Wednesday, March 17, 2010

TƯ TƯỞNG MỚI TRONG PHÁT TRIỂN HẢI QUÂN CỦA TRUNG QUỐC

“Tác chiến viễn dương” – Tư tưởng mới trong phát triển hải quân của Trung Quốc

NCBĐ

Thứ ba, 16 Tháng 3 2010 17:50

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/745-tac-chin-vin-dng-t-tng-mi-trong-phat-trin-hi-quan-ca-trung-quc

Một số tờ báo của Hồng Công như nguyệt san “Quảng Giác kính” số tháng 2/2010, tờ "Đại công báo" và báo “Văn hối” gần đây đăng các bài viết phân tích về tư tưởng mới trong phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc. Trong đó đánh giá lại sai lầm trong lịch sử, phân tích nhu cầu phát triển lực lượng hải quân viễn dương cũng như phương thức phát triển lực lượng hải quân viễn dương của Trung Quốc. Dưới đây là tổng hợp nội dung chủ yếu của các bài viết này.


1- Sai lầm trong lịch sử


Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng trong lịch sử, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến Trung Quốc sai lầm trong nhận thức về hải dương, biểu hiện cụ thể như sau:


- Tư duy “bám đất liền” đã khiến Trung Quốc thiếu quan niệm quyền lợi hải dương. Khi nước Trung Hoa mới thành lập (1949), Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và những người quan tâm đến quốc phòng, khi bàn đến nhiệm vụ của hải quân đều nhận định: “bảo vệ bờ biển”. Từ Chiến tranh Nha Phiến đến cuộc Chiến tranh viện Triều chống Mỹ và chiến tranh tại Eo biển Đài Loan, hiểm họa bên ngoài của Trung Quốc cũng chủ yếu đến từ biển, nhưng phản ứng của Trung Quốc cũng chỉ là tăng cường phòng ngự bờ biển và biển gần. Thực chất đây chỉ là sự kéo dài của quan niệm phòng ngự đất liền, chưa thực sự xem xét vấn đề tranh giành quyền lợi hải dương, điều này đã khiến Trung Quốc không có quan niệm phát triển kinh tế hải dương.


- Chưa xây dựng tư tưởng văn minh hải dương. Trung Quốc cổ đại từng có kỹ thuật hàng hải số một thế giới. Thời kỳ nhà Đường (618- 907), nhà Tống (960-1279) đã xuất hiện con đường tơ lụa trên biển. Trịnh Hòa thời nhà Minh (1368 - 1644) từng có hành trình viễn dương vạn lý. Thế nhưng, những hoạt động này chỉ là khuyếch trương quyền uy của nhà Vua mà chưa thoát khỏi tư tưởng bám đất liền. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc từ sau thế kỷ 15 dần tụt hậu với nền văn minh hướng ra biển của thế giới.


- Chỉ coi trọng phòng ngự bờ biển. Thời Trung Quốc cổ đại, vai trò của vùng biển rộng lớn phía Đông chỉ là bức bình phong an ninh, còn trọng điểm phòng ngự là ở phía Bắc, tiêu diệt giặc hung nô phía Bắc. Thời Triều Minh (1368 – 1644) xuất hiện “giặc lùn” (chỉ cướp biển Nhật Bản) là kẻ ngoại xâm bên ngoài duy nhất, đối sách của nhà Minh không phải là đóng thuyền lớn và tổ chức lực lượng vươn ra biển xa, mà là tăng cường phòng ngự bờ biển. Khi tàu to pháo lớn của quân Anh và lực lượng hải - lục quân chính quy của Nhật Bản đến xâm lược, Trung Quốc đã thất thủ hoàn toàn. Thời đó, triều đình nhà Thanh (1644 – 1911) đã bỏ ra khoảng 40 triệu lượng bạc để thành lập lực lượng “Hải quân Bắc Dương”, nhưng do tư tưởng chỉ đạo là xây dựng các pháo đài nổi gần bờ biển, nên bị quân Nhật tiêu diệt.


- Xem nhẹ đầu tư cho hải quân. Thời kỳ Quốc Dân (trước năm 1949), Trung Quốc rơi vào nội chiến, căn bản không thể tính đến phòng ngự trên biển. Hải quân Trung Quốc chỉ có những tàu chiến cũ kỹ với tổng lượng giãn nước là 60.000 tấn. Khi kháng chiến mới bắt đầu, các chiến hạm của Trung Quốc chưa tham chiến đã tự chìm tại Giang Âm (Giang Tô) và Thanh Đảo (Sơn Đông). Thời kỳ đầu mới giải phóng, trọng điểm quốc phòng của Trung Quốc tập trung cho phát triển không quân và tên lửa thông thường mang đầu đạn hạt nhân và duy trì lực lượng lục quân khổng lồ. Theo đó, đầu tư cho lực lượng hải quân luôn ít nhất, mỗi năm kinh phí trang bị chỉ có khoảng 200 triệu nhân dân tệ, chỉ có thể trang bị một số tàu hộ tống, tàu tuần tra và tàu ngầm cỡ nhỏ. Hơn thế, trong bố cục chiến lược quân sự của Trung Quốc, hải quân là lực lượng hỗ trợ cho lục quân phòng ngự bờ biển, còn bỏ mặc các đảo xa bờ, khi nước khác xâm phạm, Chính phủ Trung Quốc cũng chỉ lên tiếng phản đối.


- Thiếu tư duy về chiến tranh trên biển. Thế hệ lãnh đạo Mao Trạch Đông trưởng thành từ những cuộc chiến trên đất liền, cảm nhận được mối đe dọa của máy bay trên đầu, nhưng lại không hiểu nhiều về chiến tranh trên biển. Mục tiêu bảo vệ của hải quân chỉ hạn chế ở bảo vệ nghề cá gần bờ. Đến thập niên 80 của thế kỷ 20, người Trung Quốc vẫn cảm thấy lạ lẫm với khái niệm “quyền lực hải dương” mà học giả người Mỹ Mahan đưa ra từ cuối thế kỷ 19. Đến sau thập niên 90 của thế kỷ 20, đại phát triển khai thác hải dương và lợi ích hải ngoại của Trung Quốc nhanh chóng mở rộng, từ đó sử dụng lực lượng hải quân bảo vệ quyền lợi trên biển mới được đưa vào phạm trù chiến lược quốc phòng của Trung Quốc.


2- Nhu cầu vươn ra biển xa trong phát triển hải quân


Các học giả Trung Quốc nêu rõ: phương hướng chiến lược phát triển tổng thể của một quốc gia quyết định phương châm xây dựng lực lượng quốc phòng và ảnh hưởng đến hướng đi văn minh của một dân tộc. Ví như Hy Lạp cổ đại dựa vào nguồn của cải tại Địa Trung Hải để chấn hưng kinh tế, điều này đã quyết định xây dựng hạm đội hải quân là hạt nhân của quân đội Hy Lạp. Nền văn minh hải dương mở cửa đã ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử của cả thế giới phương Tây sau này. Còn Trung Quốc ngày nay đang trỗi dậy cùng với sách lược hướng ra thế giới, phạm trù quốc phòng mở rộng ra biển xa, do vậy coi trọng phát triển lực lượng hải quân viễn dương là tất yếu.


- Kinh tế hải ngoại mở rộng. Theo thống kê của năm 1950, năm thứ hai nước Trung Hoa mới thành lập, thuế nông nghiệp chiếm tới 48% trong tổng thu thuế nhà nước, kim nghạch xuất nhập khẩu đối ngoại chỉ chiếm 5% trong tổng lượng kinh tế quốc gia. Hiện nay, trải qua 30 năm cải cách mở cửa, năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã vượt qua con số 2.000 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới; kim ngạch mậu dịch đối ngoại tương đương với 40% GDP, môi trường hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã có sự thay đổi căn bản, theo đó phạm trù và tư tưởng chỉ đạo quốc phòng cũng có sự điều chỉnh toàn diện với điểm nhấn là phát triển lực lượng hải quân tác chiến viễn dương.


- Bảo vệ lợi ích hải ngoại. Hiện nay, lợi ích hải ngoại của Trung Quốc rất lớn và không ngừng mở rộng, điều này đòi hỏi Trung Quốc cần có một lực lượng hải quân viễn dương hùng mạnh để bảo vệ. Như về năng lượng chủ yếu đáp ứng nhu cầu công nghiệp của Trung Quốc, ngoài than đá có thể tự cấp ra, dầu mỏ và quặng sắt có tới trên 50% dựa vào nhập khẩu. Hiện có tới 90% hàng hóa xuất - nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển thông qua các tuyến đường biển. Đến cuối năm 2008, đầu tư nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã lên đến 160 tỷ USD và đang tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, người Trung Quốc ra nước ngoài làm việc, kinh doanh cũng lên đến hàng triệu. Chính nhu cầu bảo vệ lợi ích hải ngoại đã buộc Trung Quốc thay đổi chiến lược quốc phòng từ lấy phòng ngự đất liền làm mục tiêu cơ bản sang coi trọng cả đất liền và trên biển.


- Mối đe dọa an ninh chủ yếu là từ trên biển. Nhìn từ góc độ an ninh hiện nay, khả năng Trung Quốc bị xâm lược quy mô lớn trên đất liền dường như không tồn tại. Trái lại, ngăn chặn bị tấn công từ trên không, trên biển và quyền lợi hải ngoại bị xâm hại trong thời chiến đã trở thành nhiệm vụ quốc phòng bức thiết nhất của Trung Quốc hiện nay. Vì thế, quan niệm quy hoạch xây dựng lực lượng hải quân trước đây vốn chỉ xem xét đối phó với Đài Loan và áp dụng chiến thuật chiến tranh du kích trên biển để phá vỡ tàu chiến của cường quốc bên ngoài đến xâm phạm đã thay đổi thành phát triển lực lượng hải quân vươn tới biển xa.


- Thế yếu trong cạnh tranh sức mạnh trên biển. Nhiều cơ quan nghiên cứu quân sự quốc tế tuyên bố tổng lượng giãn nước tàu chiến của Trung Quốc là khoảng từ 900.000 đến 1 triệu tấn, quy mô đã vượt Anh, Pháp, Nhật Bản, đứng thứ ba thế giới. Có điều do trước đây Trung Quốc kiên trì phương châm xây dựng phòng ngự biển gần, cho nên kết cấu tàu chiến là tàu nhỏ nhiều, tàu lớn ít. Các tàu chiến cỡ nhỏ của hải quân Trung Quốc, sau khi được trang bị tên lửa tuy có được năng lực tấn công tàu lớn, nhưng cũng chỉ có thể hoạt động ở vùng biển cách bờ khoảng 100 km, gặp phải sóng biển cấp 6 cấp 7 là không thể xuất chinh. Trong khi đó, tàu sân bay của Mỹ lượng giãn nước đều đạt hàng chục vạn tấn, tàu chiến của Anh và Pháp không nhiều nhưng đều là tàu lớn với lượng giãn nước vài nghìn tấn đến hàng vạn tấn. Vì thế, năng lực hoạt động viễn dương của các nước này luôn vượt trội hải quân Trung Quốc.


Từ những phân tích trên có thể thấy, hiện nay lợi ích hải ngoại của Trung Quốc không ngừng mở rộng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc cũng nặng nề hơn. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển một lực lượng hải quân đủ sức vươn ra biển xa, thực hiện nhiệm vụ quân sự là vô cùng quan trọng. Có thể nhận định: trong tương lai gần, hải quân Trung Quốc sẽ thay đổi triệt để kết cấu lực lượng gần bờ truyền thống, trở thành một lực lượng hoàn toàn mới vừa là gần bờ vừa là biển xa, coi trọng cả quân sự và dân sự, đủ sức bảo vệ quyền lợi hải dương rộng lớn của Trung Quốc.


3- Bài học trên thế giới


Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc nêu rõ hải quân luôn là quân chủng công nghệ cao với chi phí lớn nhất. Cạnh tranh hải quân trên thế giới đã từng khiến một cường quốc rơi vào suy thoái, như Hà Lan của thế kỷ 17, cùng với Anh cạnh tranh trên biển thất bại và bị gạt ra khỏi hàng ngũ các cường quốc thế giới; nước Đức cuối thế kỷ 19, không bằng lòng với địa vị cường quốc số một trên đất liền, phát triển “Hạm đội đại dương” cạnh tranh với Anh, kết quả tạo ra tình trạng cả hải quân và lục quân đều không có được ưu thế và thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Gần đây nhất là từ thập niên 60 – 80 của thế kỷ 20, Liên Xô ra sức phát triển hải quân viễn dương để cạnh tranh với Mỹ khiến kinh tế suy thoái và là một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô tan rã.


Ngày nay, xu thế tin học hóa, điện tử hóa trang bị vũ khí, càng khiến cho chi phí mua sắm trang bị cho hải quân kiểu mới gia tăng cao hơn. Cuối thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ chế tạo một tàu sân bay cỡ lớn đã có giá lên tới 70 triệu USD (70 triệu USD lúc đó tương đương với sức mua của 600 triệu USD hiện nay), lúc đó có thể mua 1.500 máy bay chiến đấu. Ngày nay đóng một tàu sân bay cỡ lớn tiêu tốn hàng tỷ USD, chi phí cho một năm hoạt động và bảo dưỡng cũng lên tới vài trăm triệu USD, đây là điều mà nước nhỏ và nước nghèo không thể kham nổi. Hiện nay trên thế giới chỉ có Mỹ duy trì 11 tàu sân bay, nước Anh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đã giảm kế hoạch đóng 2 tàu sân bay trong 10 năm tới xuống còn 1 tàu; Pháp cũng trì hoãn khởi công đóng tàu sân bay thứ hai; Nga chỉ có thể đủ sức duy trì tượng trưng một tàu sân bay.


- Con đường phát triển hải quân của Mỹ và Anh năm xưa đều là kết hợp giữa mở rộng lợi ích kinh tế hải ngoại với xây dựng hạm đội hải quân. Còn sai lầm lớn nhất trong chiến lược phát triển hải quân của Nga là đơn thuần theo đuổi chạy đua với các đối thủ hùng mạnh về quân sự vượt quá nhu cầu phát triển kinh tế hải dương trong nước. Liên Xô lấy tàu tuần dương hạng nặng và tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn làm chính và luôn theo đuổi ưu thế về số lượng. Còn trong phát triển ngành đóng tàu, Liên Xô đã lấy dân dụng phục tùng quân dụng, cho nên khi kỹ thuật quân sự phát triển mạnh, đóng tàu dân dụng lại lạc hậu nghiêm trọng và dẫn đến thất bại.


4- Phương thức của Trung Quốc


Theo các chuyên gia phân tích quân sự, phương thức phát triển lực lượng hải quân viễn dương của Trung Quốc đang triển khai hiện nay là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Trung Quốc, cũng cho thấy Trung Quốc đã rút ra được bài học của các nước trên thế giới để tránh thất bại. Trong đó nội dung chủ yếu là: phát triển sự nghiệp quốc phòng đồng bộ với xây dựng kinh tế; thực hiện kết hợp quân - dân, lấy dân làm chính và xây dựng hải quân cũng theo con đường này. Nội dung này được biểu hiện cụ thể như sau:


- Tập trung trang bị tàu cỡ lớn. Sau khi bước vào thế kỷ 21, hải quân Trung Quốc dưới tiền đề kinh phí gia tăng đã bước vào cao trào đóng tàu chưa từng có trong lịch sử. Tàu khu trục lớp “Trung Hoa Aegis” mới đã có lượng giãn nước gần 10.000 tấn, tàu hộ tống lớp 054 được sản xuất hàng loạt cũng có lượng giãn nước trên 4.000 tấn. Hiện Trung Quốc đang đóng tàu sân bay cỡ lớn với lượng giãn nước đã lên đến hàng vạn tấn. Theo đó, các loại tàu thiếu năng lực viễn chinh như tàu hộ tống, tàu trang bị tên lửa và tàu tuần tra, đa số không còn sử dụng hoặc giao lại cho bộ phận cảnh sát biển.


- Phát triển tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Do hoạt động của hải quân hiện đại không thể tách rời sự yểm trợ từ trên không và hộ tống dưới mặt nước, tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân là trọng điểm xây dựng của hải quân Trung Quốc hướng tới biển xa. Hiện nay, Trung Quốc đang đóng tàu sân bay, trên thực tế tàu sân bay không chỉ đơn giản là trang bị của hải quân, mà còn sẽ trở thành binh chủng hạt nhân trong lực lượng chiến lược quốc gia của Trung Quốc. Tàu sân bay đã phá vỡ giới hạn binh chủng, là vũ đài tập hợp sức mạnh chiến đấu của lực lượng hải, lục, không quân thực hiện tác chiến lập thể, đồng thời có thể cơ động trên biển cách xa đất liền hàng vạn dặm để phát huy sức mạnh chiến lược của quốc gia. Còn tàu ngầm hạt nhân là loại trang bị vũ khí ẩn náu dưới nước không cần bổ sung nhiên liệu vẫn có thể thực hiện hành trình hàng chục vạn km với tốc độ cao, không chỉ hình thành sức răn đe chiến lược có hiệu lực nhất, mà còn có thể là thần hộ vệ cho tàu sân bay.


- Phân bổ kinh phí hợp lý. Hiện nay, nội dung kinh tế hải dương của Trung Quốc đã từ đánh bắt, nuôi trồng gần bờ phát triển sang khai thác dầu khí và khai thác phát triển quyền lợi hải dương biển xa. Chỉ riêng giá trị sản phẩm của khu vực biển gần bờ mỗi năm đã đạt hơn nghìn tỷ nhân dân tệ. Từ khoản thu này, Trung Quốc trích ra vài chục tỷ nhân dân tệ để chi phí cho hải quân. Theo phương hướng phát triển kinh tế hải dương của Trung Quốc từ nay về sau, trong thời điểm thích hợp Trung Quốc tập trung phát triển các trang bị như tàu sân bay, nhưng luôn chú trọng phát triển cân bằng với tàu chiến cỡ lớn, trung bình và cỡ nhỏ trong xây dựng lực lượng hải quân và không quân hải quân. Lực lượng cảnh sát biển với tư cách là lực lượng hải quân thứ hai cũng cần mở rộng và để lực lượng này vươn ra phạm vi tuần tra xa hơn./.

.

.

.

No comments: