Tuesday, March 23, 2010

INTERNET DIỆU KỲ, TƯỜNG LỬA và NHÀ THƠ HỮU LOAN

Internet diệu kỳ, tường lửa và nhà thơ Hữu Loan

Châu Quang

Tháng Ba 23, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/03/23/internet-di%e1%bb%87u-k%e1%bb%b3/

Tối thứ Năm, 18 tháng 3, bầu trời Thanh Hóa có vì sao rụng; người Việt ở khắp phương trời giã từ một khuôn mặt kiệt xuất.

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, người Việt ở đâu cũng biết thi nhân đã qua đời, nhờ có Internet.

Và cũng nhờ có Internet, người ta mới xác nhận một lần nữa một chuyện xưa như trái đất, người ngoài nước có điều kiện ăn nói thoải mái hơn người trong nước, nhiều tự do hơn người trong nước.

Dư luận trong nước

Thật vậy trên trang web của Vnexpress ngày thứ Sáu, 19 tháng 3, nhà thơ Phạm Xuân Nguyên cho biết “dù sống cuộc đời rất vất vả cực nhọc, Hữu Loan là người cứng cỏi, mạnh mẽ, ít ốm đau, bệnh tật.”

Trong phần tiểu sử, trang này kể: “Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội làm biên tập viên báo Văn Nghệ, tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm… Đến năm 1958, ông về quê, sống bằng nhiều nghề như: làm ruộng, đánh cá, thồ đá… cho đến lúc qua đời.”

Trên trang web tuanvietnam, tác giả Nguyễn Thụy Kha than: “Vậy là thêm một nhà thơ đàn anh đầy hoạn nạn đã chuyển cõi.”

Ở Việt Nam, Hữu Loan là người phát ngôn bi kịch Màu Tím Hoa Sim, lần đầu tiên nói lên cảnh ngộ của nhiều người lính trên trái đất này trong chiến tranh bằng thơ. “Và với việc phát ngôn bi kịch này, ngược với cách tuyên truyền tụng ca ngày đó, Hữu Loan đã chính thức là ‘người đi bộ ngược chiều’ trong nhiều năm tháng của lịch sử văn học Việt Nam.”

Trên trang web con ong, Nguyễn Trọng Tạo kể lại thi nhân đã nói với ông: nhờ có chính sách “Đổi mới” trả lại tự do sáng tác cho các nhà văn thời Nhân văn giai phẩm, thi nhân mới quyết định tái xuất.

Nguyễn Trọng Tạo nói với thi nhân: “Dù đổi mới rồi nhưng thơ của bác vẫn khó in, bởi vẫn cái tinh thần thơ khái trực thời NVGP lên án quyết liệt những tiêu cực của xã hội (kiểu như bài thơ “Cũng những thằng nịnh hót” ông từng viết. Thời đó người ta chưa kịp “kỷ luật” ông thì ông đã bỏ về quê).”

Tin trên báo Thanh Niên online thì chỉ có sự kiện, không có trích dẫn, không nói lý do tại sao nhà thơ phải về quê sau khi có hòa bình.

Trên Tiềnphong online, Xuân Ba kể lại những cuộc gọi điện thoại của ông trong khuya thứ Năm từ Hà Nội và Thanh Hóa để xác nhận tin thi nhân qua đời.

Bần thần một hồi, Xuân Ba không biết làm gì hơn là chép lại tiểu sử nhà thơ trong cuốn “Tổng tập nhà văn Quân đội kỷ yếu và tác phẩm”. Lần mở trang 649 của tập I. Trang ấy có những dòng về nhà thơ Hữu Loan”.

Xuân Ba chê phần tiểu sử này quá ít. “Kiệm lời lẫn thận trọng quá đi. Nhưng biết làm sao? Làm cái việc tổng tập kỷ yếu các tác giả, NXB thường có cung cách ấy”.

Dư luận ngoài nước

Trên đài RFI của Pháp, Thụy Khuê cho biết: “Đến năm 1954, sau ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội, Hữu Loan trở lại công tác ở Hội Nhà Văn, làm biên tập viên cho báo Văn Nghệ. 1956, Hữu Loan tham gia Nhân Văn Giai Phẩm. Trong thời kỳ này, bài thơ nổi tiếng xác định phong cách Hữu Loan là bài Cũng những thằng nịnh hót đăng trên Giai Phẩm Mùa thu, tập I.

Hữu Loan tự ý bỏ về Thanh Hoá, ông đi thồ đá, bà làm ruộng và làm bánh, nuôi 10 người con. Không còn liên hệ gì với chính quyền nữa. Khi bị công an phiền nhiễu, ông đánh cả công an.”

Trên đài BBC của Anh viết, “năm 2002 nhà thơ Hữu Loan kể lại lý do vì sao Màu tím hoa sim khi đó bị ‘đánh’: “Lúc bấy giờ làm Thơ là phải làm về Cộng sản, làm về Bác Hồ chứ không được khóc cái đau riêng của mình…Cái đau khổ riêng của con người là không được khóc”.

Còn trong một tự thuật gần đây hơn, tác giả kể thêm: “Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán”.

Trên đài Á châu Tự do ở Mỹ, Mặc Lâm cho biết: “Ông sáng tác những tác phẩm lên án thẳng thắn và quyết liệt đến những tiêu cực của các cán bộ nịnh hót, đố kỵ, tham nhũng hay ám hại lẫn nhau để thăng quan tiến chức.

Sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, Hữu Loan bị cải tạo vài năm, tiếp đó bị giam lỏng tại địa phương suốt nhiều chục năm không được góp tiếng nói hay tác phẩm với đời. Ông kiên cường chịu đựng nghèo khó mà không hề cúi đầu trước thế lực của những người trước đây là đồng chí nhưng nhìn ông với đôi mắt thù hằn lẫn ngờ vực”.

Trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thi sĩ Du Tử Lê cho biết Hữu Loan để lại một “di sản về nhân cách, cái cách mà anh ấy ứng xử với đời sống, sau khi anh gặp những khó khăn, như bị trù dập khi anh tham dự phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.”

Thi sĩ Tô Thùy Yên chia sẻ: “Tôi rất ngậm ngùi, bồi hồi tưởng nhớ một bực tài hoa đã ra đi. Quá trình lâu dài của ông trong trần gian này thì ông đã trải qua một cuộc đời rất vất vả, đau khổ, bầm dập; rất là thương tội cho một bực tài hoa như ông”.

Thi sĩ Luân Hoán viết tặng Hữu Loan:

Rừng sim tồn tại muôn đời
Riêng nụ thơm nhất vừa rời thế gian
Xác di cư về suối vàng
Danh người và nốt nhạc vàng thiên thu
Trời đêm không quá âm u
Nhưng nhìn bốn hướng gió mù mịt bay
Vẩn vơ hát nhẩm vài giây:
“Áo anh sứt…”(cả đường may) mất rồi!

Cũng trên đài VOA, trang blog Trịnh Hội cho biết: “Còn nhớ năm nào tôi may mắn tìm ra được nhà ông ở Thanh Hóa. Và bên hiên nhà ông đã chia xẻ với tôi biết bao câu chuyện về quãng đường mà ông và gia đình đã nhọc nhằn bước qua kể từ ngày ông quyết định rũ áo từ quan ở Hà Nội để trở về quê sinh sống.

Vì ông không thể nào chấp nhận một chế độ hà khắc và một chính sách tàn bạo của thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm và Cải Cách Ruộng Đất. Để ai cũng có thể bị cho là phản động. Để người có thể hại người. Anh có thể giết em. Con cái sẵn sàng đấu tố cha mẹ.

Lúc ấy ông đã ăn thọ 90 tuổi. Thế nhưng tinh thần ông vẫn còn rất minh mẫn, đôi mắt ông vẫn sáng ngời mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm vui buồn của ngày xưa. Lúc ông cãi tay đôi với ông Hồ Chí Minh ngay tại Quốc Hội về những sai phạm của chế độ đương thời. Hay khi ông phải về quê tự làm nông, đẽo đá nuôi nấng gia đình trong cơn túng thiếu và sự trù dập của chế độ.

Đến một chiếc xe cút kít kéo tay, ông bảo, họ cũng không cho ông sử dụng. Và lẽ ra ông đã bị họ giết mất lâu rồi nếu như người công an được giao cho nhiệm vụ phải xử ông không nỡ ra tay vì ông đã làm một bài thơ rất hay nói về làng quê của chính người công an đó.”

Tuy nhiên, Trịnh Hội hơi ngây thơ khi bảo “đất nước còn nợ nhà thơ một lời xin lỗi”.

Ngoài các đài ăn tiền của nước ngoài, tờ báo Người Việt ở Cali, sống bằng quảng cáo và tiền bán báo thuật lại Hữu Loan đã từng nói: “Tôi theo dõi những cái tình hình chung của đất nước bây giờ là lừa đảo rối bét, ăn tham bẩn nhất là thằng nào cũng lợi dụng trèo đầu cỡi cổ thằng dân chứ có cái gì đâu, tức là cái đảng Cộng Sản đấy. Cái đảng Cộng Sản mà còn lãnh đạo thì còn rối bét, không có ai là gương mẫu hết.”

Trong một lần tiếp khách, ông kể, “Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì.”

Câu chuyện buồn cười

Trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam có bài của Hà Đình Cẩn cũng vẫn giọng úp úp mở mở về lý do tại sao thi nhân nghỉ chơi với đảng cộng sản, không nói bằng giọng thẳng thắn, huỵt tẹt như các báo đài phản động nước ngoài.

Cuối bài họ Hà cũng nói mí mí:

Tôi ghé sát tai ông:

- Thưa bác, bác có làm thơ nữa không?

Hữu Loan vẫn nhìn chén rượu:

- Có. Nhưng toàn thơ đểu

Bỗng nhiên ông cất tiếng cười, cười khà khà, mãn nguyện.

- Bác thử đọc vài câu thơ đểu cho con nghe với nào?

Hữu Loan ngồi im. Lát sau ông nói:

- Đọc Đèo Cả thì đọc, chứ đọc thơ đểu phí rượu

Người ta cứ tưởng Hội Nhà văn Việt Nam gồm toàn những người viết có câu có cú đàng hoàng; nào ngờ trước khi cho người đọc thưởng thức bài của Hà Đình Cẩn; ai đó, có lẽ là một quan chức to đùng của hội, đã viết lời dẫn (châpeau) như thế này:

VanVN.Net xin đau buồn báo tin: Nhà thơ Hữu Loan, sinh ngày 2- 4- 1916, tại quê nhà là thôn Vân Hoàn, [1] xã Ngọc Linh, huyện Nga Sơn Thanh Hoá đã vĩnh biệt thế gian vào đêm hôm qua, 18 – 3 – 2010. Là lão thành cách mạng, Hữu Loan từng giữ chức Phó chủ tịch UB Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, Uỷ viên UB Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hoá 1946, kiêm Trưởng ty bốn Ty: Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính; chủ bút báo Chiến sỹ của Sư đoàn 304 ở Liên khu IV. Sau 1954, Hữu Loan về công tác ở Tạp chí Văn nghệ một thời gian ngắn rồi về Nga Sơn làm nghề thợ đá,[2] nuôi một đàn con nghe đâu những 9 – 10 người [3]. Đời sống văn học của Hà Nội vắng Hữu Loan, bạn bè nhớ ông, cũng chỉ dám nhớ âm thầm như Quang Dũng trong bài Nhớ Hữu (một bút danh của nhà thơ) có câu: Một chiếc linh hồn nhỏ/ Đi về chân núi xanh…

Hồi trẻ, Hữu Loan tốt nghiệp tú tài, nhưng chỉ ở nhà dạy học rồi chờ thời tham gia cách mạng. Suốt cuộc đời dài 94 năm của mình, Hữu Loan chỉ làm độ mươi bài thơ, năm 1990 mới in thành tập “Mầu tím hoa sim.” Nhưng thơ Hữu Loan vừa có tính khai phá về thi pháp và nội dung, như Đèo cả vẫn được coi là niềm tự hào của thi ca cách mạng còn Mầu tím hoa sim thì được con dân cả nước đọc và đặc biệt được đọc nhiều là giới binh lính Sài Gòn cũ, khi thơ được phổ nhạc, nó đã làm nức nở họ – ấy là khi thơ Hữu Loan tiếp tục lan toả sức chiến đấu, còn chính tác giả thì cơ hàn ở cố hương nghèo.[4]

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, kiêm Tổng biên tập website và nhà văn Đặng Ái, BTV đang trên đường vào Thanh viếng anh linh nhà thơ Hữu Loan, VanVN.Net xin đau thương báo tin và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Hà Đình Cẩn.

Xin có đôi lời về lời dẫn này:

[1] “sinh ngày 2 – 4 – 1916, tại quê nhà là thôn Vân Hoàn”, nếu đã xem quê nhà là nơi ta sinh ra thì liệu ba chữ “quê nhà là” có cần thiết không? Còn nếu giữ thì mai mốt ta sẽ gặp “sinh ngày …. tại không phải quê nhà là ….”?

[2] Tránh không nói lý do tại sao lại về Nga Sơn làm nghề thợ đá.

[3] Hai cái từ “nghe đâu” ở đây rất đắt. Nếu Hội Nhà văn chơi thân với Hữu Loan thì biết chắc thi nhân sẽ có 9 hoặc 10 con. Ðàng này chỉ “nghe đâu”, tức là không biết ông ta có 9 hay 10 người con gì đó, thành thử ta cũng đủ hiểu mức độ thân thiết của đôi bên như thế nào. Muốn có thông tin hai chiều, đọc báo Người Việt ở Cali phía trên ta sẽ nghe thi nhân kể “Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì”.

Ðồng chí Hữu Thỉnh thật đáng hoan nghênh. Ðồng chí không nắm chắc người ta có bao nhiêu con, người ta chẳng thèm gia nhập hội của đồng chí, ấy thế mà đồng chí vẫn lên đường vào Thanh viếng anh linh nhà thơ thì quả là một hành vi cao cả.

[4] Câu “Nhưng thơ Hữu Loan vừa có tính khai phá về thi pháp và nội dung, như Đèo cả vẫn được coi là niềm tự hào của thi ca cách mạng còn Mầu tím hoa sim thì được con dân cả nước đọc và đặc biệt được đọc nhiều là giới binh lính Sài Gòn cũ, khi thơ được phổ nhạc, nó đã làm nức nở họ – ấy là khi thơ Hữu Loan tiếp tục lan toả sức chiến đấu còn chính tác giả thì cơ hàn ở cố hương nghèo”. quả là một câu đầy bí hiểm.

Này nhé, khi thấy “vừa có” cái này thì người đọc trông chờ “vừa có” cái khác, đàng này chớ hề, tuyệt nhiên.

Nếu ta hy vọng sau từ “cách mạng” hoặc vài từ khác sẽ có một dấu phết phẩy ở đây thì ta sẽ thất vọng.

Cụm từ “binh lính Sài Gòn cũ” cho thấy người viết không hạ thấp (Ngụy) nhưng cũng không tôn trọng (VNCH).

Cụm từ kế tiếp mới thật kinh hãi “nó đã làm nức nở họ”! Không biết người viết muốn nói binh lính Sài Gòn cũ nằm lăn ra khóc nức nở không muốn cầm súng tiêu diệt VC nữa?

Hay là người viết muốn nói sau khi đọc thơ Hữu Loan, binh lính Sài Gòn cũ nức lòng chiến đấu chống lại bọn VC giải phóng miền Nam không phải để nhận họ mà nhận hàng? Bởi vì sau đoạn này, còn có đoạn “tiếp tục lan toả sức chiến đấu”.

Ôi, quả thực câu dẫn bài này hết sức bí hiểm, đau đầu. Ðề nghị Hội Nhà văn giúp đỡ.

Trước khi dứt lời

Internet quả là kỳ diệu, một sự kiện xảy ra ở cách nửa vòng trái đất thì trong vòng tích tắc, mọi người đều biết. Ðúng là thế giới bây giờ là một ngôi làng. Internet còn hiệu quả hơn Mõ Làng.

Nhờ có Internet con người mới nhận được thông tin nhiều chiều, từ đó mới rút ra được nhận định riêng, hoặc nhận ra đâu là sự thật.

Nhờ có nó, ta mới thông cảm những người viết trong nước, vừa viết vừa run, nhiều người an ủi dù sao cũng còn đỡ hơn trước.

Trong các chế độ toàn trị, trách nhiệm thì tập thể, vơ vét tích lũy đầy túi thì cá nhân, người ta sợ Internet là phải nhưng không dùng không được. Giải pháp tạm bợ là Tường Lửa.

Bắt chước cố Tổng thống Reagan đã thách thức Liên-xô: hãy giật sập bức tường Berlin, cùng nhau chúng thách thức Hà Nội: hãy giật sập Tường Lửa.

.

Nguồn: Bài nhận được từ tác giả. Tựa bài của Ledienduc’s Blog.

.

.

.

No comments: