Friday, March 19, 2010

TẠI SAO TRUNG QUỐC RẤT SỢ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN

Tại sao Trung Quốc rất sợ bất đồng chính kiến

Peter Beaumont

Trần Quốc Việt dịch

19/03/2010 6:22 sáng 3 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=17488

Ở Trung Quốc có câu nói: “Giết gà trước khỉ.” Câu nói này có nghĩa là đánh vào những kẻ yếu và dễ bị tổn thương để những kẻ mạnh và đám đông thấy sợ.

.

Tuần qua, lại đến lượt nhà văn Triệu Sử Anh, tổng thư ký của Trung tâm Văn bút Trung Quốc Độc lập, một tổ chức vận động thay mặt cho những nhà văn đang bị tù và ủng hộ tự do ngôn luận.

Ông Triệu là người đã ký tên, cùng với Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến hàng đầu đã bị kết án tù 11 năm vào ngày lễ Giáng Sinh, vào Hiến Chương 08, một văn bản kêu gọi cải cách các thể chế nhà nước của Trung Quốc về mặt chính trị. Vào ngày thứ Hai, công an đến nhà ông ở thành phố Thẩm Dương thuộc miền nam, gần Hồng Kông, để giải ông đi, cùng với các máy tính, sách và những tài liệu khác của ông.

Đây là lần thứ hai công an đến nhà ông. Lần đầu vào tháng Chạp, họ đã đến và cảnh cáo ông không được gây rối; lần này, sau khi ông bị bắt, vẫn lời đe doạ này họ răn đe vợ ông, bà Sử Tiểu Lợi, và người con lớn. Và tuy bà Sử đã bị công an cảnh cáo không được nói với ai về chuyện chồng bị bắt giam, nhưng bà đã thách thức họ hôm thứ Sáu. “Các nhân viên an ninh nhà nước đang giữ ông ấy đấy,” bà khẳng định. “Chưa bao giờ nhà tôi bị bắt giam lâu bằng lần này.”

.

Không chỉ mình ông Triệu bị áp lực vì đã vận động yêu cầu thả Lưu Hiểu Ba. Sau khi kết án ông Lưu về tội “lật đổ nhà nước” qua việc khởi thảo Hiến Chương 08, nhà cầm quyền Trung Quốc dường như đã tiến hành một chiến dịch với cường độ ngày càng gia tăng nhằm chống lại các nhà hoạt động dân chủ và các nhóm nhân quyền mà, theo lời các nhóm này, bất ngờ có vẻ có nguy cơ làm sụp đổ sự đồng thuận mỏng manh ở trong nước để cho phép một mức độ bất đồng chính kiến hạn chế ở dưới mức sự tổ chức về chính trị thách thức thực trạng một đảng.

Thay vào đó, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong năm qua nhà cầm quyền Trung Quốc đã gia tăng gây sức ép với các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, và trong mấy tháng vừa qua đã chứng kiến cảnh họ “bị bắt giam hàng loạt.”

Chỉ riêng tuần qua không những chứng kiến vụ bắt giam ông Triệu, mà còn cả đến sự tiết lộ của Google rằng các tin tặc Trung Quốc, nhiều người tin là hoạt động theo lệnh của nhà nước, đã nhắm vào, dù đây không phải là lần đầu tiên, các hộp điện thư của các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có hộp điện thư của Tenzin Seldon, một sinh viên Mỹ 20 tuổi có cha mẹ là người Tây Tạng lưu vong. Nghiêm trọng nhất là lời tuyên bố của nhà cầm quyền rằng ông Cao Trí Thịnh, một luật sư nhân quyền nổi tiếng vốn đã bị giam giữ trong 11 tháng, đã “mất tích” trong lúc đi dạo. Tin này đã khiến những người ủng hộ ông e sợ rằng ông có thể bị chết ở trong tù.

.

Tất cả những điều kể trên làm bật lên một câu hỏi rất quan trọng là tại sao Trung Quốc, một siêu cường đang ló dạng, lại quá sợ bất đồng chính kiến?

.

Đây cũng chính là câu hỏi đã được nêu ra trong một bài viết vào đầu tháng này của sử gia Ian Buruma khi bàn về nguyên nhân tại sao một chế độ, dù cộng sản chỉ còn là cái tên, và rõ ràng rất mạnh, cũng lại rất hoang tưởng.

Câu trả lời của Buruma là người ta chỉ có thể hiểu được lập trường kiên trì về tính chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những điều kiện về văn hoá và lịch sử, trong đó có bao gồm điều ông diễn tả là “khái niệm chính trị có tính chất tôn giáo… một niềm tin chung do bên trên áp đặt xuống” qua đó phản ánh ý niệm hài hoà của Khổng giáo. Tuy nhiên, những người khác lại thấy sự kiên trì ấy như là một phản ứng đối với những gì đang diễn ra bên trong Trung Quốc ngày nay hơn là thấy nó trong những điều kiện lịch sử.

Điều này đã được ông Bảo Đồng, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Wall Street Journal vào mùa hè vừa qua, cắt nghĩa trong mối quan hệ với cuộc thảm sát Thiên An Môn cách đây 20 năm.

Là một cựu trợ lý chính trị cho tổng bí thư Triệu Tử Dương, ông Bảo đã ở tù bảy năm và hiện vẫn còn bị quản chế tại gia. “Thiên An Môn vẫn còn đây,” ông nói trong cuộc phỏng vấn vào lúc đó. “Tuy nhiên, đây không phải là cuộc thảm sát Thiên An Môn; đây là sự trấn áp theo kiểu một ‘tiểu Thiên An Môn’. Cứ bốn phút lại có một cuộc biểu tình với hơn 100 người tham gia.”

Những cuộc biểu tình này liên quan đến mọi vấn đề trong xã hội: về tham nhũng trong chính quyền; về thu hồi đất; ô nhiễm môi trường; nạn công an bạo hành; và trường học. Cho dù phân tán và thiếu tổ chức, những cuộc biểu tình này thể hiện tình hình ở cơ sở ngày càng sôi động, bao gồm những nhóm như “phong trào bảo vệ quyền” và được đại diện bởi những người như Cao Trí Thịnh, hay luật sư đồng nghiệp Quách Phi Hùng, người bị ở tù vì đại diện cho những người dân làng Thái Thạch, tỉnh Quảng Đông, khi họ muốn truất phế các viên chức địa phương bị tố cáo tham nhũng.

Điều này cũng thấy rõ qua các cuộc biểu tình lớn gần đây về môi trường mà có cả xuống đường và “tuần hành tập thể” về các vấn đề khác nhau từ quyết định địa điểm xây các nhà máy dược phẩm đến làm tuyến đường xe lửa ở Thượng Hải.

.

Nhưng, theo các nhà phân tích và các nhà hoạt động nhân quyền, điều mà Đảng Cộng sản sợ nhất là rằng các nhà bất đồng chính kiến trong giới trí thức ở trong nước có thể hành động không chỉ là một điểm đến cho vô vàn các ưu tư về xã hội bằng cách thách thức tính hợp pháp của các thể chế nhà nước, mà họ còn tạo ra một tổ chức để tập hợp người dân lại.

Đây không phải là mối lo ngại hoàn toàn mới. Chính sự lo lắng này đã khiến Đặng Tiểu Bình ra lệnh thiết quân lực trong năm 1989 nhằm chống lại các sinh viên xuống đường ở Thiên An Môn và cũng khiến họ trấn áp giáo phái Pháp Luân Công sau khi giáo phái này tổ chức những cuộc biểu tình im lặng vào cuối những năm 1990.

Nhưng những gì được coi là “có tổ chức”, và như thế là đe doạ nhà nước, đã lại trở nên càng cụ thể tinh tế hơn trong năm vừa qua để bao gồm thậm chí cả kiến nghị trên mạng của Lưu Hiểu Ba tức Hiến Chương 08.

Bà Corinna-Barbara Francis, một chuyên gia về Trung Quốc cho tổ chức Ân xá Quốc tế, mô tả những cố gắng thường không khéo tính toán của các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc để đi theo lề phải của chế độ.

“Người ta phải hiểu có những lằn ranh không thể vượt qua được. Lưu Hiểu Ba đã cố gắng đi theo sát mép lề phải của những lằn ranh này, nhưng Hiến Chương 08 đã đẩy ông qua phía bên kia. Nhưng cho dù như vậy bản án họ dành cho ông vẫn khiến ta sững sờ.”

Nhà cầm quyền Trung Quốc thích suy diễn bản kiến nghị Hiến Chương 08 ra thành không chỉ là lời tuyên bố phê phán chế độ mà còn là bằng chứng về “tổ chức” chống lại nhà nước.

“Vì thế,” bà Francis cho biết, “trong năm qua Trung Quốc đã thật sự tăng mức án tội này.”

Những người ủng hộ ông Lưu đều nghĩ ông chịu án cao nhất là ba năm tù, nhưng bản án 11 năm tại Nhà tù Trung ương Số 1 là ngang bằng với các bản án dành cho các thành viên đảng Dân chủ Trung Quốc, được thành lập vào năm 1998, những người này bị chế độ trừng phạt nặng vì lập ra đảng chính trị khác.

Nhưng tại sao ông Lưu, 54 tuổi, đã bị đối xử khắc nghiệt như vây, và người ta nhìn thấy được mức độ sợ hãi về internet của nhà cầm quyền qua lời phán quyết do Toà án Nhân dân Trung cấp thứ Nhất Thành phố Bắc Kinh đưa ra. Ở đấy, được trình bày bằng ngôn ngữ trấn áp mang tính quan liêu, chứa đựng toàn bộ những lo lắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc: nào là cấu kết, nào là tổ chức chống Đảng và nào là tuyên truyền ra bên ngoài biên giới những chuyện phê phán Trung Quốc.

“Trong khoảng thời gian từ tháng Chín đến tháng Mười Hai năm 2008,” theo phán quyết đọc ở toà,” bị cáo Lưu Hiểu Ba đã cấu kết với những kẻ khác để lập mưu phác thảo ra “Hiến Chương 08″, trong đó đưa ra những quan điểm như “xoá bỏ độc quyền của một đảng về thực thi quyền lực chính trị”, “thành lập một liên hiệp Trung Quốc theo khuôn khổ của một hệ thống chính quyền dân chủ lập hiến”, tìm cách khích động lật đổ quyền lực nhà nước. Lưu Hiểu Ba đã thu thập chữ ký của hơn 300 người rồi gởi “Hiến Chương 08″ kèm theo các chữ ký này trong một điện thư đến những trang mạng nằm bên ngoài biên giới của Trung Quốc lục địa, để công bố trên những trang mạng nằm bên ngoài biên giới của Trung Quốc lục địa chẳng hạn như trang “Trung Quốc Dân chủ” và trang “Hội văn bút Trung Quốc Độc lập.”

.

“Đảng Cộng sản đã giữ độc quyền về quyền lực trong suốt 60 năm qua,” ông Pelim Kine, nhà nghiên cứu cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết. “Tất cả những gì Đảng làm thảy đều toàn tâm toàn trí hướng đến sự nắm chắc lấy quyền lực. Đảng đã theo dõi và học được những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và từ các cuộc cách mạng màu và quyết tâm không đi theo con đường định mệnh ấy. Họ đã thấy sự cần thiết phải kiểm soát những chuyện bên trong biên giới nước họ. Nhưng họ cũng nhận thức rằng họ không thể nào giống như Bắc Hàn là đóng kín cửa cả nước lại được. Vì vậy họ tạo ra một mô hình trong đó đảng kiểm soát, nhưng vẫn cung cấp một mức độ phát triển kinh tế và các quyền về kinh tế. Cái giá phải trả là sự kiểm soát tự do ngôn luận và các nhân quyền khác.”

Và mặc dù nhiều người Trung Quốc đã chấp nhận sự đổi chác này và từ đó tỏ vẻ khó hiểu trước những gì họ coi là nỗi ám ảnh của phương tây về một số ít các nhà bất đồng chính kiến, nhưng đối với một Đảng Cộng sản Trung Quốc mà đã vất bỏ từ lâu hầu hết các phương diện của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa để ủng hộ tự do hoá về kinh tế thì mối đe doạ theo cảm nhận của họ về bất đồng chính kiến đã không giảm đi mà còn tăng thêm.

.

Một lý do, một số các nhà phân tích tin, là qua sự phân phát rộng rãi một ý thức hệ Mác xít chỉ đạo, các thể chế của Đảng đã được ban cho các giá trị và ý nghĩa đạo đức, ít nhất theo chính tiêu chuẩn của Đảng, và cũng chính các thể chế này đã trở nên dễ bị tổn thương trước một dường lối chỉ trích mà chất vấn tính hợp pháp các thể chế này hiện đang có.

Kết quả là, theo lời những người như ông Bảo Đồng, hiện nay ít có tự do chỉ trích những nhà lãnh đạo đảng hơn là trong thời điểm năm 1989, cho dù ngay cả trong nội bộ của chính các cán bộ đảng cao cấp hiện có nhóm, gọi là “đảng nội dân chủ phái”, ủng hộ tự do hoá hơn về chính trị nhưng họ cốt yếu giới hạn sự thảo luận chính trị chỉ riêng trong nội bộ đảng.

Và nếu có sự khác biệt giữa phong trào dân chủ 1989 và Hiến Chương 08, mà ba người khởi thảo chính ra Hiến Chương này lại trưởng thành từ phong trào đó, chính là ở điểm này. Mặc dù những biến cố quanh Thiên An Môn đã tạo ra những cuộc biểu tình khổng lồ, song người ta đã không thấy sự xuất hiện một văn bản nào đưa ra các yêu cầu chính trị rõ ràng. So với Thiên An Môn, như sử gia Phong Sùng Nghĩa nhận xét trong một bài viết cho tờ Asia-Pacific Journal, những người khởi thảo ra Hiến Chương 08 rõ ràng đã náo nức chấp nhận nền dân chủ mở rộng, đồng thời cũng báo hiệu việc họ phủ nhận nền chuyên chính độc đảng, đây thực là ý tưởng phi chính thống quan trọng nhất.

Ông Kine tin việc tống giam ông Lưu, và sự truy bức ngày càng tăng đối với những người ủng hộ ông đang đánh dấu một sự hội tụ của nhiều vấn đề mà khiến đảng Cộng sản sợ hãi: từ chuyện sử dụng internet trong vụ Hiến Chương 08 đến sự xuất hiện của ông Lưu, dưới mắt họ, như là một lãnh tụ bất đồng chính kiến qua việc ông tổ chức thành công bản kiến nghị.

“Đảng Cộng sản biết đổi mới và biết thích nghi. Đảng không còn bắn người dân trên đường phố. Đảng trấn áp (những nhân vật như Lưu Hiểu Ba) để làm cho các nhà bất đồng chính kiến và giai cấp trung lưu còn non trẻ sợ hãi,” ông Kine nói.

Vì thế mặc dù ông Kine tin rằng Trung Quốc có lẽ thích hơn nếu các vụ tấn công tin tặc nhắm vào các hộp thư của các nhà hoạt động dân quyền vẫn chưa bị khám phá, nhưng sự tiết lộ của đại công ty internet vẫn có ảnh hưởng tương tự như ảnh hưởng từ vụ án ông Lưu, tức là buộc giới luật sư và những người viết blog cũng như các nhà hoạt động khác phải suy nghĩ lại cách thức họ liên lạc lẫn nhau.

Nhà cầm quyền càng ngày càng sử dụng đến chính cách đe dọa này, tức tội “lật đổ nhà nước”, để chống lại những ai họ đã có kết luận chính thức là đã vượt qua “lằn ranh vô hình” về tự do ngôn luận và về bất đồng chính kiến.

Một người khác bị ở tù như ông Lưu về tội “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” là Hồ Giai, người đã lãnh đạo các cuộc biểu tình chống lại nạn phá rừng ở miền bắc Trung Quốc trước khi trở thành nhà hoạt động nhân quyền. Ônh Hồ bị kết án ba năm rưỡi tù vào năm 2008 cũng cùng tội danh này.

Lật đổ, theo cách hiểu thời nay của chế độ, như lời bà Corinna-Barbara Francis, là “bất kỳ điều gì khiến người dân chất vấn sự độc quyền về quyền lực của đảng. Bất chấp những thành tựu về kinh tế, đảng vẫn cương quyết chống lại các cải cách về chính trị. Đảng vẫn muốn mình tiếp tục nắm quyền lực nên không muốn chia sẻ quyền lực với bất kỳ ai.”

“Vì thế hiện nay điều mà tầng lớp nắm quyền cao nhất trong đảng sợ là điều họ đã từng sợ vào năm 1989, tức là các nhà trí thức biết đâu có thể khích lệ nên một phong trào bất đồng chính kiến chống đảng rộng lớn hơn trong quần chúng.”

Vì thế, gà phải tiếp tục xếp hàng ra pháp trường.

.

Peter Beaumont là biên tập viên ngoại vụ của tờ The Observer

Nguồn: Guardian ngày 17 tháng Giêng năm 2010

http://www.guardian.co.uk/world/2010/jan/17/china-terrified-dissent-dissident-chinese

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

.

.

.

No comments: