Quan hệ Tập-Putin sẽ còn tồn tại
lâu dài
Gideon Rachman
| Financial
Times
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
https://nghiencuuquocte.org/2024/05/26/quan-he-tap-putin-se-con-ton-tai-lau-dai/
Việc đối đầu với kẻ thù chung – Mỹ – sẽ ngăn căng thẳng giữa
Trung Quốc và Nga bùng phát.
Trên hết, danh tiếng “thiên tài ngoại giao” của Henry
Kissinger đã được xây dựng dựa trên một thành tựu: việc Mỹ và Trung Quốc xích lại
gần nhau vào đầu những năm 1970.
Được đàm phán trong bí mật và sau đó được công bố khiến cả thế
giới phải sửng sốt, việc Mỹ mở cửa quan hệ với Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn
động lực của Chiến tranh Lạnh. Liên Xô đột nhiên trông bị cô lập hơn nhiều.
Ngày nay, ký ức đó vẫn còn tồn tại trong nền chính trị quốc tế.
Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine hồi năm 2022, nhiều chính phủ
phương Tây đã tìm cách lặp lại chiến thuật này – bằng cách phá vỡ mối quan hệ đối
tác “không giới hạn” giữa Nga của Vladimir Putin và Trung Quốc của Tập Cận
Bình.
Nhưng những cuộc nói chuyện hão huyền về việc chia cắt Moscow
khỏi Bắc Kinh đã che đậy sự chia rẽ quan điểm về việc nên lôi kéo nước nào
trong hai nước này. Nhiều người châu Âu hy vọng có thể thuyết phục Tập có đường
lối cứng rắn hơn với Putin về vấn đề Ukraine. Nói cách khác, mục tiêu của họ là
cô lập Nga.
Tuy nhiên, ở Washington, quan điểm được đồng thuận lại là
Trung Quốc mới là đối thủ nguy hiểm hơn trong dài hạn. Một số chiến lược gia Mỹ
lo ngại về việc đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc, và theo đó làm thay đổi
cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Dù ông từ lâu đã ngưỡng mộ Trung Quốc, nhưng có vẻ đây cũng
là quan điểm của chính Kissinger. Ông đã nói với tôi ngay trước khi qua đời rằng
ông lo sợ một nước Nga suy yếu sẽ thực sự trở thành vệ tinh của Trung Quốc, và
kết quả là phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể mở rộng đến tận khu vực cách
Warsaw chỉ vài trăm dặm.
Về lý thuyết, tạo ra sự chia rẽ Moscow-Bắc Kinh lần thứ hai sẽ
là giải pháp cho những lo lắng như của Kissinger. Thật không may, động thái địa
chính trị đó lại rất khó có thể xảy ra trên thực tế – chí ít là trong tương lai
gần. Việc Putin được tiếp đón nồng nhiệt khi ông đến thăm Bắc Kinh hồi tuần trước
là minh chứng cho sự vững chắc của quan hệ Trung-Nga.
Quan hệ Tập-Putin sở dĩ vẫn bền chặt vì nó dựa trên một thế
giới quan chung. Cả hai đều là những người theo chủ nghĩa dân tộc chuyên chế
xem Mỹ là mối đe dọa chính. Trong tuyên bố chung được đưa ra nhân chuyến thăm
Trung Quốc của Putin, hai bên đã cáo buộc Mỹ theo đuổi chính sách “ngăn chặn
kép” nhắm vào Nga và Trung Quốc, đồng thời còn có hành vi “bá quyền.”
Moscow và Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang cố gắng bao vây Nga và
Trung Quốc bằng các liên minh quân sự thù địch – NATO ở châu Âu, và các liên
minh song phương của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và Australia ở Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tất nhiên, lý do khiến Mỹ có nhiều đồng minh ở châu Âu và
châu Á là do cả Nga và Trung Quốc đều gây sợ hãi cho các nước láng giềng. Đây
là một thực tế mà Putin và Tập đều không muốn thừa nhận. Thay vào đó, họ nhấn mạnh
rằng họ đang bảo vệ đất nước của mình khỏi một nước Mỹ theo chủ nghĩa bành trướng.
Nhiều khả năng, họ thực sự tin vào điều đó.
Trong lúc họ nhìn các đồng minh của Mỹ trong khu vực với ánh
mắt nghi ngờ, Nga và Trung Quốc lại xem nhau là những nước láng giềng tương đối
đáng tin cậy. Họ có chung một đường biên giới dài. Do đó, việc duy trì quan hệ
hữu nghị được cả hai nước xem là quan trọng, nhằm ngăn chặn chính sách “ngăn chặn
kép” của Mỹ và các đồng minh.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, thất bại của Nga sẽ có nguy cơ
khiến Trung Quốc bị cô lập một cách nguy hiểm. Như một nhà ngoại giao Trung Quốc
đã nói một cách mỉa mai, đề xuất của Mỹ đối với Bắc Kinh có thể được tóm tắt là
“Xin hãy giúp chúng tôi đánh bại đồng minh thân cận nhất của các vị, rồi sau đó
chúng tôi sẽ tấn công chính các vị.” Theo cách tương tự, Putin biết rằng sự hỗ
trợ của Trung Quốc là không thể thiếu đối với nỗ lực chiến tranh của Nga ở
Ukraine.
Sự phụ thuộc lẫn nhau này đồng nghĩa là Moscow và Bắc Kinh sẽ
gắn kết với nhau, bất chấp những căng thẳng tiềm ẩn trong mối quan hệ của họ.
Tuy nhiên, những căng thẳng đó chắc chắn vẫn sẽ tồn tại. Bất
chấp những điểm tương đồng trong thế giới quan của họ, Nga và Trung Quốc đang ở
trong những tình huống địa chính trị rất khác nhau. Putin đã biến nước Nga
thành một quốc gia bị phương Tây bài xích. Ngược lại, Trung Quốc vẫn là một
trong những đối tác thương mại lớn nhất của cả Mỹ và châu Âu.
Sự khác biệt đó khiến Nga sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mà
Trung Quốc có thể cho là quá liều lĩnh. Trong chuyến đi gần đây tới Bắc Kinh, một
số nhà phân tích Trung Quốc nói với tôi rằng họ cảm thấy không thoải mái trước
quan hệ quân sự ngày càng gần gũi giữa Nga và Triều Tiên. Có một quan ngại là –
để đổi lấy đạn pháo của Triều Tiên – người Nga đã chia sẻ công nghệ quân sự
tiên tiến với chế độ Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng một cách thiếu khôn ngoan.
Về lâu dài, Điện Kremlin cũng phải lo lắng về sự phụ thuộc
ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc – và về sự mất cân bằng quyền lực ngày
càng tăng giữa hai quốc gia. Người Nga nhận thức rõ rằng Trung Quốc đã nhượng lại
hàng trăm nghìn km lãnh thổ cho họ trong thế kỷ 19. Nhưng trên các bản đồ mới
xuất bản gần đây của Trung Quốc, một số thành phố Nga lại xuất hiện với tên tiếng
Trung cổ – sự thay đổi bản đồ này chắc chắn đã được Moscow chú ý.
Tuy nhiên, tất cả những căng thẳng này phần lớn vẫn chỉ đang
âm ỉ. Và đó là sự khác biệt quan trọng với tình hình trong giai đoạn 1971-1972,
khi sự chia rẽ Trung-Xô diễn ra khá công khai – mang đến cho Nixon và Kissinger
một cơ hội rõ ràng để lôi kéo Trung Quốc.
Vào thập niên 1970, việc tận dụng cơ hội đó đòi hỏi Mỹ phải
có những nhượng bộ đáng kể đối với thế giới quan của Trung Quốc, trước hết là về
vấn đề Đài Loan. Nhưng nỗ lực thứ hai của phương Tây nhằm phá vỡ trục Nga-Trung
ngày nay có thể sẽ đòi hỏi những thay đổi chính sách thậm chí còn khó khăn hơn
– đối với Đài Loan hoặc Ukraine. Nhưng hiện tại Washington không mặn mà với việc
thực hiện bất kỳ động thái nào như vậy.
Nguồn: Gideon Rachman, “The
relationship between Xi and Putin is built to last,” Financial
Times, 20/05/2024
No comments:
Post a Comment