Vì
sao Serbia là quốc gia châu Âu đặc biệt quan trọng với Trung Quốc?
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 08/05/2024 - 16:15
Năm
năm kể từ đầu đại dịch Covid, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên
công du châu Âu đầu tháng 5/2024. Serbia, quốc gia vùng Tây bán đảo Balkan được
chọn làm điểm đến thứ hai, sau nước Pháp. Vì sao quốc gia không phải thành viên
Liên Hiệp Châu Âu (EU), với hơn 6 triệu dân này, lại được coi là một đối tác
chiến lược của Bắc Kinh ?
ổng
thống Serbia Aleksandar Vucic (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại
Beograd, Serbia, ngày 8/5/2024. REUTERS - Zorana Jevtic
Tây
Balkan, cánh cửa vào châu Âu của dự án ''Con đường Tơ lụa mới''
Nhà chính trị học người Áo Florent Marciacq, chuyên về khu vực
Tây Balkan và các ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, trong bài viết ‘‘Trung Quốc
tại vùng Tây Balkan : ảnh hưởng và các vấn đề chiến lược’’ (trang nhà của
viện tư vấn Fondation Jean Jaurès), nhấn mạnh đến việc ‘‘tự thân vùng Tây
Balkan không phải là ưu tiên chiến lược của Trung Quốc’’, nhưng khu vực này
trở thành chiến lược, do vị trí nằm sát Liên Hiệp Châu Âu, đối tác thương mại số
một của Trung Quốc. ‘‘Thâm nhập vào thị trường quan trọng này’’ là mục
tiêu số một mà Trung Quốc nhắm đến trong chính sách với Tây Balkan.
Dự
án Con đường Tơ lụa mới được coi là trụ cột trong chính sách mở rộng ảnh hưởng
trên quy mô toàn cầu của Trung Quốc. Kể từ 2012, khi ông Tập Cận Bình lên nắm
quyền, nhằm thúc đẩy Con đường Tơ lụa mới với châu Âu, Bắc Kinh khởi động ‘‘sáng
kiến 17+1’’, tức cơ chế đối tác giữa Trung Quốc và 17 nước châu Âu, bao gồm
12 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và 6 nước Tây Balkan, Albani,
Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia (tức bao gồm toàn bộ
các nước Tây Bankan, ngoài Kosovo, mà Trung Quốc không công nhận). Khu vực Tây
Balkan không nằm trong chính sách riêng của Bắc Kinh, mà là một bộ phận trong
‘‘sáng kiến 17+1’’.
Theo
chuyên gia Florent Marciacq, bên cạnh cánh cửa vào thị trường Liên Âu, tính
toán của Trung Quốc với khu vực Tây Balkan còn dựa trên triển vọng 6 quốc gia
này có thể được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu, ‘‘về lâu dài, có thể giúp
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng’’. Củng cố ảnh hưởng với các nước Balkan,
thành viên EU tương lai (cùng với một số thành viên Liên Âu), Bắc Kinh sẽ có thể
‘‘thêm bạn bớt thù’’ trong mặt trận phương Tây thân Mỹ trên quy mô toàn
cầu đang hình thành, đối đầu Hoa Kỳ với Trung Quốc trong việc dẫn dắt thế giới
về các phương diện chính trị, thương mại và công nghệ.
Trong
quan hệ với các nước Tây Balkan, Bắc Kinh đặc biệt tập trung đầu tư vào Serbia.
Trong tổng số đầu tư cho sáng kiến 17+1 của Trung Quốc với 17 nước châu Âu, ‘‘tín
dụng cho Serbia chiếm gần một phần ba’’.
Chính
sách đối ngoại của Serbia từ 2008: Trung Quốc là "một trong bốn trụ cột"
Vì
sao Serbia là quốc gia châu Âu đặc biệt quan trọng với Trung Quốc ? Bà Marie Krapata, Viện Pháp về Quan hệ Quốc tế (Ifri),
chuyên gia về các chính sách châu Âu (trong bài viết ‘‘Quan hệ Trung Quốc
- vùng Balkan : ‘Liên Âu đã hiểu ra tính chất dễ tổn thương của khu vực
ngoại vi của mình’ ’’) lưu ý đến chính sách ổn định của các thế lực cầm
quyền tại Serbia trong việc thiếp lập quan hệ đối tác với Trung Quốc từ hơn một
thập niên. Năm 2008 thường được coi như một cái mốc khởi đầu, khi Beograd dưới
thời tổng thống Boris Tadic (2004 – 2012) tìm kiếm các đối tác không công nhận
Kosovo như một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Tổng thống Boris Tadic vào thời
điểm đó đã xác định Trung Quốc là ‘‘một trong bốn trụ cột của chính sách đối
ngoại’’ (cùng với Liên Âu, Nga và Mỹ). Năm 2009, Serbia ký kết một thỏa thuận
song phương với Trung Quốc.
Theo
chuyên gia Marie Krapata, dự án ‘‘17+1’’ để thúc đẩy Con đường Tơ lụa Mới,
được Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng được khởi sự cách nay 10 năm, nay đã vấp phải
giới hạn. Nhóm 17 chỉ còn 14, sau khi Litva quyết định rút khỏi cùng với việc
cho phép Đài Loan mở cơ quan đại diện không chính thức tại thủ đô Vinius vào
năm 2021. Hai nước láng giềng Baltic, Estonia và Latvi, cùng nối gót Litva. Cộng
Hòa Séc, có lập trường ủng hộ Đài Loan, cũng giữ khoảng cách với dự án này.
Chính quyền Ý, thành viên duy nhất của khối G7, cũng quyết định rút khỏi dự án
Con đường Tơ lụa mới cuối năm ngoái. Nước Đức giờ đây cũng đã xem xét lại nhiều
hợp tác với Trung Quốc, theo hướng chú trọng nhiều hơn đến an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh nói trên, Serbia càng trở nên quan trọng hơn với Bắc Kinh.
Nếu
như tổng thống Boris Tadic, đảng Dân Chủ cánh tả, đặt nền móng trong giai đoạn
đầu tiên của quan hệ với Trung Quốc, thì chính trị gia Aleksandar Vucic, đảng
cánh hữu SNS cầm quyền từ năm 2014, đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ. 2014 cũng là
năm mà Serbia và quốc gia láng giềng Hungary – được coi là đối tác số một của
Trung Quốc trong Liên Âu - ký thỏa thuận với Bắc Kinh để hiện đại hóa đường sắt
nối hai thủ đô Beograd và Budapest, một phần của dự án Con đường Tơ lụa mới,
liên kết với cảng Piraeus do Trung Quốc kiểm soát ở Hy Lạp, Đông bán đảo
Balkan. Dự án trị giá hơn 2 tỷ đô la dự kiến sẽ hoàn thành năm 2026.
Chiến
tranh Ukraina khiến Tây Balkan càng quan trọng hơn
Trao
đổi thương mại Trung Quốc – Serbia tăng gần gấp 100 lần trong hơn một thập
niên. Hiện tại Trung Quốc đầu tư khoảng 60 dự án tại Serbia với tổng trị giá 19
tỉ đô la, và là đối tác kinh tế thứ hai sau Đức. Theo chuyên gia Vuk
Vuksanovic, trung tâm Belgrade Centre for Security Policy, ‘‘với cuộc chiến
tranh ở Ukraina, khu vực đông nam châu Âu (tức bao gồm vùng Tây Balkan) càng trở
thành một khu vực quan trọng hơn nữa để xâm nhập thị trường châu Âu’’.
Bên
cạnh kinh tế, một điều quan trọng bậc nhất khiến quan hệ Serbia – Trung
Quốc được nhà cầm quyền hai bên gọi là tình hữu nghị ‘‘son sắt’’ (ironclad hay
‘‘thiết can’’ trong tiếng Hoa), đó là lãnh đạo Serbia ủng hộ hoàn toàn
quan điểm của Bắc Kinh về Đài Loan và Tây Tạng (để đổi lại sự ủng hộ của Trung
Quốc về vấn đề Kosovo). Trong một chuyến đi Trung Quốc hồi năm ngoái, lãnh đạo
Serbia nói ông tự hào vì Serbia là “quốc gia duy nhất ở châu Âu chưa bao giờ
đưa ra tuyên bố chỉ trích hay tấn công Trung Quốc về bất kỳ vấn đề nào”.
Xói
mòn niềm tin vào phương Tây...
Tại
Serbia, có những hồi ức thù địch với khối NATO. Trung Quốc nằm ở tâm điểm của
chính quá khứ lịch sử nhạy cảm này. Trong cuộc can thiệp quân sự năm 1999 nhằm
chặn đứng cuộc tấn công của lực lượng người Serbia chống lại dân quân Albani ủng
hộ Kosovo độc lập, phi cơ NATO đã oanh kích vào đại sứ quán Trung Quốc, khiến
ba người chết. Sự kiện 25 năm về trước rất ít được nhắc lại ở châu Âu. Phía Hoa
Kỳ đã xin lỗi, khẳng định đây là một vụ oanh kích lầm, nhưng đối với Bắc Kinh,
đây là điều hệ trọng.
Chuyến công du Serbia của chủ tịch Trung Quốc được tổ chức
đúng dịp 25 năm sự kiện này. Theo Le Figaro, Bắc Kinh đã giữ bí mật về thời điểm chuyến đi đến phút chót. Dịp
25 năm sự kiện sứ quán Trung Quốc, tại thủ đô Serbia, trúng bom NATO được Bắc
Kinh tổ chức rầm rộ. Theo ông Stefan Vladisavljev, Quỹ BFPE, việc chọn ngày này
có ‘‘một ý nghĩa biểu tượng đặc biệt quan trọng’’. Sự kiện này được Bắc
Kinh sử dụng để khẳng định Trung Quốc là một quốc gia ‘‘yêu chuộng hòa bình’’,
trái ngược với NATO ‘‘bạo lực’’. Đúng ngày đầu tiên ông Tập Cận Bình đến
thăm Serbia, nhật báo Politika của Serbia công bố một bài viết của chủ tịch Tập
Cận Bình lên án vụ oanh kích nhắm vào sứ quán Trung Quốc cách nay 25 năm.
Chính
sách hữu hảo giữa nhà cầm quyền hai nước, các đầu tư lớn của Trung Quốc vào
Serbia, cùng các tuyên truyền dường như là một yếu tố khiến đông đảo người dân
Serbia có nhiều thiện cảm với Trung Quốc. Theo một thăm dò dư luận, công bố hồi
tháng 10/2023, của Viện Các vấn đề Châu Âu có trụ sở tại Beograd, khoảng ba phần
tư dân Serbia coi Trung Quốc là ‘‘quốc gia thân thiện’’, hai phần ba
hoan nghênh đầu tư vào Trung Quốc. Trong lúc đó tỉ lệ người dân tin tưởng vào
Liên Âu có chiều hướng sụt giảm mạnh. Một điều tra hồi năm ngoái cho thấy 46%
người Serbia cho rằng quốc gia này sẽ không bao giờ có thể được gia nhập EU (tỉ
lệ này là 33% vào năm 2015).
…
và áp đặt ‘‘mô hình kiểm soát xã hội’’ Trung Quốc tại châu Âu
Tại
Serbia, song song với các ảnh hưởng kinh tế tăng vọt của Trung Quốc, giới quan
sát chú ý đến mô hình kiểm soát xã hội kiểu Trung Quốc dần dần lan rộng, với hệ
thống các camera giám sát có mặt khắp nơi.
Bài
‘‘Serbia, con ngựa thành Troa của Trung Quốc, và các công nghệ
kiểm soát’’ trên Libération, cho biết hệ thống camera do Trung Quốc
sản xuất như vậy có mặt tại hầu hết các thành phố lớn của Serbia. Ông Andreij
Petrovski, giám đốc kỹ thuật một trung tâm bảo vệ quyền kỹ thuật số, nhấn mạnh
việc nhập khẩu kỹ thuật không phải là vấn đề, nhưng nhập khẩu mô hình kiểm soát
xã hội của Trung Quốc là điều đáng sợ. Cùng với camera kiểm soát là các hợp tác
khác của cảnh sát hai nước với nhiều phương tiện hiện đại như drone, máy đo
sinh trắc… khiến cho nhiều người khẳng định giờ đây ''tai mắt Trung Quốc đã
có mặt khắp'' quốc gia Tây Balkan này.
‘‘Tình
bạn son sắt’’ với Trung Quốc và ''con ngựa thành Troa'' đáng sợ
Kiểm
soát xã hội độc đoán với công nghệ hiện đại, hoạt động kinh doanh không minh bạch,
lợi dụng các tiêu chuẩn xã hội – môi trường bị coi nhẹ để hưởng lợi, ‘‘tình
bạn son sắt’’ mà giới cầm quyền Serbia và Trung Quốc gây dựng cùng nhau từ
hơn mười năm nay đang ngày càng gây lo ngại tại Serbia, cũng như tại châu Âu
nói chung.
Vùng
Tây bán đảo Balkan, mà Serbia là một quốc gia chủ chốt, nằm ở khu vực cửa ngõ
vào Liên Hiệp Châu Âu. Các quốc gia thuộc địa bàn chiến lược này có nhiều điểm
yếu chung trầm trọng, như kinh tế chậm phát triển, các định chế dân chủ - pháp
quyền non yếu, nhiều nơi thậm chí gần như vắng mặt, chủ nghĩa dân tộc có ảnh
hưởng mạnh.
Từ
hơn một thập niên, Trung Quốc có chính sách đầu tư mạnh vào Serbia. Theo nhiều
nhà quan sát, việc bám chắc vùng đất có vai trò quan trọng bậc nhất trong nhóm
các nước Tây Balkan giúp Trung Quốc phổ biến mô hình xã hội kiểm soát độc đoán,
phổ biến lập trường chống phương Tây mang tính hệ thống. Nếu thành công, Trung
Quốc sẽ có được một ‘‘con ngựa thành Troa’’ đáng sợ trong nội bộ cộng đồng
châu Âu.
----------------------------
Các
nội dung liên quan
NHÂN
QUYỀN - VIỆT NAM - TRUNG QUỐC - SERBIA
Công
nhân Việt Nam ở Serbia bị chủ lao động Trung Quốc bóc lột
TRUNG
QUỐC - SERBIA
Chủ
tịch Trung Quốc đến Serbia thắt chặt "tình hữu nghị bền vững"
TẠP
CHÍ TIÊU ĐIỂM
Pháp,
Hungary, Serbia : Ba điểm đến, ba mục tiêu của Tập Cận Bình
No comments:
Post a Comment