Friday, August 13, 2010

GIỚI THIỆU TẬP "THƠ THUYỂN 40 NĂM 1969-2009" của TRẦN MỘNG TÚ

Ðiểm sách: THƠ TUYỂN BỐN MƯƠI NĂM 1969 - 2009 của TRẦN MỘNG TÚ

Phạm Xuân Ðài

Thursday, August 12, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/08/iem-sach-tho-tuyen-bon-muoi-nam-1969.html

Tác giả xuất bản, 191 trang, gồm 109 bài thơ của nhà thơ Trần Mộng Tú và sáu phụ bản màu là tranh của các họa sĩ Thái Tuấn, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Ðồng và Vũ Thái Hòa. Không ghi giá bán và địa chỉ liên lạc. (https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjW5VCgY7qPEuw-ZTZmwGj7_r4zzFuCwE9HXHhpMWaaBJ3cwhHeowf3h8E7dy8WQZQHCFyRwOiwZYXJg-sPyqdDNmqGOSi1RJRq87RGNn0sfG3cAK26dFoT7B6d2L5D7xEbxm_zkLejNw/s320/Th%C6%A1+Tuy%E1%BB%83n_final.jpg)

Cuốn thơ trình bày rất đẹp. Tên của tác giả cũng đẹp và quen thuộc với giới thưởng ngoạn thơ từ nhiều năm qua. Nhìn tên của tập thơ, bỗng giật mình: đã bốn mươi năm rồi! Có phải đây là một thi sĩ làm thơ dài hơi nhất Việt Nam (và của thế giới) hay không? Thơ chỉ làm được khi tâm hồn còn mới, mà Trần Mộng Tú làm thơ một mạch bốn mươi năm, và với đà sáng tác vẫn tiếp tục như hiện nay, thì cái mốc 40 chỉ là một tổng kết tạm. Nhưng phỏng đoán tương lai để làm gì? Chúng ta đang đứng trước một thành tựu hiếm có: bốn mươi năm làm thơ của một thi sĩ.

Người viết bài điểm sách này không theo dõi từ đầu bước đường làm thơ của Trần Mộng Tú, mà chỉ mới đọc thơ của tác giả về sau này, tính đến nay chỉ gần bằng nửa thời gian bốn mươi năm thôi, nhưng đã chứng kiến một cảnh tượng mà tôi nghĩ tác động lớn lao đến suốt đời tác giả, đã tạo nên một chủ đề rõ rệt cho thơ Trần Mộng Tú, là Chiến Tranh. Ðó là một ngày vào năm 1969, tôi đi viếng đám tang một sĩ quan trẻ mới tử trận, đã gặp một thiếu nữ mặc đồ đại tang đứng bên bàn thờ, góa phụ của “người đi không về.” Hơn hai mươi sau, khi đến Hoa Kỳ tôi mới được biết người góa phụ rất trẻ ấy là Trần Mộng Tú, và đồng thời biết mình đã chứng kiến hình ảnh khởi đầu cho một tài năng thi ca, mà sự tàn nhẫn dữ dội của chiến tranh đã làm bật lên những tiếng gào khóc trong những vần thơ đầu tiên, và tạo một vết thương không bao giờ lành hẳn trong quãng đời còn lại.

Từ xưa, đàn ông là kẻ tạo nên chiến tranh, đàn bà là kẻ than khóc về những mất mát do chiến tranh gây ra. Chinh Phụ Ngâm chỉ mới là khúc ngâm của người đàn bà có chồng đi chinh chiến thôi, mà nghe ra đã bi thảm lắm rồi:

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?


huống hồ nỗi lòng của người con gái mới sống với chồng qua một tuần trăng mật đã vĩnh viễn mất chồng:

Em tặng anh hoa hồng
chôn trong lòng huyệt mới
em tặng anh áo cưới
phủ lên nấm mộ xanh


Tiếng khóc của người góa phụ tuổi hai mươi này không gào thét ồn ào, điều này chứng tỏ cái bản lãnh nuốt cay đắng vào trong để kết tinh thành những giọt nước mắt như ngọc rơi xuống trang thơ:

Em tặng anh mây vương
mắt em ngày tháng hạ
em tặng anh băng giá
giữa tuổi xuân cuộc đời

Anh tặng môi không cười
anh tặng tay không nắm
anh tặng mắt không nhìn
một hình hài bất động

Anh muôn vàn tạ lỗi
xin hẹn em kiếp sau
mảnh đạn này em giữ
làm di vật tìm nhau.

(Quà tặng trong chiến tranh)

Ngày nay đọc lại những câu thơ của người góa phụ trẻ khóc chồng như thế chúng ta không khỏi ngạc nhiên về cái cách đối diện với thảm cảnh khá điềm tĩnh, lời lẽ mặc dù đầy thương đau nhưng không hề rối loạn, đã can đảm mô tả người chồng với những hình ảnh chết “môi không cười, tay không nắm, mắt không nhìn”, đã dám loại bỏ lối “than khóc nữ nhi” để nói một lời hò hẹn vượt thời gian “mảnh đạn này em giữ, làm di vật tìm nhau.” Cung cách ấy báo hiệu một tâm hồn thanh cao với một tài năng thi ca vượt bậc, đứng vững chãi nhiều năm về sau.

Liên tiếp trong hai năm 1969 và 1970 thơ của Trần Mộng Tú không ra khỏi đề tài chiến tranh, điều đó ta hiểu được vì nỗi khổ đau lớn quá, người con gái ấy chưa thoát ra được. Tâm hồn trong sáng ấy dần dần trở thành cay đắng khi nhắc đến chiến tranh, nhìn thời cuộc như một màn kịch lừa dối ngay cả trong những vận động tìm kiếm hòa bình, và nhìn thân phận mình như một nạn nhân.

Em ngây thơ yêu anh
mong đất nước thanh bình
tiễn anh vào lửa đạn
em còn nấm mộ xanh

em mất anh vĩnh viễn
hai ta mất mối tình
một mình em vướng lại
trong cái bẫy hòa bình.

(Cái bẫy hòa bình)

Chiến tranh sẽ còn được nhắc lại trong thơ Trần Mộng Tú nhiều lần trong thời gian sau này như một ám ảnh không nguôi, như một kẻ thù truyền kiếp, như một món nợ tác giả vẫn đòi hoài mà không ai trả cả. Tuy thế, sau biến động 1975, cuộc đời tác giả đã rẽ sang một ngõ khác đầy bất ngờ, để từ đây cuộc sống sẽ mang lại nhiều điều phong phú cùng với sự trưởng thành của tác giả về tuổi tác, về kinh nghiệm sống, cũng như về nghệ thuật thơ ca. Chiến tranh, như thế, là một “khai tấu khúc” cho bản trường ca mà tác giả đã tiếp tục viết trong suốt 40 năm.

Biến cố 1975 và chuyến di tản sang Mỹ năm ấy là một cái quật mạnh lên cái yếu đuối của người đàn bà trẻ đơn độc trong cơn loạn lạc. Chịu đựng nỗi đau của tan lìa khi miền Nam sụp đổ, đối diện và thích ứng với hoàn cảnh mới tại Mỹ. Khoảng vài tháng sau ngày tháng Tư 75 ấy, Trần Mộng Tú đã viết:

Hãy tưởng tượng ra em
ở một căn nhà lạ
mình em một ngôn ngữ
mình em một màu da
mình em một màu mắt
mình em một lệ nhòa
...
Hãy tưởng tượng ra em
ở một vùng đất mới
em như hoa sầu đông
khóc mùa xuân không tới.


Các bài của tập thơ xếp theo thứ tự thời gian sáng tác khiến chúng ta dễ dõi theo những biến chuyển tâm lý lẫn biến cố trong đời tác giả. Sau những bỡ ngỡ lúc ban đầu, chúng ta biết được tác giả đã lấy chồng, có con, và tâm hồn thì vẫn như xưa, luôn luôn rung như một sợi tơ trước cuộc đời, trước thiên nhiên, và cống hiến cho đời những vần thơ ngày một điêu luyện hơn, truyền cảm hơn, nhưng luôn luôn vẫn ở trên cái nền tình cảm rất nhu hòa của một tâm hồn chân thành và đạo đức. Ðến đây, dòng sông thi ca đã trôi chảy trên vùng đồng bằng, bỏ lại đằng sau những thác ghềnh khốc liệt của thời gian năm bảy năm đầu, người đọc thơ có thể cùng êm ái xuôi theo dòng...

Trần Mộng Tú là người thừa hưởng kết quả của những phong trào cách tân thơ Việt Nam từ thập niên 1930 cho đến nay, thơ của bà sử dụng những hình thức vốn đã quen thuộc, hoặc đã trở nên quen thuộc, không gây bở ngỡ, thậm chí khó chịu cho người đọc như những người đi tiên phong. Nhìn chung thì Trần Mộng Tú hay làm thơ năm chữ (như những trích dẫn ở trên), bảy chữ

Anh ạ tháng Giêng còn trẻ lắm
mặt đất rền như bánh chưng xanh
buổi sáng ngực xuân sương căng sữa
nhỏ xuống chiều những giọt long lanh


hay tám chữ

Hàng cây trên cao giơ bàn tay vẫy
sông chảy hiền hòa bầu trời thật xanh
núi tình tứ và nàng lên tiếng gọi
mùa Hạ rất đầy sao thiếu mình anh.


Ðó là những khổ thơ quen thuộc, dễ đọc, dễ cảm, chiếm đa số bài trong sách. Tác giả cũng hay làm thơ tự do, câu, chữ, vần không hạn định, sử dụng khi cần để thích hợp cho một tâm trạng nào đấy

Ôi cuộc chiến đã đi qua
chúng ta mất hết
tình yêu
tuổi trẻ
và những ước mơ
thơ giúp em giữ mãi một điều gì thiêng liêng
không mất được
nhưng cũng không tìm lại được bao giờ.


Có cả thơ văn xuôi:

Ðến một lúc nào đó có thể chúng ta sẽ quên hẳn nhau làm sao mà giữ mãi được một liên hệ không còn hiện hữu nữa.

Và một lần duy nhất trong tập thơ này, bài Mùa Thu Gót Cỏ được trình bày theo một hình thức đặc biệt, các câu hai chữ được xếp theo một hình đồ riêng trên trang giấy chứng tỏ tác giả nắm được quan niệm cách sắp xếp vị trí của chữ trong một bài thơ cũng có tác dụng cho việc cảm nhận bài thơ đó. Ví dụ, nhìn “toàn cảnh” bài thơ hai chữ này, người ta dễ có cảm tưởng như bắt gặp cái trống trải hiu hắt của bầu trời mùa thu với những cây đứng trơ cành, và những cụm hai chữ xếp đặt đó đây trên trang giấy gợi hình ảnh những chiếc lá bay lả tả trong trận gió thu.

Nhìn chung, Trần Mộng Tú khá thoải mái trong việc chọn hình thức cho thơ của mình. Trải dài bốn mươi năm làm thơ, bà đã theo dõi khá sát các quan niệm đổi mới hình thức thi ca và đã tự mình cảm nghiệm thế mạnh của các loại cách tân, ứng dụng thành công một cách tự nhiên.

Nhưng hình thức không phải là điều tác giả quan tâm nhiều, cái gây đặc sắc nơi thơ Trần Mộng Tú không phải là thi pháp mà là thi tứ và ngôn ngữ. Thơ Trần Mộng Tú không cầu kỳ, nhưng người đọc luôn có cảm giác tân kỳ trên một cái nền tương đối giản dị, có lẽ hơi cổ điển nữa. Ấy là nhờ những ý thơ lạ, bất ngờ, được chuyên chở bằng những từ ngữ cũng bất ngờ.

Tôi bắt đầu tháo bỏ chàng
như tháo đôi hoa ra khỏi tai
tháo từng chiếc
từng chiếc một
hai tai đã khỏa thân
...
Tôi đi rót cốc nước
nâng chiếc ly lên nhìn
thủy tinh
trong suốt
ngửa mặt uống cạn chàng
ném chiếc ly qua cửa
tình bay vào không gian.


“Tháo bỏ” không phải là một chữ lạ, nhưng “tháo bỏ chàng” thì cả ý cả chữ đều lạ. Ðến “hai tai đã khỏa thân” thì... thần sầu, quá trình trần truồng của... đôi tai giống hệt như của một vũ nữ thoát y, từng chiếc, từng chiếc một, khác nào từng mảnh, từng mảnh một rơi xuống, để đến tình trạng trần trụi sau cùng. Ðến đoạn sau của bài thơ, cách xếp đặt ý và chữ, từ “uống cạn chàng” đến câu kết đột ngột “tình bay vào không gian” hầu đã đưa người đọc đến một tình trạng thống khoái, vì cách giải quyết bất ngờ, mở rộng, tan loãng thoát ra khỏi mọi gò bó, với hình ảnh “bay vào không gian” đẹp và lãng mạn.

Có lẽ ở đây ngôn ngữ mới là chính yếu, tự nó làm nên thơ, làm nên cả ý thơ. Nó không phải là phương tiện để diễn đạt ý nữa, ngôn ngữ trong thơ tự trình bày chính nó bằng một thẩm mỹ riêng. Khi nói “hai tai đã khỏa thân” thì cả nhóm từ ngữ ấy làm nên một hình ảnh, một ý độc đáo tinh nghịch, chứ không phải dùng nó để diễn giải một ý tưởng đã có trước là tai trần trụi vì đã lột đi đôi bông.

Ðọc thơ Trần Mộng Tú ta có thể gặp nhiều bất ngờ như thế. Trong bài Hành Tây Bắc, tác giả kể sau bao năm xa cách Việt Nam, người về thăm cảm thấy “lạ người, lạ tiếng, chân lạ đất”. Thật là một câu cực tả cảm giác bơ vơ khi đứng trên chính quê hương mình. Chẳng có gì là sáng tạo cầu kỳ cả, nhưng sau lạ người, lạ tiếng lại thêm “chân lạ đất” nữa thì có thể khiến ta rùng mình cho những ngăn cách do hoàn cảnh lịch sử, chính trị, xã hội gây ra nơi một con người đi lưu vong. Người viết nghị luận có thể cần một bài nhiều ngàn chữ để nói về tình trạng ấy, nhưng người làm thơ chỉ cần bảy chữ, với điều kiện bảy chữ ấy phải đích thực là... ngôn ngữ thơ!

Thơ Trần Mộng Tú cũng là nơi bộc lộ trọn vẹn nữ tính của tác giả. Trời sinh đàn bà và đàn ông là hai mặt âm dương của con người. Ðàn ông cứng rắn, thô bạo, đàn bà mềm yếu, dịu dàng.
Ðàn ông là chiến tranh, đàn bà là hòa bình. Ðàn ông chinh phục, đàn bà đón chào sự chinh phục. Những đặc tính ấy đã quá rõ trong quá trình làm người của nhân loại suốt hàng triệu năm. Nhưng đặc tính bản năng khác với đặc tính văn hóa. Ðặc tính văn hóa của nữ tính thể hiện khắp mặt đời sống, đem lại sự dịu dàng, che chở, bao bọc với mục đích làm sinh sôi và bảo tồn sự cho sự sống.

Nét nữ tính đầu tiên và quan trọng nhất nơi người đàn bà được bộc lộ trong tình yêu. Tất cả vẻ xinh đẹp, quyến rũ, đáng yêu v.v... đều là những đặc trưng sức mạnh của nữ giới để tạo nên ái tình. Bài thơ Ðàn Bà Là Mặt Trời của Nhã Ca làm cách đây khoảng bốn mươi năm, có câu:

Hỡi các chị, chúng ta đều đẹp như mặt trời
tinh khiết như bình minh
vì chúng ta làm ra ái tình
ra hoa lá và sự sống trên trái đất


Ðó là một người nữ ý thức sâu xa bản chất của nữ tính, nói thẳng cho mọi người biết mục tiêu tối hậu của cái đẹp nơi người nữ là gì. Trần Mộng Tú cũng ý thức điều tương tự, nhưng không ra tuyên ngôn, mà phổ trong thơ, ở nhiều tình huống khác nhau, tính chất đa tình, êm dịu và thiết tha của nữ tính nơi mình.

Mối tình đầu bị gãy đổ do chiến tranh đã ám ảnh dai dẳng tâm hồn tác giả. Không quên được, không xóa được, dù thời gian lẫn không gian đã kéo tác giả ngày càng xa biến cố đau thương ấy

Anh còn nhớ không
một thời yêu đương cũ
hàng me giá ướt đẫm trong mưa
những nụ hôn vỉa hè
tình yêu luân vũ
...
những bông hồng Ðà Lạt
những chiếc gai
đến bây giờ vẫn làm tim em rướm máu


Lòng thủy chung chỉ còn biết tìm hình ảnh xưa trong những cơn mơ, người con gái yếu mềm rất tội nghiệp giữa nỗi bơ vơ

Mai em về người có lòng rộng mở
tay bao dung ôm nhẹ chút dư hương
em bé nhỏ đời cuốn đi trong gió
trái tim hồng sót lại một hạt sương


Trong thơ Trần Mộng Tú đại từ ngôi thứ nhất mà tác giả rất hay dùng, tiếng xưng “em” có một vai trò đặc biệt, làm nên một đặc tính. Trong tiếng Việt khi đối thoại với người tình, nữ giới ai cũng xưng “em”, nhưng thơ Trần Mộng Tú lối xưng hô này đã tạo được một cảm xúc đầy trìu mến và tình tứ. Và không chỉ khi nói chuyện tình yêu, trong rất nhiều trường hợp khác Trần Mộng Tú vẫn xưng em, có thể là tự nói với mình, có thể trống không vậy thôi không với một đối tượng rõ rệt nào cả, tiếng “em” vẫn gợi một tình cảm dạt dào êm dịu. Ðại từ JE trong tiếng Pháp, hay I trong tiếng Anh dùng rất tổng quát, cho cả hai giống phái, đơn thuần là chỉ chủ thể ngôi thứ nhất, không thể nào mang thêm tính chất tình cảm diễn tả được vai trò và chỗ đứng của Trần Mộng Tú trong tất cả đối thoại, độc thoại của mình với chữ Em biết bao dễ thương của ngôn ngữ Việt Nam. Tiếng xưng Em của Trần Mộng Tú đã tạo nên một thi giới riêng cho tác giả, với nét nhỏ nhẹ, khiêm nhường, đáng yêu đầy nữ tính.

Khi làm một bài thơ về những giọt nước mắt (bài Lệ) cảm hứng từ một câu thơ của Ðạm Quy Hòa Thượng, Trần Mộng Tú viết:

Giọt lệ em đang khóc
...
Tình yêu em đang có
...
Nỗi buồn em đang mang...


thì rõ ràng không đối thoại với một ai cả ngoài chính mình, nhưng nếu ta thử thay chữ Em bằng chữ Tôi chẳng hạn, thì bài thơ sẽ trở nên cứng cỏi, và những điều muốn diễn đạt từ giọt lệ sẽ mất đi những dáng vẻ tình cảm và sự thiết tha. Cách xưng Em của người nữ Việt Nam bắt nguồn từ một khung trời văn hóa, trong đó người đàn bà bày tỏ sự nhỏ nhẹ dịu dàng, tự đặt mình ở vị trí thấp hơn, và đối với đối tượng yêu đương thì “em” mang đầy vẻ tình tứ nũng nịu, đây chính là một thành tựu của ngôn ngữ cùng cách ứng xử, mà Trần Mộng Tú là người đã khai thác trọn vẹn trong thơ của mình.

Trong ba bậc nữ lưu tiền bối Bà Huyện Thanh Quan, Ðoàn Thị Ðiểm, Hồ Xuân Hương thì chỉ có Hồ Xuân Hương xưng em: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” hay “Thân em như quả mít trên cây” vừa tình tứ vừa tinh nghịch. Về điểm này thì Trần Mộng Tú gần gũi Hồ Xuân Hương hơn là bà Huyện Thanh Quan hay Ðoàn Thị Ðiểm, hai người sau này trang nghiêm quá, chẳng bao giờ xưng em cả. Cùng lắm khi cần diễn tả nỗi niềm nhớ nhung đôi lứa thì Bà Huyện chỉ nói “kẻ chốn chương đài, người lữ thứ”, còn nhà thơ họ Ðoàn chỉ xưng hô “chàng, thiếp”.


Nhưng Trần Mộng Tú còn gần gũi Hồ Xuân Hương ở một điểm tràn đầy nữ tính, là nói về thân xác, chỉ khác Hồ Xuân Hương thì tài tình và quái ác như một thách thức, còn Trần Mộng Tú thì trang nhã và thiên về gợi vẻ đẹp và sự tình tứ. Thật ra ý thức về sự quyến rũ của thân thể mình đối với người đàn ông là việc tự nhiên nơi người nữ, gần như một bản năng, giống như một bông hoa thì phải bay hương và phô sắc thì ong bướm mới biết mà tìm đến.

hai bàn tay em đỏ
môi em hương nhựa thông
cổ em thơm mùi khói
cánh tay em củi trầm


Nhưng phải giữ mọi chuyện luôn luôn mới mẻ, chính thân xác hâm nóng tình yêu:

Thân thể em
soi gương đã cũ
trái đất ôm
mấy chục vòng quay

Sao
vuốt ve anh
mỗi ngày một mới

có phải

mỗi ngày

anh đổi

một bàn tay.


Ngọn Nến Muộn Màng là một bài thơ ngợi ca sự dâng hiến của người nữ đối với người phối ngẫu, cho thấy chẳng bao giờ là muộn màng cả, khi ngọn nến tình yêu vẫn đỏ rực những đam mê nồng nàn:

Em đứng thẳng cho anh nhìn vào mắt
anh vớt hộ em những giọt long lanh
...
Em đứng nghiêng cho anh nhìn sóng lượn
đêm màu xanh hay biển tóc em xanh
...
Em cúi xuống cho anh hôn lên gáy
kỷ niệm gầy như những chiếc xương vai
...
Co chân lên cho anh nâng gót nhỏ
gót chân son nôn nả nhịp xe đời...


Ðọc những câu thơ liên quan đến thân xác như thế, chúng ta thấy về mặt cảm xúc còn mạnh hơn thơ Hồ Xuân Hương, vì ở đây thân xác không khi nào cắt đứt với tình cảm. Môi em, cổ em, ngực em, cánh tay em, gót chân em... không hiện ra như thuần túy là những bộ phận gợi cảm của người nữ mà luôn luôn với những tâm tình đi kèm để thanh tao hóa thân xác, đồng hóa thân xác với tình yêu. Ðó là nét đặc biệt nơi thơ Trần Mộng Tú, vô cùng tình tứ nhưng không vương dục tính, mà chỉ cho thấy cái đằm thắm sâu thẳm khi linh hồn thể xác trộn lẫn vào nhau, để tạo nên một tình yêu đích thực. Và đó là chỗ tuyệt vời của nữ tính, và người đàn bà không thể sống trọn vẹn chính họ nếu không bộc lộ được hết đặc tính ấy.

Qua 40 năm làm thơ của Trần Mộng Tú, chúng ta dõi theo các chứng nghiệm của nhà thơ trước cuộc đời. Thơ không rời sự sống của bà, thơ được tạo ra từ những đau khổ, những hạnh phúc, từ các rung động của tâm hồn tác giả trước thiên nhiên, bạn bè, con cái, đất nước... Và chúng ta cũng chứng kiến các biến chuyển của một tâm hồn không ngừng đối thoại, từ nội tâm ra thế giới, để tìm cho ra cái lẽ của an vui và đau khổ. Một cách tiệm tiến, nhà thơ đã dần dần “ngộ” ra lẽ ấy, từ việc nhìn con mình lớn lên:

Mũi tên con bay vào khoảng trống
Lòng mẹ rung theo sợi dây chùng


Nhìn bạn bè rời bỏ cuộc sống, như trường hợp tiễn biệt Mai Thảo trong bài thơ Về Một Ðịa Chỉ Mới, tuy đầy thương cảm một người anh văn nghệ nhưng giọng bình thản như đang đi vào một đề tài triết học bí mật muôn thuở của con người, là cái chết. Năm 2005, khi làm bài Niềm Thản Nhiên Trong Vườn, cảm nhận được sự thản nhiên của sự vật trong quá trình sinh ra và hủy hoại, thì cũng chính tâm của thi sĩ không còn thấy ngạc nhiên. Ðến một tuổi nào đó của cuộc đời, đạt được sự chín muồi của tâm thức, người ta hiểu ra quy luật của tồn sinh

Tôi mới biết dẫu trong còn mất
lá vẫn thản nhiên nằm thở dịu dàng
nếu biết chiều nay có ai cần nhóm lửa
lá sẽ gom mình hong ấm không gian.


Và nhận ra tính chất vô thường trong mọi chuyện, một điều dễ nói nhưng rất khó tự mình cảm nghiệm, nếu không có một sự quan sát cần mẫn với một cái tâm luôn rộng mở đến những chân trời xa

Giọt lệ em đang khóc
những hạt châu đang rơi
những hạt châu không thật
lăn xuống một đời người

Em có thật hay không
giữa những điều không thật!


Với cái “ngộ” như thế của tác giả, chúng ta tạm khép lại hành trình bốn mươi năm làm thơ của Trần Mộng Tú. Hành trình của một người đàn bà Việt Nam, đi ra từ đau khổ của chiến tranh, và trải nghiệm đời mình như một chứng tích qua một thời gian dài cầm bút làm thơ.

PXĐ

.

.

.

No comments: