Wednesday, August 11, 2010

ĐẠI HỌC PHAN CHÂU TRINH, BÀI HỌC VỀ KỶ CƯƠNG QUỐC GIA

Đại Học Phan Châu Trinh, bài học về kỷ cương

Ngô Nhân Dụng
Đăng ngày 11/08/2010 lúc 04:01:29 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5005

Muốn biết tình trạng đảng và chính quyền Cộng Sản đang cai trị nước ta nó lủng củng lỉnh kỉnh như thế nào, chỉ cần đọc một bản tin ngắn viết về Ðại Học Phan Châu Trinh (Hội An) mới đăng trên mạng Bô Xít Việt Nam. Bài báo kể câu chuyện một phái đoàn cao cấp Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo bay từ Hà Nội xuống, do một vị thứ trưởng cầm đầu với mươi người gồm đủ các ban, ngành trong bộ, vào Hội An để công bố lệnh cách chức ông hiệu trưởng trường này, và cấm nhà trường không được tổ chức thi tuyển sinh viên năm 2010 nữa.

Cả phái đoàn bị ông bí thư thành uỷ Hội An mắng cho một trận và doạ sẽ cho “sinh viên kéo đến hỏi chuyện”. Ông chủ tịch hội đồng quản trị đại học tuyên bố trả lại văn thư cho ông bộ trưởng giáo dục, không thèm nhận. Ông tố cáo những quyết định này chỉ rập theo một “kịch bản” của mấy tay tham nhũng trong Bộ Giáo Dục mà nhà trường đang tố giác mấy người đó! Sau cùng phái đoàn Bộ Giáo Dục đành bẽn lẽn ra về. Các mệnh lệnh trên vẫn được truyền đi qua báo chí, dù biết sẽ không được thi hành.

Câu chuyện nóng ngay từ màn đầu: Phái đoàn Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo do bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cầm đầu từ Hà Nội bay vô Hội An, trong phòng họp có các nhà báo chuẩn bị ghi chép, chụp ảnh và quay phim; lúc 8 giờ 15 phút ban giám đốc Ðại Học Phan Châu Trinh mới chào mừng xong bà Nghĩa đã nói ngay rằng bà bận cái hẹn khác lúc 9 giờ rưỡi cho nên chỉ có thời giờ “trao đổi” với họ về 4 đề tài trong vòng một giờ thôi. Vì vậy bà chỉ cho họ nghe các quyết định của bộ, tuyệt nhiên “không đối thoại!”. Tức là chỉ “trao mà không đổi!”. Bản tin không nói rõ, nhưng chắc ông Hiệu Trưởng Phan Ngọc Thu phải có mặt tại phòng họp, chuẩn bị nghe tin mình bị cất chức mà ai cũng biết trước. Việc cất chức một vị hiệu trưởng đại học (trong Nam ngày xưa kính trọng gọi là viện trưởng), có thể diễn ra trong vòng mấy chục phút! Mà lại chỉ được nghe mà không được hỏi, trong khi chưa biết ai sẽ thay thế ông ta lo cho 1,500 sinh viên.

Tôi nhớ hồi dạy học trong phân khoa quản trị (faculty of management) Ðại Học McGill ở Montréal, Canada, đã thấy việc thay thế ông khoa trưởng sắp mãn nhiệm. Viện đại học thông báo việc tuyển chọn người mới từ hàng năm trước. Thông báo này được gửi đi tất cả các đại học lớn ở Bắc Mỹ và Âu Châu để chiêu mộ người. Tiểu sử (CV) những vị ứng tuyển được công bố cho mọi người biết, gửi cho cả các giáo sư thuộc hàng rất thấp như tôi, là người mới được bổ nhiệm năm đó; để ai muốn khiếu nại về ứng viên nào thì cho biết. Việc phỏng vấn các ứng viên diễn ra trong nhiều tháng trời, sau đó mới công bố tên vị khoa trưởng mới, mấy tháng trước khi ông cũ hết nhiệm kỳ. Người ta tiến hành việc chọn lựa rất cẩn mật vì kính trọng vai trò một vị khoa trưởng. Cũng vì kính trọng công việc giáo dục, kính trọng các giáo sư và các sinh viên cũng như dân chúng Montreal, vì đại học là một cơ sở công ích được trợ cấp bằng tiền của dân đóng thuế. Vì niềm kính trọng đó, việc tuyển chọn và bổ nhiệm được tổ chức từng bước theo đúng các quy tắc minh bạch và công khai. Không thể làm bừa được.

Trước phong cách trịch thượng, quan quyền của bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch hội đồng quản trị tỏ ý ngạc nhiên. Ông nói, đây là một vấn đề “nổi cộm” đã lôi thôi từ mấy năm rồi, không phải chuyện nhỏ. Mà Bộ Giáo Dục đã cử cả phái đoàn 10 người vào Hội An làm việc, sao lại chỉ nói một giờ đồng hồ mà không cho đối thoại? Ông nhà văn nghèo hỏi: “Làm (vội vàng cẩu thả) như vậy thì làm làm gì cho tốn thời gian tiền bạc của dân? Bà không biết xót những đồng tiền này à?”. Người ngoài cuộc cũng thấy, quả thật, thay vì cả 10 người bay từ Hà Nội vào Hội An, tại sao người ta không gửi một cái email cho đỡ tốn tiền và đỡ mất thời giờ của các quan chức, thời giờ đó đáng lẽ được dùng để phục vụ nhân dân?

Việc cất chức hiệu trưởng một trường đại học là một quyết định lớn. Ra lệnh trường phải ngưng việc tuyển sinh viên cũng không phải chuyện nhỏ. Thường ở các nước văn minh, những việc đó là việc nội bộ, thuộc thẩm quyền của đại học chứ không phải của các công chức trong Bộ Giáo Dục. Dù trường đại học là trường công lập thì chính quyền cũng phải tham khảo ít nhất là hội đồng quản trị nhà trường, nếu không phải là các hội đồng giáo sư, trước khi quyết định thay đổi chức hiệu trưởng. Chỉ có thể cất chức hiệu trưởng một đại học nếu ông hay bà ta đã phạm lỗi nặng nề, mà lỗi đó phải được điều tra kỹ lưỡng, phải do một cơ quan tư pháp độc lập phán quyết sau khi người bị buộc tội đã thi hành quyền sử dụng các cơ chế khiếu nại, phúc thẩm, để tự bênh vực mình. Bãi chức người theo lối tuỳ tiện, cẩu thả, không những khinh thường người đó mà còn coi thường cả chức vị hiệu trưởng nữa. Mà như vậy là coi rẻ luôn cả một đại học, tất cả các giáo sư, nhân viên, các sinh viên, và tất cả những người dân đóng thuế ở Hội An và cả tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam là nơi người dân đã nổi lên chống thuế hồi đầu thế kỷ 20. Người dân biết sợ lẽ phải, dù chết không sợ cường quyền. Năm 1908, sau khi cuộc “dân biến” chống sưu cao thuế nặng bị đàn áp, nhiều nhà Nho bị bắt, bị kết tội xúi giục nông dân. Trong sách Thi Tù Tùng Thoại, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng kể chuyện cụ Châu Thượng Văn, tên tự là Thư Ðồng, nhà ở thành phố Faifo (Hội An) là nơi hào kiệt Bắc Nam lai vãng. Khi bị bắt, cụ khai: “Tôi là người chủ mưu” việc dân chống thuế và việc đưa người sang Nhật học; “không ai khác tham dự vào cả”. Cụ tuyệt thực luôn 20 ngày, từ khi bị bỏ tù đến khi thụ án chung thân; “suốt ngày không ăn một hạt cơm, chỉ uống vài chén nước trà loãng người nhà đem vào”. Một bữa, lính đưa một người tù vào ở cùng phòng với Huỳnh Thúc Kháng: “Người bệnh kia mặt đen như than, tay chưn như ống quyển (cái ống nhỏ để đựng giấy, bút), hai mắt nhắm khít, không còn là hình dạng người, hơi thở (mong manh) như sợi tơ”, giống người sắp chết. Nhìn lâu mới nhận ra, chính là Châu Thượng Văn. Sau khi nghe gọi tên nhiều lần, cụ Thư Ðồng mở mắt nhìn một lúc lâu rồi nói nhỏ nhỏ: “Mính Viên Quân. Tôi làm cái dễ. Còn anh em gắng lấy làm việc khó”. Chiều hôm đó cụ Châu Thượng Văn được khiêng đưa ra xe lửa để lên đường đi Lao Bảo. Ðến Huế thì cụ qua đời. Châu Thư Ðồng là một người Minh Hương (người Việt gốc Hoa).

Tuyệt thực đến chết là việc dễ. Tranh đấu đòi tự do, chống lại cường quyền tham nhũng mới là việc khó. Người dân Quảng Nam không quên những tấm gương Châu Thượng Văn. Ðem một cái lệnh cách chức từ Hà Nội vào, đọc cho nghe mà không được hỏi lại, việc không dễ dàng.

Sau khi phản đối phái đoàn quan chức Hà Nội, ông Nguyên Ngọc nói thẳng rằng: “Bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và mười thành viên của đoàn công tác Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo đang... chăm chỉ, cặm cụi làm theo kịch bản của Trần Văn Chính, một cán bộ lãnh đạo của bộ đang bị nhà trường tố cáo tham nhũng và hối lộ.

Nhân vật Trần Văn Chính đã nổi danh trong vụ Ðại Học Phan Châu Trinh trong mấy năm nay, con gái ông ngồi trong hội đồng quản trị. Trường được lập ra năm 2006. Trong số sáng lập viên có các nhà khoa học, nhà văn hoá có uy tín như các giáo sư Hoàng Tuỵ, Phan Ðình Diệu, nhà văn Nguyên Ngọc, vân vân, và các giáo sư ở ngoại quốc như tại CNRS Paris, Ðại Học Harvard, Mỹ. Trường đã có quan hệ với các đại học Nam Hàn, Thái Lan, trong năm qua đã tổ chức chiến dịch tình nguyện Hè cho sinh viên về làm việc tại nông thôn Quảng Nam.

Những người sáng lập muốn xây dựng một cơ sở giáo dục vô vị lợi. Nhưng ngay khi thành lập, Ðại Học Phan Châu Trinh mang tính cách tư thục, đã gọi người góp cổ phần. Trong số những người rất nhiều tiền để góp vốn và có thần thế để chạy giấy phép có hai anh em. Một người là ông Trần Văn Chính, giám đốc Trung Tâm Hợp Tác Chuyên Gia và Kỹ Thuật với Nước Ngoài thuộc Bộ GDÐT; và người kia từng làm vụ phó Vụ Tổ Chức Cán Bộ của Bộ Giục Dục & Ðào Tạo đã về hưu. Làm sao hai nhân viên Bộ Giáo Dục có nhiều tiền như vậy, là điều không ai thắc mắc. Nhưng “nhà đầu tư” và các nhà giáo dục có quyền lợi xung khắc.

Theo ông Hiệu Trưởng Phan Ngọc Thu, một đảng viên 40 năm tuổi đảng, thì nhóm ông Chính “muốn dùng ngôi trường này làm một cuộc buôn bán”. “Trong các cuộc họp Hội Ðồng Quản Trị họ chỉ bàn chuyện làm thế nào để có thể lời nhanh nhất và nhiều nhất, chứ không hề bàn về giáo dục của trường, vì vậy, nhiều cuộc họp tan vỡ. Không thể triệu tập các cuộc họp theo đúng quy định vì sự khống chế của một nhóm cổ đông”. Những mâu thuẫn không giải quyết được đưa tới việc những người có tiền và có thế phá đám những người đang điều khiển trường. Bộ Giáo Dục cử đoàn thanh tra vào xem, theo lối “không đối thoại”. Và sau cùng đưa tới chuyến đi của bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tuần trước.

Bà Nghĩa bị ông Nguyên Ngọc mắng chưa đủ, bà đến họp với các quan chức của thành phố Hội An để công bố lệnh cách chức ông Phan Ngọc Thu. Ở đó, bí thư thành uỷ Hội An đã chỉ thẳng vào mặt bà thứ trưởng: Chúng tôi đến đây không phải để ngồi nghe chị lệnh! Ông Thu là bí thư chi bộ nhà trường, là đảng viên do địa phương tôi quản lý, tại sao không ai bàn bạc trước với tôi chuyện này? Ban cán sự đảng của Bộ Giáo Dục là cái gì mà can thiệp vào tổ chức trực thuộc của tôi, vào đảng viên của tôi...? Cái trường này là niềm tự hào của nhân dân Quảng Nam, của nhân dân Hội An chúng tôi, tôi phải bảo vệ đến cùng, hiệu trưởng là đảng viên của tôi, tôi cũng bảo vệ đến cùng”.

Ðại Học Phan Châu Trinh khi thành lập đã được cung cấp đất công để làm cơ sở, tức là lấy của công dùng cho một tư thục. Ông bí thư Hội An báo tin: “Nếu ngày mai bà thứ trưởng công bố quyết định miễn nhiệm ông Thu, tôi sẽ lập tức cho thu hồi ngay miếng đất này. Thu hồi ngay lập tức còn 1,500 sinh viên kia thì bà thứ trưởng tự đi mà giải quyết!” Ông còn doạ cả phái đoàn Bộ Giáo Dục rằng “các anh có thể sẽ bị khoá trái cổng lại không cho về. Nhà trường sẽ nhốt thứ trưởng lại để sinh viên kéo đến hỏi chuyện. Tôi không doạ đâu vì chuyện này đã từng xảy ra ở Ðiện Bàn mấy tháng trước rồi. Tôi cẩn thận dặn các anh vậy để các anh tính”. Ðọc tới đây thì quý vị độc giả cũng thấy là... hết ý! Trước cảnh bị đối xử bất công, một vị quan chức đang sử dụng luật rừng đối với các quan chức khác. Không thấy có luật pháp nào để dùng cả! Nhân dân Thái Bình, Vinh, Bắc Giang, Thái Hà, đều đã từng bị đẩy vào đường cùng như vậy cả! Những Lỗ Trí Thâm, Dương Chí trong chuyện Thuỷ Hử cũng chỉ nuôi giấc mộng làm quan, nhưng bị ép bức quá cuối cùng đành phải nổi loạn!

Sau khi đọc những chi tiết trong câu chuyện này, chúng ta phải nhìn thấy có mấy vấn đề lớn: Bộ máy quản lý quốc gia không chạy; không biết đâu là giới hạn uy quyền của đảng và đâu là quyền hành của cơ quan nhà nước. Nhà nước can thiệp vào nội bộ một cơ sở giáo dục đại học, nhưng thua lý khi bị đảng uỷ địa phương chống lại. Ðảng uỷ cấp địa phương trong thực tế mạnh hơn quan chức nhà nước cấp trung ương, ít nhất họ có thể ban phát “quyền sử dụng đất” theo ý muốn. Nhà nước cấp đất cho một đại học tư, nhưng nếu nó trái ý mình thì sẵn sàng thu hồi lại. Bí thư một thành phố bảo vệ quyền lợi đảng viên trong khu vực của mình giống như các anh hùng Lương Sơn Bạc bao bọc các thủ túc. Ðọc tất cả những lời đối đáp trong bản tin, chỉ thấy các nhân vật chính tranh cãi về quyền hành của họ mà không thấy nhắc đến quyền lợi của các sinh viên - trừ lúc dùng sinh viên để de doạ. Các bạn trẻ này có thể sẽ là nạn nhân nếu cuộc tranh chấp dẫn tới bề tắc hoặc khủng hoảng.

Người ở xa đọc câu chuyện này qua mạng lưới Bô Xít thì có cảm tình với ông bí thư thành phố Hội An, cũng như độc giả ai cũng có cảm tình với các nhân vật Lâm Xung, Lư Quỳ trong Thuỷ Hử vậy. Ông có vẻ đang bảo vệ những người yếu thế, chống lại cường quyền tham nhũng. Nhưng người ta cũng tự hỏi, nếu đây không phải là chuyện về Ðại Học Phan Châu Trinh mà là một vụ khác, thì sao? Một ông bí thư quyền hành như vậy, nếu ông thuộc loại chủ tịch tỉnh Hà Giang chẳng hạn, thì ông sẽ thi thố quyền năng của mình như thế nào khi bị hỏi về việc lạm dụng tình dục các nữ sinh?

Tóm lại, một bộ máy cai trị đặt trên quyền hành cá nhân các cán bộ, không dựa trên luật pháp đầy đủ, minh bạch và công khai, thì làm sao nó cải tổ được để giảm bớt tham nhũng, lạm quyền?

Trong câu chuyện này cũng có những vấn đề quan trọng khác, thí dụ như nạn tham nhũng lạm quyền ở Bộ Giáo Dục. Câu chuyện cũng cho thấy cơ cấu tổ chức nền giáo dục rất luộm thuộm vì luật lệ không rõ ràng: Không phân biệt quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng giữa đại học và Bộ Giáo Dục trong việc quản trị. Tính chất nhập nhằng giữa công và tư khiến các cán bộ rất dễ lạm quyền. Tình trạng xung khắc quyền lợi chung và riêng, không được giải quyết dứt khoát từ đầu, sẽ dễ tạo cơ hội nhũng lạm. Những rắc rối này là nguyên nhân gây ra cuộc tranh chấp ở Ðại Học Phan Châu Trinh. Nhưng cả hai vấn đề đó, nạn tham nhũng lạm quyền và tổ chức giáo dục lủng củng, là những chuyện cũ ai cũng biết cả rồi.

Chúng ta còn nhìn thấy một vấn đề căn bản hơn và lâu dài hơn, là một quốc gia không có thể thống, không có kỷ cương. Trong một nước có hai cơ cấu quyền lực song hành, đảng và nhà nước trồng tréo lẫn nhau, không tạo được kỷ cương và thể thống. Nhiều lúc không ai biết đâu là quyền hạn, đâu là trách nhiệm của ai nữa. Ðó là đầu mối tạo cơ hội lạm dụng quyền hành. Nói là Loạn cũng không ngoa! Phải chấm dứt tình trạng này.

Trước đây gần 30 năm nhà giáo Hồ Ngọc Ðại bàn về guồng máy giáo dục đã chủ trương phải “giở ra làm lại từ đầu”. Ðến nay, món thuốc đó có vẻ quá hiền, khó trị được bệnh trầm kha. Có người ở Việt Nam đã đề nghị bây giờ điều hợp lý nhất là “vứt đi làm lại từ đầu”, thay thế bằng một guồng máy giáo dục khác, hoàn toàn khác. Ðiều này đúng đối với cơ cấu, hệ thống giáo dục quốc gia. Nhưng càng đúng khi nói về tất cả chế độ chính trị ở nước ta. Nát quá. Phải xoá đi làm lại từ đầu mới được.

.

Ngô Nhân Dụng
Nguồn: báo Người Việt, ngày 10/08/2010

.

.

.

ĐẠI HỌC PHAN CHÂU TRINH TRẢ LẠI QUYẾT ĐỊNH TẠM NGỪNG TUYỂN SINH

SỰ THẬT VỀ VIỆC THÁO CHẠY CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ NGHĨA

HAI ĐẠI HỌC ĐẦU TIÊN BỊ TẠM NGỪNG TUYỂN SINH

.

.

.

No comments: