Tuesday, March 9, 2010

NGÀY PHỤ NỮ 8/3 : CHÍNH TRỊ hay VĂN HÓA ?

Ngày Phụ nữ 8/3: chính trị hay văn hóa?

Anh Đức

09/03/2010 - 13:55

http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/ng%C3%A0y-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-83-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-hay-v%C4%83n-h%C3%B3a

Gọi là ngày Quốc tế phụ nữ, mà ở Việt Nam thì sôi nổi, rộn ràng, trong khi ở Úc thì im lìm, lặng lẽ. Bình luận riêng của Anh Đức.

.

Ngày 8/3 có phải ngày Valentine không?

Đó là câu hỏi mà Quốc Thái, nhân viên của hãng IBM ở Sydney thực sự băn khoăn. Anh thấy trên Facebook nhiều bạn cả nam cả nữ đều chạy ‘status’ chào mừng ngày 8/3, trong khi ‘nhà’ mình thì vẫn im hơi lặng tiếng.

Không chỉ có Thái, nhiều nam nữ thanh niên gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Úc đều không có khái niệm ngày phụ nữ mùng 8/3.

Chị Lan hôm nay có ca trực ở ngân hàng Commonwealth khu vực Bankstown. Đây là vùng có đông người Việt sinh sống, nên có ít nhất gần chục nhân viên nữ gốc Việt để phục vụ khách hàng bằng tiếng mẹ đẻ. Chị khá ngạc nhiên khi được hỏi về ngày này: “Không, chưa bao giờ tôi biết có Ngày Phụ nữ 8/3!”

.

Phản ứng chính trị

Cách đây chưa lâu, nếu bạn nói đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, có thể sẽ bị phản ứng khá mạnh từ những người đồng hương Việt ở Úc.

Anh Hùng, kế toán viên, định cư sau năm 2000, nói: “Nhiều người Việt hải ngoại tin rằng, ngày 8/3 là ngày tôn vinh phụ nữ theo truyền thống của các nước cộng sản. Cho nên, nó chỉ có ở trong nước và những người Việt ra hải ngoại gần đây mới quan tâm và kỷ niệm ngày này.”

Cũng theo anh Hùng thì nguyên nhân một phần là vì có nhiều nước trên thế giới không kỷ niệm ngày 8/3 như là một ngày lễ có tính phổ biến như ở Việt Nam.

.

Bình đẳng xã hội

Đúng là lịch sử của ngày 8/3 khởi nguồn từ những cuộc đấu tranh của nữ công nhân ở New York từ giữa thế kỷ 19. Sau đó, năm 1910, Hội nghị Phụ nữ do Quốc tế Hai (Quốc tế Cộng sản) tổ chức cũng chọn ngày này là ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhiều nước thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa cũ như Trung Quốc, Việt Nam đều kỷ niệm ngày 8/3 một cách chính thức. Trong khi đó, ở các nước tư bản Phương Tây, ngày 8/3 là dịp diễn ra những hoạt động xã hội của giới công nhân đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Trang web chính thức của Liên Hợp Quốc cũng khẳng định quá trình ra đời ngày Quốc tế Phụ nữ gắn liền với phong trào công nhân và các hoạt động xã hội cánh tả.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đến năm 1977, Liên Hợp Quốc mới ghi nhận ngày 8/3 là ngày lễ chính thức trên toàn thế giới - ngày lên tiếng đấu tranh vì quyền bình đẳng và các quyền cơ bản của phụ nữ. Một năm trước đó, Quỹ Phát triển Liên Hợp Quốc dành cho Phụ nữ (UNIFEM) được thành lập không ngoài mục tiêu trên.

.

Ngày phụ nữ ở Úc

Không rộn ràng đình đám nhưng nước Úc cũng chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ. Ở từng địa phương trên khắp nước Úc, nhiều hoạt động được tổ chức như nói chuyện chuyên đề, triển lãm, hội nghị diễn đàn về quyền bình đẳng và đóng góp xã hội của phụ nữ.

Tuy vậy, nhiều người qua lại ít ai để ý thấy một tấm băng-rôn khiêm tốn giăng ngang trụ sở hội đồng tiểu khu Canterburry ở Tây Nam Sydney. Tấm poster khá lớn dựng ngay trước nhà ga Bankstown chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ cũng bị bỏ qua.

Chủ đề của ngày Quốc tế Phụ nữ 2010 là: “Bình đẳng quyền lợi, bình đẳng cơ hội: sự tiến bộ cho mọi người”. Bạn có thể nghe thông điệp năm nay của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và của ‘công chúa nước Úc’ Nicole Kidman ở trang chủ của Quỹ UNIFEM Úc tại địa chỉ: http://unifem.org.au/.

Theo điều tra của quỹ này, với sự kết hợp thú vị với hãng mỹ phẩm Úc Heat Group nhân dịp 8/3 thì có tới 92% phụ nữ Úc cho là họ không được quyền bình đẳng ở nơi làm việc. Đặc biệt, hơn một nửa số người trả lời nói họ cảm thấy bị áp lực nặng nề với các công việc gia đình bởi quan niệm về vai trò truyền thống của phụ nữ.

Một cuộc điều tra khác của Công đoàn Úc cho thấy phụ nữ Úc vẫn kiếm được số tiền ít hơn 17%, tương đương một tỉ đô la, so với nam giới làm những công việc tương tự. Kết luận lại là hơn 2/3 phụ nữ tin rằng nước Úc còn phải qua một chặng đường dài để đi đến bình đẳng.

.

Ngày văn hóa

Xuất phát điểm ban đầu mang tính chính trị rõ ràng, ngày 8/3 sau khi được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận đã chuyển thành ngày hành động xã hội vì phụ nữ. Không dừng lại ở đó, điều đáng nói là nó đã dần trở thành một ngày lễ đậm nét văn hóa.

Ở nhiều quốc gia, người ta coi 8/3 là dịp để nam giới thể hiện sự tôn trọng, yêu thương đối với phụ nữ như một cử chỉ văn hóa. Ví dụ như ở Việt Nam, ngày này đã trở nên đại chúng, ‘duy tình hóa’ đến mức giống như một ngày Valentine thứ hai, dành riêng cho phái đẹp.

Như vậy, thắc mắc của anh Quốc Thái là có cơ sở. Nhiều cô bạn gái của anh ở Việt Nam có thể còn thắc mắc hơn thế vì anh không có lời chúc nào dành cho họ cả.

Trong khi, bao nhiêu chàng trai răm rắp chuẩn bị quà, hoa mà chả cần phải sắc lệnh, hay chỉ thị nào của chính quyền, văn hóa có sức mạnh hơn hẳn mọi động cơ chính trị, hay mục tiêu của các phong trào xã hội.

Tuy nhiên, duy lý mà nói, chúng ta có quyền đặt nghi vấn: vô hình trung, liệu có phải cánh mày râu nước Việt dành ra một ngày để tôn vinh phụ nữ là một mặt an ủi, khen ngợi vai trò truyền thống của họ, mặt khác tiếp tục duy trì cái trật tự nam quyền đầy gia trưởng trong suốt 364 ngày còn lại?

.

.

No comments: