Sunday, September 1, 2024

MẠNG XÃ HỘI và TỰ DO NGÔN LUẬN (Hiếu Chân/Người Việt)

 



Mạng xã hội và tự do ngôn luận

Hiếu Chân/Người Việt

August 30, 2024 : 9:32 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/mang-xa-hoi-va-tu-do-ngon-luan/#google_vignette

 

Sự kiện tỷ phú Pavel Durov, người sáng lập và tổng giám đốc mạng xã hội Telegram, bị bắt tại Pháp cuối tuần trước đang gây chấn động không chỉ trong giới công nghệ mà cả những người quan tâm tới quyền tự do biểu đạt, nhất là những người đang đấu tranh cho tự do ở các quốc gia độc tài.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/A1-Mang-xa-hoi-tu-do-1536x1005.jpg

Tỷ phú Pavel Durov, người sáng lập và tổng giám đốc mạng xã hội Telegram. (Hình: Nadine Rupp/Getty Images)

 

Cơn chấn động càng tăng mạnh khi hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Tám, một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Brazil ra lệnh “đình chỉ ngay lập tức” mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk, tổng giám đốc Tesla, ở nước này. Những sự kiện như vậy làm nổi bật thách thức giữa việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận với phòng chống các hoạt động tội phạm trên không gian mạng.

 

Pavel Durov và mạng Telegram

 

Ông Pavel Durov, 39 tuổi, là một tỷ phú công nghệ người Nga, hiện mang quốc tịch Pháp và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Theo cập nhật của tạp chí Forbes, ông Durov có tài sản khoảng $15.5 tỷ.

 

Ông Durov có thành tích không tuân phục nhà cầm quyền độc tài. Năm 2014 ông bỏ nước Nga ra đi sau khi Cơ Quan An Ninh Liên Bang (FSB) đòi mạng xã hội VKontakte do ông thành lập – được coi là Facebook của Nga – phải hợp tác để theo dõi những nhà hoạt động chống đối chính phủ.

 

Sau khi rời Nga ông lập ra mạng Telegram, một nền tảng truyền thông phổ biến tại Nga và Ukraine. Năm 2018, chính quyền Nga buộc ông Durov phải trao cho FSB quyền kiểm soát Telegram nhưng ông từ chối, sau đó FSB bỏ ra rất nhiều tiền để biến Telegram thành một kênh tuyên truyền của họ, quảng bá những thông tin bịa đặt, bóp méo, nhất là về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine từ năm 2022.

 

Mạng Telegram hiện có gần 1 tỷ người sử dụng, ngang ngửa với các mạng xã hội Facebook, Instagram, WhatsApp, TikTok hay mạng WeChat ở Trung Quốc. Telegram có hai đặc điểm quan trọng: một là áp dụng công nghệ mã hóa đầu cuối, theo đó nội dung trên Telegram chỉ có thể được đọc trên thiết bị gửi và thiết bị nhận và hai là Telegram cho phép lập những nhóm tương tác để trao đổi thông tin với quy mô nhóm có thể lên tới vài trăm ngàn người.

 

Với đặc điểm thứ nhất, nội dung trên Telegram sẽ không bị bên thứ ba nào đọc được, ngay cả nhân viên của Telegram cũng không đọc được, do đó tránh được cặp mắt soi mói của các nhà kiểm duyệt. Với đặc điểm thứ hai, Telegram cho phép lập ra những diễn đàn ảo có hàng ngàn người tham gia, cùng chia sẻ thông tin, thảo luận các ý định, bàn bạc kế hoạch hành động một cách bí mật mà không sợ bị phát giác.

 

Nhờ hai đặc điểm này, Telegram trở thành nền tảng truyền thông ưa thích của các tổ chức tội phạm, khủng bố, các băng đảng ma túy cũng như các tổ chức bịa đặt và loan truyền tin giả. Để tránh phải tuân thủ các luật lệ về quản lý mạng xã hội của Mỹ và Châu Âu, Telegram đặt trụ sở ở Dubai thuộc UAE, nơi ông Durov sống và làm việc sau khi rời Nga.

 

Bảo vệ tự do hay đồng lõa?

 

Tình trạng mạng Telegram bị lợi dụng cho các hoạt động tội phạm và lan truyền tin giả đã bị các chính quyền Châu Âu phát hiện từ lâu nhưng các yêu cầu hợp tác đều bị ông Pavel Durov từ chối. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo bảo thủ Mỹ Tucker Carlson hồi Tháng Tư tại Dubai, ông Durov khẳng định: “Chúng tôi không chấp nhận những yêu cầu không phù hợp với các giá trị của chúng tôi về quyền tự do ngôn luận và việc bảo vệ sự riêng tư của mọi người,” theo BBC. “Nhân loại cần một ứng dụng nhắn tin ‘trung tính’ (neutral) như Telegram, một ứng dụng tôn trọng sự riêng tư và tự do của mỗi người,” ông Durov nói thêm, theo Washington Post.

 

Ban quản trị mạng Telegram cũng khẳng định họ tuân thủ Đạo Luật Dịch Vụ Kỹ Thuật Số (Digital Services Act – DSA) của Liên Âu – một đạo luật có hiệu lực từ 17 Tháng Hai, buộc các mạng xã hội có từ 45 triệu người dùng trở lên phải tuân thủ các quy định về giám sát và minh bạch nhằm bảo đảm môi trường thông tin an toàn và có trách nhiệm. Vi phạm DSA có thể bị Liên Âu phạt tới 6% tổng doanh thu toàn cầu của một mạng xã hội.

 

Nhưng thực tế, theo nhiều chuyên gia an ninh mạng, Telegram đã trở thành hang ổ của thông tin sai lệch và hoạt động tội phạm; biện pháp kiểm soát nội dung cực đoan và bất hợp pháp của Telegram yếu kém hơn rất nhiều so với các nền tảng khác do quan niệm về tự do tuyệt đối của nhà lãnh đạo Pavel Durov. Báo The Washington Post so sánh, toàn bộ nhân sự của mạng Telegram ở Dubai chỉ khoảng 50 người trong khi ở Meta – công ty mẹ của Facebook, chỉ riêng đội ngũ giám sát an toàn và an ninh thông tin đã có đến 40,000 nhân viên.

 

Từ thực tế đó, Viện Công Tố Paris đã cáo buộc ông Durov “đồng lõa” trong việc cho phép các giao dịch rửa tiền và buôn bán ma túy của những băng đảng tội phạm có tổ chức trên mạng Telegram, “đồng lõa” trong việc phân phối hình ảnh khiêu dâm trẻ em và bất hợp tác với cơ quan chính quyền.

 

Sau khi lệnh giam giữ ông Durov tại Pháp hết hạn vào ngày 28 Tháng Tám, ông bị khởi tố điều tra về 12 tội danh nhưng được tại ngoại hậu tra sau khi đóng tiền thế chân 5 triệu euro ($5.6 triệu); ông chỉ bị cấm rời khỏi nước Pháp và phải trình diện cảnh sát hai lần mỗi tuần.

 

Cơn chấn động của các mạng xã hội

 

Việc Pháp bắt giữ và truy tố ông chủ một mạng truyền thông xã hội vì những nội dung lưu hành trên mạng đó là chuyện chưa có tiền lệ và đặc biệt đáng lo ngại. Nhiều nhà quản lý các mạng truyền thông xã hội đã lập tức bày tỏ thất vọng, coi đây là một sự lạm quyền và vi phạm quyền tự do ngôn luận không thể chấp nhận được.

 

Trên mạng X, ông chủ Elon Musk đã ngay lập tức đăng bài với dấu nhấn “#FreePavel” (tự do cho Pavel), cảnh báo một tương lai không xa người Châu Âu “sẽ bị trừng phạt vì thích một bài đăng trên mạng.”

 

Nhà đầu tư công nghệ David Sacks đưa thuyết âm mưu rằng vụ bắt ông Durov là một phần trong chiến dịch của chính quyền Mỹ và Châu Âu nhằm tiêu diệt các mạng xã hội lớn, bắt đầu từ mạng TikTok đến mạng Telegram. Còn ông Chris Pavlovski, giám đốc mạng chia sẻ video Rumble, tố cáo nước Pháp đã vượt qua “lằn ranh đỏ” và khẳng định mạng Rumble “sẽ dùng mọi phương tiện pháp lý để chiến đấu cho quyền tự do ngôn luận.”

 

Nỗi lo ngại của các nhà điều hành các mạng xã hội là có thể hiểu được do những tội danh mà Pháp cáo buộc ông Pavel Durov và mạng Telegram ít nhiều đều có ở các nền tảng truyền thông xã hội khác, đặc biệt là mạng X của ông Elon Musk.

 

Tuy mạng X không truyền bá nội dung ấu dâm như mạng Telegram nhưng từ khi mua lại Twitter và đổi tên thành mạng X, ông Musk đã từ bỏ việc giám sát và loại bỏ thông tin xuyên tạc, tin giả được người dùng xấu tạo ra để tác động tới các cuộc bầu cử, thậm chí để kích động bạo lực.

 

Mới vài tuần trước, một số người dùng mạng X có tư tưởng cực hữu đã đưa tin sai lạc rằng một di dân Hồi Giáo tấn công dã man và sát hại ba cô gái Anh. Thay vì loại bỏ thông tin sai và độc hại đó, ông Musk lại khuếch đại nó, kích động những vụ bạo loạn chống người nhập cư trên khắp nước Anh khiến chính phủ London phải vất vả đối phó.

 

Truyền thông Pháp ghi nhận việc tạm giữ ông chủ Telegram có thể là lời cảnh cáo gửi đến ông chủ mạng xã hội X, với các cáo buộc liên quan đến những hoạt động vi phạm pháp luật quy mô lớn được dung túng trên mạng xã hội này.

 

Cân bằng tự do và trách nhiệm

 

Tôn trọng tự do ngôn luận để ai muốn nói gì thì cứ lên mạng mà nói như ở Telegram hay cần kiểm soát nội dung mạng xã hội, chống tội phạm và ngăn chặn tin giả một cách có trách nhiệm?

 

Chính phủ chuyên chế ở Trung Quốc có chiến lược kiểm soát toàn diện mạng Internet, cấm tiệt mọi nội dung mà chính quyền không thích, thủ tiêu quyền ngôn luận của người dân. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận được Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp bảo vệ vững chắc, theo đó mọi người có quyền tự do biểu đạt mà không bị trừng phạt, miễn là không gây phương hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

 

Thêm nữa, Hoa Kỳ có đạo luật Communications Decency Act ban hành năm 1996, theo đó các nền tảng truyền thông xã hội trên Internet như Facebook, YouTube được miễn trách nhiệm pháp lý đối với các nội dung mà người dùng đăng lên. Nếu bạn đăng một nội dung sai trái lên Facebook, gây hại cho người khác thì người chịu trách nhiệm trước pháp luật là bạn chứ không phải ông Mark Zuckerberg. Châu Âu dường như có lập trường trung dung, không chuyên chế như Trung Quốc mà cũng không buông lỏng như Mỹ.

 

Lý tưởng nhất là các mạng xã hội giữ được cân bằng giữa ngôn luận tự do, lợi nhuận của công ty và an toàn của cộng đồng thay vì nuôi dưỡng quan điểm về tự do tuyệt đối mà đẩy xã hội tới chỗ nguy hiểm như trường hợp của ông Durov và mạng Telegram. Nói như thế không có nghĩa là tán thành việc truy tố ông Durov mà điều cần thiết là Telegram cần nghiêm túc trong việc giám sát nội dung thông tin mà nó đăng tải.

 

Hiện các mạng xã hội lớn – hầu hết là của Mỹ – đều có biện pháp giám sát và điều chỉnh nội dung để ngăn ngừa những hành vi có hại mà không vi phạm quyền tự do biểu đạt chính đáng của người dân. Mỹ và Liên Âu là các xã hội dân chủ lâu đời, việc giám sát mạng xã hội được thực thi theo luật, minh bạch và cân bằng chứ không tùy tiện và độc đoán như ở Trung Quốc hay Việt Nam.

 

Điều đáng buồn là “nhập gia tùy tục,” khi hoạt động ở các xã hội toàn trị thì các mạng xã hội đều phải tuân theo mệnh lệnh của các nhà độc tài, nhiều khi đi ngược lại các giá trị tự do dân chủ mà nó theo đuổi, mà Facebook là một ví dụ. [qd]

 

============================================

 

Tình báo Nga NGUY CƠ BẠI LỘ khi ông chủ Telegram BỊ BẮT || Đàm Quân Sự (youtube.com)

Đàm Quân Sự

Aug 30, 2024

https://www.youtube.com/watch?v=HYAAK7Xl6u0

 

XEM & NGHE >>>>> 





 

No comments: