Monday, September 2, 2024

TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM CHỌN NHÂN SỰ NHƯ THẾ NÀO? (RFA)

 



Tổng Bí thư Tô Lâm chọn nhân sự như thế nào?

RFA
2024.08.30

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-general-secretary-to-lam-select-personnel-08302024112916.html

 

“Nhân sự được lựa chọn đòi hỏi phải thật sự tiêu biểu, nổi trội, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược...”

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng, phát biểu như vừa nêu tại Cuộc họp Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... hôm 29/8/2024.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-general-secretary-to-lam-select-personnel-08302024112916.html/@@images/0427f5d6-2c2d-4096-b849-f9eee22d87ee.jpeg

Cuộc họp Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng.   (Courtesy baochinhphu.vn)

 

 

Chọn phe cánh

 

Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam cho rằng, thực tế không như ông Tô Lâm phát biểu, vì một vài vị trí quan trọng mà ông vừa bổ nhiệm, có vẻ “toàn người theo phe cánh của ông”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 30/8/2024 khi trả lời RFA chỉ ra rằng, nếu nhìn vào cách bố trí nhân sự của ông Tô Lâm, sẽ thấy người của ông Tô Lâm nắm giữ hết các vị trí quan trọng để kiểm soát đảng Cộng sản và chính quyền:

 

“Một cách cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an là ông Lương Tam Quang, một người Hưng Yên. Ông Quang là người thân cận của ông Lâm, cha của ông Quang là cận vệ riêng của cha ông Lâm từ thời chiến tranh chống Mỹ.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ông Nguyễn Hải Ninh, cũng là một người Hưng Yên.

Chánh văn phòng Trung ương đảng, vị trí quan trọng đóng vai trò tổ chức các chương trình nghị sự, là ông Nguyễn Duy Ngọc, cũng là một người Hưng Yên.”

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, trưởng Ban tổ chức Trung ương, vị trí phụ trách tất cả các vấn đề nhân sự của đảng Cộng sản, hiện là ông Lê Minh Hưng, một người thân cận của ông Tô Lâm. Cha của ông Lê Minh Hưng là cựu Bộ trưởng Bộ Công an, người đỡ đầu cho sự nghiệp của ông Tô Lâm. Tiến sĩ Vũ nói thêm:

 

“Thêm vào đó, ông Tô Lâm còn điều động ông Nguyễn Hoà Bình, là một thiếu tướng công an, hoàn toàn không có kinh nghiệm về kinh tế vĩ mô, đảm nhiệm vị trí phó thủ tướng thường trực, chịu trách nhiệm các vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô và đầu tư. Ông Bình sẽ chịu trách nhiệm điều hành chính phủ khi ông Phạm Minh Chính vắng mặt.”

 

Việc bố trí người như hiện nay, theo ông Vũ, là một sự phân hoá rất lớn bên trong đảng cộng sản:

 

“Ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Tô Lâm đã không còn tin vào người của các vùng khác hoặc người ở các lĩnh vực khác. Chính vì lý do đó mà ông đã chỉ đưa những người tín cẩn của mình vào các vị trí then chốt trong chính quyền. Họ là những người có mối quan hệ gắn bó mật thiết từ gia đình, hoặc người cùng quê, hoặc cùng ngành, dù cho những người được bổ nhiệm không được đào tạo hoặc có kinh nghiệm cần thiết ở những lĩnh vực đó.”

 

Các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lâu nay thường nói đến việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết. Thế nhưng, trong thực tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định rằng, các vị ấy dường như không quan tâm nhiều đến ‘lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân’.

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-general-secretary-to-lam-select-personnel-08302024112916.html/to-lam-2-700.jpg/@@images/8f967fae-52ad-45f9-ac92-b5651caca85e.jpeg

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Courtesy baochinhphu.vn

 

 

Không có thay đổi hoặc khác biệt lớn

 

Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 30/8/2024 khi trả lời RFA, nhận định:

 

“Việc lựa chọn nhân sự có đủ phẩm chất cách mạng đã được đảng cộng sản nói từ mấy mươi năm nay rồi. Nó được quy định bằng văn bản trong các kỳ đại hội đảng và trước Tô Lâm thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng thường xuyên nói chuyện này. Nhưng trong 18 năm ông Trọng cầm quyền từ ghế chủ tịch quốc hội tới tổng bí thư thì người ta chỉ thấy một đám sâu dân mọt nước nước không thấy nhân tài nào nổi bật trong đảng cộng sản.

Bây giờ tới ông Tô Lâm cũng lặp lại những tuyên bố cũ của người tiền nhiệm thì chắc chắn Tô Lâm cũng sẽ không khác gì Nguyễn Phú Trọng. Sẽ chỉ là con ông cháu cha lên nắm quyền và dĩ nhiên là không tránh khỏi việc chia phe chia phái, ưu tiên phát triển thế lực cho tổng bí thư.”

 

Theo nhà hoạt động xã hội Trần Anh Quân, qua hàng chục năm, với hàng trăm văn bản quy định và hàng ngàn lời hô hào, nhưng dường như đảng CSVN vẫn không tìm ra nhân tài thanh liêm chính trực. Điều đó, vẫn theo ông Quân, chứng tỏ quy trình tuyển chọn nhân sự trong đảng là hoàn toàn sai lầm.

 

Do đó, ông Quân cho rằng, nếu có một thứ cần thay đổi để tìm kiếm nhân tài lãnh đạo quốc gia, thì chỉ có thể thay đổi quy trình, cơ chế tuyển dụng nhân sự. Mà thay đổi cơ chế, theo ông Quân, chính là từ bỏ nhà nước độc đảng. Vì, nếu ông Tô Lâm thật sự muốn đất nước phát triển thì ông ấy phải dám chấp nhận đa nguyên đa đảng để người dân có thể tự do bỏ phiếu bầu ra những lãnh đạo tài năng.

 

Trước đó vào tháng 3 năm 2024, Tại cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi đó đã nhấn mạnh về việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Ông Trọng còn cho biết đây là nguyên tắc cốt lõi trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV.

 

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ nước Đức khi trả lời RFA cho rằng, các vị lãnh đạo đảng CSVN nói thì bao giờ cũng rất là hay, nhưng trên thực tế làm bao giờ cũng rất là dở. Ông nêu dẫn chứng:

 

“Bởi vì nó đã chứng minh qua thực tế hơn hai nhiệm kỳ của ông Trọng, trong công tác nhân sự, tất cả những Ủy viên Bộ chính trị ông ấy lựa chọn thì phần lớn đã bị ngã ngựa. Còn mười mấy Ủy viên Trung ương thì đã bị bắt bị điều tra, một số đã bị xét xử. Có thể nói trong hơn 10 năm qua, công tác nhân sự của ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn thất bại.”

 

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, nếu thật sự vì đất nước, vì nhân dân… thì điều đầu tiên có thể làm là phải tiến hành dân chủ hóa trong Đảng. Ông Đài giải thích thêm:

 

“Tức là phải cho tất cả hơn năm triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội để họ được tự do ứng cử và bầu cử trong Đảng… rồi sau đó tiến hành cải cách chính trị để mở rộng ra dân chủ toàn xã hội, đây là cách làm tốt nhất. Chứ nếu như mà vẫn lựa chọn qua tiểu ban nhân sự, rồi thông qua Ban Tổ chức Trung ương như cách làm truyền thống từ xưa đến nay thì sẽ tiếp tục thất bại mà thôi.”

 

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, nếu đặt tổ quốc và dân tộc lên trên, thì vấn đề nhân sự của đảng cầm quyền hay lãnh đạo của một quốc gia ban đầu là do tất cả đảng viên lựa chọn, sau đó đến toàn thể người dân lựa chọn, đó mới là vì lợi ích dân tộc. Còn toàn bộ nhân sự cấp cao của Đảng và đất nước đều do một người hay một bộ phận rất nhỏ trong Đảng cầm quyền lựa chọn, thì đó vẫn là vì lợi ích của một nhóm người mà thôi...

 





No comments: