Sunday, March 21, 2010

ÁM ẢNH VŨ KHÍ VÀ HUYỀN THOẠI VỀ HIỂM HỌA TỪ BÊN TRONG

Ám ảnh vũ khí và huyền thoại về hiểm hoạ từ bên trong

Nguyễn Hoàng Văn

22/03/2010 1:00 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=17705

Rùa Hồ Gươm liên tục nổi lên thì hệ thống toàn trị bày tỏ ý đồ lặn xuống. Rùa nổi lên, bất định, chờn vờn, như nhắc nhở, như muốn đòi gươm.[1] Hệ thống lặn xuống, dứt khoát, rõ ràng, quyết mò cho bằng được thanh gươm, với mấy chiếc tàu ngầm.[2] Lặn xuống, cái hệ thống quyền lực từng “đánh thắng hai đế quốc to” đã dìm bản anh hùng ca “bàn tay ta / bách thắng” chìm theo, chìm từ khẩu khí vênh váo “còn cái lai quần cũng đánh” đến thái độ lì lợm chịu đấm đến là trâng tráo: “còn cái lai quần cũng bán”.[3]

Trong ngôn ngữ kinh viện thì bản tổng phổ của những huyền thoại anh hùng về người, vật và thậm chí côn trùng – từ người đàn bà cầm súng Út Tịch đã vào sách giáo khoa cho đến ngọn chông tre đã thành thơ nhạc, đôi dép cùn đã thành thánh tích hay những cái nọc ong đánh giặc đã lên màn bạc v.v… – là một “đại tự sự”, cái câu chuyện lớn làm xương sống tinh thần cho hệ thống.[4] Khi bộc lộ ý đồ lặn xuống như thế thì hệ thống đã gồng mình như là một loài nhuyễn thể không xương cố đứng thẳng theo mối ám ảnh về sự cứu rỗi của vũ khí.

Thì chuyện Rùa Thần cũng là một ám ảnh vũ khí. Nhưng nếu huyền thoại Rùa Thần nổi lên đòi gươm thể hiện sự yên tâm thời bình thì ý đồ lặn xuống bộc lộ sự phá sản của huyền thoại “bàn tay ta làm nên tất cả / bách chiến bách thắng” khi tất tả vay mượn, tất tả bán tháo bán đổ, tất tả lặn hụp tìm gươm. Như một ám ảnh sinh tồn, chuyện Rùa Thần là một trong nhiều câu chuyện trong hành trình dựng và giữ nước. Như một bài bản tuyên truyền, đại tự sự “bàn tay ta” là nỗ lực chính đáng hóa chuỗi dài những cuộc phiêu lưu cuồng ngông, cuồng đến mức hy sinh liên tiếp hàng thế hệ và ngông đến mức có thể phát mại cả tổ quốc, phát mại cả phần “giấy” và cả phần “lề”. Và nếu huyền thoại Rùa Thần là câu chuyện truyền kỳ thể hiện ám ảnh tự vệ của một dân tộc lép vế thì ý đồ lặn xuống là phản ứng của những kẻ điên cuồng như thế khi đã xì xẹp cơn ngông.

Trước hết là huyền thoại Rùa Thần. Huyền thoại gắn liền với thanh kiếm Thuận Thiên trao cho Lê Lợi như một biểu tượng về thiên mệnh, thế thời. Là vũ khí, thanh gươm ấy không thể hiện một tính chất nào của vũ khí, kể cả những tính chất thần kỳ hoá. Là vũ khí, thanh gươm cũng không hề đòi hỏi ở người sử dụng những kỹ năng hay trách nhiệm tối thiểu nào đó qua những quy ước nghiêm mật như thể lời nguyền. Cũng Rùa Thần, chúng ta có huyền thoại nỏ thần. Ra đời trước gươm thần hơn 16 thế kỷ cây nỏ này cũng vậy. Kể ra thì nỏ thần cũng có một tính năng cụ thể là bắn hạ cùng lúc nhiều mục tiêu thế nhưng ám ảnh tự vệ qua giấc mơ thần thoại cũng khá là đơn giản. Thay vì bắn hạ một mục tiêu thì nâng lên nhiều mục tiêu và như thế thì, ngoài ý nghĩa biểu tượng, xem ra mối ưu tư về chiến tranh của tổ tiên chúng ta đã không đi xa hơn tính năng cụ thể của mấy thứ vũ khí đang có trong tay là bao nhiêu.

Kiếm thần Việt khác xa những thanh kiếm trong thần thoại của người Anh hay Nhật cho dù tất cả đều đảm nhiệm một vai trò lịch sử na ná qua ý nghĩa chính thống hoá. Thanh gươm Excalibur đầy huyền thoại của Hoàng đế Arthur không chỉ đáp ứng những đòi hỏi đa diện của chiến trường ở tính năng làm loá mắt đối phương mà còn nhấn mạnh ở trách nhiệm của người cầm gươm: Arthur, sau khi hoàn tất sứ mạng, đã chủ động và quyết liệt trả lại thanh gươm, cho dù đám cận thần có lươn lẹo giở trò bịt mắt.[5] Thanh gươm Kusanagi của Nhật cũng thế khi áp đảo cả thế trận bằng cách điều khiển hướng gió và nhấn mạnh ở trách nhiệm của người cầm gươm qua lời nguyền liên quan đến tính mạng.[6]

Vũ khí thần thoại của chúng ta không vươn tới khả năng gây nhiễu với kẻ thù như một đội quân tâm lý chiến hay tình báo, không có khả năng thay đổi hướng gió làm biến đổi thế trận như một sự hiệp đồng binh chủng, cũng không có cái vỏ gươm giữ mạng như thể một lực lượng quân y. Vũ khí của chúng ta cũng chẳng hề ràng buộc các nhân vật liên quan một trách nhiệm tối thiểu nào đó qua bí tích lời nguyền. Bỏ qua tính thần bí thì lời nguyền, thực chất, là sự ràng buộc của tính tín nhiệm và trách nhiệm. Thần trao nỏ và trao gươm để đuổi giặc, giặc rút đi là xong, là hết. Đơn giản. Nhẹ nhàng. Không một chút băn khoăn, trách nhiệm. Lê Lợi phải đợi nhắc, đợi Rùa Thần ngáng đường mở miệng đòi nợ thì mới chịu trả gươm. Dâng nỏ thần cho giặc, Mỵ Châu chẳng hề hấn gì trước tự thân nỏ thần mà chỉ bị cha mình trừng phạt theo lời nhắc của Thần Kim Quy. Mà An Dương Vương, kẻ lẽ ra phải chịu trách nhiệm chính khi để người thân can dự vào những bí mật quốc phòng, cũng chẳng hề hấn gì và, thậm chí, sau khi chém con như một thứ dê tế thần, còn có thể nhẹ nhàng đi vào thế giới thần nhân. Như vậy thì ám ảnh tự vệ của cha ông chúng ta đã tỏ ra sơ lược, không chỉ không đáp ứng hết tính phức tạp và đa diện của chiến tranh mà, tệ hơn, còn thiếu sự nghiêm minh cần thiết của tính kỷ luật và tín nhiệm.

Khi những huyền thoại vũ khí chỉ ra đời trong tình thế giáp mặt kẻ thù thì có nghĩa là chúng ta chỉ nghĩ đến những cách đối phó nhất thời chứ không bận tâm sâu xa hơn cho chuyện tự vệ muôn đời. Chúng ta chỉ nghĩ đến sự cứu rỗi của vũ khí khi bị đe dọa thôi thì có nghĩa là chúng ta chỉ thấy những mối nguy cụ thể từ bên ngoài chứ không mảy may nghĩ đến những hiểm hoạ tiềm tàng ngay từ bên trong. Chúng ta không có một huyền thoại nào về một thứ áo giáp thần, một cái khiên thần. Chúng ta cũng không có huyền thoại nào về chỗ yếu của mình như là gót chân Archills của người Hy Lạp. Không mảy may băn khoăn đến những điểm yếu của mình thì làm sao có thể xây dựng một ý thức tự vệ lâu bền hay vươn lên trong ý chí tự cường? Chúng ta, cơ hồ, chưa bao giờ thấu đáo trong cái sự tự xét lấy mình. Chúng ta chỉ băn khoăn đến bản sắc của mình vào những lúc lẽ ra phải dốc hết tâm sức đối phó với kẻ thù đang xáp lại thật gần. Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ, chúng ta vừa muốn ăn tươi nuốt sống kẻ thù nhưng lại chằm chằm nhìn vào kẻ thù như thể những tấm gương soi để từ đó xác định căn cước và thế đứng của mình.[7] Hơn hai mươi năm sống dưới ách cai trị của Trung Hoa làm chúng ta bừng tỉnh nhận ra rằng chúng ta khác hẳn với người Hán và Nguyễn Trãi đã phải nhấn mạnh Phong tục Bắc – Nam cũng khác.[8] Nhưng rồi cái “khác” ấy cũng nhạt dần khi chúng ta ê a “chữ nghĩa thánh hiền” của người Hán, ê a những điển cố sách sử chỉ của người Hán. Chúng ta ê a mãi cho đến khi Quang Trung phải nhắc lại trong bài hịch trước giờ động binh: Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Rồi vẫn vậy khi cái “khác” ấy nhạt dần và chúng ta lại tiếp tục ê a cho đến lúc giáp mặt với những “bạch quỷ Tây dương” và cú sốc bản sắc trước kẻ thù hoàn tòan xa lạ này đã bắt chúng ta phải truy nguyên nguồn gốc sâu hơn nữa, truy tận những huyền sử mờ mịt nhất để nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ khác xa người Pháp mà còn khác hẳn ông thầy cũ Trung Hoa, vốn cũng đang thua cuộc và bất lực. Nhưng rồi vẫn vậy và khá đông trong chúng ta lại ê a, thay vì chữ nghĩa “thánh hiền” thì giáo điều của mấy thứ “thánh” không thể nói là… hiền. Ê a những giáo điều Maoist rồi hết lời phỉ báng những giáo điều Maoist nhưng sự thể vẫn vậy, vẫn lòng vòng lui tới, như hôm nay, “Việt Nam – Trung Hoa sông núi nối liền.”[9]

Từ An Dương Vương đến Lê Lợi là một chặng đường dài và, cơ hồ, khoảng cách nỏ – gươm 16 thế kỷ cũng là khoảng cách giữa du kích chiến và trận địa chiến. Dân tộc Việt không thạo việc đi ngựa nên cung nỏ chỉ có thể là vũ khí của những đội quân thủ thành hay mai phục chứ không hề là vũ khí trên trận địa như thể những đoàn quân cơ động và dũng mãnh của Thành Cát Tư Hãn. Từ chiến thuật phòng thủ dựa vào thành lũy hay sự hiểm trở của điạ thế, cha ông chúng ta đã chuyển đến nỗ lực tự vệ chính quy và chủ động hơn với những binh đội nắm chặt chuôi kiếm trong tay, một kiểu “chiến tranh quy ước” của thời đó. Như thế thì, ít ra, theo thời gian, ám ảnh vũ khí của tổ tiên chúng ta cũng phần nào tiến hoá.

Nhưng sau đó lại là sự thoái hoá, thụt lùi. Cái sự thóai thụt đã trở thành huyền thọai theo cái đại tự sự lổn nhổn chông tre và lướng vướng lai quần. Hẳn nhiên, những mũi chông và những cái lai quần ấy cũng có những đóng góp nào đó trong cuộc chiến nhưng hệ thống lại vênh váo như thể chỉ có thế và chỉ có thế, như thể vắng bóng những vũ khí Nga-Tàu, như thể không có những dàn phóng SAM-2 hay Kachiusa, những cỗ pháo tầm xa 130 ly, những đoàn Molotova, những hệ thống hậu cần dằng dặc đằng sau những binh đoàn chính quy với khẩu AK-47 hay B-40 trong tay. Cứ diễn ra theo cái đại tự sự chông tre ấy thì cuộc chiến sẽ dây dưa như một cuộc “mai phục trường kỳ” kiểu Maoist mà tác dụng duy nhất là làm dân tộc suy yếu đến trường kỳ.[10] Như thế thì sẽ không chỉ có một mà sẽ có nhiều, rất nhiều công văn tựa cái công hàm mà ông Phạm Văn Đồng đã ký vào năm 1957. Như thế thì sẽ không chỉ một vài mà nhiều, rất nhiều khoảnh đất bị rứt khỏi da thịt tổ quốc để đánh đổi những đợt hàng quân viện mà cựu viên chức ngoại giao Dương Danh Dy vừa mới tiết lộ mới đây.[11]

Hẳn nhiên, hệ thống toàn trị làm thế để nhấn mạnh đến yếu tố “ta”, yếu tố con người trong nỗ lực tuyên truyền. Nhưng đâu chỉ là sự gấp gáp và nhu cầu tuyên truyền tức thời của thời chiến? Chỉ mới đây thôi, năm 2004, Hội nhạc sĩ Việt Nam lại hâm nóng cái đại tự sự ấy khi trao giải thưởng thứ nhì cho ca khúc “Tre Việt Nam” của Trần Quế Sơn:

Tre hiên ngang ra tiền tuyến

Tre hùng thiêng dưới hố chông

Tre sợ chi, sợ chi súng thép hay đạn đồng

Tre thiêu thân trong lửa khói

Tre một lòng với núi sông

Tre ngàn năm phất cao ngọn cờ thắng oai hùng…[12]

Quả là một logic lạ kỳ. Đã chui xuống hố mai phục như một thân phận lép vế thì làm sao có thể vỗ ngực là “hùng thiêng”? Bất quá, trong một tư thế như vậy thì ngọn tre chỉ có thể ngun ngút “căm thù” hay sục sôi “hờn phẫn” là cùng và cái lấn cấn trong logic “hùng thiêng” này cũng chính là sự lấn cấn của đại tự sự kiêu hãnh tre xanh và kiêu hãnh lai quần. Niềm kiêu hãnh ấy cũng không khác cái niềm tự hào dép lốp của Tố Hữu, một trong những kiến trúc sư chính của cái đại tự ngu dân một cách thảm hại: Chân dép lốp mà đi tàu vũ trụ.[13]

Nói ngu dân một cách thảm hại là bởi cây tre có thể thiêu thân nhưng một dân tộc thì không nên tự hủy hoại mình. Ngu và thảm bởi cây tre có thể “một lòng với núi sông” nhưng một chính quyền thì không thể bảo vệ sự sống còn của đất nước bằng cách ngu độn hoá dân tộc mình, ngu độn hoá mãi mãi, ngu độn hoá trong thời chiến và ngu độn hoá trong suốt thời bình. Một dân tộc lép vế không thể nào đứng vững lâu dài nếu chỉ lấy sự lì lợm hay lòng can trường ra làm bản vị, không chịu nhìn và suy nghĩ xa hơn bằng trí tuệ của mình. Những sĩ phu trong phong trào kháng Pháp đâu thiếu can trường nhưng tại sao vẫn thua đau và ngọn tre trong tay họ vẫn không thể “phất cao cờ thắng”? Vấn đề là, khi đã nhận ra cái giá quá đắt trong việc mang những vũ khí thô sơ ra để đấu chọi lại những vũ khí cơ giới của người Pháp họ đã thức tỉnh, đã dồn hết tâm huyết vào cuộc vận động Duy Tân để nâng cao dân trí, nâng tầm trí tuệ của dân tộc lên một bậc. Họ, như nhà cách mạng Phan Chu Trinh, đã hiểu ra rằng chỉ có một con đường duy nhất là tự cứu lấy mình, và để cứu mình thì phải sống, phải tự đổi mới mình, phải nâng tầm trí tuệ của mình: Vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử.

Chính cái tính chất gọi là “nhạy cảm” của cái sự “tắc ngu” và “tắc tử” này nên hơn nửa thế kỷ của đại tự sự chông tre cũng là hơn nửa thế kỷ che đậy và bưng bít. Che đậy như thể chỉ có “bàn tay ta”. Bưng bít như không hề trả giá thực đắt bất kể những bằng chứng hậu nghiệm rành rành về cái giá phải trả cho những thế hệ bị đánh mất, cho những phần đất bị cướp mất, cho những thì giờ và vận hội đã vuột mất.[14] Lãng mạn hoá thứ chiến tranh nghiến ngấu máu thịt có nghĩa là rẻ rúng hóa nhân phẩm con người. Lãng mạn hoá sự quật cường của mũi chông hay sự gan lỳ của cái lai quần là tầm thường hóa trí tuệ của con người. Càng lãng mạn hoá cái cuộc chiến lai quần ấy bao nhiêu, hệ thống toàn trị càng tỏ ra vô trách nhiệm bấy nhiêu bởi có ý thức được mức độ phức tạp và lâu dài ở những hậu quả chiến tranh thì mới cẩn trọng với chiến tranh, mới tận sức hướng đến những hình thái tự vệ quý trọng giá trị con người.[15]

Vì để tự vệ thì vấn đề không chỉ vũ khí mà còn là con người đằng sau những phương tiện tự vệ ấy, là trí tuệ của họ, là mối quan hệ tương liên giữa họ. Thất bại trước sức mạnh cơ giới của người Pháp, những sĩ phu thời trước không chỉ đề xướng vận động duy tân để hướng tới cái ngày “sánh với cường quốc năm châu” mà còn khơi dậy “hồn nước” để thấy rằng tất cả, qua ý nghĩa của tiếng “đồng bào”, hay cùng một bào thai, phải cùng chia sẻ một vận mạng.[16] Nói một cách khác thì năng lực sống còn của một dân tộc phụ thuộc vào khả năng xây dựng cái xương sống tinh thần như là nền tảng cho sự gắn kết lâu dài. Gắn kết qua những di sản lịch sử là điểm mấu chốt của chủ nghĩa dân tộc. Gắn kết trong những dự án cho tương lai là trọng tâm của tinh thần quốc gia. Mối quan hệ tương liên của con người phải hòa hợp trong mối quan hệ tuơng liên giữa di sản kế thừa với tương lai đang hướng tới. Bế tắc lớn nhất của cuộc “khủng hỏang tự vệ” hiện tại là bế tắc từ sự “lệch pha” trong cách nhìn về vận mạng chung bởi, không những không cùng chia sẻ một quá khứ chung hay một dự phóng tương lai chung, trên tám mươi lăm triệu người Việt cũng không thể chia sẻ được một hiện thực chung.

Không thể là bởi “hiện thực” chưa hẳn những gì xảy ra mà còn là những thứ sắp đặt hay vẽ vời như thể đang xảy ra. Nói một cách khác thì cái “hiện thực” mà chúng ta đối mặt bao hàm cả những gì đang thực sự xảy ra và những thứ mà hệ thống toàn trị đầu tư công sức để tạo ra, hay nói như Chế Lan Viên là “Bánh vẽ”.[17] Có “hiện thực” sôi nổi và rôm rả, được tạo ra một cách trớ trêu theo đúng phương pháp thực dân.[18] Có “hiện thực” nín lặng cái sự nhạy cảm nằm lọt thỏm bên trong tường rào kiểm duyệt, tường rào bằng “lửa” hay bằng mấy thứ máy chém hay vọng gác tư tưởng. Có thể nó hào nhoáng, ê hề hoa hậu siêu hạng. Có thể nó ê chề, ngập ngụa gái điếm mạt hạng. Có thể nó tối tăm ngõ cụt với những ngư dân mất biển. Có thể nó tươi thắm theo tình hữu nghị sơn son trong mười mấy chữ phủi mặt.[19] Có thể nó sáng rỡ, lạc quan theo những hội nghị bao giờ cũng “thành công tốt đẹp”. Có thể nó bi thảm cùng đường theo những xấp đơn oan không bao giờ được giải quyết dứt khoát. Vân vân và vân vân nhưng đáng nói là cái hiện thực thực sự xảy ra nhưng lại khiến chúng ta lệch pha nhau, hục hặc chống đối nhau như thể giáp trận. Trong mối quan hệ tương liên giữa quá khứ – hiện tại – tương lai thì, phải chăng, vì thừa hưởng những di sản quá khứ khác nhau, chúng ta lệnh pha nhau trong việc thẩm định những phần nối dài của cái di sản ấy? Hay là, vì đứng trên những “hiện thực” khác nhau, chúng ta lệch nhau khi nhìn ngược về phía sau hay nhìn về phía trước?

Như thế thì phải lần lại quá khứ, như cái quá khứ của Tố Hữu trong “Bài ca xuân 1961”, chẳng hạn:

Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!

Hay một “quá khứ” khác, cũng thập niên 60, của Chế Lan Viên, tác giả của bài thơ về trò vẽ bánh:

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn,

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng…

Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau muôn vạn lần hơn…[20]

Nhưng những “quá khứ” như thế lại là những “hiện thực” từng được tạo ra, cũng giống như thứ “hiện thực” mà hệ thống toàn trị hiện vẫn đang gắng gượng tạo ra. Vậy thì vấn đề không phải là “quá khứ” hay “hiện tại” mà chính là chúng ta, là cách chúng ta ứng xử với những cái đại tự sự có bề dày trên nửa thế kỷ ấy. Chúng ta u mê, phung phí lòng tin với nó? Chúng ta phớt tỉnh, thây kệ để làm kẻ ngu si hưởng thái bình theo đúng ý đồ của nó? Hay là tỉnh táo như những con người có trí tuệ để trở thành tiêu điểm của sự thù hằn và đố kỵ?

Thù hằn và đố kỵ là bởi trí tuệ không đơn thuần là năng lực hấp thụ kiến thức mà, quan trọng hơn, còn là năng lực phê phán kiến thức. Nếu “đỉnh cao muôn trượng” của Tố Hữu hình thành từ muôn vàn cái “đỉnh” con con thì ai có thể hấp thụ vô điều kiện những thứ “đỉnh” như thế, chẳng hạn cái đỉnh cao nhân cách của con người “như chân lý sinh ra” tên Trỗi:

Chúng trói Anh vào cọc, mấy vòng dây

Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt.

Anh thét lớn: “Chính Mỹ kia là giặc!”

Và giơ tay giật phắt mảnh băng đen

Anh muốn thiêu bằng mắt, lũ đê hèn…[21]

Hẳn nhiên là không ai có thể vận dụng logic của số học hay hình học Euclid vào việc bình thơ nhưng vấn đề ở đây không phải là Tố Hữu làm thơ mà là ông ta, trong vai trò trưởng ban tuyên huấn, đã chủ tâm tạo ra “hiện thực”. Thứ “hiện thực cách mạng” được tạo ra như là một phần của cái đại tự sự mà ông ta có trách nhiệm gầy dựng và nuôi dưỡng. Và Tố Hữu tạo ra một cách thoải mái, nhẹ nhàng, y hệt những hình ảnh đang xảy ra trước mắt về giây phút cuối của nhân vật mà, thoạt đầu ông ta, và cả hệ thống của ông ta, chẳng thể nào biết được cái tên chứ chưa nói là thấy mặt.[22]

Nhân vật thì “như chân lý sinh ra” còn “hiện thực” thì cứ như là “sơ ý tạo ra” bởi, nếu đã bị trói “vào cọc mấy vòng dây” thì làm sao có thể “giơ tay giật phắt”? Nhưng sự thể là thế. Nếu một Nguyễn Văn Trỗi bị trói vào cọc có thể “giơ tay giật phắt” thì cái hệ thống toàn trị thiển cận và khờ dại đến độ cắt nhượng và hứa hẹn cắt nhượng lãnh thổ để đánh đổi hàng quân viện cũng có thể vươn lên “đỉnh cao muôn trượng” và nhìn xa “bốn hướng” lắm chứ. Vấn đề là rất đông trong chúng ta dễ dàng phung phí niềm tin cho những điều như thế, những “hiện thực” vô nghĩa đã đánh đổi bằng những cái giá không thể nói là vô nghĩa.

Giấy rách phải giữ lấy lề và trong những cái giá ấy chúng ta còn phải trả bằng “lề”. Quá khứ đã ở dưới chân mà tương lai không còn là đích đến thì có nghĩa là lịch sử đã bị dẫm lên, đã bị trói buộc ngay tại điểm dừng. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo Vương của nghìn xưa chẳng là cái quái gì. Tương lai “muôn vạn lần hơn” sau này cũng chẳng là cái quái gì. Chính những trò như thế, cùng những chính sách như đấu tranh giai cấp làm bại họai giềng mối đạo nghĩa, hệ thống toàn trị đã băm nát phần “lề” đã vun đắp và lưu giữ như những di sản tinh thần trong ý nghĩa lịch sử. Hệ thống chỉ sổ toẹt những giá trị phải giữ ấy khi còn bị mê hoặc trước cái dự phóng tương lai đã vẽ ra trong giáo điều của thánh Mao hay thánh Marx, và khi những thứ “thánh” ấy hết thiêng thì mới hối hả chắp vá cái “lề” mà chính bàn tay mình đã làm cho tả tơi, rách nát. Có thế nên, sau mấy thập niên lạnh khói kể từ ngày Hồ Chí Minh ngồi xổm nói chuyện “bác cháu ta giữ nước”, đền vua Hùng lại mù mịt khói nhang và lòe lọet sắc màu cứ như là màn cải lương Hồ Quảng. Sự quay đầu về trong tuyệt vọng nào cũng khó được xem là một sự tìm về thành thực và chưa bao giờ tổ tiên bị nhục mạ như thế, nhục mạ trong những nghi thức rẻ tiền và giả trá, như cái trò tiến dâng bánh chưng “kỷ lục” nhưng thì bên trong chỉ là một thứ nhân độn xốp.[23]

Quá khứ đã bị “độn xốp” đã đành nhưng tương lai cũng bị mang ra “độn xốp” và mai này những thế hệ kế tiếp sẽ phải thừa hưởng một quê hương tả tơi rách nát. Từ chỗ phá nát cái “lề” của phần hồn, hệ thống tòan trị đang băm cái “lề” của phần xác. Nơi này bị bán 50 năm, nơi kia bị bán 60, 70 năm. Số lượng sân golf ngày càng dài ra và người cày ngày càng đói ruộng. “Giấy rách phải giữ lấy lề” nhưng hệ thống tòan trị thì không đếm xỉa gì đến cả những gót chân Archills chiến lược khi Tây Nguyên bị bán và rừng thiêng Việt Bắc cũng bị mang ra rao bán. Từ chỗ nghênh ngang, xem trời bằng vung, “còn cái lai quần cũng đánh”, hệ thống toàn trị đã chuyển mình đến chỗ ngậm miệng xem vung hơn trời, “còn cái lai quần cũng bán”.

Mấy chữ trên là của Út Tịch, người mẹ cầm súng không chỉ để lại dấu ấn với phát ngôn về cái lai quần còn là hành động thờ trẻ khi trèo lên cây dừa đái xuống để phủ nhận bằng thực nghiệm cái định kiến “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”. Hình tượng ấy không chỉ thể hiện một thứ mỹ học thô lậu về ý chí quật cường mà còn phản ánh thực chất trong kiêu ngạo của một hệ thống toàn trị đầy cuồng vọng. Nếu cô Út trèo lên cây dừa để thấy mình có thể đái qua đầu ngọn cỏ thì hệ thống từng trèo lên như thế để thấy mình “đái” trên đầu thiên hạ hay “đái” trên đầu lịch sử. “Đái” như Tố Hữu, Chế Lan Viên hoặc Hồ Chí Minh đã từng từ trên “đỉnh cao muôn trượng” của đỉnh cao lịch sử, từ trên vũ trụ trong đôi dép lốp, hay từ cơn mê sảng Tôi dắt năm châu đến đại đồng.[24] Hết “trèo”, hiện nguyên hình “ta lại là ta”, hệ thống chỉ có thể bộc lộ mình như một thứ hiểm họa từ bên trong khi an nhiên rao bán chính mệnh hệ mình cho một láng giềng từng bị tổ tiên liên miên gọi tên là “giặc”.

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm

Tổ quốc ta có bao giờ đẹp như thế này chăng?

Bây giờ thì con sông được xem là cội nguồn của Văn minh Việt ấy, có lúc, ngay ở thủ đô, chỉ còn là một lạch nước sâu không đầy một gang tay, hậu quả của việc khai thác tài nguyên bất kể những điều tối kỵ về an ninh, chiến lược.[25] Con sông ấy từng uốn mình, từng đổi giòng để có một Hồ Gươm hôm nay ngay ở thủ đô nhưng chưa bao giờ sông thê thảm thế, cũng như hồ cũng chưa từng thê thảm thế: Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê…[26]

“Chuyện vua Lê” bây giờ không hẳn là chuyện Rùa Thần mà là chuyện về những hiểm họa hiện diện bên trong. Chúng ta không có một huyền thoại nào về gót chân Archills nhưng có nguyên một đại tự sự về hệ thống cai trị đã hiện nguyên hình như là kẻ thù trong. Lẽ nào trí tuệ của một dân tộc lại nhẹ hơn tham vọng của một nhúm người?

Và lẽ nào tất cả chúng ta, trên 85 triệu người, lại tiếp tục làm con tin của một hệ thống ngu dân?

Sydney 18.3.2010

.

.

Chú thích

[1] Phó giáo sư Tiến sĩ Hà Đình Đức, giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, được xem là nhà “Hồ Gươm học” kiêm nhà rùa học, đã bỏ công nghiên cứu rùa Hồ Gươm từ năm 1991. Ông cho biết toàn bộ những lần “cụ rùa” nổi ông đều ghi chép cẩn thận.

- Ngày 26.12.1991, PGS.TS Hà Đình Đức được Đài Truyền hình Hà Nội mời nói chuyện về bảo vệ rùa Hồ Gươm. Đúng 10h sáng hôm đó, “rùa” nổi lên và bài nói chuyện tối hôm đó được minh họa cảnh quay phim “cụ” nổi ngay buổi sáng.

- Ngày 10.3.1992, Sở Giao thông Công chính Hà Nội tổ chức cuộc họp bàn phê duyệt Phương án nạo vét Hồ Gươm. Đúng sáng sớm hôm đó, rùa nổi.

- Đúng một năm sau, trong ngày họp phê duyệt “Phương án nạo vét Hồ Gươm” ngày 10.3.1993, rùa lại nổi.

- Trong tuần Hội thảo quốc tế về Tuần lễ Bảo tồn và Tôn tạo Hà Nội lần I (14 – 20.11.1993), đúng ngày 19.11 rùa bò lên nằm trên gò Tháp Rùa. Đầu ngẩng cao hướng về phía đặt tượng vua Lê. Cảnh này đã được nhiều người chụp.

- Ngày 26.8.1999, Bộ Văn hoá Thông tin tổ chức bàn giao mặt bằng Khu di tích tưởng niệm vua Lê cho Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, rùa nổi lên từ 10h30 đến 12h30.

- Đúng 0 giờ 0 phút ngày 1.1.2000, hàng vạn người Hà Nội tụ tập quanh Hồ Gươm để đón chào Thiên niên kỷ mới, khi vừa bắn pháo hoa thì rùa liên tục nổi lên mặt nước.

- 9 giờ sáng 27.9.2000, chính quyền Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm vua Lê bên Hồ Gươm, rùa bò lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân đảo Ngọc. Rùa nằm vậy từ 8h20 đến 10h20 trước sự chứng kiến của nhiều quan chức.

- Năm 2002, khi Ban Chấp hành trung ương đảng tổ chức Hội nghị lần thứ năm (18/2 – 2/3), Rùa liên tục nổi lên.

- Tháng 11.2002, Quốc hội họp kỳ thứ 2, ngày 25.11.2002 xảy ra cảnh “đại biểu chất vấn bộ trưởng” và Tạp chí Thế Giới Mới đăng bài: “Đã tìm được “lý lịch” rùa Hồ Gươm”. Rùa nổi lên nhô đầu gần cây phượng góc đường Lê Thái Tổ – Hàng Khay, đầu buổi chiều bơi dần về phía Gò Rùa rồi lặn mất.

- Ngày 18.4.2006, đúng ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc, rùa nổi lên. Đến ngày bế mạc 26.4 rùa cũng nổi lên.

Gần đây nhất, đầu năm 2010 trong 3 ngày liên tiếp, từ ngày 1 đến 3.1.2010, “cụ rùa” liên tục nổi lên và gây ra nhiều lời đồn đại.

http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/432524/index.html

Nhiều tờ báo chí Việt Nam diễn tả là “cụ rùa” như một “linh vật của thủ đô” và cho biết “cụ” hay nổi lên vào những “sự kiện trọng đại của đất nước”. Tuy nhiên nếu nhìn lại ý nghĩa của truyền thuyết đòi gươm, những hình tượng như vậy cần giải thích khác đi. Nếu Rùa Hồ Gươm thực sự là một “linh vật của thủ đô”, chắc chắn linh vật ấy xuất hiện để nhắc nhở giới lãnh đạo bất tài phải trả gươm.

[2] Cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga với tổng trị giá gần 2 tỷ Mỹ kim. Tin này được Nguyễn Tấn Dũng xác nhận trong cuộc họp báo ngày 15.12.2009 tại Moscow. Hợp đồng này được ký giữa Tổng giám đốc hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, ông Anatoliy Isaykin, và Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến. Theo hợp đồng thì mỗi năm Nga sẽ giao cho Việt Nam một chiếc. Hợp đồng này bao gồm việc đóng tàu ngầm, huấn luyện cho thủy thủ của Việt Nam và lắp đặt các cơ sở tu dưỡng tại Việt Nam trên bờ để phục vụ tàu.

[3] “Đánh, đánh, 5, 10, 100… năm cũng đánh, còn một cái lai quần cũng đánh!”. Lời của Nguyễn Thị Út (hay Út Tịch), trong “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi (1965). Đây là nhân vật thực ngoài đời được Nguyễn Thi tái hiện trong phong trào về anh hùng và chiến sĩ thi đua do Ban Tuyên Huấn Trung ương Cục miền Nam tổ chức. Cuốn sách này đưa vào chương trình văn học phổ thông, trong đó có câu nói trên. Việc bán bauxit ở Tây Nguyên hay cho Trung Quốc thuê đất trồng rừng tại các khu vực chiến lược chính có khác gì “còn cái lai quần cũng bán”?

[4] Vào thập niên 70-80, sách giáo khoa tiểu học tại Việt Nam có câu chuyện về một chiến sĩ du kích tên Nguyễn Văn Tư (?) dùng ong đánh Mỹ. Thậm chí người này còn huấn luyện để ong phân biệt được lính Mỹ và du kích hay bộ đội để tấn công. Chuyện này còn được tái hiện trên màn ảnh, trong phim hoạt hình mang tên “Binh Ong”.

[5] Excalibur là thanh kiếm huyền thoại của Vua Arthur (đầu thế kỷ 6). Theo huyền thoại thì thanh gươm có khả năng làm loá mắt kẻ thù và những người cầm vỏ gươm trong tay sẽ được cầm máu cả khi bị thương. Trước khi chết Arthur sai một thuộc hạ thân cận trả lại thanh kiếm bằng cách ném nó xuống hồ. Thuộc hạ nhận lời nhưng không đành lòng ném và đã hai lần đóng kịch. Tuy nhiên dọ hỏi, Arthur biết được sự thật và mắng thuộc hạ này một cách gay gắt. Thuộc hạ này phải trả lại gươm và khi ném xuống thì một cánh tay trồi lên tóm lấy thanh gươm kéo xuống hồ.

[6] Kusanagi, Thảo Thế Kiếm. Theo truyền thuyết thì kiếm này mọc ra từ đuôi của Yamata-no-Orochi (Bát Kỳ Đại Xà). Mãng xà này bị dụ uống rượu say và bị giết, khi bị cắt xác ra nhiều khúc thì phần đuôi của nó xuất hiện một thanh kiếm.

[7] “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu

[8] “Bình Ngô Đại Cáo”: Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác / Từ Đinh, Lý, Trần, bao đời xây độc lập / Cùng Hán, Tống, Đường mỗi bên hùng cứ một phương…

[9] Gần nhất, màn ca vũ “Việt Nam- Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông” được trình diễn trong “Chương trình ca nhạc xuân 2010”, được đài truyền hình VTC phát vào vào ngày 30 Tết: http://www.talawas.org/?p=16335.

[10] Đây là điều mà hệ thống tuyên truyền của Hà Nội lặp đi lặp lại trong thập niên 80, sau cuộc chiến biên giới 1979: Trung Quốc muốn Việt Nam suy yếu, do đó phải vĩnh viễn chia cắt, và nếu Hà Nội muốn khởi động chiến tranh thì không nên tiến hành chiến tranh quy ước mà chỉ tiến hành chiến tranh du kích.

[11] “Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung?”, Mặc Lâm phỏng vấn Dương Danh Dy, đài RFA 2.7.2009. Ông Dương Danh Dy từng giữ chức Bí thư thứ nhất tại Toà đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ tháng 9 năm 1977, trước khi về hưu năm 1996 là Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu. Trong bài phỏng vấn ông Dy đã thú nhận sự ngây ngô của Hà Nội trong quan hệ với Bắc Kinh và đã nhiều lần ngậm bồ hòn cắt nhượng lãnh thổ. Trả lời câu hỏi của Mặc Lâm “Dư luận cho rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho Miền Bắc rất nhiều và có lẽ sự trợ giúp quân sự này đã khiến cho Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu trong khi đàm phán về biên giới giữa hai nước, phải không ạ?”, ông Dương Danh Dy trả lời: “Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả. Tôi xin nói thật, tôi đã từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại, có những cái do lúc bấy giờ người ta giúp mình nhưng mà mục đích là đưa hàng hoá sang nhanh chẳng hạn. Như tôi nói làm một con đường đi qua lãnh thổ của Trung Quốc thì là phải qua đèo cao, thế thì đi vòng chân đồi mở rộng sang chỗ đường bằng phẳng đi vòng trên đất nước Việt Nam thì đường ô-tô dễ đi. Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy. Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên. Làm thế nào được! Đấy, lúc đó là trong hoàn cảnh thời chiến. Người ta giúp mình, mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó, có thể là không nghĩ ra, có thể là dốt, vân vân. Bây giờ muốn trách cứ thế nào thì cũng phải chịu thôi.”

Xem: http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/Vietnam-China-a-long-standing-grievances-historical-MLam-07022009133546.html

[12] Hai câu “Tre hiên ngang ra tiền tuyến/ Tre hùng thiêng dưới hố chông” còn được hát “giáo đầu” theo kiểu ngâm thơ.

[13] Bữa cơm khoai, ít cá nhiều rau

Mà ngăn sông làm điện, khoan biển làm dầu

Chân dép lốp

Mà lên tàu vũ trụ.

Đời vui thế khi ta làm chủ

Anh em ơi, đồng chí mình ơi!

Trẻ lại rồi thế kỷ 20

Và trẻ mãi, mỗi người

Một nhành xuân, của Đảng.

Trích trong bài “Một nhành xuân” của Tố Hữu. Bài thơ đề ngày 17.1.1980, đăng trên báo Nhân Dân số Tết, để tặng: “Tặng Đảng thân yêu tròn 50 tuổi”: Ý thơ “chân dép lốp” được Xuân Sách mượn, đưa vào bài thơ chân dung: “Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ / Khi trở về ta lại là ta”.

[14] Tổn thất nhân mạng thật sự trong chiến tranh luôn là một con số được giữ kín và văn thơ chính thống bị cấm nói về những mất mát này. Trường hợp Phạm Tiến Duật bị đánh vì bài thơ “Vòng Trắng” là một thí dụ: “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen / Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng / Tôi với bạn tôi đi trong im lặng / Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh / Có mất mát nào lớn bằng cái chết / Khăn tang vòng tròn như một số không…”

[15] Xin trích một đọan trong bài nói chuyện ngày 2.11.2004 của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Buổi thuyết trình do Ban Tổ chức Trung ương đảng tổ chức nhằm chuẩn bị “tri thức” cho các cấp lãnh đạo cao cấp trước đại hội đảng thứ 10: “Tôi thấy là nên có một cái nhìn đúng đắn. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo, tức là hồi năm 81, tôi đi theo ông Nguyễn Duy Trình tham dự Đại hội 16 Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thế thì bọn Tiệp Khắc, bọn lãnh đạo không nói gì, nhưng bọn chuyên viên Ban chấp hành Trung ương Đảng thì kéo tôi ra một chỗ bảo mày cứ nói mày anh hùng, tao thấy đất nước mày suốt đời đánh nhau mãi, thế thì mày chết, mày khổ, có gì hay đâu? Bây giờ mày lại đi xin tao, chẳng nhẽ mày xin tao lại không cho, có phải là chúng tao thừa thãi gì lắm đâu. Tao nói thật với mày là tao thấy Đức to quá tao cũng không đánh, không đánh thì nó cũng không ở được chỗ tao vì ít lâu sau tao tìm cách đuổi cổ nó đi. Thế thì một bên đánh nhau tơi bời khói lửa, đánh hết cả, mày rất anh hùng, tao thấy là tao vái mày mấy vái. Thế nhưng mà về việc mày đau khổ, mày bị tàn phá này khác… Thì cũng là một thứ triết lý. Có lẽ bây giờ xem xét lại, xem là triết lý nên như thế nào, cái giá phải trả nó đến đâu là vừa phải, chứ không phải cái mặt anh hùng là nó có giá trị tuyệt đối đâu, và cũng không phải trên thế giới mọi người nó đều thừa nhận, thế rồi nói nó nhận mình là anh hùng, là kiên cường. […] Liên Hợp Quốc xếp như thế này: dưới 735 đôla/một đầu người theo tỷ giá là nền kinh tế thu nhập thấp. Xin báo cáo với các đồng chí, thu nhập thấp chỉ là một danh từ hoa mỹ để nói cái nghèo, thế thôi chứ có gì đâu. Chẳng qua nó lịch sự nó không muốn bảo mày là thằng nghèo, thằng lạc hậu thì nó bảo mày thu nhập thấp, thế thôi.”

Gần nhất, trong kỳ họp ngày 23.11,2009 Quốc hội CHXNCNVN đã thông qua “Dự Luật Dân quân, tự vệ”, trong đó có điều khoản về việc thành lập “Lực lượng dân quân tự vệ biển”. Đây cũng là một lối tự vệ, bảo vệ hải phận Việt Nam theo lối du kích chiến, rẻ rúng hoá máu thịt của con người. Vấn đề này đã tạo nên nhiều tranh cãi và theo thư phản đối của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì đây là một “sai lầm chiến lược lớn”.

[16] Sự khai sinh của tinh thần quốc gia vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 hình thành với sự về nguồn, tìm về lịch sử và lần đầu tiên người Việt Nam mới nói thật nhiều và khai thác thật nhiều huyền sử Lạc Long Quân – Âu Cơ để nhấn mạnh đến ý nghĩa “đồng bào”, tức “cùng một bào thai”. Về gốc tích của chữ và khái niệm “đồng bào”, xin tham khảo: Nguyễn Hưng Quốc (2000), “Tính chất thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học Việt Nam”, trong VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐIỂM NHÌN H(ậu h)IỆN ĐẠI, NXB Văn Nghệ, California, tr. 314.

[17] Bài thơ “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên: “Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ / Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn / Cầm lên nhấm nháp / Chả là nếu anh từ chối / Chúng sẽ bảo anh phá rối / Ðêm vui…”

[18] Năm 1939, trong bối cảnh Đệ nhị thế chiến bùng nổ thì phong trào cách mạng diễn ra khắp nơi. Để thu hút một bộ phận lớn thanh niên và công chúng sao lãng những vấn đề chính trị, chính quyền thực dân Pháp bèn khởi xướng phong trào thể thao mang tên “Khoẻ để phụng sự”, và giao cho đại tá Ducroy tổ chức Giải Vô địch túc cầu Đông Dương. Cảnh bi hài này được Nguyễn Công Hoan tái hiện trong truyện ngắn “Tinh thần thể dục” đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 251, 1939. Phong trào thể thao sôi nổi hiện tại cũng có tác dụng tương tự.

[19] Khẩu hiệu “16 chữ vàng”: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, tuy nhiên đã được dân gian sửa lại thành “Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai”.

[20] “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão, xuất bản năm 1967.

[21] Bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” (10.1964) của Tố Hữu, có đoạn đầu:

Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra

[22] Thoạt đầu báo chí và hệ thống tuyên truyền ở miền Bắc không rõ Nguyễn Văn Trỗi là ai nên đã đăng tin theo các bản tin Anh ngữ và Nguyễn Văn Trỗi trở thành “Nguyễn Văn Trôi”. Xem: Hồ Tiến Nghị (2001), “Kỷ niệm làm báo”, trong Thời Gian và Nhân chứng, Hà Minh Đức, chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 380.

[23] Năm 2008, Công viên Đầm Sen tại Sài Gòn tổ chức tiến dâng trong lễ giỗ tổ vua Hùng cặp bánh kỷ lục: bánh chưng nặng 2 tấn và bánh dày nặng 1 tấn. Khi đưa bánh ra “dâng” và sau đó cắt chia thực phần tại Đền Hùng, người ta mới phát hiện là bánh được độn xốp cho đỡ… tốn kém.

[24] Bài thơ Hồ Chí Minh làm khi viếng thăm đền thờ Trần Hưng Ðạo tại Kiếp Bạc

Bác anh hùng tôi cũng anh hùng,

Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.

Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,

Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.

Bác đưa một nước qua nô lệ

Tôi dắt năm châu đến đại đồng.

Bác có linh thiêng cười một tiếng

Rằng tôi cách mạng đã thành công

[25] Tin ngày 21.2.2010 cho biết Mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 10 cm. Xem: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/02/3BA1902B/

Hiện tại nước sông Hồng cạn là do thủy điện Hoà Bình, tuy nhiên trong tương lai sông Hồng sẽ còn kiệt sức hơn nữa với thủy điện Sơn La. Công trình thuỷ điện Sơn La được xây dựng tại huyện Mường La, chặn nước Sông Đà, có công suất dự trù 2.400 MW với chi phí ước tính từ 2.5 – 3 tỷ Mỹ kim. Công trình thuộc về hệ thống bậc thang thuỷ điện trên sông Sông Đà: nếu ở đoạn giữa, trước khi đổ về sông Hồng, con sông này bị chặn lại để làm công trình thủy điện Hoà Bình, thì đoạn trên của con sông là thuỷ điện Sơn La. Công trình được xây dựng với nguồn vốn thu được bằng cách bán công phiếu và vay vốn với lãi suất nhẹ của Trung Quốc. Công trình đã được khởi sự xây dựng, dự kiến sẽ lắp đặt tổ máy phát điện thứ nhất trong năm nay và sẽ hoàn tất toàn thể dự án vào năm 2015. Đến lúc đó thì sẽ có rất nhiều thị xã, làng mạc, nhà cửa, trường học và bệnh viện trên một vùng đất rộng 22.000 héc ta bị chìm dưới đáy nước, do đó phải tổ chức cho hơn 90.000 dân cư trên vùng này lập nghiệp ở nơi khác, một công tác đòi hỏi một chi phí ước tính tới 600,000 Mỹ kim. Về mặt quân sự công trình này cũng có những điểm đáng ngại. Cần nhớ là khi kế hoạch xây dựng thuỷ điện Sơn La được đưa ra bàn bạc thì các chuyên viên của Bộ Quốc phòng đã lên tiếng đòi hỏi Bộ Kế hoạch – Đầu tư phải “chừa” tỉnh lộ 12 và thị xã Lai Châu lại: nhất thiết không để con đường và vị trí chiến lược này chìm dưới bể nước. Thế nhưng trong kế hoạch đã được xét duyệt, hai vị trí này đã bị nước nhấn chìm và bộ quốc phòng chỉ vớt vát một điều: mực nước dâng của hồ trên có tên là Nậm Nhùn chỉ cách biên giới Việt – Trung có 16 cây số. Đập thuỷ điện Hoà Bình được khởi công xây dựng trong thời chống bành trướng – bá quyền với sự trợ giúp của Liên Xô, và để bảo đảm an toàn quân sự, chính phủ Việt Nam đã chọn giải pháp tốn kém gần như gấp 10 mức bình thường: đặt tổ máy phát điện trong ruột của một núi đá. Bây giờ thì chính phủ Việt Nam đã bất chấp những cái giá phải trả về mặt quân sự để xây dựng cho bằng được công trình thuỷ điện Sơn La: không chỉ nhấn chìm những vị trí và đầu mối giao thông chiến lược xuống nguồn nước, họ còn “hiến” một cái túi nước khổng lồ sát và chỉ cách biên giới Việt – Trung có 16 cây số.

[26] Chế Lan Viên, “Người đi tìm hình của nước”

© 2010 Nguyễn Hoàng Văn

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: