Friday, March 5, 2010

HỆ THÔSNG CÓ LỖI ? (Phần 2)

Hệ thống có lỗi? (phần 2)

Trân Văn, phóng viên RFA

2010-03-04

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Why-Vietnam-regulations-have-to-be-adjusted-cintinuosly-part%202-TVan-03042010130545.html

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tuyên bố rút lại qui định cấm trường tư đào tạo các chuyên ngành sư phạm, luật và báo chí do phản ứng của dư luận và hàng loạt sai sót mà hệ thống công quyền tại Việt Nam đã phạm phải.

Điểm đáng chú ý là dù những sai sót ấy hết sức nghiêm trọng, khiến uy tín của hệ thống công quyền, cũng như niềm tin của công chúng đối với hệ thống này cùng sụt giảm, song người ta chưa thấy có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm.

Tại sao càng ngày càng nhiều vụ tai tiếng mà nguyên nhân được giải thích chỉ là vì “lỗi đánh máy” hay do những “sơ xuất” mang tính kỹ thuật?

.

Lỗi hệ thống

Cho đến nay, chưa có thống kê nào về những văn bản pháp qui hoặc các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, vừa vi phạm luật pháp hiện hành, vừa vô lý, bất khả thi, cuối cùng phải hủy bỏ hoặc thu hồi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín của hệ thống công quyền, cũng như niềm tin của công chúng đối với hệ thống này.

Những văn bản pháp qui, hoặc các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật kiểu như vừa kể tuy nhiều, song điều khiến công chúng bận tâm hơn cả là vì sao không có ai phải chịu trách nhiệm? Vì sao toàn bộ hệ thống công quyền, mặc nhiên chấp nhận nguyên nhân dẫn tới sai sót là do “lỗi đánh máy”, dùng nhầm danh sách, lấy lộn “bản nháp”?..

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh xác nhận: Có một điều đáng lưu ý là trong hai năm gần đây, số văn bản dưới luật, tức là những văn bản không nhất thiết phải in trên công báo và những văn bản mà Bộ Tư pháp không nhất thiết phải có ý kiến và có lẽ cũng không kịp thời có ý kiến tăng lên rất nhiều.

Và ở đó có khá nhiều những vấn đề về nội dung, về cách xử lý mà dư luận hết sức quan tâm và lấy làm phiền lòng. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những nội dung mà công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam cần phải lưu ý một cách thích đáng và làm tốt hơn để nâng cao niềm tin của người dân đối với bộ máy của nhà nước.

Vậy công cuộc cải cách hành chính tại Việt Nam đang diễn tiến thế nào? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: Cho đến nay, cải cách hành chính chủ yếu là về những vấn đề kỹ thuật văn bản, về thủ tục, về một cửa.

Theo tôi, vấn đề hành chính ở Việt Nam liên quan nhiều đến vấn đề phân công, phân trách nhiệm, quy trách nhiệm và mô hình trách nhiệm như thế nào (?), quốc hội giám sát như thế nào, thực thi quyền lực của quốc hội ra làm sao (?), những quyền ở trong hiến pháp được thực thi như thế nào trong thực tế (?).

Những vấn đề đó rất hy vọng là sắp tới đây, nhất là trong Đại hội Đảng sẽ được lảm rõ hơn và sẽ có những buớc cải cách có hiệu quả hơn.

Vì sao công cuộc cải cách hành chính tại Việt Nam đã khởi động cách nay hàng thập niên, đã ngốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng đến lúc này, Việt Nam vẫn phải đối diện với những vấn nạn hành chính vốn chẳng mới chút nào như thế? Một số người khẳng định, đó là hậu quả tất nhiên do cả hệ thống bị lỗi, có người gọi tắt là “lỗi hệ thống”.

“Lỗi hệ thống” là gì? Nhận diện ra sao? Khi được đề nghị mô tả, phân tích và nêu giải pháp sửa “lỗi hệ thống”, nhân sự kiện Bộ Giáo dục&Đào tạo rút lại dự thảo đã công bố vì dùng nhầm “bản nháp”, một chuyên viên cao cấp về quản trị hành chính, yêu cầu không nêu tên, khuyên: Đâu có phải là lỗi như người ta nói. Không phải đâu! Làm gì có chuyện ấy! Những thủ đoạn đó thì ở đây người ta rành lắm nhưng phân tích để làm gì, mình sẽ được cái gì?

Nếu mình phân tích như vậy để người ta chấp nhận là… à, cái kiểu làm như vậy là không được thì cuối cùng chúng ta sẽ được cái gì?

Chúng ta đâu có được cái gì! Nếu mà chúng ta thắng họ keo này thì về sau, có gì đó sai, đã đưa ra công cộng, công chúng rồi thì họ không sửa được. Mình hãy để đường cho họ sửa bởi vì mình biết rằng thực chất, cái đó không hề là sai sót. Cái đấy là đường thoát cho họ. Nếu công luận phản ứng mạnh quá thì họ có đường đó để thoát. Tại sao mình lại chặn đường đấy?

.

Khó sửa

Ý kiến mà quý vị vừa nghe liệu có thiếu lạc quan? Liên quan đến hoạt động của hệ thống công quyền, tháng 11 năm ngoái, tại diễn đàn Quốc hội, một đại biểu là ông Lê Văn Cuông đã chất vấn ông Nguyễn Tấn Dũng về kỷ cương: Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của các Ban cán sự Đảng tại các tỉnh và bộ, ngành trung ương. Trong khi đó có nhiều chủ tịch tỉnh không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đặc biệt có chủ tịch tỉnh, năm lần Thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn không chịu chấp hành.

Khi giải trình, ông Nguyễn Tấn Dũng hỏi lại: Việc chủ tịch nhiều lần không chấp hành ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như đồng chí nói năm lần đó thì tôi cũng chưa biết trường hợp nào... Tôi cũng chưa rõ.

Ông Lê Văn Cuông phải cung cấp thêm thông tin: Chủ tịch mà Thủ tướng chỉ đạo năm lần nhưng không chấp hành là chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và có liên quan đến sự việc của Công ty Sông Lô

Cuối cùng, thay vì trả lời, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: Tôi cũng có nhớ là hồi đồng chí Phạm Văn Đồng còn sống, có lần cũng nói là có lẽ đồng chí làm Thủ tướng lâu nhất của đất nước này nhưng mà đồng chí cũng chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào, kể từ chủ tịch xã phường trở lên. Tôi thì cũng... Tới nay thì tôi nhớ tôi cũng chưa... hơn ba năm nay thì tôi cũng chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào. Chắc là phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng...

Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi cuối tháng 2 vừa qua, trả lời hãng thông tấn Express của Ấn Độ về việc, đã đến lúc Việt Nam có hệ thống đa đảng hoặc có các đảng khác ngoài Đảng CSVN chưa, ông Nguyễn Phú Trọng, cho biết: Không phải là nhiều đảng thì nhiều dân chủ hơn, hai đảng thì có ít dân chủ hơn mà một đảng thì có ít dân chủ nữa. Vấn đề thì đang có nhiều ý kiến tranh luận. Thực tiễn các bạn thấy là đất nước chúng tôi về chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ thực tế.

Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ. Các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện và giám sát xã hội, đất nước vẫn đang phát triển, đang đi lên. Từ thực tế thì thấy là trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước chúng tôi thì thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất. Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng.

Có một số người đồng tình với tuyên bố đó của ông Nguyễn Phú Trọng. Vừa qua, khi trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh Hà Giang, một trong những nhân vật nổi tiếng do năm lần không chấp hành chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng, song Thủ tướng Việt Nam vẫn tuyên bố không muốn kỷ luật, đồng thời còn đang liên quan đến một vụ tai tiếng vì “mua dâm người chưa thành niên”, nhận định về dư luận:

Có lẽ theo tôi nghĩ là trước đại hội thôi nếu mà chuẩn bị sắp xếp đại hội xong thì mọi việc có khi nó lại, lại trở lại bình thường. Trả lại tên cho…(cười). Nói thế chắc anh hiểu…

Không phải một mà có rất nhiều người hiểu điều ông Nguyễn Trường Tô không nói.

.

Theo dòng thời sự:

Hệ thống có lỗi? (phần 1)

Bộ GD-ĐT rút lại quy định trường tư không được đào tạo sư phạm, luật và báo chí

Vừa quản lý, vừa nhận làm thuê (phần 1)

Vừa quản lý, vừa nhận làm thuê (phần 2)

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: