Monday, March 15, 2010

NHỮNG AI KHÔNG MUỐN QUỐC TẾ HÓA TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG (Phần 3)

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 3)

Trân Văn, phóng viên đài RFA

2010-03-15

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Who-do-not-want-to-internationalize-the-dispute-at-the-South-China-Sea-Part3-03152010065335.html

Trong các loạt bài trước đay Trân Văn đã tường trình về những hậu qủa khi Trung Quốc khai thác tối đa các ưu thế hiện có trong những cuộc đàm phán song phương về lãnh thổ nói chung và đã đạt một số thành qủa nhất định trong việc ngăn chặn các nỗ lực “Quốc tế hoá vấn đề biển Đông”. Ở kỳ cuối của loạt bài “Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông?”, mời qúy vị theo dõi cuộc trò chuyện giữa Trân Văn với Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long quanh chủ đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông” ...

.

Phải thay đổi cách thực hiện

Trân Văn: Gần đây người ta nói nhiều đến “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”. Trong bối cảnh như hiện nay, theo anh Việt Nam có cần thực hiện điều này ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long:
Trước hết thì tôi thấy Việt Nam khó mà thực hiện điều này nếu Việt Nam không vận động các nước ASEAN.
Khi vận động các nước ASEAN thì Việt Nam phải cho họ biết cái lợi của họ là gì. Nếu mà mình chỉ nghĩ đến cái lợi của mình mà không nghĩ đến cái lợi cuả người ta thì khó vận động người ta được.
Từ trước tới nay khi nói về vấn đề biển Đông thì Việt Nam chủ yếu nói đến vấn đề chủ quyền hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa thì các nước khác không có tranh chấp, chỉ có Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam thì Hoàng Sa do chính phủ miền Nam Việt Nam chiếm cứ và cả Trung Quốc lẫn Đài Loan không có tranh giành. Theo luật pháp thì tôi nghĩ như vậy là của Việt Nam.
Trước khi gọi là "giải phóng miền Nam" thì Mỹ cố tình để Trung Quốc lấy Hoàng Sa, làm sức ép miền Bắc và Nga. Bây giờ sự chiếm đóng đã rồi nhưng mà về vấn đề luật pháp tôi nghĩ rằng phải tiếp tục.
Khi tôi nói Việt Nam thì không phải chỉ là chính phủ Việt Nam hay là những người ở Việt Nam thôi, mà tôi nghĩ rằng tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng phải tiếp tục tranh đấu cho vấn đề này. Có lấy được hay không là vấn đề khác nhưng tranh đấu là vấn đề quan trọng để làm cho Trung Quốc bị động, có vậy thì mới có thể giải quyết được vấn đề khác.
Bây giờ, các nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia thì thấy là họ không có cái lợi gì lớn lắm trong vấn đề này.
Họ đưa ra một cái giải pháp gọi là “donut proposal”. Theo đó, chỗ tranh chấp giống như lỗ hổng giữa cái donut, họ sẽ không đụng đến, còn những chỗ khác thì họ sẽ thương lượng. Nếu mà họ có giải pháp như thế thì rõ ràng là bất lợi cho Việt Nam.

Mỹ cũng đã nói nhiều lần là Mỹ sẽ không dính líu vấn đề tranh chấp chủ quyền, chỉ dính líu vấn đề thông thương trên biển thôi. Đây là vấn đề rất khó mà mình phải làm cho nó rõ, không những là làm rõ Mỹ muốn gì, mà còn phải làm rõ các nước ASEAN muốn gì, lúc đó mới biết rằng là mình có thể làm được gì hay là không làm được gì.
Nếu bây giờ vận động mà mình không chỉ cho người ta biết cái lợi của họ như thế nào và chỉ khăng khăng đòi cái người ta thấy là họ không có lợi như vấn đề chủ quyền với Trung Quốc thì tôi nghĩ rằng, nó sẽ đi vào ngõ cụt, sẽ bế tắc.

Mà như vậy thì tôi nghĩ rằng, những người không muốn giải quyết vấn đề hay muốn nhượng bộ Trung Quốc các vấn đề khác, sẽ cứ nói rằng Việt Nam có chủ quyền thế này thế kia, lịch sử thế này thế kia. Tôi nghĩ những người nói như vậy là những người không muốn có giải pháp. Như vậy chuyện sẽ kéo dài rất lâu.
Còn về Mỹ thì bây giờ, tại Mỹ này có hai lập trường, một lập trường là ngăn đe Trung Quốc và lập trường kia là accumulation.
Việt Nam mình hay là Lào, Thái Lan thường nói rằng, khi mà hai con voi đánh nhau hay làm tình với nhau thì cỏ bị giẫm nát. Vấn đề là mình có muốn cỏ bị giẫm nát hay không (?). Vấn đề bây giờ là không phải chỉ vận động các nước ASEAN thôi mà phải vận động cả Mỹ nữa.

.

Không thể nhượng bộ

Trân Văn: Thưa anh, quan sát thực tế thì người ta thấy là ngoài những khó khăn trong chuyện “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông” thì Trung Quốc hình như chỉ muốn đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông...
Giáo sư Ngô Vĩnh Long:
Đúng!
Trân Văn: Bởi vì làm như thế thì họ có thể khai thác tối đa các ưu thế của họ. Đồng thời họ có thể đưa ra những lập luận, lý lẽ hoàn toàn khác nhau trong đàm phán với từng quốc gia một.
Trong một số trường hợp những lý lẽ này mâu thuẫn với nhau nhưng vì là dàm phán song phương nên nó không thể trở thành vấn đề chung được.
Đối chiếu với những gì Trung Quốc đã cũng như đang thực hiện với Đài Loan, với Tây Tạng, với Tân Cương, theo anh, trong tương lai biển Đông có rơi vào tình trạng tương tự như vậy hay không?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Trong mấy chục năm qua, tôi đã nói rất nhiều lần và tôi còn nói nhiều lần với Việt Nam, bởi vì tôi chuyên về Trung Quốc, tôi đã dạy ở Harvard, rồi sau đó tôi dạy ở nhiều chỗ khác.
Theo chỗ tôi biết về Trung Quốc thì nhượng nó một ly nó đi một dặm, không nhượng được. Tôi nghĩ các nước khác trên thế giới đã nhượng cho Trung Quốc quá nhiều. Bây giờ thì Trung Quốc chỉ lấn thôi.
Chẳng hạn đối với vấn đề Đài Loan, Trung Quốc lấn từ từ, từ 1972 tới giờ, càng ngày càng khác và Đài Loan càng ngày càng bị ép. Vấn đề Tân Cương và mấy chỗ khác cũng đúng như vậy.
Thành ra tôi nghĩ rằng, đối với vấn đề biển Đông, phải cho Trung Quốc biết thái độ của anh như vậy là không được.
Vấn đề biển Đông không chỉ ở biển Đông. Nếu chỉ nghĩ vấn đề biển Đông không thôi thì rõ ràng là bất lợi cho Việt Nam, bởi vì các nước khác chỉ có hai cái lợi thôi, một là thông thương, hai là an ninh hàng hải. Nếu có tranh chấp thì tranh chấp với các nước khác rất là ít.
Tuy nhiên sự đe dọa từ Trung Quốc lớn hơn như thế, Trung Quốc đe dọa an toàn của toàn khu vực, an toàn về vấn đề con người, vấn đề môi trường, về đủ thứ.
Có những việc mà mình có thể làm chung với các nước khác, trong đó biển Đông là một vấn đề.

Nếu Việt Nam khéo vận dụng mấy vấn đề này thì có thể kéo các nước khác tham gia. Còn nếu Việt Nam cứ khăng khăng như bây giờ thì tôi nghĩ khó quốc tế hóa vấn đề biển Đông và cũng khó cho người ta bênh vực trong các vấn đề khác nữa.
Thật ra Việt Nam đang là nước bị áp lực nhất ở dưới biển, trên bờ, vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị,... Tại sao một số chính trị gia Việt Nam nghiêng về Trung Quốc? Đó là vì họ thấy nghiêng về Trung Quốc nó bảo đảm hơn là nghiêng về Mỹ hay là nghiêng về các nước Đông Nam Á.

Phải cho họ thấy rằng, nếu mà họ đi theo cách khác thì sẽ có lợi cho Việt Nam, có lợi cho chính họ nữa. Song trước hết phải can đảm, hai là phải có một chính sách lâu dài. Nếu không có chính sách lâu dài thì khó mà tranh thủ được.

.
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long, một giáo sư chuyên giảng dạy về lịch sử Á Đông, đồng thời còn là một chuyên gia về Trung Quốc trình bày các suy nghĩ của ông quanh vấn đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”.
Loạt bài “Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông?” tạm dừng ở đây và chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại vấn đề này vào dịp khác.

.

Theo dòng thời sự:

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 2)

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)

Trung Quốc không thích - Thế giới khó bàn về biển Đông?

Hoa Kỳ sẽ hiện diện lâu dài tại biển Đông

National Geographic Society đăng bản đồ đảo Hoàng Sa với chữ “China”

Việt Nam tuyên bố bản đồ của National Geographic Society là sai

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: