Singapore
: Bề dày di sản kinh tế 20 năm của thủ tướng Lý Hiển Long
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 07/05/2024 - 08:56
Chuẩn bị khép lại 20 năm thời kỳ Lý Hiển Long, Singapore với
5,6 triệu dân là một trung tâm nghiên cứu uy tín trong khu vực, là một trong những
quốc gia có cơ sở hạ tầng phát triển đầy đủ nhất, là một trong 5 nước
« giàu nhất » thế giới, là bãi đáp của nhiều tập đoàn đa quốc gia
không quá xa Hoa Lục. Thành công đó gắn kết với một chính sách ngoại giao tinh
tế giữa hai siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc, với vai trò đầu tàu của
ASEAN.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự thượng đỉnh ASEAN tại
Jakarta, Indonesia ngày 05/09/2023. AP - Mast Irham
Singapore
đã dễ dàng qua mặt Hồng Kông trở thành tâm tài chính, thương mại năng động nhất
của châu Á. Tôn trọng những giá trị của một nhà nước pháp quyền, Singapore là
điểm đầu tư có uy tín với phương Tây.
RFI
tiếng Việt mời nhà báo Nguyễn Giang, cựu biên tập viên BBC hiện nghiên cứu tại
viện Đông Nam Á ISEAS- Yusof Ishak – Singapore cùng nhìn lại 20 năm thủ tướng
Lý Hiển Long cầm quyền.
*****
Vào
lúc ông Lý Hiển Long nhường lại chiếc ghế thủ tướng cho thế hệ lãnh đạo thứ tư
là ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong), các nhà quan sát đồng loạt đánh giá rất
cao những thành tích kinh tế của Singpapore trong 2 thập niên qua và không quên
nhắc lại thân thế của thủ tướng mãn nhiệm.
Kinh
tế Singapore sau 20 năm cầm quyền của PAP
Là
con trai cả của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, trước khi lên lãnh đạo chính phủ,
ông Lý Hiển Long từng điều hành các bộ Thương Mại và Công Nghiệp và cũng từng đảm
nhiệm vai trò phó thủ tướng. Nhờ kinh nghiệm dày dặn đó, Singapore nay đang
tiên phong trong nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là một trung tâm tài chính
của châu Á.
Về
nội trị; ông Lý Hiển Long cổ vũ cho các giá trị châu Á, được ghi vào Cương lĩnh
của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền. Chính sách của chính phủ là nâng
cao vị thế của Singapore trong toàn cầu hóa, nhấn lạnh tính thực tiễn, thực dụng,
vì sự hài hòa sắc tộc, văn hóa của các nhóm cư dân chính : người gốc Hoa, Mã
Lai, Ấn Độ và hai nhóm nhập cư: giới chuyên gia có tay nghề cao và lao động phổ
thông.
Nguyễn
Giang : « Về
kinh tế, ông Lý Hiển Long được ghi nhận là để lại một di sản đáng nể cho
Singapore nhờ chiến lược đầu tư khôn ngoan, dài hạn và tạo vị thế đặc biệt về
thương mại quốc tế thời Toàn cầu hóa. Ông dẫn dắt Singapore bước vào thế kỷ 21
trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới về kỹ thuật số, dịch vụ tài chính,
tiền tệ quốc tế, hải cảng quan trọng nhất Đông Nam Á. Khi ông rời vị trí lãnh đạo,
Singapore có trong tay 1,77 nghìn tỷ USD trong các quỹ chủ quyền (sovereign
funds) và 480 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại tệ (tính đến tháng 2/2024).
Đặc
biệt là sau đại dịch Covid, Singaopore không hề hụt đi đồng nào mà còn có thặng
dư ngân sách liên tiếp. Giới quan sát nói ông Lý Hiển Long đã khéo léo dẫn dắt
Singapore chống chọi đại dịch Covid bằng chính sách trợ cấp cho dân, giãn thuế
cho doanh nghiệp, đẩy mạnh số hóa, tiêm vaccine đại trà và linh hoạt trong cách
phong tỏa chống Covid, rồi nhanh chóng mở lại sinh hoạt kinh tế.
Có
thể nói, sau đại dịch, Hong Kong vì bị Trung Quốc bắt đóng cửa lâu đã mất luôn
vị thế một trung tâm tài chính quan trọng của châu Á. Cùng lúc Singapore giành
được cơ hội đó để vươn lên, thu hút thêm nguồn đầu tư và nhận cả một phần nguồn
nhân lực cao cấp của Hồng Kông di chuyển sang Singapore sinh sống, làm
ăn ».
Thách
thức về kinh tế và dân số
RFI : Thủ tướng Lý Hiển
Long, thế hệ lãnh đạo thứ ba từ khi Singapore giành được độc lập năm 1965, để lại
không ít thách thức cho đảo quốc này : Singapore nổi tiếng là nơi có đời sống
đắt đỏ, thanh niên khó mà tìm được một mái nhà, dân số đang trên đà lão hóa và
phải tuyển dụng 40 % lao động nhập cư. Hơn thế nữa những lợi thế của Singapore
về thuế doanh nghiệp, về có sở hạ tầng đang bị một vài nơi khác như Dubai đuổi
kịp… Tăng trưởng và sức hấp dẫn của Singpore có bị đe dọa hay không ?
Nguyễn
Giang :
« Thứ nhất là trong 5,6 triệu người sống tại hòn đảo nhỏ thì dân số bản địa
chỉ có 3,6 triệu người đang bị già đi nhanh, sinh suất giảm và nền kinh tế phải
dựa vào 40% nhân khẩu nhập cư, bằng hai triệu người, gồm là giới chuyên gia và
lao động phổ thông.
Thứ
nhì, sau đại dịch Covid, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu là chính gặp vấn đề về
tăng trưởng, chỉ đạt 1,1% năm 2023 vì nhu cầu hàng hóa, dịch vụ từ các thị trường
lớn là Hoa Kỳ và Liên Âu giảm. Cuộc thương chiến Mỹ-Trung cũng đặt Singapore
vào tình thế khó khăn khi muốn cân bằng quan hệ làm ăn để hưởng lợi từ cả hai
thị trường này ».
Nền ngoại
giao linh hoạt, gắn chặt lợi ích an ninh với Phương Tây
RFI : Những thành công
kinh tế vừa nêu có được, chủ yếu nhờ chính sách đối ngoại rất « uyển chuyển »
của Singapore dưới thời thủ tướng Lý Hiển Long, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc
và Mỹ tranh giành ảnh hưởng về nhiều mặt, đặc biệt là tại châu Á-Thái Bình
Dương.
Nguyễn
Giang :
« Nói về nền ngoại giao Singapore thì thời kỳ cầm quyền của ông Lý Hiển
Long đánh dấu việc Singapore nêu quan điểm mạnh mẽ, nhất quán vì một ASEAN tôn
trọng luật chơi quốc tế. Cùng với nền ngoại giao mềm mỏng của Indonesia,
Singapore đã giúp ASEAN có tiếng nói rõ ràng hơn trên trường quốc tế, như
trong vấn đề ủng hộ Ukraina khi nước này bị Nga xâm lăng. Ông Lý Hiển Long cũng
tạo dấu ấn khác cha ông, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người tuy ký kết an ninh
chặt chẽ với Hoa Kỳ, vẫn cố gắng không làm mất lòng lãnh đạo Trung Quốc. Còn
ông Lý Hiển Long, người học ở Harvard về, ngay sau khi lên nhậm chức thủ tướng
năm 2004 đã sang thăm Đài Loan, gây phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc.
Singapore
cũng kiên trì với chính sách không cô lập Đài Bắc mà còn giúp TQ và Đài Loan đối
thoại thay vì đối đầu, bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Tập Cận Bình và
Mã Anh Cửu ở Singapore năm 2015. Một năm sau, ông Lý Hiển Long thay mặt
Singapore, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, phê phán việc quân sự hóa ở Biển
Đông của Trung Quốc, gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Tuy
thế, quan hệ thương mại Singapore-Trung Quốc tiếp tục được nâng cao từ khi ký
Hiệp định Tự do Mậu dịch song phương năm 2009. Cùng lúc, từ 2005, Singapore là
đối tác an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ, tuy không phải là đồng minh quân sự (security
partner, not US treaty ally) và quan hệ này được thắt chặt liên tục những
năm qua ».
RFI : Mỹ điểm tựa quân sự
cốt yếu của Singapore ?
Nguyễn
Giang :
« Thủ tướng Lý Hiển Long có nhiều chuyến thăm Hoa Kỳ liên tiếp mấy năm
qua, vào các năm 2022, 2023, 2024, để dự các hội nghị APEC, LHQ, thăm các đại
công ty công nghệ ở California và tới Washington DC hội đàm với lãnh đạo Hoa Kỳ.
Singapore ủng hộ viễn kiến ‘Ấn Độ -Thái Bình Dương mở’ (Open Indo-Pacific) của
chính phủ Biden. Singapore có quân cảng Changi để đón các tàu chiến, gồm cả
hàng không mẫu hạm của Mỹ và Anh và đầu năm nay đã quyết định mua 8 chiếc F-35,
chiến đấu cơ thế hệ mới từ Hoa Kỳ ».
Singapore
và ASEAN
RFI : Là một trong 5 thành
viên ban đầu của Hiệp Hội Đông Nam Á từ năm 1967, Singpore cùng với Indonesia
hiện là hai đầu tàu của toàn khối ASEAN, có tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng trên
nhiều hồ sơ quốc tế, từ khủng hoảng ở Miến Điện đến chính sách đối với Nga
trong cuộc chiến Ukraina … Riêng quan hệ giữa Singapore với Việt Nam thì sao ?
Nguyễn
Giang :
« Trong những năm cuối ở vị trí thủ tướng, ông Lý Hiển Long đưa Singapore
trở thành quốc gia ASEAN duy nhất tung ra lệnh cấm vận trừng phạt Nga vì cuộc
chiến của Kremlin ở Ukraina. Theo đánh giá của GS Michael Barr, một chuyên gia
về chính trị Singapore ở Úc thì ông Lý Hiển Long đã chọn cách nói thẳng, dựa
trên những giá trị quốc tế phổ quát trước các câu hỏi mà Đông Nam Á và
Singapore đối mặt, “vứt bỏ chiếc áo choàng mờ ảo, nước đôi” (cloak of
ambiguity).
Năm
ngoái, Singapore nói sẽ tuân thủ mọi lệnh trừng phạt nếu có của Liên Hiệp Quốc
với các tướng lĩnh Miến Điện và đã rà soát, ra lệnh cho các ngân hàng cắt giao
thương tài chính với Liên bang Myanmar nhằm ngăn giới quân sự ở Naypyidaw mua
vũ khí từ bên ngoài.
Còn
trong quan hệ với Việt Nam, chính phủ của ông Lý Hiển Long đã ký Đối tác chiến
lược trong chuyến thăm của ông năm 2013 tới Hà Nội. Singapore và Việt Nam chia
sẻ quan điểm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Đón thủ tướng Việt Nam, ông Phạm
Minh Chính sang thăm Singapore năm ngoái, lãnh đạo Singapore nhấn mạnh về ba
lĩnh vực hợp tác mới với VN là chuyển đổi năng lượng xanh, nền kinh tế số và
công nghệ cao. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước cung cấp nguồn lao động chủ yếu
trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, bán lẻ cho Singapore. Mô hình cải cách bộ máy
công quyền của Singapore được Việt Nam quan tâm tìm hiểu.
Tuy
thế, trong ASEAN, Indonesia hiện là đối tác quan trọng nhất của Singapore và
trong chuyến thăm mới đây tới Bogor, cuối tháng 4/2024 ông Lý Hiển Long đã cùng
tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cùng quan chức hai
bên ký kết bốn thỏa thuận hợp tác song phương quan trọng. Đó là các thỏa thuận
cấp nhà nước về lãnh hải, quân sự, an ninh và chính sách thông tin, với sự chứng
kiến của hai nhà lãnh đạo kế tiếp, Phó Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài và tổng
thống tân cử của Indonesia Prabowo Subianto.
Đây
chính là những gì ông Lý Hiển Long và ông Jokowi để lại cho những người kế nhiệm
chăm lo vào những năm tới. Mối quan hệ này sẽ giúp hai quốc gia chủ chốt ở
ASEAN có chỗ dựa vào nhau tốt hơn để đối phó với các biến động trên thế giới,
nhất là xung khắc Mỹ-Trung trong cuộc cạnh tranh đại cường của thế kỷ ».
RFI
:
Xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Giang, cựu biên tập viên BBC World
Service, Luân Đôn, hiện nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak,
Singapore.
No comments:
Post a Comment