Tuesday, March 16, 2010

SUY NGHĨ VỀ CÁC TRANG MẠNG ĐỐI THOẠI TRỰC TUYẾN

Từ sự kiện X-Cafe, suy nghĩ về các trang mạng đối thoại trực tuyến bằng Việt ngữ

Lê Quốc Tuấn

16/03/2010 5:34 chiều 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=17545

Chỉ mới hơn một thập niên trước đây, Internet là một nơi chốn tương đối an toàn, tử tế. Rất ít các loại spam, email chứa virus, cũng không mấy người biết đến “firewall” hoặc phải cài đặt các phần mềm chống virus, spam, hacker… vào máy tính cá nhân của mình.

Thế mà vài năm gần đây không gian ảo đã trở thành một môi trường hoàn toàn khác. Không ngày nào mà những người thường sử dụng máy tính cá nhân không phải xóa bỏ hàng loạt những spam email, có hoặc không có chứa virus, và đôi khi vẫn thường được hệ thống chống virus báo động cho mình về một toan tính xâm nhập của kẻ lạ vào máy tính.

Ở mức độ chính phủ, người ta nhân danh an ninh quốc gia, an toàn xã hội v.v… để tiến hành các cài đặt truy cập vào máy tính cá nhân của các công dân mình; trong các nước cộng sản, độc tài, các chính phủ còn thẳng thừng kiểm duyệt, lọc lựa thông tin và bỏ tù những ai đi ngược lại ý muốn của nhà nước.

Lén truy cập (hacking) không phải là một công việc khó khăn, cũng không đòi hỏi đến các phương tiện công cụ gì tốn kém, do đó các tin tặc đa phần là chỉ ở độ tuổi đôi mươi, và điều đáng buồn, đáng sợ là ở chỗ họ thường tự hào về khả năng này. Nghĩa là họ không hề có một ý thức nhỏ nhất về trách nhiệm cá nhân, về sự tôn trọng đời tư của người khác khi nghịch ngợm táy máy những trò chơi như thế. Riêng ở Trung Quốc, các tin tặc thanh thiếu niên lại còn được trang bị thêm một loại ý thức “ái quốc” để trở thành cái gọi là đội ngũ “tin tặc ái quốc” chiếm đa số trong thành phần tin tặc ở đất nước có số lượng người sử dụng internet khổng lồ này. Và chính những trò “nghịch ngợm” ấy đang dẫn đến sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ qua vụ Google và những vụ tấn công tin tặc khác vào các công ty Hoa Kỳ gần đây.

Tóm lại, chúng ta không còn an toàn nữa. Lợi dụng các kẽ hở trong khoa học công nghệ thong tin, kẻ lạ chắc chắn không chỉ đứng thập thò sau vườn, trước nhà mình mà còn có khả năng chui hẳn vào buồng ngủ của mình để lục lọi, tìm kiếm những gì chúng muốn, đã thế lại còn để lại những thứ độc hại khác trong máy mình trước khi lẻn ra.

Công đồng internet Việt ngữ cũng hết sức khởi sắc trong hơn thập niên qua với các trang mạng, báo chí, diễn đàn trực tuyến (online) nhằm phục vụ các nhu cầu giải trí, giáo dục, xã hội, tôn giáo, thương mại, chính trị cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Cũng từ thực tế đó, cơ quan an ninh Việt Nam cũng lập tức vào cuộc. Có sẵn quyền lực cai trị trong tay, chính quyền cộng sản đã vận dụng tất cả các kỹ năng công nghệ có được để kiểm soát, không chế các trang mạng trong nước. Đồng thời, hệ thống công an mạng mà giới blogger gọi tắt là CAM đã liên tục đeo bám, quấy rối, phá hoại các trang mạng chính trị ở hải ngoại.

Trong các hình thức đa dạng đó, loại hình đối thoại, đàm luận trực tuyến là một loại hình rất phong phú và sinh động. Trên cộng đồng mạng ảo này, những người tham dự trực tiếp nêu lên, đăng tải trực tuyến các suy nghĩ của mình để cùng chia sẻ, đàm luận với đông đảo người khác. Tuỳ vào chủ trương của người chủ trì diễn đàn, các thảo luận trực tuyến này có thể chỉ là những trao đổi chung chung vô thưởng vô phạt hoặc cũng có thể đi đến những phản biện gay gắt về quan điểm chính trị, xã hội, tôn giáo… Thành phần tham dự đa số nơi những diễn đàn trực tuyến này, ngoài một số ít là những cá nhân có mục đích chính trị rõ ràng, muốn qua đó để uốn nắn, quảng bá tư tưởng chính trị, cải cách xã hội của mình, còn lại đa phần là những người nhàn rỗi, ẩn mình dưới một cái tên giả (nick) xem bàn phím như chốn trà dư tửu hậu để bàn bạc chia sẻ với đám đông giấu mặt khác những suy nghĩ của mình. Nói chung, các hình thức trao đổi như thế này quả là một thú vui văn hóa tao nhã cho những người ham vui gặp được kẻ đồng điệu. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, do trình độ có giới hạn, nhiều người đã tải lên trực tuyến những ý tưởng có khi thật ngô nghê. Điều này không đáng trách vì những người này có lẽ vì biết giới hạn của mình nên đã chọn lựa sự ẩn danh, nhưng đáng trách nhất là những cung cách diễn đạt với câu chữ lỗ mãng, thô tục hết sức thiếu văn hóa, khiến đi đến mức trước nhất là tự hạ thấp mình, sau là thiếu tôn trọng người đọc và cuối cùng là cả diễn đàn ảo ấy trở thành một nơi chốn không ai muốn viếng nữa.

Diễn đàn X-cafevn ra đời chính từ các sinh hoạt đa dạng này và đã trở thành một tụ điểm trực tuyến được nhiều ngươì nhìn nhận là có giá trị về thông tin, chất lượng trao đổi cũng như số lượng thành viên tham dự. Và cũng chính từ lý do này mà X-Cafevn đã bị tin tặc và CAM trực tiếp phá hoại nhiều lần bằng kỹ thuật từ chối dịch vụ (DDoS) phổ biến, suốt từ giữa tháng 1/2010 đến nay và cuối cùng đã bị tin tặc phá hại đến mức phải tạm đóng cửa để bảo trì như hiện nay.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra với X-Cafevn không chỉ dừng lại ở đấy. Như nhiều người theo dõi các diễn đàn trực tuyến Việt ngữ cũng đã biết, những tin tặc phá hoại X-cafevn đã đi xa hơn nữa trong hành động của mình là công bố các thông tin cá nhân đánh cắp được ở X-Cafevn trên một trang mạng nhằm khủng bố tinh thần những thành viên X-cafevn mà họ muốn.

Các thông tin được nhóm tin tặc này đưa lên trong mấy ngày qua đã chỉ cho thấy một trình độ rất giới hạn của họ về những cá nhân mà họ muốn bôi nhọ. Đó là những hình ảnh đời tư gia đình mà trong thời đại thông tin hiện nay ai cũng có thể có đâu đó trên Facebook, webshots hay các trang blog cá nhân của mình, kèm theo những dòng thông tin về cá nhân chẳng những rất chung chung mà lại còn không thiếu phần sai lạc (như trường hợp liên quan đến ông Hoàng Ngọc-Tuấn, khiến ông vừa phải lên tiếng trên talawas). Thực tế, sự việc này tối đa là chỉ gây khó chịu, xúc phạm đến đời tư của những thành viên X-cafevn ở hải ngoại là cùng, nhưng thực sự gây nguy hiểm về an ninh cá nhân đối với các thành viên ở trong nước. Những người không có tội gì ngoài việc diễn đạt, chia sẻ các suy nghĩ của mình trên mạng trực tuyến. Nhất là trong bối cảnh nhà nước cộng sản Việt Nam đang gia tăng khủng bố, sách nhiễu các blogger như mọi người đều biết gần đây.

Trong tình hình này, xét thấy có lẽ đến lúc các trang mạng thảo luận trực tuyến cần phải chấn chỉnh lại cách thức điều hành trang mạng của mình để trước nhất tạo được một không khí lành mạnh có văn hóa trong đối thoại trực tuyến, đồng thời bảo vệ được thông tin đời tư của người tham dự và đặc biệt bảo đảm an ninh cá nhân cho những người tham dự ở trong nước.

Vẫn biết là vỏ quý dày, móng tay lại nhọn hơn nhưng không phải vì thế mà những người chủ trương các trang mạng trực tuyến và người tham dự không thể làm một điều gì đó về phần mình cho mục đích trên.

Từ những điều trên, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ như sau:

.

Về vấn đề tính danh trên trực tuyến

Đa số những người tham gia phổ biến suy nghĩ của mình trên internet thường sử dụng tên giả. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì những cá nhân này không thích lộ diện trước công chúng hoặc vì lý do cá nhân nào đó hoặc vì an ninh bản thân (như đối với những người sống ở Việt Nam). Tuy nhiên, phải nói thẳng là trừ một ngoại lệ duy nhất là từ những lý do có quan hệ đến an toàn của bản thân mà những cá nhân không sẵn lòng công khai mình là ai trong một chừng mực có thể nhấp nhận được, thì những cá nhân ấy không nên có tiếng nói, hoặc tiếng nói của cá nhân ấy kém giá trị rất nhiều. Tựa như một người phổ biến quan điểm, suy nghĩ của mình mà lại không dám nhận trách nhiệm tối thiểu của cá nhân mình về ý tưởng đó. Nếu trong đời thường, con người luôn chịu trách nhiệm cho hành động và suy nghĩ của mình, đặc biệt khi suy nghĩ, hành động ấy có tác động đến người khác, vậy tại sao điều này không thể thể hiện trên trực tuyến?

Chưa kể một hiện tượng khác thường xảy ra trên trực tuyến nữa là có nhiều cá nhân lại sử dụng đến hai, ba tên giả một lúc trên cùng một diễn đàn. Cá nhân tôi không tìm thấy được một lý do chính đáng nào cho hành động này cả. Tại sao có những con người này phải hành động như thế và tại sao những người chủ trương, điều hành các trang mạng lại chấp nhận tình trạng như thế?

Nêu ra vấn đề này để muốn nói rằng: chắc chắn khi một ai đó không phải giấu mình sau một cái tên giả thì người ấy sẽ phải hành xử tử tế có trách nhiệm hơn.

.

Về văn phong diễn đạt trên trực tuyến

Thú thực là có những lối diễn tả bằng Việt ngữ trên trang mạng hiện nay, không riêng từ những blogger tài tử, mà cả từ những người khá chuyên nghiệp, thật là không thể chấp nhận được. Điều đáng tiếc là không phải những lối phóng bút thô lỗ ấy xuất hiện trên những tramg mạng quần chúng, mang tính giải trí thuần túy mà còn xuất hiện trên những trang mạng có giá trị thông tin nhất định. Có lẽ từ khi xuất hiện internet mới có sự xuất hiện của những văn phong chửi bới thô lậu này. Bởi vì trước đây trong thị trường báo chữ, ai có lối viết lách như thế chắc khó qua lọt sự sàng lọc của ban biên tập. Còn hiện nay, mọi thứ là trực tuyến, có những người ngồi trước máy tính cứ thế tự do phun nọc độc, lời lẽ hạ cấp lên trực tuyến mà không hề nghĩ gì đến người xung quanh. Xin miễn cho tôi việc phải trích dẫn một vài ví dụ.

Nếu một cá nhân không đủ khả năng hoặc không muốn diễn đạt ý tưởng của mình ra công chúng một cách rõ ràng, chừng mực và tôn trọng người đọc thì tại sao lại phải tìm đến sự diễn đạt ra công chúng để làm gì? Và tại sao công chúng lại phải chấp nhận, chịu đựng những loại diễn đạt ấy? Tự do ngôn luận không có nghĩa là mình muốn nói gì thì nói trước công chúng. Tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do lăng nhục, phỉ báng hoặc gieo rắc những ý tưởng chia rẽ, hận thù.

Hai điều ấy không thể thực hiện được chỉ từ một phía của người tham dự. Chính những người điều hành các trang mạng trực tuyến cũng cần có trách nhiệm ở đây.

Nói chung, các diễn đàn trực tuyến không phải là một nơi chốn vô chủ, phi luật lệ. Không ai lập nên một diễn đàn trực tuyến mà không có những lý do, mục đích nào đó. Hoặc vì thương mại hoặc vì lý tưởng tôn giáo, xã hội, chính trị… do đó dứt khoát các diễn đàn ảo trực tuyến, dù thành viên là nặc danh, nhưng những người điều hành là những con người có thực. Họ chính là những người phải trả tiền theo hợp đồng cho dịch vụ cung cấp ISP và phải quản trị, dọn dẹp chốn ảo của mình trước mắt để đi đúng hướng chủ định của mình, sau là tôn trọng những người tham dự khác. Tuy nhiên, nhiều người chủ trương, điều hành các diễn đàn trực tuyến cứ muốn duy trì lượng người tham dự truy cập cho đông, thành ra đã gián tiếp tạo nên tình trạng bát nháo mất trật tự. Tình trạng này, nếu chưa dẫn đến hậu quả là nhiều người sẽ rời bỏ diễn đàn vì không ngửi được các cuộc tranh cãi thiếu văn hóa thì cũng sẽ dẫn đến những hiềm khích cá nhân giữa những người chơi ảo nhưng thù thật như đã và đang xảy ra ở X-Cafevn.

Tóm lại, sự kiện hacking vừa xảy ra ở diễn đàn X-Cafevn là hiện tượng xấu xa, tồi tệ nhất trong cộng đồng những người tham dự mạng internet bằng Việt ngữ từ trước đến nay. Dù xuất phát từ bất cứ ai, bất cứ động cơ nào (từ thù ghét cá nhân – như những thành viên X-Cafevn suy đoán trên các tramg mạng khác – hay từ CAM của chính quyền cộng sản Việt Nam), những bàn tay nham nhúa nhúng vào hành động tồi tệ này cần phải bị lên án, tẩy chay như những thành phần cặn bã nhất của xã hội. Bởi vì hành động này không khác gì việc lén lút đột nhập vào nhà người khác để ăn cắp hoặc để khủng bố, đe dọa.

Không những thế, ngay cả bất cứ ai đồng tình, hoặc thỏa mãn vì tìm được điều thỏa mãn gì đó từ hành động này cũng phải nên tự xét lại xem các biểu hiện lố lăng ấy của mình đã thể hiện con người của mình như thế nào trong cộng đồng mạng và có mang lại một lợi ích nào hay không.

Và cuối cùng, sự cố xảy ra đối với X-Cafevn là một tiếng chuông cảnh báo cho cộng đồng những người viết blog, những người chủ trương và tham dự các diễn đàn trực tuyến bằng Việt ngữ. Đã đến lúc chúng ta phải làm một điều gì để cải thiện môi trường này.

Tháng 3/2010

© 2010 Lê Quốc Tuấn

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: