Thursday, May 2, 2024

TRUNG QUỐC : NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA DÂN TỘC HUNG HĂN TRÊN CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI, MỘT KHÔNG KHÍ CÁCH MẠNG VĂN HÓA (Pierre-Antoine Donnet / phantichkinhte123.com)

 



Trung Quốc: Những người theo chủ nghĩa dân tộc hung hãn trên các trang mạng xã hội, một không khí Cách mạng Văn hóa    

Pierre-Antoine Donnet

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch 

(phantichkinhte123.com)

01/05/2024

 https://www.phantichkinhte123.com/2024/05/trung-quoc-nhung-nguoi-theo-chu-nghia.html#more

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgxxCfNPyH9lwOzeCQ-U7UcpHdpoxdSBSgFvP7aWHEKK1wE92hVqwSplBD5-KulXLB4Rtld6iPQh5ne42BnUkMkJD0anYl7rq2cEZhkhOJGeCCgJSvzeGrYEOBWOPas3er1zbHZvMyYes-fCPmJYFemIG6-AfDBrppBpyIqYHEXZ9yT6DPWNZI9Q_IB5ZSd/w594-h396/Hinh%20dau%20bai.jpg

Nhà văn Trung Quốc Mặc Ngôn (Mo Yan) và là người nhận giải Nobel văn học trở thành mục tiêu của những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trên các trang mạng xã hội. (Nguồn: Killeen Daily)

 

Dưới sự cai trị của Tập Cận Bình, Trung Quốc đang dần dần khép kín với thế giới bên ngoài. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc, xã hội đặt ra nghi ngờ về tương lai của đất nước. Đến mức nhiều nhà quan sát đang tự hỏi: liệu người ta có đang chứng kiến sự xuất hiện một Cách mạng Văn hóa mới để phản ứng lại tất cả những điều nói trên?

 

Được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết, các trang mạng xã hội Trung Quốc đang bùng cháy. Họ cáo buộc tùm lum các nghệ sĩ, nhà văn và doanh nhân là những kẻ “phản quốc”. Một sự trượt dài đang bắt đầu khiến ngay cả bộ máy Đảng Cộng sản phải lo lắng. Thật vậy, mặc dù được kiểm soát chặt chẽ bởi hàng ngàn người kiểm duyệt hăng máu và phục tùng giới cầm quyền, các trang mạng xã hội này đang tăng gấp đôi sự cường điệu về chủ nghĩa dân tộc, với bối cảnh là sự tự tôn lòng yêu nước được chế độ mong muốn và duy trì một cách cẩn thận.

 

Gần đây, làn sóng tấn công đã nhắm vào Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Bắc Kinh, bị cáo buộc tội phản quốc với lý do trường này không nằm trong danh sách các mục tiêu trừng phạt của Mỹ. Nhiều cộng đồng mạng Internet khác đã bắt đầu nhắm đến phong cách ăn mặc “quá Nhật Bản” của cựu vận động viên thể dục Lý Ninh (李宁), 61 tuổi, người đã đoạt sáu huy chương ở [Thế vận hội mùa hè] Los Angeles vào năm 1984.

 

Tất cả đều diễn ra trên mạng [Toile] trong cuộc tranh cãi mang âm hưởng Cách mạng Văn hóa. Ví dụ với thương hiệu thức uống nổi tiếng Nông Phu Sơn Tuyền (农夫山泉), công ty nước đóng chai lớn nhất được thành lập vào năm 1996. Nhà sáng lập công ty, Chung Thiểm Thiểm (睒睒), 70 tuổi, đã trở thành doanh nhân giàu nhất Trung Quốc, với khối tài sản ước tính khoảng 60 tỷ USD. Con trai ông là Chung Thực Tử ( 塾子), người có hộ chiếu Mỹ đã bị tố “không đủ tư cách là người Trung Quốc”.

 

Như Jean-Paul Yacine của trang mạng chuyên ngành Question Chine [Vấn đề Trung Quốc] đã chỉ ra trên mạng xã hội Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc, gần đây người ta đã đọc thấy: “Chung Thực Tử sẽ thừa kế khối tài sản khổng lồ của cha mình. Nhưng người giàu nhất ở Trung Quốc, trong tương lai, lại là một người Mỹ. Không thể tin được. Nhiều người khác thì cáo buộc tội phản quốc, từ việc các quỹ đầu tư Vanguard và BlackRock của Mỹ đã đầu tư vào Nongfu.

 

Làn sóng quấy rối này tận dụng rất nhiều đòn bẩy dân tộc chủ nghĩa cổ điển xuất phát từ lòng căm thù Nhật Bản, được chính quyền Trung Quốc thường xuyên sử dụng để chuyển hướng sự chú ý của người dân, khi các vấn đề trong nước đang gia tăng như trường hợp hiện tại. Đây là lý do vì sao các chai trà thương hiệu Nongfu bị chỉ trích vì có hình trang trí cá chép koi (), gợi nhớ lại các biểu ngữ truyền thống Koinobori (鯉幟) của Nhật Bản, rất được Clemenceau [Thủ tướng Pháp trong thời gian 1906-1909 và 1917-1920 – ND] yêu thích.

 

Jean-Paul Yacine đã viết, “Như thường lệ, với sự phấn khích mang tính tập quần và lây lan, sự cuồng nhiệt cáo buộc, theo kiểu luật giang hồ, đã không chỉ giới hạn ở các trang mạng xã hội. Ngày 10 tháng 3, một bản tin của một đài truyền hình địa phương cho thấy hai cửa hàng 7-Eleven [theo ý niệm thiết kế của Nhậtở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đã loại bỏ tất cả các sản phẩm Nongfu khỏi kệ của họ. Ở lối vào cửa hàng, một tấm áp phích có nội dung có giá trị cảnh báo rõ ràng: “Chúng tôi bán sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng chúng tôi không bán sản phẩm có xuất xứ từ những doanh nghiệp ca tụng nước Nhật.”

 

Tệ hơn nữa, các video được tải lên Weibo cho thấy người quá khích đổ thức uống Nongfu xuống bồn cầu. Và nhiều cộng đồng mạng Internet chia sẻ hình ảnh các chai thức uống Nongfu, cùng với lời bình, với một ý đồ xấu rõ ràng, nhấn mạnh rằng thương hiệu này, trong thực tế, tượng trưng cho ngôi đền Yasukuni ở Tokyo, nơi mà người Nhật nuôi dưỡng ký ức về một số tội phạm chiến tranh.

 

 

“TRÒ HỀ DÂN TÚY”

 

Cuối cùng, một tình huống hiếm hoi, lòng thù hận theo chủ nghĩa dân tộc mang tính cáo buộc nhắm vào những kẻ phản bội thậm chí đã rút khỏi lĩnh vực tranh cãi thương mại, để tấn công vào lĩnh vực văn học nhạy cảm hơn, chính xác là vào lĩnh vực của người nhận giải Nobel Mặc Ngôn (莫言), khi mà vào thế kỷ 20, tài năng người Trung Quốc này đã nhiều lần xích lại gần những tham chiếu xuất sắc của phương Tây. Ở tuổi 69, người nhận Giải Nobel Văn học 2012 đã bị cáo buộc “xúc phạm tình cảm yêu nước của người Trung Quốc” – thuật ngữ thường được giới tuyên truyền Bắc Kinh sử dụng để chống lại sự chỉ trích của nước ngoài – đồng thời nhắm vào sự bôi nhọ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và xúc phạm cả Chủ tịch Mao lẫn người dân Trung Quốc. Trên ghế bị cáo về những phẫn nộ theo chủ nghĩa dân tộc, cuốn sách Le sorgho rouge [Cao lương đỏ] (1986) của ông, được chuyển thể thành phim vào năm 1987 do Zhang Yimou [Trương Nghệ Mưu] đạo diễn cùng với Gong Li [Củng Lợi], bà hiện đang sống ở Pháp và chưa bao giờ nói về tình hình chính trị ở Trung Quốc.

 

Chủ nghĩa sô-vanh không kiềm chế đang được tổ chức và tự khoe là nó tuân thủ pháp luật. Một cư dân mạng tên Mao Tinh Hóa luôn nói lời thiệt (说真话的毛星火), đã đệ đơn kiện Mặc Ngôn, đòi bồi thường về những thiệt hại và lợi ích, và yêu cầu cấm bán công khai các sách của ông ấy. Sự vận động của Mao Tinh Hóa còn kèm theo một bản cáo trạng dài gửi tới tòa án cáo buộc Mặc Ngôn đã “xúc phạm tình cảm [yêu nướccủa người Trung Quốc”, khi Mặc Ngôn mô tả những sai lệch trong cách hành xử của Bát lộ quân (八路軍), vốn được thành lập vào ngày 22 tháng 8 năm 1937 và do Đảng lãnh đạo trong biên chế Quân đội Cách mạng Quốc dân trong thời kỳ Chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945), đồng thời ca ngợi người Nhật. “Là một thanh niên lương thiện và yêu nước, tôi cảm thấy rất tức giận. Làm thế nào đất nước lại cho phép tồn tại một hành vi như thế?”, cư dân mạng Internet này đã viết. Các blogger theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan khác đã tập hợp lại vì “chính nghĩa” này, gọi “khiêu dâm những phần mang tính nhục dục lớn nhất trong tác phẩm của Mặc Ngôn. Hành động của họ dựa trên một luật năm 2018 quy định bất kỳ ai xúc phạm các anh hùng và liệt sĩ Trung Quốc đều phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự.

 

Hiểu được nguy cơ tự hủy diệt của sự cường điệu mang tính sô-vanh này, nhiều nhà trí thức, nhà văn, nhà báo và nhà bình luận chính trị, bao gồm cả những người từ mớ hỗn tạp của giới truyền thông chính thức, đã tự vận động với nhau để bảo vệ Mặc Ngôn. Trong khi Hồ Tích Tân, một người rất dân tộc chủ nghĩa, cựu tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu [Global Times]một tờ báo mà tự thân nó cũng theo chủ nghĩa dân tộc, cũng mô tả cách tiếp cận của blogger này là một “trò hề dân túy”, và bản thân Hồ Tích Tấn cũng là đối tượng bị đe dọa bởi một vụ kiện ra tòa. Tức thì, các trang mạng đã bùng nổ với hơn hai triệu lượt truy cập xung quanh hashtag “#MoYanenjustice” (莫言被起) [Mặc Ngôn bị khởi tố]. Các lời bình luận đối lập những “người yêu nước” với những người ủng hộ chính sách xoa dịu, cảnh báo về những nguy cơ độc hại các cuộc săn lùng phù thủy, vốn quen thuộc với những ai đã phải chịu đựng mười năm giết chóc điên cuồng của Cách mạng Văn hóa.

 

 

“SỰ TRỪNG PHẠT CUỐI CÙNG SẼ NHẮM VÀO NHỮNG NGƯỜI IM LẶNG”

 

Ở chính nước Trung Quốc, Ji Feng, một người từng tham gia biểu tình ở Thiên An Môn, người luôn chỉ trích chính quyền và thường xuyên bị quấy rối, đã so sánh sự cường điệu với những tố cáo công khai trong Cách mạng Văn hóa. Ông đã phân tích các nguy cơ: “Sự trừng phạt cuối cùng sẽ nhắm vào những người im lặng, và sau đó là chính những người đã không ca ngợi đủ mạnh những thành tựu của bộ máy [cầm quyền].”

 

Kể từ khi sống lưu vong ở Úc, nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn (慕容雪村), 50 tuổi, người ký tên dưới bút danh Hác Quần (郝群), đã tố cáo sự kiểm duyệt và đàn áp chính trị và không thấy có bất cứ bằng chứng nào cho thấy chính quyền ủng hộ những chỉ trích chống Mặc Ngôn. Ngược lại, ông cho rằng chính chính quyền đã tạo ra môi trường chính trị có lợi cho các chỉ trích trên.

 

Trong số ra ngày 28 tháng 3, nhật báo Nikkei Asia của Nhật Bản đã ghi nhận sự mâu thuẫn giữa lời chỉ trích Nông Phu Sơn Tuyền trên các trang mạng Trung Quốc với thực tế lịch sử, vốn cho thấy một hình ảnh ít được biết đến của văn hóa Trung Quốc: đó là một nhà sư Nhật Bản, người đã mang sang Nhật Bản, cách sử dụng trà Trung Quốc vào thế kỷ 13. Trên các chai trà xanh của Nông Phu Sơn Tuyền, có giải thích một cách hợp thức rằng vào năm 1267, nhà sư tên Nampo Jomyo đã theo học Phật giáo ở chùa Kim Sơn Tự (金山寺) trước khi trở về Nhật Bản và đã giới thiệu cách pha chế trà ở Nhật Bản, thứ mà sau này đã cho ra đời trà xanh mạt trà Nhật Bản (抹茶), và ngày nay trà xanh matcha vẫn là thức uống rất phổ biến. “Việc tấn công Nhật Bản khi sử dụng chùa Kim Sơn Tự và thương hiệu Nông Phu thực sự là tư tưởng hẹp hòi và cực kỳ kỳ lạ, đặc biệt khi tính đến ý nghĩa chính trị của ngôi chùa này.

Bởi vì, theo lời giải thích của Katsuji Nakazawa, chuyên gia về Trung Quốc học và cựu giám đốc văn phòng tạp chí Nikkei Asia tại Bắc Kinh, bản thân Tập Cận Bình cũng thường xuyên đến viếng chùa Kim Sơn ở khu vực miền núi tỉnh Chiết Giang, gần thành phố Hàng Châu. Chuyện đó diễn ra cách đây khoảng mười năm, khi ông [Tập] là chủ tịch tỉnh này. Khi đó ông [Tập] hy vọng rằng các chuyến viếng thăm này sẽ mang lại điều may mắn cho sự nghiệp tương lai của ông. “[Tập Cận Bìnhthích đến viếng [chùa này], và nói rằng khi làm thế, ông sẽ có cơ hội thăng tiếntheo lời giải thích của một cư dân ở vùng này, được chính tờ báo [Nikkei Asia] này trích dẫn trong một bài báo được đăng vào năm 2012. “Tôi tin chắc khu vực xung quanh [ngôi chùa nàysẽ được hưởng lợi từ sự kiện này để phát triển.

 

 

CỜ NHẬT BẢN VÀ CÁ CHÉP ĐỎ

 

Ngay sau khi bài báo nói trên được xuất bản, Tập Cận Bình, khi đó là chủ tịch tỉnh Phúc Kiến, đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang trong sáu năm, rồi làm Tổng Bí thư vào năm 2012. Không lâu sau, ông trở thành chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, rồi làm Bí thư Quân ủy Trung ương Quân đội Giải phóng Nhân dân. Có vẻ như điều đã rõ là khi đến viếng ngôi chùa này, ông đã biết rõ các mối liên hệ lịch sử giữa ngôi chùa Trung Quốc này với Nhật Bản. Vào năm 2015, khi phát biểu về những trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ông đã nói bóng gió đến một tình tiết tương tự mà ông đã trải qua ở tỉnh Phúc Kiến.

 

Khi làm việc ở tỉnh Phúc Kiến, tôi đã nghe nói về chuyến đi đến Nhật Bản của nhà sư và thiền sư nổi tiếng [Trung QuốcIngen vào thế kỷ 17. Ông này đã mang [đến Nhật Bảnnhững giá trị văn hóa và công nghệ tiên tiến [Trung Quốcvà đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của thời kỳ Edo (江戸時代). Khi đến thăm Nhật Bản vào năm 2009, tôi đã đến thăm thành phố Kitakyshu ở phía nam quần đảo và nhiều nơi khác. Tôi đã tự nhủ không biết có bao nhiêu mối liên hệ văn hóa và lịch sử không thể tách rời giữa người dân hai nước chúng ta”, ông Tập đã nói.

 

Theo nhiều lời chứng được tờ Nikkei Asia đưa tin, Tập Cận Bình khi đó rất tự hào về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nhật Bản, kể cả trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực. [Nhà sư và thiền sư] Ingen Ruyki (茅台酒), được biết đến dưới cái tên Trung Quốc là Ẩn Nguyên Long Kì (隠元隆琦), sinh năm 1592 và mất năm 1673, là nhà thơ, nhà thư pháp và là tu sĩ theo trường phái Lâm Tế (臨済) của Phật giáo Thiền tông (, zen), khi đó là và là vị cao tăng nhất của nơi này. Theo các tài liệu viết trong thời kỳ này, ông đã giúp phát triển văn hóa sencha (煎茶), một loại trà xanh, ở Nhật Bản, trong thời kỳ Edo, loại trà mà ngày nay đã trở nên cực kỳ phổ biến ở Nhật Bản.

 

Cộng đồng mạng, những người chỉ trích cá chép đỏ xuất hiện trên chai nước của Nông Phu Sơn Tuyền khi khẳng định chúng giống lá cờ Nhật Bản là điều “nực cười”, giới truyền thông Nhật Bản cho biết thêm. Mao Đài (茅台酒, một loại rượu mùi hạng sang làm từ lúa miến) được các thành viên trong Quân đội Giải phóng Nhân dân [Trung Quốcyêu thích, cũng có hình cá chép đỏ trên chai. Tuy nhiên, chưa bao giờ có bất kỳ lời chỉ trích nào về việc Mao Đài ca ngợi Nhật Bản.”

 

 

“CHIẾN TRANH NHÂN DÂN”

 

Trên thực tế, tất cả điều này là một minh chứng cho việc sử dụng các khẩu hiệu vì mục đích chính trị nhằm minh họa cho bầu không khí chống Nhật hiện nay, tờ Nikkei Asia viết tiếp. “Một trong những lý do là bầu không khí chính trị vốn không thay đổi trong nhiều năm qua. Tinh thần chống Nhật này được khuyến khích và tồn tại dai dẳng bởi vì việc tấn công Nhật Bản đã trở thành phương pháp an toàn nhất về mặt chính trị để đánh lạc hướng người dân [Trung Quốckhỏi sự thất vọng. Tình hình có vẻ vô vọng.

 

Mao Trạch Đông đã khởi xướng cuộc Cách mạng Văn hóa thê thảm (1966-1976). Cảm thấy bị đe dọa trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Vị cầm lái Vĩ đại” đã không ngần ngại cổ vũ Hồng vệ binh, phần lớn là những thanh niên ít học, “bắn phá tổng hành dinh để loại bỏ những đối thủ công khai hoặc không công khai, và làm thế để duy trì quyền lực. Lúc bấy giờ Mao Trạch Đông, xây dựng cho bản thân một sự sùng bái cuồng loạn, đã phát động mười năm đàn áp tàn bạo và tàn ác, mà nạn nhân chính là giới trí thức. Nhiều người trong giới trí thức này, bị buộc phải tiến hành các buổi tự phê trước đám đông được kích động cao độ, đã thà tự sát còn hơn chịu đựng những đau khổ khôn tả.

 

Hàng chục triệu người đã bị bức hại trong thời kỳ này, với ước tính số người chết lên đến từ hàng trăm nghìn đến 20 triệu. Một số tác giả, chẳng hạn như nhà tội phạm học Jean-Luc Domenach, ước tính số nạn nhân lên tới nhiều triệu người. Bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, Trung Quốc phải mất nhiều năm để thoát khỏi sự cô lập, đặc biệt nhờ công lao của Đặng Tiểu Bình, người mà từ năm 1978 đã đưa người dân Trung Quốc trở lại làm việc với chương trình cải cách kinh tế táo bạo của mình.

 

Tập Cận Bình, giống như Mao Trạch Đông, đã bao quanh mình một sự sùng bái bản thân hết mực. Trong công tác quản lý thảm hại chính sách “không Covid”, mà một trong những hậu quả là ngăn chặn việc mở cửa kinh tế, ông đã kêu gọi người dân Trung Quốc tiến hành “một cuộc chiến tranh nhân dân chống lại đại dịch, một cách diễn đạt gợi nhớ đến cách diễn đạt thường được sử dụng trong Cách mạng Văn hóa. Nỗi ám ảnh của ông, về sự ổn định và an ninh chính trị, kể từ nay được ưu tiên hơn sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, một chính sách đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy kể từ năm 1978 và đã làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

 

“NGAY CẢ NGƯỜI TRONG CÙNG MỘT GIA ĐÌNH CŨNG KHÁC NHAU”

 

Lo lắng trước bão táp kinh tế này, trong những tháng gần đây, ông [Tập] đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư này bằng cách hứa với họ rằng Trung Quốc vẫn mở cửa cho họ. Ngày 27 tháng 3, ông đã cố gắng tiến hành một hoạt động quyến rũ các doanh nhân Mỹ khi đích thân tiếp đón họ, nhưng khó đạt được nhiều kết quả. “Vào buổi sáng, Tập Cận Bình đã gặp gỡ [] đại diện cộng đồng các doanh nhân Mỹ tại Cung điện Nhân dân, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã đưa tin một cách ngắn gọn. Ông Tập Cận Bình đã chụp ảnh cùng họ trước khi bắt đầu cuộc họp.

 

Hình ảnh về cuộc gặp cho thấy Chủ tịch Trung Quốc đang tươi cười nói chuyện với một nhóm người mặc áo vest ngồi quanh những chiếc bàn dài. Đã có một số người ghi ghi chép chép. Trong số những người có mặt có Cristiano Amon, CEO của Qualcomm, một gã khổng lồ của Mỹ về vi mạch, và Stephen Schwarzman, Chủ tịch kiêm CEO của quỹ đầu tư Blackstone. “Sự khác biệt sẽ luôn tồn tại bởi vì mọi người đều khác nhau. Ngay cả những người trong cùng một gia đình cũng khác nhau”, ông Tập Cận Bình lập luận.

 

Hơn nữa, trong suốt một tuần, Bắc Kinh đã đón tiếp nhiều khách mời đến tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF – China Development Forum) và Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BAF – Boao Forum for Asia). Một cơ hội hoàn hảo để các quan chức cấp cao Trung Quốc trực tiếp chào đón giới lãnh đạo điều hành từ các công ty đa quốc gia và tăng cường hình ảnh các cử chỉ mở cửa của Trung Quốc. Nhưng việc xây dựng lại niềm tin không hề dễ dàng. Đặc biệt khi cộng đồng các doanh nghiệp, vốn đã lo lắng trước bầu không khí chính trị, càng thất vọng bởi luật chống gián điệp mới có hiệu lực vào tháng 7 năm ngoái, cho phép giới chức trách có một biên độ khá lớn để hành động đối với những gì mà họ coi là mối đe dọa an ninh.

 

Từ thực tế trên, liệu lò xo có bị gãy đứt lâu dài hay không? Ngày nay, nước Trung Quốc của Tập Cận Bình đang phải trả giá cho rất nhiều sai lầm kinh tế của ông. Giới thân cận gần nhất của ông đã thiếu hiểu biết trong lĩnh vực này một cách trầm trọng, và hệ thống quản trị Trung Quốc còn nhiều điều không hoàn hảo. Sự thay đổi ý thức hệ, vốn gợi nhớ đến Cách mạng Văn hóa, sẽ không có tác dụng gì để trấn an, mà ngược lại đằng khác.

 

Giới thiệu tác giả

Pierre-Antoine Donnet

 

Hình : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgNqWGUKyQVwhPjbV8WNrSbaoJ9slvWzjAQ5QY1DTaSOhPm86tEeuEni1dK1dKLhyphenhyphenKC8RK2k4OSSrrPsNoH0xR77-NlAyR07u8nveq8mdvwauhFIZs2RNV7edUprY0emS4dXDiHC-RPyvFQCoDZsojhIWswUJ1GNikYYvA2AHWDIYIG7DjF1b0pBu77Ebva/w131-h200/Pierre-Antoine%20Donnet%20(1953-).jpg

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

 

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng mười lăm cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, nhà xuất bản Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, nhà xuất bản Éditions de l’Aube vào năm 2021, thì vào cuối năm năm 2022, ông đã chủ biên một công trình tập thể có tựa là “Le Dossier chinoise [Hồ sơ Trung Quốc]” (nhà xuất bản Cherche Midi), và tiếp đó vào đầu năm 2023 cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste [Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát]” (nhà xuất bản L’Aube).

 

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

 

Nguồn: Chine: Les nationalistes déchaînés sur les réseaux sociaux, un air de Révolution culturelleAsialyst, ngày 06/04/2024.






No comments: