Thursday, August 19, 2010

DÂN BIỂU HOA KỲ YÊU CẦU LIÊN HIỆP QUỐC ĐIỀU TRA VỤ CỒN DẦU Ở ĐÀ NẴNG

Dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu LHQ điều tra vụ bạo động ở Cồn Dầu
DCVOnline – Tin tổng hợp

19-08-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7703

Hoa Thạnh Đốn (Washington) – Các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra vụ bạo động xảy ra ở một làng Thiên Chúa giáo Việt Nam sau khi một số gia đình nói rằng nhà cầm quyền đã sử dụng bạo lực gây chết người để ngăn chận một đám rước tôn giáo.

Thân nhân của những người dân làng này, ra điều trần trước một tiểu ban của Quốc hội Hoa Kỳ, tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng bạo lực ngăn cản giáo khu Cồn Dầu, gần thành phố trung phần Đà Nẵng, không cho giáo dân chôn cất một người đàn bà ở nghĩa trang địa phương hôm tháng Năm năm nay.
Nhà cầm quyền muốn dời giáo khu này đi chỗ khác để xây ở đó một khu du lịch, đã giữ lấy thi hài người quá cố và đốt, cùng lúc đánh đập dã man dân làng, bao gồm phụ nữ và người già cả, theo cư dân ở đây cho hay.

Ông Nguyễn Tài, sống ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, nói trong nước mắt rằng công an trở lại hôm tháng Bảy và bắt người em trai của ông, ông Nguyễn Nam, một người lãnh đạo đám rước, và ông Nguyễn Nam đã chết hai ngày sau đó trong lúc bị công an giam và thi thể ông Nam có nhiều vết bầm tím.
Nhân chứng cũng xác nhận một người phụ nữ mang thai, Lê Thị Vân, đã bị đánh cho sẩy thai, trong lúc tối thiểu gần cả chục người dân làng khác hiện đang còn bị tù.

Năm nhà dân biểu – bao gồm ông Joseph Cao, là vị dân biểu người Mỹ gốc Việt duy nhất ở Quốc hội Hoa Kỳ -- đã kêu gọi cho một cuộc điều tra trong một nghị quyết đề nghị gởi cho quốc hội.
Hoa Kỳ nên thúc đẩy Liên Hiệp Quốc chỉ định một đặc sứ “để điều tra những vi phạm nhân quyền trầm trọng và đang xảy ra ở nước này, bao gồm những vi phạm nhắm vào người dân ở làng Cồn Dầu,” bản nghị quyết này nói.

Bộ Ngoại giao nhà nước Việt Nam hôm tháng Năm phủ nhận bất kỳ thương tổn nào xảy ra trong cái họ gọi là tranh chấp đất đai, nhà nước Việt Nam cho rằng đây là một nỗ lực nhằm “bôi nhọ Việt Nam”.
Nhưng ông Nguyễn Quang, người nói rằng em ông đã bị bức cung, bị công anh đánh đập dã man nên phải ký giấy thú tội, ông giải thích là nghĩa trang này đã có hơn 100 năm nay và nơi mà “tất cả anh chị em chúng tôi chết ở đó.”
“Nghĩa trang này không chỉ thuần là một miếng đất bình thường. Đó là di sản của giáo khu chúng tôi,” ông nói.
“Chúng tôi mong muốn sự giúp đỡ của qúy vị để cứu dân Cồn Dầu, cho họ sống bình an ngay trên miếng đất của ông bà, tổ tiên họ để lại và được hành đạo theo nghi lễ tôn giáo của họ,” ông nói.

Theo bản tin của ký giả Foster Klug trên Truyền thông Gia Nã Đại hôm nay, năm nhà dân biểu này đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Obama đưa Việt Nam vào lại danh sách đen của các nước vi phạm tự do tôn giáo.
Dân biểu Frank Wolf và Chris Smith cũng nói tại buổi điều trần rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên tránh đào sâu hơn mối quan hệ giữa hai nước cho đến lúc vấn đề tôn trọng nhân quyền được cải thiện.

Hoa Kỳ đang cố cân bằng giữa hai điều, chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền cùng lúc với ủng hộ và tiếp cận với Việt Nam khi mậu dịch giữa hai nước gia tăng rất đáng kể, kể từ khi bình thường mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1995.

Mới tháng rồi ở Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bà Hillary Clinton nói “có những sự khác biệt sâu sắc tồn tại” giữa hai nước về vấn đề nhân quyền. Bà cho rằng Việt Nam “đang trên con đường trở thành một đất nước vĩ đại với tiềm năng không giới hạn.” Nhưng bà cũng nói là để cho điều này trở thành hiện thực, nhà nước cộng sản Việt Nam phải nới lỏng sự kềm kẹp về hai mặt tự do ngôn luận và tự do hoạt động chính trị.
Ông Theodore Van Der Meid, một thành viên của Ủy ban đặc trách theo dõi Tự Tôn giáo Quốc tế của Quốc hội Hoa Kỳ, cũng điều trần trước Quốc hội cùng ngày, ông nói rằng sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về phương diện kinh tế “không nên phải trả bằng cái giá nhân quyền bị chà đạp, bị áp bức và ngay cả cái chết.”
Ông nói thêm là Việt Nam đã ở trong danh sách đen trước đây, và điều này đã thúc đẩy Việt Nam “có những cải thiện rõ ràng, được ghi nhận trong thực tế và đã không gây trở ngại gì cho những vấn đề song phương khác giữa hai nước.”

© DCVOnline

Nguồn:
(1)
US lawmakers urge probe on Vietnam Catholic clash. AFP, by Shaun Tandon, 19 August 2010
(2)
US lawmakers urge Obama to put Vietnam back on religious freedoms blacklist. Canadian Press, by Foster Klug, 19 August 2010

.

.

.

Cồn Dầu ký sự – Kỳ I: Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri thông tin về Cồn Dầu

J.B Nguyễn Hữu Vinh

14/08/2010

http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/2010/08/14/c%e1%bb%93n-d%e1%ba%a7u-ky-s%e1%bb%b1-k%e1%bb%b3-i-d%e1%bb%a9c-cha-giuse-chau-ng%e1%bb%8dc-tri-thong-tin-v%e1%bb%81-c%e1%bb%93n-d%e1%ba%a7u/

.

Cồn Dầu ký sự – Kỳ II: Với Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri và những vấn đề của Giáo hội Công giáo

J.B Nguyễn Hữu Vinh

15/08/2010

http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/2010/08/15/c%e1%bb%93n-d%e1%ba%a7u-ky-s%e1%bb%b1-ph%e1%ba%a7n-ii-v%e1%bb%9bi-d%e1%bb%a9c-cha-giuse-chau-ng%e1%bb%8dc-tri-va-nh%e1%bb%afng-v%e1%ba%a5n-d%e1%bb%81-c%e1%bb%a7a-giao-h%e1%bb%99i-cong-giao/

.

Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu

J.B Nguyễn Hữu Vinh

18/08/2010

http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/2010/08/18/c%e1%bb%93n-d%e1%ba%a7u-ky-s%e1%bb%b1-k%e1%bb%b3-iii-th%e1%bb%b1c-t%e1%ba%bf-v%e1%bb%9bi-giao-dan-c%e1%bb%93n-d%e1%ba%a7u/

.

Kỳ tới: Cái chết của anh Toma Nguyễn Thành Năm

.

.

.

No comments: