Sunday, March 14, 2010

NHỮNG AI KHÔNG MUỐN QUỐC TẾ HÓA TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG ? (Phần 1)

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)

Trân Văn, phóng viên RFA

2010-03-13

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-dont-want-to-internationalize-the-dispute-at-the-SChinaSea-part1-TVan-03132010213434.html

Người Việt sống ở trong và ngoài Việt Nam đang kêu gọi nhau cùng ký tên vào một thỉnh nguyện thư, gửi cho bộ phận chuyên trách về bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, đề nghị bỏ chú thích “China” ra khỏi vị trí quần đảo Hoàng Sa, trên một số bản đồ trong bộ Bản đồ Thế giới mà tổ chức này vừa công bố.

Với người Việt, Hoàng Sa tất nhiên là của Việt Nam, song có những dấu hiệu cho thấy, trong nhận thức của cộng đồng quốc tế, hình như Hoàng Sa đã thuộc về Trung Quốc. Vì sao và trong bối cảnh này người Việt cần làm thế nào? Trân Văn tổng hợp và tường trình bài đầu tiên trong loạt bài Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông?

.

Ngay cả Google cũng vậy

Bộ phận chuyên trách về bản đồ (National Geographic Maps) thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society), vừa công bố bộ Bản đồ Thế giới trên trang web của họ. Trong bộ bản đồ này, có một số bản đồ mà trên đó, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được ghi là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo), theo cách gọi của Trung Quốc, kèm chú thích “China” (thuộc Trung Quốc).

Trong khi người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang kêu gọi nhau cùng ký tên vào một thỉnh nguyện thư, gửi cho bộ phận chuyên trách về bản đồ, của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, đề nghị bỏ chú thích “China” (thuộc Trung Quốc) ra khỏi quần đảo Hoàng Sa thì một thính giả của Đài Á Châu Tự Do, đang cư trú tại Hoa Kỳ, gọi cho chúng tôi, cung cấp thêm một sự kiện có tính chất tương tự:

"Tôi tên là Chí Nguyễn, tôi làm việc như một chuyên gia của Raytheon System... Ngày hôm qua khi tôi muốn tìm lại tuyến đường gần Lao Cai để viết một bài hường dẫn cho các bạn nhỏ của tôi đi du lịch tại vùng đó thì tôi phát hiện ra... (giọng nghẹn dần)... trên bản đồ biên giới của Google... khi chúng ta vào Việt Nam map và đi về phía Bắc ở vùng Lào Cai... biên giới Trung Quốc... hiện giờ đã xâm chiếm sang phía Việt Nam... Trường trung học phổ thông cơ sở Lê Qúy Đôn... cũng như những nơi mà chúng tôi đã từng đặt chân đến đó cách đây không lâu... mặc dù tên trên Google... là chữ Việt Nam... nhưng hiện đang nằm trên đất Trung Quốc... Xin lỗi... tôi hơi xúc động... nhưng... sau đó... tôi rà theo toàn vùng biên giới... của Trung Quốc... rất nhiều con đường Việt Nam... mang tên Việt Nam... chấm dứt ở phía bên kia... biên giới Trung Quốc... Chuyện này rất là rõ ràng... Bất cứ ai trong chúng ta... nếu các bạn vào Google, tìm Việt Nam map... rồi phóng lớn bản đồ đó lên về phía Lào Cai... đi dọc theo biên giới Google map... biên giới Trung Quốc – Việt Nam... Các bạn sẽ thấy rõ... những điều tôi nói..."

Trân Văn: Thưa anh Chí, theo anh tại sao lại có tình trạng đó?

Ông Chí Nguyễn: Dạ thưa anh... đối với tôi... với sự vô tư của một nhà khoa học, tôi có thể nói rằng... tình trạng này có thể do... một... do Google sai... Điều đó không thể tránh khỏi... Nếu có sai lầm... Thứ hai... nếu Google không sai lầm... tức là đường biên giới đó đã là đúng... có nghĩa rằng Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa hiệp mới... cắt mất đất... của ông cha chúng ta... Ngoài hai lý do đó thì không còn gì khác thưa anh...

Nếu là Google đúng... thì Việt Nam sẽ im lặng... mà nếu là Google sai thì... thưa anh... với tính cách là con dân Việt Nam... và tính cách là chính quyền Việt Nam họ phải nói lên điều gì...

.

Sự im lặng đáng ngại

Trở lại với sự kiện bộ Bản đồ Thế giới của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ có một số bản đồ, chú thích quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, chúng tôi đã thử nêu thắc mắc, vì sao Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lại có thể đưa chú thích như thế (?), với một số chuyên gia tại thủ đô Washington.

Những chuyên gia yêu cầu ẩn danh này cho biết, bởi bản đồ có yêu cầu rất cao về độ chính xác, nên chúng luôn được thực hiện theo một qui trình rất nghiêm ngặt, bộ phận thực hiện bản đồ luôn phải tham khảo rất nhiều nguồn, đặc biệt là các tài liệu có tính chính thống, chưa kể phải gửi phác thảo cho các bên có liên quan để lấy ý kiến trước khi hoàn chỉnh và công bố sản phẩm...

Cũng theo các chuyên gia, yêu cầu hiệu đính những bản đồ bị cho là thiếu chính xác khi chú thích về chủ quyền là điều không đơn giản. Thông thường, đây là việc thuộc thẩm quyền của các chính phủ. Thậm chí, Bộ Ngoại giao của quốc gia có liên quan sẽ phải thảo luận với Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và họ chỉ hiệu đính sau khi đã thẩm tra lại các tài liệu, chứng cứ của tất cả những bên có liên quan.

Tính cho đến tối 12 tháng 3, giờ Việt Nam, một ngày sau khi có người phát hiện bộ Bản đồ Thế giới của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, thiếu chính xác về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đã có khoảng 2.000 người Việt ở khắp nơi trên thế giới, ký tên vào thỉnh nguyện thư, yêu cầu Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ hiệu đính sai sót này. Cũng đã có một vài tờ báo tại Việt Nam loan báo sự kiện vừa kể. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam vẫn chưa lên tiếng.

Có lẽ cần phải kể thêm rằng, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ là một trong những tổ chức phi lợi nhuận, có quy mô thuộc loại lớn nhất thế giới, còn Google hiện là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới, cũng vì vậy, những bản đồ với thông tin không chính xác về Hoàng Sa nói riêng hay chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nói chung, có thể tạo ra nhận thức sai lạc về chủ quyền của Việt Nam.

Vì sao cả Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lẫn Google cùng có những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam? Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay còn những lý do khác? Đó sẽ là nội dung bài kế tiếp, mời qúy vị đón đọc.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: