Tuesday, March 2, 2010

NỖI ÁM ẢNH CHÍNH TRỊ CỦA DU HỌC SINH VN

Nỗi ám ảnh chính trị

Khánh An, phóng viên RFA

2010-03-02

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Politics-Give-me-a-break-KAn-03012010191115.html

Trong chương trình Café Wifi tuần này, các bạn trẻ sẽ thảo luận về những xung đột giữa giới trẻ Việt Nam khi sống ở nước ngoài cũng như những tính cách của người Việt Nam mình.

Trước khi bắt đầu chương trình. Khánh An mời các bạn tự giới thiệu .

.

Giới trẻ Việt Nam

Phương: Chào tất cả mọi người. Em tên Phương. Em 22 tuổi. Em vừa mới tốt nghiệp được 2 tháng thì em đi làm. Em sống ở TPHCM.

Hòa: Mình tên Hòa. Năm nay mình 26 tuổi, đang làm việc, công tác taị Singapore và cũng ở Singapore được 5 năm rồi. Khi mình học thì mình học ngành công nghệ thông tin, lúc mình ra làm thì làm về ngành quản trị mạng cho công ty HP.

Vương Anh: Mình tên Vương Anh, hiện tại đang sống ở Adelaide, South Australia. Mình qua đây được khoảng 5 năm rồi. Ở Việt Nam thì mình làm nha sĩ, bây giờ qua đây thì cũng chưa có việc làm ổn định.

Hương: Hương tên là Hương, năm nay 25 tuổi, đã xa Việt Nam cũng được 5 năm rưỡi rồi. Hương vừa mới tốt nghiệp cũng ngành công nghệ thông tin, hiện giờ đang làm quản trị mạng cho trường Đại học Texas Central.

Khánh An: Khánh An cảm ơn các bạn và rất vui chào đón các bạn đến với chương trình Café Wifi. Ngày hôm nay, Khánh An muốn hỏi các bạn: Theo các bạn, giới trẻ Việt Nam mình có những gì gọi là ưu điểm và cái gì là khuyết điểm, đặc biệt là các bạn khi các bạn đi ra ngoài các bạn có nhiều cơ hội so sánh với giới trẻ ở nơi mà bạn học, bạn làm việc.

Hương: Mình thấy tính cách của sinh viên Việt Nam có ưu điểm là rất là siêng năng, chịu khó học hỏi, khi đi học thì Hương thấy sinh viên VN dùng thời gian đến gấp hai gấp ba lần so với sinh viên Mỹ. Cái đó rất là đáng quý. Còn khuyết điểm thì thường là phong tục không giống, tiếng nói không giống nên rất khó khăn. Nhiều khi phong tục của mình rất là ngược đời với phong tục của Mỹ, chẳng hạn như Mỹ dùng dao cắt vô trong còn mình thì cắt ra ngoài. Đi đường thì người ta rất tuân theo luật lệ giao thông, còn ở VN thì không thấy giống.

Khánh An: Cảm ơn Hương rất nhiều. Khánh An muốn hỏi các bạn khác...

Hòa: Theo Hòa thấy cũng giống như bạn Hương hồi nãy nói người VN mình thì Hòa cảm thấy những người nào chịu khó, có quyết tâm thì sẽ rất cần cù và siêng năng. Hòa không biết ở bên Mỹ như thế nào, có lẽ bên Singapore ở gần VN cho nên những phong tục tập quán cũng không khác xa mấy. Đối với người bản xứ, những người đến từ Trung Quốc, họ nhìn người VN mình chỉ bằng nửa con mắt thôi. Cho nên Hòa để ý, có thể chính vì vậy mà những người nào có quyết tâm thì sẽ làm việc và học tập gấp đôi để có thể chứng minh được là người VN mình không thua kém người ta. Còn khuyết điểm thì Hòa thấy đa số những bạn bên này khoảng 50/50, 50 là học được và 50 hay chơi, đó là khuyết đìểm.

.

Tự do ngôn luận?

Khánh An: Cảm ơn Hòa. Vương Anh nghĩ như thế nào Vương Anh ?

Vương Anh: Bản thân Vương Anh thì Vương Anh cũng có được cái may mắn là làm cho một cơ quan cũng gần như là đầu ngành về răng hàm mặt ở VN. Sau 2 năm Vương Anh làm việc ở đó rồi qua đây, tựu trung lại, Vương Anh cảm thấy là, mình nói về bản thân mình đi nhé, Vương Anh qua đây cảm thấy mình bị sợ một thời gian quá là dài đi, tại vì khi ở VN, mọi thứ mình làm, mình đều phải đặt mình vô cái vấn đề là “mình làm như vậy, mình nói như vậy thì người bên cạnh người ta nghe người ta sẽ nghĩ như thế nào?”, rồi “có ảnh hưởng đến chính trị hay không?”, “có lợi cho việc tiến thân hay không?”.

Còn bên này người ta không quan tâm tới những chuyện đó. Mình thích thì mình cứ nói và mình làm đi đó. Nếu mà điều đó là điều đúng thì mình không sợ người ta sẽ dòm ngó, người ta sẽ coi mình là lạc loài. Đó, cái chung là như vậy, còn đối với Vương Anh thì VN luôn luôn là trong tim rồi, còn cái chuyện chính trị như thế nào thì Vương Anh không biết, nhưng mà đi ra khỏi VN, cái khao khát đầu tiên mà Vương Anh thấy là vì VN mình bị nhiều thứ bưng bít quá đi, mà Vương Anh đã từng làm ở vị trí đó Vương Anh biết, Vương Anh ước ao được học hỏi nhiều cái mới của bên ngoài để về phục vụ cho người dân ở quê hương mình.

Khánh An: Vương Anh có nhắc đến một nỗi sợ mà hình như là không ít du học sinh của mình khi ra nước ngoài đã gặp phải, đó là chuyện sẽ sợ dính dáng đến chuyện chính trị. Các bạn nghĩ thế nào về chuyện này, có đáng sợ không? Theo Vương Anh nói thì những bạn trẻ ở bản xứ họ không mấy quan tâm đến chuyện đó. Cái gì mình thích thì mình làm. Bây giờ Khánh An sẽ hỏi một bạn trẻ là Phương vì hiện nay Phương đang sống ở VN. Vương Anh ra khỏi nước thì Vương Anh thấy là có nhiều vấn đề mình không được biết, Phương nghĩ như thế nào về chuyện này?

Phương: Có lẽ so với mọi người, em đang ở VN thì em sẽ chứng kiến, hoặc là sẽ biết được nhiều cái chuyện về chính trị hoặc vấn đề nào đó nhất. Theo em, ngày xưa em không rõ như thế nào, nhưng bây giờ tụi em được tiếp cận rất là nhiều thông tin, đặc biệt nói về vấn đề chính trị thì giới trẻ cũng tham gia khá nhiều về chính trị. Các anh chị nhìn thử xem, ví dụ như ở thành phố Sài Gòn em đang ở, các bạn sinh viên được đứng vào vị trí đại biểu quốc hội hoặc được đứng vào vị trí của một chủ tịch hội đồng nào đó trong một khoảng thời gian nào đó. Người ta muốn rằng khi giới trẻ được đặt vào vị trí đó thì giới trẻ sẽ làm được cái gì, và ý tưởng của giới trẻ sẽ như thế nào. Mà theo em thấy thì ở trong nước hiện nay không phải riêng gì vấn đề chính trị đâu mà các vấn đề khác cũng vậy, ý kiến của giới trẻ rất là được quan tâm.

Còn so với ở một số nước thì em không qua thực tế nên em không thể nắm hết được nhưng mà qua một số bạn bè hoặc là tình hình báo chí có đưa tin thì em thấy là vấn đề mà hồi nãy anh Vương Anh có đưa ra và chị Khánh An đang đề cập là vấn đề tình hình chính trị nó ảnh hưởng khá nhiều, đặc biệt là đối với lưu học sinh thì vấn đề em cũng chỉ thấy là tại VN tụi em được tiếp cận khá là nhiều và tụi em có tiếng nói, có tổ chức, có đại diện, có tiếng nói về các vấn đề xã hội chứ không phải là bị ép buộc, o ép quá nhiều như là tình trạng anh Vương Anh đã đề cập.

.

Guồng máy chính trị

Khánh An: Các bạn khác thì các bạn nghĩ như thế nào? Các bạn đã ở VN, các bạn đã đi ra ngoài, các bạn so sánh, các bạn có đồng ý với ý kiến của Phương hay không?

Vương Anh: Nói về kinh nghiệm bản thân, Vương Anh từng làm phó bí thư của bên đoàn thanh niên của Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung Ương và cũng được đề bạt rất nhiều thì khi đó, khi mà đặt ở vị trí đó, Vương Anh biết nhiều chuyện có lẽ biết nhiều chuyện hơn bạn Phương ở VN bây giờ biết. Khi mình biết ra được, mình cảm thấy hai luồng khác nhau. Điều mình biết được khác với thực tế người ta đang làm ở VN. Do đó, mình cảm thấy sợ, mình hơi hoang mang về chuyện người ta đang làm như vậy.

Cuối cùng, mình nhận ra một điều là mọi thứ người ta cho giới trẻ biết nó giống như cái bánh vậy đó. Bạn đang là người không biết và bạn đi tìm cái bánh thì bạn thấy được cái bánh người ta đưa cho bạn thôi chứ mình không biết, mình không có quyền lựa chọn cái bánh khác. Do đó khi đó giới trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, mình được lắng nghe, nhưng mà bản thân mình thì mình thấy được là thực tế nó không giống như vậy. Bản thân mình khi mình muốn đi ra nước ngoài để học thì hầu như mọi đường đều bị bít hết nếu như mình không đi theo guồng máy của họ.

Khánh An: Cảm ơn Vương Anh. Các bạn trẻ khác nghĩ thế nào?

Hương: Hương thì Hương cũng có tiếp xúc với nhiều cộng đồng VN ở bên Mỹ thì Hương cảm thấy là mỗi bên đều có cái đúng của nó, chẳng hạn như một sự việc nó đều có cái sai và cái đúng thì bên VN người ta nhìn cái đúng không à, người ta không nói lên cái sai. Còn ở bên Mỹ, người ta nhìn cái sai thôi, người ta không nói cái tốt của sự việc đó. Thành ra, chỉ nhìn một tí thôi thì sẽ không thể nói được là mình biết được toàn cục diện hết.

Chẳng hạn như một sự việc xảy ra, Hương thấy bên VN người ta cũng đưa tin trên đài, tại bây giờ Hương coi VTV1, hay VTV2, hay VTV3 Hương thấy có sự việc xảy ra người ta cũng nói nhưng mà thật sự người ta nói cái tốt ra thôi. Còn đối vơí người bên Mỹ, Đài SBTN của Mỹ thì lại là không nói về cái tốt của nó mà lại châm chích vào cái xấu của sự việc. Nhìn về hai phía thì mỗi người đều có cái ý của mình riêng mà không ai nhịn bên nào. Đối với Hương thì Hương là sinh viên, thật sự Hương cũng không quan tâm lắm về chính trị, nhưng mà mình đứng khách quan thôi thì thấy sự việc nào cũng có cái tốt cái xấu.

Ngay cả chính trị bên Mỹ cũng vậy, cũng có cái tốt cái xấu, người ta cũng đem ra giễu trên đài quá trời luôn. Chẳng hạn như cái chương trình truyền hình “Glenn Beck” cũng đem ông Obama ra để nói thôi, có gì đâu, chỉ có điều ở VN thì cái đó là một trong những cái luật của nhà nước VN, đó là khỏng thể chế giễu được chính phủ VN. Chỉ có sự khác nhau như vậy thôi.

Khánh An: Cảm ơn ý kiến của Hương. Hòa ở bên Singapore cảm thấy như thế nào hả Hòa?

Hòa: Hòa thì thực sự từ trước tới giờ cũng không để ý mấy đến chính trị, nhưng mà Hòa thấy những gì cảm nhận được giống như bạn Hương. Đó là ở VN mình hay nâng cao những cái tốt lên mà ít nói về những cái xấu, còn ở bên Sing theo Hòa thấy như chính phủ Sing thì họ cũng thực sự độc tài như VN là không được chế giễu hay là nói xấu gì đến chính trị hay là chính phủ, nhưng mà họ cũng có quyền khi mà điêù gì đó của chính trị mà không tốt thì người dân có thể đứng lên mà nói.

Quý vị và các bạn vừa theo dõi phần đầu tiên của buổi trò chuyện về một số vấn đề thường gặp của giới trẻ VN khi họ ra nước ngoài. Bây giờ thì chương trình Café Wifi tạm chia tay với quý vị rồi và hẹn gặp lại mọi người vào lần Café tới nhé.

Khánh An mong nhận được những ý kiến đóng góp và sự tham gia của quý vị thính giả, đặc biệt là các bạn trẻ tại địa chỉ e-mail wificoffee.rfa@gmail.com. Xin quý vị lưu ý để lại số điện thoại để Khánh An tiện liên lạc. Xin chào và hẹn gặp lại.

.

Theo dòng thời sự:

Chia sẻ kinh nghiệm du học (phần 1)

Chia sẻ kinh nghiệm du học (phần 2)

Tư do báo chí tại Việt Nam theo nhận định của RSF

Thêm hai nhà đấu tranh cho dân chủ bị bắt giữ

Đấu tranh cho dân chủ bị tuyên án từ 5 cho đến 16 năm tù

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: