Tuesday, May 14, 2024

TRÍ THỨC VÀ NHIỆM VỤ CỦA TRÍ THỨC (Nguyễn Hưng Quốc / Facebook)

 



TRÍ THỨC VÀ NHIỆM VỤ CỦA TRÍ THỨC

Nguyễn Hưng Quốc 

7-5-2024  lúc 20:05  · 

https://www.facebook.com/hungquoc.nguyen.771/posts/pfbid02X9NXGWBKBnXP1e9nHycdLhQBEyz8Y3T7SDAKEmKLp6pbWAHFx99wiKuqytgz9Lv3l

 

TRÍ THỨC VÀ NHIỆM VỤ CỦA TRÍ THỨC

(Viết lại từ một status cũ)

 

Thông minh là do bẩm sinh. Kiến thức là do thụ đắc. Kỹ năng là do rèn luyện. Nhưng trí thức lại là một lựa chọn.

 

Kiến thức và kỹ năng phát triển đến mức nào đó đủ để biết cách trả lời những câu hỏi quan trọng trong một lãnh vực nào đó, người ta trở thành một nhà chuyên môn, dưới những tên gọi như kỹ sư, luật sư, bác sĩ, nhà kinh tế, nhà toán học, v.v…

 

Chỉ có những người không thỏa mãn với mọi câu trả lời, lúc nào cũng bị ám ảnh với các câu hỏi nảy sinh từ những vấn đề mới hoặc từ những câu trả lời cũ mới được xem là nhà trí thức.

 

Nói cách khác, trí thức là người thường xuyên tra vấn, luôn luôn đau đáu rượt theo những câu hỏi hơn những cách trả lời.

 

Những người vận dụng kiến thức và kỹ năng của mình để đặt ra những câu hỏi về những vấn đề ngoài phạm vi chuyên môn, những vấn đề liên quan đến chính trị và xã hội vốn tác động đến đời sống mọi người và tương lai của một dân tộc hoặc nhân loại nói chung mới là những trí thức công chúng (public intellectual).

 

Ở Việt Nam không thiếu những người có bằng cấp cao. Chúng ta chỉ thiếu trí thức. Càng thiếu hơn nữa những người đáng được gọi là trí thức công chúng. Cả nước, may lắm, chỉ được năm mười người.

 

Còn đâu là nhiệm vụ chính của người trí thức?

 

Đối với đất nước, đóng góp lớn nhất có thể làm được, từ các chuyên gia, là xây dựng; từ các trí thức, là phê phán.

 

Đất nước cần cả hai. Không có chuyên gia, không thể phát triển được; không có trí thức, sự phát triển ấy, nếu có, chỉ què quặt và có nguy cơ trở thành một bộ máy độc tài nghiền nát nhân dân, và cuối cùng, có khi đẩy đất nước xuống vực thẳm.

 

Ngay cả khi người ta phê phán sai thì bản thân sự phê phán của họ cũng là một bằng chứng của dân chủ đồng thời là chất dinh dưỡng của dân chủ: Nếu nó không làm lợi cho chính phủ thì ít nhất nó cũng làm lợi cho việc bảo vệ những giá trị căn bản của con người và góp phần đa dạng hoá nhận thức của con người, qua đó, bảo vệ con người.

 

Hơn nữa, đúng hay sai, mọi sự phê phán đều trở thành những thách thức đối với quyền lực; và khi quyền lực bị thách thức, nó cũng bị hạn chế; khi quyền lực bị hạn chế, nó cũng tránh được nguy cơ trở thành độc tài.

 

Chính vì thế, Tổng thống Mỹ, John F. Kenedy, có lần nói: “Không có tranh luận, không có phê bình, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể thành công và không có một nền cộng hòa nào có thể sống sót”.

 

Ước gì giới cầm quyền Việt Nam có thể hiểu được điều đó.

 





No comments: