TÌNH HÌNH CỒN DẦU SAU NGÀY ĐÀN ÁP
Đăng bởi tinletrai on 05/14/2010
http://1nguoiviet.wordpress.com/2010/05/14/tinh-hinh-c%E1%BB%93n-d%E1%BA%A7u-sau-ngay-dan-ap/
Cuộc đàn áp đẫm máu giáo dân Cồn Dầu trong đám tang của bà Đặng Thị Tân ngày 4 tháng 5 vừa qua đã để lại những hình ảnh tang thương và kinh hoàng trong lòng người dân Cồn Dầu. Thế giới cũng kinh ngạc chứng kiến cảnh hàng trăm cảnh sát cơ động với mũ sắt, khiên, dùi cui, súng ống, tấn công cướp lấy quan tài, đánh đập tàn nhẫn những giáo dân đi dự đám tang của một tín hửu. Những hình ảnh trên video clip chỉ cho thấy một phần.
Những gì xảy ra sau đó mới thật là kinh hoàng, khi công an cơ động bủa một vòng vây thật chặt để bắt những người tham dự đám tang và đánh đập không thương tiếc bất cứ ai không chạy kịp. Những tiếng kêu la than khóc của phụ nữ, tiếng van xin lạy lục của trẻ em và nhất là tiếng hò hét của đám công an, tiếng roi điện, dùi cui giáng xuống những thân người cho đến khi họ không còn nhúc nhích nổi. Những người bất tỉnh đều bị khiêng lên xe công an chở đi để phi tang trong trường hợp tử vong. 62 người bị bắt đưa về phòng công an quận Cẩm Lệ để thẩm vấn.
.
Theo lời kể của những nhân chứng, sau khi bị bắt và hành hung tại khu vực xảy ra vụ cướp quan tài, trên đường về Cẩm Lệ, đòan xe dừng lại tại Cẩm Nam, công an cơ động đã nhào lên xe dùng dùi cui và bá súng đánh đập tàn nhẫn những người bị bắt. Sau đó họ bị nhốt vào một phòng và từng người một được ra phòng thẩm vấn để công an tra khảo. Mỗi lần một người được gọi lên là cả phòng khóc la vì biết rằng, khi trở lại, nạn nhân không còn hình tượng con người nữa. Họ bị đập đầu vô tường, đánh phủ đầu bằng dùi cui, giày đinh vào chổ hiểm. Công an dùng súng điện tử (taser gun) dí vào người cho đến khi nạn nhân ngất xỉu. Phụ nữ bị kéo xốc tóc treo lên, có người bị lột cả quần áo khi bị hành hạ. Một phụ nữ đang có bầu bị đánh đến sẩy thai, có người bị gãy tay, người bị chảy máu tai, khi về phòng không còn nghe được nữa.
.
Mỗi người bị thẩm vấn cả tiếng đồng hồ. Khi được khiêng trở về phòng, họ chỉ còn là một đống thịt bất động. Mặt mũi máu me sưng húp, người đầy vết thương tím bầm. Cứ thế hết người này đến người khác, hơn hai ngày sau mới hết đợt thẩm vấn. Trận đòn đầu tiên là ngón đòn thù để trừng trị việc người dân Cồn Dầu dám chống đối lại chủ trương giải tỏa từ hai năm nay. Thứ đến là khủng bố tinh thần giáo dân Cồn Dầu xem có ai còn dám chống lại lệnh giải tỏa nữa không. Họ bị tra khảo phải khai ra ai là người cầm đầu vụ chống lệnh giải tỏa, vai trò của họ là gì, ai đưa tin ra nước ngoài. Họ bị ép phải nhận tội chống lại công an thi hành nhiệm vụ, ai không chịu thì bị đập búa vào bàn tay bắt phải ký.
.
Trong cơn đau đớn tột cùng, họ phải ký mà không biết mình ký vào cái giấy gì. Hơn ba ngày sau, một số dần dần được thả ra, 20 người bị giữ lại để tiếp tục thẩm vấn. Cho đến hôm nay ngày 13 tháng năm, sáu người vẫn còn bị giam giữ: Nguyễn Hữu Liêm, Trần Thị Nhẫn, Nguyễn Thị Thế, Trần Thanh Việt, Đoàn Cảng và Lê Quang Lời. Những nạn nhân này bị đánh tàn khốc nhất và bị trọng thương. Họ bị gán tội cầm đầu tổ chức, xách động giáo dân chống lại công an thi hành nhiệm vụ, gây rối trật tự công cộng, liên lạc đưa tin tức ra nước ngoài và nhiều tội danh tưởng tượng khác.
.
Những nạn nhân được thả ra đa số được đưa về ban đêm để tránh dư luận. Nhiều người bước đi không vững. Họ bị khủng bố tinh thần kinh khiếp đến nỗi người nhà hỏi gì cũng nói không. Không bị đánh, không đau, không biết. Hỏi tới nữa họ chỉ khóc và van xin đừng hỏi thêm nữa. Bảo đi bác sĩ họ cũng lắc đầu. Những người được thả ra đều được lệnh không tiếp xúc với ai, không được đi đâu nếu không có phép và mỗi ngày phải lên trình diện công an. Đây là một cách quản chế để bịt miệng, nên không lạ gì chẳng ai dám nói thật chuyện gì đã xảy ra cho họ vì sợ bị trả thù. Trong những ngày này, công an đang kêu những người họ điểm mặt trong video (do công an thâu) lên quận bắt phải ký nhận tội ném đá vào công an trong đám tang. Đây là hành động vi phạm nhân quyền một cách thô bạo đối với những người giáo dân vô tội chỉ vì tham dự một đám tang tôn giáo mà bị vu cáo, hành hạ.
.
Đối với giáo dân Cồn Dầu, đây là những ngày đen tối nhất trong lịch sử 135 năm của giáo xứ. Họ không được phép ra khỏi Cồn Dầu. Không đi làm lụng gì được. Nhà nào ở nhà đó, không ai dám hỏi han ai điều gì vì sợ theo dõi. Điện thoại nhà nào cũng bị nghe lén, không ai dám nói chuyện lâu. Công an chìm nổi vẫn còn lùng sục suốt ngày đêm, nhất là tại những gia đình có người vẫn còn lẩn trốn. Họ hoang mang lo sợ, không biết công an sẽ đến kêu lên lúc nào, ngày mai sẽ lấy gì để sống, nhà cửa đâu để trú ngụ khi chính quyền cho xe cày lấp ruộng vườn của họ để bán đất cho ngoai bang làm khu biệt thự.
.
Hình ảnh sinh động của một xứ đạo yên bình không còn nữa, nhường chổ cho một không khí thê lương ảm đạm khi đi lại con đường làng thắm máu và nước mắt của hàng trăm giáo dân trong ngày đại nạn. Họ chỉ còn một niềm tin vào Đấng Tối Cao để an ủi, hy vọng và tiếp tục cuộc hành trình đen tối sắp tới. Họ lo sợ cho một tương lai vô định, khi chính quyền thừa thắng xông lên, giải tỏa nghĩa trang và phân sáp giáo xứ Cồn Dầu. Việc chính quyền đền bồi thỏa đáng hay tái định cư cho dân Cồn Dầu sau biến cố này là chuyện không tưởng bởi lẽ hàng chục ngàn hộ dân Đà Nẵng đã ký giấy gỉai tỏa từ mấy năm nay vẫn còn nằm chờ, làm sao dân Cồn Dầu ưu tiên hơn được.
.
Tin từ Cồn Dầu cho biết chính quyền đã mời cha xứ Nguyễn Tấn Lục và đại diện hội đồng giáo xứ Cồn Dầu lên nhận đất nghĩa trang tại vùng núi Hòa Sơn. Khu nghĩa địa Cồn Dầu bị rào cấm không được vào nếu không có phép. Giáo dân không được đến đọc kinh cầu nguyện mỗi tối tại nghĩa địa nữa. Mỗi gia đình được lệnh phải theo cán bộ lên nghĩa địa đánh dấu thứ tự phần mộ của những người trong gia đình của mình để chuẩn bị di dời lên Hoà Sơn. Nhà nước đã cho xe ủi đất lấp con kênh thủy lợi dẫn nước về cánh đồng Cồn Dầu và ra lệnh cho giáo dân không được trồng tỉa gieo lúa nữa. Người dân Cồn Dầu đang bị bao vây kinh tế và bị khủng bố tinh thần tối đa để đạt được mục đích tối hậu của chính quyền là buộc người dân Cồn Dầu phải ký vào bản án chung thân lưu đày nhân danh chính sách giải tỏa phát triển đô thị.
B.A
.
.
.
No comments:
Post a Comment