Trung Quốc muốn gì nếu
đưa tàu ngầm đến quân cảng Ream?
RFA
2024.08.02
Một
âu tàu phù hợp cho tàu ngầm đang được hoàn thành ở quân cảng Ream của Campuchia,
qua ảnh chụp vệ tinh hôm 14/6/2024 (Planet
Labs / RFA)
Theo
RFA ghi nhận từ dịch vụ vệ tinh Planet Labs hồi tháng sáu, quân cảng Ream ở
Campuchia xuất hiện một âu tàu dài khoảng 140 mét, cùng đường nối vào cảng, một
cầu tàu dài 270 mét ở phía nam quân cảng. Ông Thomas Shugart, một cựu sỹ quan
tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ và là chuyên gia an ninh ở Trung tâm An ninh Mỹ mới
(Center for New American Security), cho
biết “140
mét là quá ngắn cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc, nhưng đúng kích thước
cho tàu ngầm”.
Trao
đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sỹ về quân sự và an
ninh tại Đại học Paris 2 Pantheon, và ông Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW
Sydney đều cho rằng ý tưởng của ông Thomas Shugart về cái âu tàu của Campuchia
là rất quan trọng.
Tuy
nhiên, theo một nghiên
cứu của
World Fish Center, độ sâu trung bình của Vịnh Thái Lan chỉ là 58 mét, chỗ sâu
nhất là 85 mét. Đây là độ sâu không phù hợp cho tàu ngầm. Do đó, theo hai nhà
nghiên cứu Trần Bằng và Nguyễn Thế Phương, các nhà quan sát cần nhìn xa hơn Vịnh
Thái Lan để phân tích mục tiêu của Trung Quốc.
Dùng
cho Campuchia hay Trung Quốc?
Trao
đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng cho biết âu tàu có chức năng phục vụ hậu
cần, sửa chữa, neo đậu. Một quốc gia có hải quân buộc lòng phải có cơ sở hậu cần.
Vấn đề cần đặt ra là cái âu tàu đó phục vụ cho cái gì. Theo ông Trần Bằng, đúng
là cái âu tàu 140 mét quá ngắn để cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc,
nhưng vẫn còn khả năng nó phục vụ cho các tàu nhỏ của Campuchia. Ông nói về hai
kịch bản mà âu tàu có thể được sử dụng:
“Gần
đây, truyền thông quốc tế nói về việc hai con tàu lớp 56 (Type 56) neo đậu dài
ngày ở quân cảng Ream. Có quan chức Campuchia nói nước này dự định mua vài con
tàu như vậy và Trung Quốc gửi tàu tới là để huấn luyện trước. Vì vậy tôi nghĩ
có thể Campuchia cũng cần một hệ thống hậu cần dành cho tàu thật.
Tuy
nhiên, vẫn còn kịch bản thứ hai là quân cảng này cũng dùng cho cả Trung Quốc nữa.
Nhìn cách Trung Quốc và Campuchia hợp tác quân sự thì không thể không nghĩ rằng
Trung Quốc sẽ sử dụng quân cảng này. Nếu không phải căn cứ thì cũng là cơ sở
lưu trú, tiếp liệu, phục vụ cho hoạt động dài ngày.
Bây
giờ mình xem xét các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông thì thấy
chúng đang nằm theo trục dọc, tức là trục bắc nam. Nếu họ có thêm căn cứ theo
trục đông tây thì tốt hơn cho họ.”
Tuy
nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, đó chỉ là kế hoạch tương lai của
Campuchia. Khả năng quân cảng Ream cùng các cơ sở thiết bị của nó được dùng cho
các mục tiêu quân sự của Trung Quốc thì cao hơn nhiều. Đồng tình với quan điểm
này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cũng nhận xét rằng quân cảng Ream cũng có
thể không chỉ dùng cho Trung Quốc mà còn được dùng cho chính Campuchia.
Campuchia có một kế hoạch hiện đại hóa hải quân rất tham vọng. Ông Nguyễn Thế
Phương cho biết cách đây nhiều năm thì đã nhiều luồng thông tin cho biết
Campuchia muốn mua một số tàu hải quân Type 56 của Trung Quốc. Và tàu hải quân
Type 56 thì cũng phù hợp với âu tàu 140 mét đang được hoàn thiện ở quân cảng
Ream mà ông Thomas Shugart nói đến.
Tuy
nhiên, theo ông Nguyễn Thế Phương, các nhà quan sát sẽ không chỉ nhìn vào bản
thân cái âu tàu mà đặt nó trong tổng thể cả quân cảng Ream. Khi đó, người ta lại
thấy quân cảng này quá lớn so với nhu cầu của hải quân Campuchia. Ông nói tiếp:
“Cái
âu tàu của quân cảng đó là khoảng 140 mét. Nhưng vấn đề của cả cái quân cảng đó
là gì? Nếu chúng ta xét năng lực hải quân của Campuchia thì nhiều chuyên gia
nói Campuchia chưa cần đến một quân cảng như vậy. Do đó, nhiều học giả cho rằng
quân cảng đó được xây dựng cho nước khác chứ không phải cho một lực lượng hải
quân còn yếu như Campuchia. Và nước khác đó ở đây là Trung Quốc.
Vấn
đề là người ta đã thấy hai tàu Trung Quốc đậu ở đó từ lâu rồi. Theo một số nguồn
tin thì Mỹ và Nhật Bản đã từng yêu cầu được ghé qua Ream nhưng Campuchia từ chối.
Việc
Campuchia mở rộng quân cảng ream rõ ràng phục vụ cho một sự hợp tác sâu hơn giữa
Campuchia và Trung Quốc. Trung Quốc sẽ sử dụng quân cảng này cho nhiều mục đích
khác nhau. Campuchia cũng sẽ sử dụng nhưng năng lực của Campuchia không đủ để
phải cần đến quân cảng lớn như vậy. Rõ ràng bên sử dụng nhiều nhất vẫn là Trung
Quốc. Đó là điều bị nghi ngờ nhiều nhất.”
Vịnh
Thái Lan không phù hợp cho tàu ngầm
Nhà
nghiên cứu Trần Bằng cho biết tàu ngầm có “một sức mạnh rất đáng kinh hãi” vì
nó có thể tiếp cận đối phương bí mật. Nhưng nó cũng có điểm yếu là một khi đã bị
phát hiện thì nó sẽ chết chứ khó mà sống sót. Vì tốc độ của tàu ngầm rất chậm. Tầu ngầm
có thể di chuyển ở vùng nước nông như Vịnh Thái Lan, nhưng muốn sống sót, tàu
ngầm cần di chuyển ở vùng nước sâu, để có thể lặn xuống nhanh, để tránh được
các loại tên lửa, bom ngầm tấn công. Ông nói:
“Có
một chuyên gia hải quân từng nói với tôi là đối với tàu ngầm thì chúng ta cứ
căn cứ vào chiều dài của nó để xác định chiều sâu của vùng nước cần thiết. Nếu
chiếc tàu ngầm dài 100 mét thì nó cũng cần 100 mét nước sâu để có thể di chuyển
tốt.
Không
có một tài liệu chính thức nào nói một tàu ngầm dài bao nhiêu mét thì phải hoạt
động ở vùng nước sâu bao nhiêu. Tuy nhiên, có hai vấn đề sau đây về độ sâu của
nước đối với tàu ngầm.
Trong
những cuốn sách vỡ lòng về tàu ngầm thì họ nói rằng vùng nước nông gây nhiều
khó khăn cho tàu ngầm. Vì vùng nước nông phức tạp về độ mặt, dòng chảy thay đổi
lung tung, phản xạ âm thanh bị ảnh hưởng bởi đáy biển nên rất khó cho tàu ngầm
bắt tín hiệu.
Ngoài
ra, ở vùng nước nông thì tàu khó di chuyển. Nếu lên cao quá thì dễ bị nổi, bị
phát hiện, xuống sâu hơn thì dễ bị chạm đáy biển, cũng nguy hiểm cho tàu ngầm.
Ngoài ra, đáy biển không phải là một mặt phẳng mà lồi lõm, có nhiều bùn, cát,
nhiều loại sinh vật dây dợ, cho nên nếu bị dây dợ cuốn vào chân vịt tàu ngầm
thì tàu gặp nguy hiểm ngay.”
Với
các vấn đề về kỹ thuật và địa lý như trên, liệu tàu ngầm có thể tác chiến ở
vùng biển nông như phía nam Biển Đông và Vịnh Thái Lan? Nhà nghiên cứu Trần
Bằng cho biết:
“Có
một tài liệu của Pháp đã nói rõ là khu vực phía nam Biển Đông thì gần như vô dụng
với tàu ngầm. Gần đây có vụ Úc theo dõi một con tàu ngầm Trung Quốc đi qua eo
biển Lombok và Sunda của Indonesia. Đó là eo biển sâu, thuận tiện cho tàu ngầm
đi qua. Tàu ngầm rất ít khi đi qua eo biển Malacca, vì tàu mặt nước quá nhiều,
không tiện cho tàu ngầm.
Còn
vịnh Cam Ranh của Việt Nam thì rất thuận tiện cho tàu ngầm vì chiều sâu của nó
khoảng 100 mét nhưng chỉ cần ra khỏi vịnh là gặp ngay vùng biển sâu, có chỗ lên
đến hàng ngàn mét.
Ở
Vịnh Thái Lan thì tàu ngầm gần như hoặc là nằm sát dưới bụng biển, là nổi lập lờ
gần mặt nước. Ngược lại, vịnh Cam Ranh giúp cho tàu ngầm có lợi thế là chỉ cần
thoát ra khoảng 50 km là gặp vùng nước sâu, an toàn cho tàu ngầm.”
Luyện
binh cho eo biển Đài Loan?
Trở
lại vấn đề chiều sâu của Vịnh Thái Lan, cả
hai ông Trần Bằng và Nguyễn Thế Phương cho rằng đây là một dấu hỏi lớn cho cái âu
tàu vừa khít để phục vụ cho tàu ngầm đang được hoàn thiện ở quân cảng Ream. Cả
hai đều đồng tình với phân tích của ông Thomas Shugart, một cựu sỹ quan tàu ngầm
của Hải quân Hoa Kỳ, về việc âu tàu mới này có thể phục vụ cho tàu ngầm. Tuy
nhiên, Vịnh Thái Lan là vùng vịnh có chiều sâu khá nông, trung bình chỉ 58 mét,
chỗ sâu nhất là 85 mét. Do đó, nó không phù hợp cho tác chiến tàu ngầm.
Ông Trần Bằng
đặt vấn
đề tại sao quân cảng Ream lại cần đến âu tàu có thể phục vụ cho tàu ngầm, trong
khi Vịnh Thái Lan lại nông như vậy? Giả thuyết ông đặt ra là cần nhìn lại eo biển
Đài Loan. Ông chỉ ra là eo biển Đài Loan cũng khá nông, độ sâu trung bình khoảng
59 - 60 mét, tương đương với Vịnh Thái Lan. Theo ông, đây chính là điểm mấu chốt
để hiểu vì sao Trung Quốc xây dựng một âu tàu “đúng kích thước cho tàu ngầm” ở
Ream, như ông Thomas Shugart đã chỉ ra. Trung Quốc nếu muốn đưa lực lượng tàu
ngầm tham gia vào cuộc tấn công Đài Loan trong tương lai, ông Trần Bằng phân
tích, họ cần cần một vùng nước nông tương tự eo biển Đài Loan và không bị giám
sát, để có thể luyện quân. Ông nói:
“Bây
giờ nếu mình đặt giả thuyết Trung Quốc có nhu cầu phải phát triển năng lực tác
chiến hải quân ở vùng biển nông. Nếu xét về năng lực hoạt động hải quân ở vùng
biển nông thì vùng eo biển Đài Loan và vùng phía nam Biển Đông là hai khu vực
mà Trung Quốc cần tăng cường, củng cố.
Nếu
họ huấn luyện hải quân ở vùng eo biển Đài Loan thì rất dễ bị theo dõi. Còn nếu
họ huấn luyện ở vùng phía nam biển Đông với các căn cứ ở Trường Sa và vịnh Thái
Lan với căn cứ Ream của Campuchia thì họ dễ che mắt hơn.
Ở
eo biển Đài Loan và khu vực Đông Bắc Á, hệ thống giám sát biển của Mỹ, Đài
Loan, Hàn Quốc, Nhật thì rất mạnh. Trong khi đó, ở khu vực phía nam biển Đông
và vịnh Thái Lan thì hệ thống giám sát của các nước Đông Nam Á như Indonesia,
Việt Nam khá yếu. Mặt khác, vì các nước Đông Nam Á này không phải là đồng minh
nên Mỹ không thể đặt hệ thống giám sát ở nam Biển Đông và vịnh Thái Lan như họ
đặt ở Nhật, Hàn, Đài Loan và cả Philippines."
Năng
lực chống ngầm yếu kém của Đông Nam Á
Trao
đổi với RFA, nhà nghiên cứu
Nguyễn Thế Phương cũng
đồng ý với góc nhìn của ông Trần Bằng. Theo ông Nguyễn Thế Phương, có những tài
liệu mô tả độ sâu của Vịnh Thái Lan thực tế chỉ sâu tầm 40 mét đến 50 mét. Tuy
nhiên, Trung Quốc có thể vẫn muốn đưa tàu ngầm đến đó. Ông Nguyễn Thế Phương giải
thích:
“Tàu
ngầm về mặt lý thuyết có thể hoạt động ở vùng nước nông. Vấn đề là Hoa Kỳ có
năng lực chống ngầm mạnh. Trong khi đó, các nước xung quanh vịnh Thái Lan không
sở hữu năng lực phát hiện tàu ngầm và chống tàu ngầm mạnh.
Đặc
biệt, khu vực biển Việt Nam được định danh là Vùng 5 hải quân là khu vực yếu.
Vùng 5 hải quân phụ trách bảo vệ các đảo từ Thổ Chu tới Phú Quốc. Hiện nay, các
năng lực chống ngầm mạnh nhất của Việt Nam được bố trí ở khu vực Vùng 3 và Vùng
4 hải quân, là hai vùng đối mặt với Hoàng Sa và Trường Sa, chứ không phải Vùng
5.”
Theo
hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương và Trần Bằng, khả năng Trung Quốc đưa tàu
ngầm đến Ream mới chỉ là giả thuyết về tương lai. Tuy vậy, theo họ, những diễn
biến mới ở quân cảng Ream làm cho các nước xung quanh Vịnh Thái Lan, đặc biệt
là Việt Nam, cần tiếp tục theo dõi và đánh giá lại chiến lược an ninh nói chung
cũng như bố trí quốc phòng nói riêng nếu cần thiết.
No comments:
Post a Comment