Friday, March 12, 2010

AI CHỐNG THAM NHŨNG BẰNG CHU NGUYÊN CHƯƠNG ?

Ai chống tham nhũng bằng Chu Nguyên Chương?

Ngô Nhân Dụng

Thursday, March 11, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109682&z=7

Các nhà kinh tế biết rằng nạn tham nhũng làm cho quốc gia chậm phát triển. Tham nhũng là một thứ thuế “phụ thu” làm nản lòng người đầu tư. Tham nhũng là thêm một yếu tố bất trắc khiến người ta ngại làm ăn. Một quốc gia đầy tham nhũng như Congo, Việt Nam, Campuchia, nếu nạn tham nhũng giảm bớt được một nửa thì kinh tế có thể phát triển nhanh thêm được 2 đến 3% một năm.

Nhưng ít có kinh tế gia nào nhìn vào vấn đề tham nhũng mà thấy như Phan Bội Châu: Có bài trừ tham nhũng thì người dân một quốc gia mới phục hồi được lòng liêm sỉ.

Giữa hai mục tiêu “phát triển kinh tế” và “phục hồi liêm sỉ”, bên nào quan trọng hơn? Ðối với một người từng làm nghề nghiên cứu và dạy môn kinh tế học, thì tôi xin trả lời rằng: Phục hồi liêm sỉ quan trọng hơn. Bởi vì dân có liêm sỉ thì kinh tế có triển vọng tiến nhanh hơn; ngược lại, kinh tế tiến bộ chưa chắc đã làm cho người ta có đức liêm sỉ.

Kinh tế thị trường đặt cơ sở trên lòng tin tưởng, tin vào con người và tin vào các định chế xã hội. Những nước kinh tế phát triển cao nhất như Mỹ, Nhật Bản, Ðức Quốc cũng là những nước mà lòng tin cậy giữa con người với nhau trong xã hội cũng cao nhất. Ngược lại, có những nước kinh tế cũng khá cao nhưng xã hội không xây dựng được một niềm tin chung mạnh mẽ thì trình độ phát triển cũng bị giới hạn, sớm muộn sẽ “đụng trần” không lên được nữa. Khi người dân một nước sống không biết liêm sỉ thì chính nền kinh tế của họ sẽ khó phát triển. Không phải các nhà đạo đức nói như thế mà chính các kinh tế gia phải công nhận điều đó.

Cho nên, chúng tôi muốn nhắc lại những ý kiến của Phan Bội Châu viết trước đây hơn một thế kỷ, trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư. Cụ Phan viết, “Phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ lòng liêm sỉ”. Năm 1903 khi cụ viết lá thư này, đức liêm sỉ vẫn còn được dùng làm thước đo giá trị trong xã hội, những người liêm sỉ còn rất được kính trọng. Ngày nay, trên báo chí ở nước ta ít người nói đến hai chữ liêm sỉ. Tình trạng tham nhũng hối lộ thời cụ Phan, đầu thế kỷ XX chắc chắn không rộng, sâu, và những tham quan không trâng tráo ngang ngược chiếm đoạt của công như bây giờ.

Nhưng 100 năm trước hay là bây giờ, vấn đề khó nhất vẫn là: Làm sao để giảm bớt nạn tham nhũng, hối lộ?

Phan Bội Châu thời đó là một nhà Nho lỗi lạc nhưng không sống trong guồng máy chính quyền; thật ra, cả cuộc đời cụ không trải qua kinh nghiệm “làm quan”. Cho nên, ngoài đề nghị giảm bớt thuế cho dân nghèo, những lời kêu gọi “huyết lệ” của cụ thường chỉ nhắm vào mặt đạo đức cá nhân. Cụ khuyến cáo hãy “thắt chặt tình trên dưới (giữa quan và dân), mở rộng đường thẳng ngay... phải lấy công tâm mà làm việc...”, vân vân.

Ðó cũng là lối chống tham nhũng, chống hối lộ suốt ngàn năm trong xã hội cổ truyền ở Á Ðông. Trương Ðình Thưởng là một tể tướng thanh liêm vào thế kỷ VIII bên Tầu. Khi nhậm chức, ông ra lệnh cấp dưới phải tra cứu lại một vụ án liên can tới nhân sĩ Vô Cô, một người ông kính trọng. Ông yêu cầu trong 10 ngày phải cho biết kết quả xem vụ án có điều gì sai trái hay không. Ngày thứ hai, ông ra công đường, thấy một mảnh giấy đặt trên bàn viết mấy câu: Xin biếu ngài ba vạn quan tiền. Xin đừng hỏi lại vụ án này nữa. Trương Ðình Thưởng lặng lẽ xé vụn mảnh giấy, không cần hỏi tới. Sang ngày thứ ba, lại thấy một mảnh giấy khác: Xin biếu ngài 5 vạn quan. Trương Ðình Thưởng nổi giận! Bèn rút ngắn thời hạn, ra lệnh các “thanh tra” trong hai ngày phải xét xong vụ án cũ rồi phúc trình đầy đủ. Ðến ngày tư, trên bàn lại có mảnh giấy khác: Xin biếu ông mười vạn.

Lúc đó Thưởng mới giật mình: “Tiền đến 10 vạn là phải có phép thuật quỷ thần! Ta sắp mang hoạ đến nơi rồi!”

Bèn bỏ không tra cứu vụ án cũ nữa. Câu chuyện trên được Kỳ Ngạn Thần kể, cho biết đã đọc trong cuốn Cổ Vũ U Nhàn của Trương Cố đời Ðường. Không rõ có ai giao số tiền 10 vạn hay không, chúng tôi đoán là không. Một người nắm quyền tể tướng trong sạch và cương quyết như Trương Ðình Thưởng, cuối cùng chịu thua không chống nổi tham nhũng khi biết mình “đụng tới quỷ thần”. Quỷ thần là thứ quyền hành tuyệt đối, cao hơn mạnh hơn guồng máy pháp luật của quốc gia. Ðó là chuyện lịch sử thời Trung Ðường bên Trung Quốc; đến thời Hậu Hồ ở Việt Nam bây giờ lịch sử cũng ghi nhiều chuyện ngưng điều tra khác, kể ra không hết được. Ai đọc truyện đời nay tới đoạn Nguyễn Việt Tiến PMU 18 được phục hồi danh vọng, các nhà báo bị bắt bỏ tù; hoặc nghe vụ Hành Lang Ðông Tây Sài Gòn thấy Huỳnh Ngọc Sỹ bình tĩnh thản nhiên mặc dù công ty PCI Nhật Bản khai đã đưa lót tay ông ta hàng triệu Mỹ kim, cũng có thể suy ra rằng mọi cuộc điều tra, mọi hoạt động của guồng máy tư pháp đều bắt buộc phải ngưng lại. Cũng vì đã “đụng tới quỷ thần” rồi!

Ðời xưa, quỷ thần là do quyền hành tuyệt đối của ông vua mà sinh ra. Vì quyền vua tuyệt đối, không bị giới hạn mà cũng không được định nghĩa rõ ràng, cho nên không ai đoán trước được nó như thế nào. Nên mới sinh ra quỷ thần. Rất nhiều người có thể dựa hơi ông vua mà bỗng nhiên có quyền thế ngất trời. Bố một người đầu bếp giúp vua hài lòng vì ăn ngon miệng; hay em ruột một phi tần được nhà vua sủng ái; hàng trăm hàng ngàn người giống như vậy, người nào cũng có thể có cơ hội xin vua gia ân hoặc giáng hoạ cho người khác. Dù ông vua muốn làm sạch chế độ của ông ta, nhưng nếu ông tể tướng đụng tới quyền lợi của những người này là sẽ thất bại. Ðúng là đụng tới quỷ thần!

Ngày nay, quyền hành của Ðảng Cộng Sản cũng tuyệt đối không khác gì quyền ông vua đời xưa. Ðảng Cộng Sản nguy hiểm hơn vì nó rất mập mờ bí ẩn, khó nhận diện, và vô trách nhiệm. Không có một ông vua cụ thể nào đứng ra nói “tôi quyết định”. Ai chịu trách nhiệm khi toà án Nhật Bản truy tố các nhà kinh doanh Nhật hối lộ ở Việt Nam? Không thấy ai trong cái bộ máy tối cao vô hình đó cả. Ðảng Cộng Sản đúng là một thứ quỷ thần vô danh vô tướng.

Ví thử có một ông tổng bí thư cộng sản quyết tâm muốn bài trừ tham nhũng, liệu ông hay bà ta có khả năng làm hay không? Trong cuốn tiểu thuyết Thiên Nộ (Cơn giận của Trời) của Trần Phong, kể chuyện guồng máy tham nhũng tại thành phố Bắc Kinh, một nhân vật nói: “Hoàng đế nhà Minh, Minh Thái tổ, bắt được quan lại tham nhũng thì đem lột da rồi trưng bày bộ da cho các quan chức coi mà sợ, đừng tham nhũng nữa”. Nhưng anh ta, một cán bộ trong sạch trong guồng máy, nhận xét: “Biện pháp đó không ăn thua gì cả. Tại sao? Vì cả hệ thống cai trị sinh ra tham nhũng. Mà điều quan trọng nhất là: Không có một hệ thống kiểm tra nào của dân, độc lập với nhà nước để theo dõi”. Kết luận: “Chu Nguyên Chương chỉ thi hành các biện pháp chắp vá để chống tham nhũng!” Ngay cả việc lột da các quan ăn hối lộ cũng chỉ là chắp vá! “Muốn thành công chúng ta phải có cách nhìn toàn bộ”, cuốn tiểu thuyết khuyến cáo!

Cách nhìn toàn bộ nào? Phải thay đổi toàn thể hệ thống, nghĩa là phải bãi bỏ tình trạng chuyên chế độc tài của một đảng! Chính cái đảng cầm quyền tuyệt đối, trên đầu không có ai, chính nó là nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Dù có thay thế cái đảng đó bằng một đảng khác, dùng toàn những bộ mặt mới, con người mới, nhưng nếu vẫn giữ cơ chế độc quyền và quyền hành tuyệt đối, thì vẫn hỏng. Cơ chế vẫn như cũ, thì làm gì cũng vẫn chỉ là biện pháp chắp vá mà thôi! Chính cơ cấu độc quyền chuyên chế đẻ ra nạn tham nhũng, chứ không phải vì có những con người xấu mà sinh ra tham nhũng. Quyền hành sinh nhũng lạm, quyền hành tuyệt đối thì nhũng lạm tuyệt đối.

Chúng ta sống sau cụ Phan 100 năm, hiểu rõ hơn về xã hội cũng như guồng máy chính trị của loài người, cho nên biết những lời khuyến cáo đạo đức rất quý báu nhưng không đủ. Phải tìm trị căn nguyên của bệnh tham nhũng và hối lộ do các định chế chính trị sinh ra. Chuyên chính là nguồn gốc của tham nhũng, vì nó trao quyền hành tuyệt đối vào tay một nhóm người không chịu trách nhiệm với ai cả. Năm 1958, ngày 28 tháng 1, ông Hồ Chí Minh nói chuyện với các “học sinh” Trường Công An Trung Ương, ông hỏi họ, “Các cô các chú có muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội hay không?” Và ông nhắc đi nhắc lại một khẩu hiệu rất nhiều lần, “Dân Chủ và Chuyên Chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thật sự phải chuyên chính thật sự... Có chuyên chính thật sự, có dân chủ thật sự thì mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được...” (Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 9, trang 29).

Ðó là chủ nghĩa Lê Nin. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, phải gột rửa tư tưởng Lê Nin Nít đó trước hết. Chỉ khi nào trong cơ cấu chính trị quốc gia có phân quyền, có các cơ quan quyền lực ngang hàng để cân bằng và kiểm soát lẫn nhau, chúng ta mới hy vọng bắt đầu chống tham nhũng. Khi nào người dân được tự do nói, tự do hội họp, tự do bầu cử và ứng cử, thì mới thiết lập được các định chế phân quyền. Nếu chưa có các điều kiện đó, nói gì cũng chỉ là nói xạo mà thôi.

Nghe nói xạo mãi, người dân khinh bỉ bọn cầm quyền. Nhưng chính người dân cũng bị tác hại: Nghe nói dối quen, người ta mất cả khái niệm về danh dự, về liêm sỉ. Ngày xưa Phan Bội Châu khuyên dân tộc Việt Nam phải bài trừ tham nhũng để người dân phục hồi đức liêm sỉ. Một thế kỷ sau, điều này còn khẩn cấp hơn thời cụ Phan viết Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư gấp trăm, gấp ngàn lần!

Ngô Nhân Dụng

.

.

.

No comments: