BCH Hội Nhà văn giải thích sự cố 'vận động hành lang'
Thứ bảy, 07/08/2010, 10:38
http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2010/08/3B9AEBF1/
Ngay trước giờ bầu BCH hôm 5/8, nhiều đại biểu Hội nhà văn nhận được một mẩu giấy, ghi tên khoảng 20 người với lời khuyên nên bầu cho họ. Sự việc gây khó chịu cho một số nhà văn, nhưng các thành viên Ban chấp hành giải thích, đó là việc làm hợp pháp.
Động thái "vận động hành lang" diễn ra vào ngày làm việc căng thẳng và có nhiều tranh cãi nhất về các vấn đề nhân sự của Đại hội Hội nhà văn khóa VIII, tổ chức tại Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong khi gần 900 đại biểu đang chăm chú theo dõi thảo luận về quy chế và phương thức bầu cử thì một nhà thơ trẻ nổi tiếng, đi lại trong hội trường, tặng báo cho các đồng nghiệp. Trong tờ báo kẹp mẩu giấy ghi tên một số thành viên "cần chú ý để bầu vào BCH khóa VIII", như một hình thức vận động. Một số hội viên bất ngờ và bức xúc khi biết chuyện này, trong khi nhiều người cho biết, họ đã quá quen với các hình thức lobby trước những hoạt động bầu cử nhân sự Hội Nhà văn.
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - tân Phó chủ tịch Hội - thẳng thắn: "Tôi có biết tin này. Tôi có nhìn thấy tờ giấy đó dù tôi không được phát. Và tôi biết, trong danh sách đó có tên tôi và các nhà văn như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân và những người khác. Hình như khá đông những người có tên trong đó đã vào BCH. Trước hết, tôi nghĩ, họ là những người xứng đáng. Hơn nữa, chỉ một tờ giấy đó không thể lung lạc được các nhà văn. Họ đều là những người có chính kiến".
Ông Thiều bày tỏ thêm, thái độ bức xúc của các nhà văn với hành động này cho thấy, họ còn chưa quen với các hình thức vận động hậu trường. Theo ông, đó là "chuyện rất bình thường, biểu thị sự dân chủ và là việc làm hợp pháp".
Chia sẻ với quan điểm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Khuất Quang Thụy - thành viên BCH - cũng cho rằng, đó là hoạt động vận động bầu cử cho nhóm một cách hợp lệ. Hơn nữa, đoàn chủ tịch Đại hội cũng đã thông báo, mẩu giấy này không phải là tài liệu chính thức của đại hội mà chỉ là ý kiến của cá nhân.
.
Ngoài câu chuyện vận động hành lang, bên lề đại hội Hội Nhà văn còn xảy ra những sự cố khiến nhiều người băn khoăn, phải chăng đời sống văn học Việt Nam còn thiếu những cuộc đối thoại cởi mở giữa nhà văn với nhà văn; giữa nhà văn với lãnh đạo Hội.
Cũng trong sáng 5/8, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, sau nhiều lần xung phong nhưng không được mời phát biểu, đã phải tự đi tìm micro để bày tỏ ý kiến của mình. Tuy nhiên, khi ông chỉ vừa mới nói vài ba câu thì micro đột ngột tắt. Nhà văn Hồ Anh Thái - thành viên BCH khóa VII - được một đại biểu yêu cầu giải trình về thái độ thiếu hợp tác với Hội trong nhiệm kỳ của mình. Anh giãi bày: "Tôi muốn công khai quan điểm về cách điều hành Hội. Nhưng đại hội không có diễn đàn để hội viên chất vấn và tôi giải trình".
.
Còn gần trưa ngày 6/8, khi được mời lên tham luận về nội dung điều lệ Hội, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã chia sẻ cảm xúc của ông về những nhà văn đã mất và trình bày bài phát biểu của mình. Trong khi phát biểu, ông nhiều lần bị chủ tịch đoàn cắt ngang và mời xuống. Cuối cùng, nhà thơ phải bỏ dở tham luận.
Những chuyện gây ồn ào đại hội này đã lần lượt được các thành viên Ban chấp hành đưa ra lời giải thích. Theo Chủ tịch Hữu Thỉnh, sự việc xảy ra với nhà phê bình Trần Mạnh Hảo là do sự cố kỹ thuật. Ông khẳng định sẽ nghiêm khắc kiểm điểm bộ phận âm thanh.
.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, "ở một góc độ nào đó", ông "có thể đồng ý với quan điểm của nhà văn Hồ Anh Thái". Theo ông, đại hội "có quá ít khe hở cho việc trao đổi bàn luận", bởi "số ngày làm việc ít quá nhưng lại nhiều tham luận quá, nhiều công việc khác quá".
Nhà thơ Sự mất ngủ của lửa cũng ít nhiều chia sẻ với tâm trạng của hai đồng nghiệp Trần Mạnh Hảo và Bùi Minh Quốc. Ông thừa nhận, Ban tổ chức có phần còn hơi lúng túng khi xử lý vấn đề.
"Có những lúc chúng ta nên lắng nghe, dù người nào đó có nói nặng nề, dù cho người đó mang đầy bức xúc. Hãy lắng nghe họ như lắng nghe một nhân vật của chúng ta, lắng nghe một số phận. Chúng ta có khả năng để đối thoại với họ, anh Bùi Minh Quốc hay Trần Mạnh Hảo và những người khác nữa. Ở đây, có những xử lý của Ban tổ chức còn hơi lúng túng, gây nên sự hiểu nhầm, ví như micro đột nhiên vụt tắt. Mỗi nhà văn từ người trẻ nhất đến người lớn tuổi nhất đều có bản lĩnh, ý chí, trí tuệ, để lắng nghe và phân biệt điều đó ra sao. Chúng ta không nên sợ hãi điều đó. Tôi nghĩ điều này cần cải tiến. Còn không gian trao đổi của nhà văn thì không chỉ diễn ra ở đại hội, mà nên xây dựng nhiều sự kiện văn hóa, sinh hoạt thường xuyên hơn trong đời sống cộng đồng", ông Thiều nói.
.
Còn nhà văn Khuất Quang Thụy - người điều hành phiên họp sáng 6/8 - cho biết, nhà thơ Bùi Minh Quốc bị Ban tổ chức ngắt lời vì ông phát biểu lạc đề và quá giờ. "Nội dung thảo luận hôm đó là điều lệ hội nên những điều anh Quốc nói hơi lạc đề. Hơn nữa, anh phát biểu quá giờ và thời gian làm việc buổi sáng đã hết, nên Đoàn chủ tịch quyết định dừng lại".
Đại hội Hội Nhà văn khóa VIII diễn ra trong 3 ngày, từ 4 đến 6/8. Đại hội đã bầu ra BCH mới gồm 15 thành viên. Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử chức Chủ tịch Hội.
.
.
.
Bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang tại đại hội Hội nhà văn (ND 7-8-10)
.
.
.
No comments:
Post a Comment