Thursday, March 18, 2010

MỸ PHÁT HÀNH THÊM TIỀN ĐÔLA MỚI

Mỹ phát hành tiền đô la mới

http://www.danchimviet.com/2010/03/17/m%e1%bb%b9-phat-hanh-ti%e1%bb%81n-do-la-m%e1%bb%9bi/

“Chỉ cần cho tôi quyền phát hành và kiểm soát đồng tiền, tôi không quan tâm tới ai là người làm luật cho nó…”
Rockefeller

Báo Vnexpress.net ngày 08/03/2010 đưa tin “Tờ 100 USD có thiết kế mới”. Theo tờ báo, tờ đôla mới này “sẽ xuất hiện và lưu hành trên thị trường vào ngày 21/04/2010″ và “Khi đồng tiền mới đưa vào lưu hành, người dân không cần phải đổi tiền cũ để lấy tiền mới, bởi nó vẫn được xem là hợp pháp trong thanh toán, bất kể được phát hành khi nào”. Cũng theo tờ báo, Đại diện Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM cũng xác nhận thông tin này với VnExpress.net.

Có hai điều đáng lưu ý từ sự kiện này: 1- đây là loại tiền đôla mới. 2- tiền đôla mới không phải thay mà là bổ sung, nghĩa là tăng lượng tiền vào lưu thông.

.

Không phải bây giờ Mỹ mới in thêm tiền

Một thói quen đã trở thành bệnh của lịch sử là các chính phủ luôn muốn có một lượng tiền nhiều hơn khả năng các nguồn thu và dự trữ tài sản quốc gia, do áp lực chi phí, đặc biệt là chi phí quân sư, chi phí chiến tranh. Khi còn là đồng tiền kim loại,(hợp kim vàng+bạc), người ta đã tìm cách sản xuất nhiều tiền hơn bằng cách giảm hàm lượng vàng trong hợp kim của đồng tiền. Bây giờ (từ sau khi Mỹ hủy bỏ cam kết bảo đảm vàng, năm 1971)(1), Mỹ và theo gương Mỹ, các quốc gia đều in loại tiền, gọi là tiền « lạm phát », vì chẳng có gì bảo đảm, ngoài sắc lệnh chính phủ do tổng thống, hoặc người đứng đầu quốc gia ký, để hợp pháp hóa giá trị của những tờ giấy được gọi là tiền. Lượng tiền đôla được đưa vào lưu thông không ngừng tăng, và bởi vậy, giá trị đồng đôla không ngừng giảm. Tuy nhiên, việc in thêm và đưa đồng đôla vào thị trường, có vẻ như đã được chính phủ Mỹ(thực ra là FED, có sự tham gia của người đứng đầu chính phủ Mỹ) tính toán cặn kẽ. Nếu chỉ in thêm (M3) cân đối cho thị trường Mỹ, với các căn cứ như thu nhập quốc dân PIB(13 000 tỷ đôla- 2006), dự trữ vàng hiện có (8 133 tấn) và nguồn thu từ các sắc thuế, và với ràng buộc lạm phát <>

m = p +y + v = 2,5% + 2% + 0,5 = 5% của PIB, (vòng quay đồng tiền tính = -0,5)

nghĩa là: 13 000 tỷ x 0,05 = 650 tỷ đôla/năm.

Nhưng trên thực tế, theo số liệu do FED tiết lộ, vào tháng tư năm 2006, lượng tiền đôla lưu hành trên thị trường là: 10 276 tỷ đôla. Và tốc độ tăng bình quân là 20%/năm. Từ tháng 3/2006, FED thông báo không công bố con số tiền in thêm (M3), nhưng các nhà kinh tế và quan sát dễ dàng ước tính vào khoảng 16 5 00 tỷ đôla trong năm 2008, như vậy, đã có 6 300 tỷ đô la tăng thêm trên thị trường trong vòng 2 năm, và nếu những đồng tiền này không ra khỏi biên giới nứơc Mỹ, thì, điều gì đã xảy ra? Số tiền đã có nhiều hơn gấp 10 lần, nghĩa là 10$ tài sản của người Mỹ, bây giờ chỉ còn là 1$, mức sống của dân chúng Mỹ đã giảm 10 lần. Rất may, điều đó đã không xảy ra, vì phần còn lại của thế giới, chính xác là những quốc gia lấy đôla làm đồng tiền dự trữ của mình, đã còng lưng ra chia sẻ và chịu đựng (một cách vô thức) cho Mỹ. Hơn 90% tài sản toàn cầu tính trên đồng đôla, và hơn ¾ số tiền đôla toàn cầu nằm bên ngoài biên giới nước Mỹ, tức là trong két các ngân hàng trung ương các nước khác. Trong khi, không hiểu vì lý do gì (mua chuộc và áp lực?), có những nước như Nhật, Trung quốc, Anh… đã bỏ tiền, tức là tài sản quốc dân, để mua trái phiếu Mỹ, thứ giấy nợ ghi bằng tiền của chính nước Mỹ, thứ tiền mà họ không hề ngần ngại in thêm bất cứ lúc nào.

Nhưng, nếu Mỹ vẫn và sẽ in thêm và đẩy vào lưu thông không ngừng một lượng tiền (M 3 gần bằng 6%) tính trên tổng thu nhập toàn cầu (khoảng 62 000 tỷ đôla -2008), tại sao Mỹ phải làm ra một thứ tiền đôla mới? In mới, mà không phải để thay đồng tiền cũ. Chả lẽ chỉ để tạo cảm giác “đổi mới”, ai đó sẽ nghĩ là đã có cải cách tiền tệ, nghĩa là đồng đôla vẫn mạnh và vẫn đáng tin cậy? Chính phủ muốn nhận dạng cuộc viễn du của đồng đôla đến những đâu trên thế giới, nếu chỉ từ người dân, điều mà với tờ đôla cũ, phải mất rất nhiều thời giờ để ghi lại số serie trên từng đồng tiền? Bởi vì, nếu đồng đôla trong dân chỉ được tiêu dùng cho những mục đích trong nước, sẽ dễ làm tăng lạm phát và giảm khả năng xí xóa nợ của đồng đôla nói chung. Giống như rửa tiền, đồng đôla Mỹ chỉ thực có giá khi đổi ra nước ngoài và làm mất tung tích khi hòa tan vào thị trường như muối tan vào nước biển, sẽ không ai biết đồng tiền cụ thể nào gây ra lạm phát, và sự mất giá của đồng đôla không chỉ xảy ra trên đất Mỹ. Tài sản tự mất đi trong két các quốc gia, để cho người Mỹ vẫn có thể vay với lãi suất zero.

.

Vàng sẽ có giá bao nhiêu?

Nếu chỉ tính riêng cho thị trường Mỹ, nghĩa là nếu toàn bộ lượng tiền lưu hành không ra khỏi nước Mỹ, thì có thể thấy:

Theo 24hGold, dự trữ vàng của Mỹ tại năm 2008, hiện có 8133,5 tấn, tức là khoảng 261,5 triệu ounce (1 once = 31,1034768 g), lượng tiền được phát hành cho 1 ounce vàng năm 2008 là:

16 500 tỷ đôla/ 261 500 000/3,3(lưu ý tới điều kiện: M3 = 3,3 M0) = 19 121$ /ounce

Nhưng, nếu đúng là ba phần tư số đôla đó được chuyển ra nước ngoài, thì giá vàng tại Mỹ, có thể sẽ là: 19121/4 = 4 780$/ounce

Thực tế, lượng tiền trên được cân đối bằng tổng dự trữ vàng thế giới: 31 400 tấn (theo 24hGold), nghĩa là trên tổng số 10,1 tỷ ounce, giá vàng trên thị trường thế giới sẽ là:

16 500 tỷ đôla x 4/3/ 3,3/10,1 tỷ ounce = 660 $/ounce (giá vàng hiện nay 13/03/2010): 1100$/ounce).

Hiện, vàng đã có giá gần 2 lần cao hơn, chủ yếu do tâm lý và lòng tin nhà đầu tư.

Đây chính là nguyên nhân, hay “tiềm năng” của đồng đôla. Lượng đôla có thể lưu hành tới 33 000 tỷ đôla mà vẫn trong phạm vi “an toàn”. Có nghĩa là, nếu M3 tăng với mức trên 30%(có người cho là hơn 50%), Mỹ còn có thể in và giữ nguyên lãi suất trong vòng 2 năm nữa. Tóm lại, nếu đôla tiếp tục được sử dụng là đồng tiền dự trữ quốc tế, chính phủ Mỹ vẫn còn có khả năng tăng tốc độ in tiền, phục vụ cho chính sách cứu trợ kinh tế Mỹ bằng tín dụng tiêu thụ, cho vay đầu tư, cho vay thanh toán nhập khẩu, cho vay đầu tư công ích bằng đồng tiền dễ và không lãi suất. Và đây có thể là con tính mà Ben Bernanke đã thực hiên, khi tuyên bố(tường trình trước Quốc hội tháng 1/2010): “ lãi suất thấp của đồng đôla có thể được duy trì một thời gian lâu nữa” và người ta hiểu ngầm là ít nhất 6 tháng nữa! Nhưng, ai biết được, lượng tiền in thêm chính xác là bao nhiêu, và liệu thế giới có chấp nhận thanh toán trên đồng đôla nữa hay không. Tốc độ lạm phát trên đất Mỹ sẽ tỷ lệ thuận với lượng tiền in mới, và tỷ lệ nghịch với tỷ lệ thanh toán và các giao dịch quốc tế.

Hội nghị G20 sắp tới, không biết có đi đến một Bretton Woods mới hay không?. Khó mà đoán trước được điều gì cụ thể. Ai, và cái gì có thể thay đồng đôla làm phương tiện thanh toán và dự trữ quốc tế? Tốn kém và phức tạp. Nhưng đồng đôla là đồng tiền riêng của một quốc gia, thậm chí là đồng tiền riêng của tập đoàn tài chính và ngân hàng tư nhân. Công và Của của cả loài người trên hành tinh chẳng lẽ lại chỉ phục vụ cho “ sự sung túc vô lý” của người Mỹ (lời của Alan Greenspan), và thậm chí là của một nhóm những tài phiệt thuộc hệ thống tài chính Mỹ và thế giới.? Điều này có nghĩa là cần hay không cần một cuộc “quốc hữu hóa” những ngân hàng tư nhân đang nắm giữ cổ phần áp đảo trong FED và IFM? Có gì khó hiểu không, khi chính phủ Mỹ phải ký vay tiền do FED in ra với lãi suất, mà người dân Mỹ phải trả bằng thuế thu nhập (chính phủ Mỹ nợ riêng với FED là 50 000 tỷ đôla- xem Chronique Agora ngày 05/02/2010).

Chelles 16/03/2010

© Bùi Quang Vơm

© Đàn Chim Việt

.

.

.

No comments: