Sunday, March 14, 2010

NHỮNG AI KHÔNG MUỐN QUỐC TẾ HÓA TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG ? (Phần 2)

Những ai không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông? (phần 2)

Trân Văn, phóng viên đài RFA

2010-03-14

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Who-do-not-want-to-internationalize-the-dispute-at-the-south-china-sea-part2-tvan-03142010094005.html

Lần trước, quý vị đã nghe Trân Văn tường thuật về sự kiện Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, một tổ chức khoa học và Google, sở hữu công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới, đều cung cấp bản đồ thiếu chính xác về lãnh thổ Việt Nam.

Khu vực quần đảo Hòang Sa có ghi chữ "china". Screen shoot fr: thanhnienonline

Capture form thanhnienonline

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/National-Geographic-Maps-annotated-Paracel-Island-belongs-to-China-03122010130954.html/National-geo-zoom9-305.jpg

Vì sao bản đồ của cả Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lẫn Google cùng có những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam? Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay còn những lý do khác? Mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật tiếp...

.

Ngẫu nhiên hay nguồn tham khảo thiếu chính xác?

Một số người nhận xét, sự kiện các bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google, cùng có những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, không phải là chuyện ngẫu nhiên.

Vài chuyên gia đang làm việc tại thủ đô Washington kể rằng, lập bản đồ là loại công việc có yêu cầu rất cao về độ chính xác. Cũng vì vậy, những cơ quan thực hiện loại công việc này luôn phải tuân thủ một qui trình hết sức nghiêm ngặt. Đồng thời, trên thực tế, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google là những tổ chức vốn nổi tiếng cả về sự cẩn trọng lẫn tính chuyên nghiệp.

Vậy thì tại sao họ lại cùng cung cấp những dữ liệu mà theo đa số người Việt là thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam? Nếu các bộ phận thực hiện bản đồ luôn phải tham khảo rất nhiều nguồn, đặc biệt là các tài liệu có tính chính thống thì Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google đã nhận thông tin từ những nguồn nào?

Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời chính thức cho thắc mắc vừa nêu song chưa thành công.

.

Không dễ bàn về biển Đông?

Gần đây có một vài dấu hiệu cho thấy, hình như cả hai sự kiện vừa đề cập liên quan đến một chuỗi các sự kiện khác.

Tháng 11 năm ngoái, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên về biển Đông. Ngoài hàng trăm nhà nghiên cứu người Việt, hội thảo này còn có sự góp mặt của khoảng 50 học giả ở 20 quốc gia khác.

Theo ông Dương Danh Dy, một trong những người nghiên cứu sâu về Trung Quốc thì tại hội thảo vừa kể, học giới cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã cùng lên tiếng phân tích, chỉ trích cả tham vọng lẫn lối hành xử của Trung Quốc tại biển Đông.

Sau hội thảo, báo chí Trung Quốc bắt đầu chỉ trích Việt Nam “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông”, đồng thời xem biển Đông là một “nguy cơ” và để hóa giải “nguy cơ” này, cần phải trấn áp Việt Nam.

Trao đổi với tờ China Daily, ông Tô Hạo, Giám đốc Trung tâm Quản lý Xung đột và Chiến lược của Trung Quốc tuyên bố: Việt Nam đang biến vấn đề biển Đông trở thành đa phương, với sự tham gia của nhiều quốc gia ngoài khu vực châu Á. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không thành công vì Trung Quốc phản đối bước đi này. Ông Tô Hạo còn nhấn mạnh, để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc sẽ giữ nguyên chiến lược đàm phán song phương chứ không giải quyết tranh chấp ở biển Đông với nhiều nước trong cùng một lúc.

Cuối tháng 2 vừa qua, một hội thảo quốc tế khác, cũng bàn về biển Đông, do Quỹ Gabriel Peri tổ chức ở Pháp, đã đột ngột bị hoãn vào giờ chót. Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một trong hai nhà nghiên cứu từ Việt Nam sang Pháp để tham dự hội thảo, kể với chúng tôi rằng, hội thảo không thể diễn ra do có “sức ép về ngoại giao”.

Mời quý vị nghe một phần cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhã quanh vấn đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”.

Trân Văn: Thưa ông, sau hội thảo về biển Đông, tổ chức tại Hà Nội, phía Trung Quốc bắt đầu nói nhiều đến vấn đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”. Là một người bỏ khá nhiều thời gian nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, ông nghĩ thế nào trước những nội dung có liên quan đến chủ đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông” trong thời gian gần đây?

TS Nguyễn Nhã: Sự thực về vấn đề chiếm hữu chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa thì đã rõ. Vào năm 2001, có một luận án tiến sĩ ở Sorbone, của một người Đài Loan thì họ cũng đã kết luận rằng, Trung Quốc không bao giờ có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, bởi vì họ không có cơ sở nào về sự thực lịch sử cũng như pháp lý quốc tế.

Vì vậy cho nên Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn cản mọi nỗ lực “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông”. Thế nhưng tôi nghĩ vấn đề đó đương nhiên được nhiều người quan tâm, nhất là khi Trung Quốc đăng ký đường chín khúc mà người ta gọi là đường lưỡi bò đó!

Hội nghị biển Đông vừa rồi thì tất cả các nhà nghiên cứu của tất cả các nước từ Nga đến Mỹ, đến Anh, đến Nhật, Pháp, vân vân... người ta đều thấy nó liên quan đến quyền lợi của nhiều nước. Vì vậy cho nên là “Quốc tế hóa biển Đông” là xu thế không thể tránh được.

Vì chưa được “quốc tế hóa”

Có thể “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông” sẽ là xu thế không thể tránh được như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Nhã.

Thế nhưng, những gì đã xảy ra vẫn cho thấy, Trung Quốc đang khai thác tối đa các ưu thế hiện có trong những cuộc đàm phán song phương về lãnh thổ nói chung và đã đạt một số thành quả nhất định trong việc ngăn chặn các nỗ lực “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông”.

Nếu các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ cũng như biển Đông được “quốc tế hóa”, có lẽ các bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google, sẽ không xuất hiện những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam như mọi người vừa phải chứng kiến.

Trong bối cảnh như hiện nay, có thể “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”? Và để đạt được mục tiêu đó thì cần phải làm gì? Mời quý vị đón nghe bài kế tiếp.

.

Theo dòng thời sự:

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)

Trung Quốc không thích - Thế giới khó bàn về biển Đông?

Hoa Kỳ sẽ hiện diện lâu dài tại biển Đông

National-Geographic: Hòang Sa thuộc về Trung Quốc

National Geographic Society đăng bản đồ đảo Hoàng Sa với chữ “China”

Việt Nam tuyên bố bản đồ của National Geographic Society là sai

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: