cần gì tra vấn để tồn tại. Và tôi tự nhủ rằng, cứ như cây cỏ. Đúng lúc ấy, Ngài đến và nói: ‘Cây cỏ cũng không phải tự nhiên đến và đi được. Ngươi thuộc về ta và hãy theo ta.’ Từ đó, tôi thuộc về Ngài.”
Tôi nghĩ, anh ta cũng chỉ là một con chó giữ nhà hoặc một con vẹt.
Người đàn ông còn lại không biết có cảm thấy thú vị với câu chuyện của người rao giảng hay không, nhưng cũng góp chuyện: “Tôi biết rõ tôi thuộc về một tổ chức và nhiệm vụ tôi được giao là xâm nhập vào các hệ thống để phá vỡ các hệ thống đó, đặc biệt là với các hệ thống dựa trên niềm tin.”
Thật sự đáng ngạc nhiên. Tại sao hắn công nhiên nói về điều có thể gây nguy hiểm cho chính hắn? Nhưng tôi chỉ buồn cười, rốt cuộc hắn cũng tôn sùng một hệ thống.
Người rao giảng được đưa tới một chuồng bò cũ. Đã lâu lắm rồi không còn ai nuôi bò trong chuồng để mỗi ngày vắt lấy ít sữa. Miếng đất nào cũng được qui hoạch để nó trở nên hiện đại hơn và có lợi ích kinh tế lớn hơn. Nhưng cũng như phần lớn những miếng đất khác, các ý tưởng được treo vào nó và người ta chờ đợi cơ hội kiếm tiền nhờ vào các cuộc đầu tư. Khi cơ hội chưa tới, người chủ miếng đất vẫn được giữ nó nhưng không được xây dựng bất cứ cái gì. Ông ta gọi người rao giảng đến và bảo: “Tôi cho anh mượn khu đất này. Anh có thể dùng nó để vinh danh đấng đã sai anh đến.”
Người rao giảng cảm tạ Chúa và ông chủ đất. “Ông sẽ được trả công bội hậu”, anh ta nói. Và ông chủ đất tin vào điều đó như tin vào bất cứ cơ may nào.
Người rao giảng vào chuồng bò. Anh ta bắt đầu cầu nguyện.
Đầu tiên là những người hàng xóm, họ tò mò đến với anh. Người rao giảng nói: “Chẳng phải là chúng ta đang bị quỉ dữ cướp đi của cải và cuộc sống của chúng ta sao?”
Những người hàng xóm nói: “Phải.” Người rao giảng nói tiếp: “Nhưng chúng ta còn có những của cải và cuộc sống không ai trên thế gian này có thể cướp đi được. Tôi đến để cho anh em biết điều đó.” Rồi những người hàng xóm mang cho anh ta thực phẩm và dựng cho anh ta cái mái che. Hằng ngày anh ta cầu nguyện. Những người hàng xóm cùng cầu nguyện với anh ta. Họ hy vọng có một thứ của cải và cuộc sống không bao giờ mất.
Chính lúc đó, người được tổ chức của anh ta sai đi xâm nhập vào các hệ thống phát hiện ra mục tiêu của mình. Hắn ta đến gặp người rao giảng.
“Nếu tôi cùng ngồi xuống và cầu nguyện với anh, anh có phản đối không?”, Hắn hỏi người rao giảng.
“Vì tình yêu, tôi không phản đối.” Người rao giảng trả lời.
“Mặc dù anh biết chắc rằng tôi là người phá hoại, thậm chí sẽ bắt bớ anh?” Hắn hỏi tiếp.
“Vì đấng đã sai tôi, tôi vui mừng đón nhận anh.” Người rao giảng vẫn bình tĩnh.
“Anh tin rằng sẽ cải hóa được tôi ư?” Hắn lại hỏi.
“Việc cải hóa anh hay không, không phải do tôi mà do đấng đã sai tôi.” Người rao giảng nói.
“Thế thì anh sẽ phải chịu thử thách với tôi đến chết.” Hắn nói.
Từ đó, mỗi ngày đều có thêm người đến cầu nguyện với người rao giảng. Cũng từ đó, cái chuồng bò đã biến thành một nguyện đường và nhóm người của anh ta được gọi là một hội thánh.
Vốn là người tin vào tổ chức của mình, hắn ta cũng luôn tin rằng không một hành động nào của bất cứ ai lại không do một thế lực nào đó điều khiển. Bởi vậy, hắn muốn tìm biết thế lực nào cụ thể đứng sau lưng người rao giảng mà không phải là một đấng Thượng đế mơ hồ.
Tôi lại nghĩ, một thế lực cụ thể trần gian thì cũng chẳng khác gì một đấng Thượng đế mơ hồ.
Trong khi hội thánh của người rao giảng vẫn tiếp tục lớn mạnh thì người đặc nhiệm kia vẫn chưa tìm ra cái thế lực cụ thể đứng sau lưng giật dây người rao giảng. Hắn ta bắt đầu nghĩ đến các chiêu hạ sách.
Một buổi tối, trong lúc mọi người trong hội thánh tụ tập cầu nguyện thì bọn giám sát đến.
Một giám sát hỏi: “Các người đang làm gì ở đây?”
Người rao giảng: “Chúng tôi cầu nguyện.”
Viên giám sát: “Ai cho phép mấy người tụ tập?”
Người rao giảng: “Không ai cho phép. Chúng tôi tự nguyện đến đây.”
Viên giám sát: “Tụ tập phải xin phép. Âm mưu cái gì?”
Người rao giảng: “Chúng tôi không âm mưu gì. Chúng tôi chỉ cầu nguyện.”
Viên giám sát: “Sao không cầu nguyện một mình mà lại tụ tập?”
Người rao giảng: “Chúng tôi vinh danh Thiên chúa.”
Viên giám sát: “Chỉ có Đảng của chúng tao mới đáng được vinh danh, biết không?”
Người rao giảng: “Các anh có thể vinh danh Đảng của các anh, chúng tôi cũng có thể vinh danh Thiên chúa của chúng tôi.”
Một giám sát khác xen vào: “Không lý sự với thằng này. Bắt nó về địa ngục.”
Một biên bản được lập tại chỗ. Nhưng người rao giảng không chịu ký với lý do anh ta không nhìn nhận việc mình làm là bất hợp pháp.
Người rao giảng bị dẫn giải về trụ sở đội giám sát. Một giám sát đưa cho anh mấy tờ giấy và yêu cầu viết tờ khai lý lịch.
Nửa đêm, bọn giám sát tha anh về và yêu cầu sáng hôm sau lên làm việc.
Viên giám sát: “Ai xúi giục anh làm việc này?”
Người rao giảng: “Chúa của tôi.”
Viên giám sát: “Không có Chúa ở trần gian. Ai xúi giục anh?”
Người rao giảng: “Chỉ có Chúa.”
Viên giám sát: “Tao cho mày biết, chỉ có chúng tao mới có quyền cho chúng mày giảng đạo, làm tu sĩ hay không. Chúng mày âm mưu cái gì?”
Người rao giảng: “Chúng tôi mang tin lành đến cho mọi người.”
Viên giám sát: “Còn đây là tin lành của tao.” Viên giám sát đấm vào mặt người rao giảng. “Bây giờ mày có ký vào biên bản hay không?”
Người rao giảng: “Tôi chỉ ký vào cái gì đúng.”
Viên giám sát: “Còn đây là cái đúng của tao.” Viên giám sát đấm một cái nữa. “Thế nào?”
Người rao giảng: “Cứ giết tôi đi.”
Viên giám sát: “Tao sẽ không giết mày, nhưng làm cho mày đau khổ.”
Nói xong viên giám sát đứng lên đánh người rao giảng bằng cả tay và chân cho đến khi anh này bất tỉnh.
Tôi thật sự không biết khả năng chi phối của hệ thống đối với một đơn vị của nó như thế nào, khi đơn vị đó là một con người. Và liệu chỉ có một hệ thống hay nhiều hệ thống khác nhau cùng lúc tác động lên một sinh vật? Phần tôi, có những lúc tôi tưởng mình tự do khi cô đơn. Nhưng ngay lập tức tôi nhận ra cái cô đơn cũng có tính hệ thống của nó. Một phản ứng nào đó cũng gần như được qui định. Vậy thì suy tưởng về số phận như một sự phản tỉnh về vị thế của mình có giải phóng con người ra khỏi cái định phận của nó là một đơn vị của hệ thống?
.
Khi người rao giảng tỉnh dậy, anh cảm thấy một sự bình an tràn đầy trong linh hồn, trong khi thân xác anh rã rời như thể chúng được ráp nối một cách vụng về. Anh nghĩ mọi chuyện cũng chỉ đến thế. Anh được tha về với lời hăm dọa không được trả lời phỏng vấn của báo đài nước ngoài hay bất cứ một phát ngôn nào tố cáo sự hành hung của nhân viên giám sát.
Người rao giảng tiếp tục sứ vụ của mình. Các tín hữu tiếp tục đến với anh. Trong tận cùng, anh cảm thấy sự hiện diện của đấng đã sai anh và điều đó cho anh thêm sức mạnh.
Tuy nhiên, một tháng sau anh lại bị lập biên bản vì tụ tập trái phép. Anh bị nhốt gần một tuần lễ, bị tra khảo bằng nhiều hình thức khác nhau chỉ với một mục đích tìm cho ra thế lực nào đã đứng sau lưng anh.
Viên giám sát: “Mày có nhận tiền của bọn phản động nước ngoài không?”
Người rao giảng: “Tôi không biết một tổ chức nào.”
Viên giám sát: “Thế cái tổ chức tôn giáo của mày là gì?”
Người rao giảng: “Tôn giáo chúng tôi được lập ra để thực hành lời Chúa.”
Viên giám sát: “Tại sao mày không theo mấy cái đạo đã được chúng tao cho phép mà lại theo cái đạo này?”
Người rao giảng: “Đấy là ý Chúa.”
Viên giám sát: “Và mày sẽ biết ý của chúng tao còn hơn cả ý Chúa.”
Viên giám sát treo ngược người rao giảng dưới một cái xà. Và hắn dùng lửa đốt dương vật của người rao giảng.
Viên giám sát: “Tao cho mày cơ hội trung thành với chủ mày đến chết.”
.
Gã đặc nhiệm nói với người rao giảng: “Anh có thể hình dung được những tình huống xấu phải không?”
“Vâng. Tôi biết sẽ phải trả giá cho niềm tin của mình”. Người rao giảng nói.
Tôi nghĩ, con người luôn phải chết vì niềm tin của mình và điều đó tạo ra những vẻ đẹp rực rỡ của cuộc sống, đồng thời nó cũng tạo ra cái bi kịch u tối mang tính bản chất.
“Anh sẽ không phản bội lại chính anh chứ?” Gã đặc nhiệm hỏi.
“Hy vọng thế. Vì tôi không sống cho chính tôi.” Người rao giảng trả lời.
“Sự hy vọng là một con quỉ, nó không phải là ơn cứu rỗi.” Gã đặc nhiệm nói.
Chỉ trong vòng 3 năm, người rao giảng đã bị xét nhà hơn một trăm lần, bị giam gần một năm, bị đánh đập 79 lần.
Gã đặc nhiệm hỏi người rao giảng: “Thời gian có ý nghĩa gì với anh?”
“Không có ý nghĩa gì cả. Anh biết chúng tôi coi đây là cõi tạm mà.” Người rao giảng nói.
Gã đặc nhiệm cười đểu: “Đánh đổi sự đau khổ cõi tạm với hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, được đấy.”
Tôi lại nghĩ, trong một hệ thống thì khái niệm trước hay sau, tạm bợ hay vĩnh cửu cũng không khác gì nhau.
Gã đặc nhiệm nói: “Anh cũng biết tình hình xã hội hiện nay rất phức tạp, mà một trong những cái phức tạp đó là anh, hội thánh Ánh Sáng Đức Tin, những mầm mống thế lực từ bên ngoài. Anh muốn làm thánh, hoặc cứu tinh dân tộc chăng?”
“Không. Chỉ có một đấng thánh là Chúa. Và vì thế vị cứu tinh của chúng ta cũng là Chúa.” Người rao giảng nói.
“Anh nói máy móc và sách vở còn hơn người cộng sản.” Gã đặc nhiệm nói.
“Vì tôi thuộc về Chúa.” Người rao giảng vẫn một giọng cố hữu.
“Chúng tôi muốn anh cộng tác.” Gã đặc nhiệm đột nhiên đổi giọng.
“Tôi không hiểu ý anh.” Người rao giảng nói.
“Chúng tôi sẽ để anh xuất hiện như một anh hùng.” Gã đặc nhiệm nói.
“Một nhân vật phản kháng tầm cỡ?” Người rao giảng hỏi.
“Đúng vậy.” Gã đặc nhiệm xác nhận.
“Để làm gì?” Người rao giảng hỏi lại.
“Để làm gì thì anh biết hơn tôi.” Gã đặc nhiệm nói.
“Tôi không làm chính trị.” Người rao giảng nói.
“Nhưng chính trị sẽ điều khiển anh.” Gã đặc nhiệm nói.
“Không ai điều khiển được tôi, ngoài Chúa.” Người rao giảng nói.
“Anh tưởng vậy thôi. Anh suy nghĩ kỹ đi. Chúng tôi sẽ thu xếp cho anh mọi chuyện cần thiết, kể cả tiền bạc và những gì anh muốn.” Gã đặc nhiệm nói.
Dường như có một xáo trộn nào đó trong hệ thống làm cho tôi lẫn lộn quá khứ với hiện tại và tương lai. Và vì thế tôi cũng không cảm thấy chắc mình thuộc về một nơi nào. Có những hồi ức làm cho cái hiện thể trở nên rõ ràng hơn, nhưng đồng thời lại cho tôi cảm giác của một dự cảm tương lai hơn là hoài niệm quá khứ. Và đến lúc cái dự cảm này biến thực tại thành một hiện thể mơ hồ.
Tôi hỏi người rao giảng: “Anh vẫn xác định thời gian là cõi tạm chứ?”
Người rao giảng: “Vâng. Chính vì thế tôi sẽ không nhượng bộ trước mọi áp lực trần gian.”
Tôi nói: “Thật ra vấn đề là cái vĩnh cửu kia có thật không?”
Người rao giảng nói: “Đối với riêng tôi, vĩnh cửu là một thực tại hay ý niệm cũng không quan trọng.”
Tôi nói: “Đấy là một hạnh thánh.”
Người rao giảng: “Anh quá khen. Tôi chỉ sống như người được sai bảo.”
Tôi nói: “Tôi không biết một nhận thức như thế thì tốt hay xấu, sai hay đúng.”
Người rao giảng: “Tôi thành thật nghĩ rằng, không có tốt xấu, đúng sai trong phạm vi lý luận. Vấn đề là thái độ, đó cũng là vấn đề của đức tin.”
Tôi nói: “Và tất cả những hệ lụy của nó.”
Người rao giảng nói: “Vâng. Trong một hệ thống.”
30.7.2010
© 2010 Nguyễn Viện
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment