Monday, May 27, 2024

NICARAGUA KIỆN ĐỨC LIÊN QUAN ĐẾN XUNG ĐỘT ISRAEL - PALESTINE : VÀI ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT (Nguyễn Quốc Tấn Trung / Luật Khoa tạp chí)

 



Nicaragua kiện Đức liên quan đến xung đột Israel-Palestine: Vài điều bạn cần biết

Nguyễn Quốc Tấn Trung

MAY 23 20248:00 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/05/nicaragua-kien-duc-lien-quan-den-xung-dot-israel-palestine-vai-dieu-ban-can-biet/

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/05/ICJ-Germany---Nicaragua---X.jpg

Tòa án Công lý Quốc tế hôm ra phán quyết về vụ Nicaragua kiện Đức. Nguồn ảnh: X (Twitter) ICJ.

 

Ngày 30/4 vừa qua, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vừa đưa ra phán quyết (tạm thời) liên quan đến vụ Nicaragua kiện Đức với các cáo buộc Đức đang tiếp tay, hỗ trợ cho các hành vi “có khả năng diệt chủng” của Israel tại Gaza. [1] Từ đó, chính phủ nước này yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 41 của Quy chế ICJ cũng như Công ước chống Diệt chủng (1948). 

 

Dưới đây là một số thông tin pháp lý mà bạn đọc của Luật Khoa có thể cần biết. 

 

Cáo buộc và lập luận của Nicaragua

 

Nicaragua kiện Đức vào đầu tháng 3/2024 dựa vào Điều IX của Công ước chống Diệt chủng (1948), cho phép các quốc gia thành viên khởi kiện lẫn nhau liên quan đến vấn đề diễn giải, áp dụng và hoàn thành trách nhiệm được ghi nhận trong công ước.

 

 

Có thể tổng hợp quan điểm của chính phủ Nicaragua thành ba điểm chính như sau:

 

1.    Với việc cung cấp vũ khí và các thiết bị quân dụng khác cho Israel, cũng như việc ngừng cung cấp tài chính cho UNRWA (United Nations Relief and Works Agency for Palestine Refugee in the Near East), Đức đang vi phạm các nghĩa vụ của mình trong việc ngăn chặn diệt chủng được ghi nhận ngay tại Điều 1 của Công ước chống Diệt chủng.

Để độc giả biết rõ thêm, UNRWA rơi vào một số bê bối liên quan đến cáo buộc nhiều tay súng trực thuộc Hamas đang làm việc và hưởng lương từ UNRWA hồi đầu năm 2024. Một số thậm chí còn bị cáo buộc là tham gia vào vụ thảm sát ngày 7/10/2023 bên trong lãnh thổ Israel. Sau các cáo buộc và một số bằng chứng ban đầu, một số quốc gia như Mỹ, Canada, hay Đức đã 
tạm ngừng các khoản viện trợ dành cho tổ chức này. [2] Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các khoản viện trợ đã được tiếp tục trở lại trong khi sự can thiệp của Hamas vào UNRWA vẫn còn nhiều tranh cãi. 

 

2.    Với cùng các hành vi trên, Đức cũng đang vi phạm các nghĩa vụ của mình trong việc tôn trọng pháp luật nhân đạo quốc tế, mà đặc biệt là theo Điều 1 phổ quát của nhóm Công ước Geneva 1949; 

 

3.    Cuối cùng, Nicaragua cho rằng những hành vi tiếp diễn của Đức đang xâm phạm quyền dân tộc tự quyết của người Palestine. 

 

Trong hồ sơ của mình, Nicaragua cũng dùng các thuật ngữ và cáo buộc pháp lý khá mạnh và phổ biến dành cho Israel, ví dụ như việc gọi Israel là nhà nước “apartheid” (hay nhà nước phân biệt chủng tộc - tương tự như chính quyền Nam Phi trước kia), hay chỉ thẳng các hành vi của Israel bản chất là diệt chủng chứ không đơn thuần là “cáo buộc” như thuật ngữ mà ICJ cũng như các luật sư quốc tế hay sử dụng. 

 

 

Phản biện của Đức

 

Tại phiên tranh tụng hồi đầu tháng Tư, chính phủ Đức đề nghị ICJ không chỉ là không chấp thuận yêu cầu của Nicaragua mà còn nên loại bỏ vụ việc ra khỏi danh sách các vụ việc đã và đang được ICJ cân nhắc (General list) để cho thấy tính bất hợp lý của toàn bộ các cáo buộc và thủ tục khởi kiện.

 

Các quan điểm chính của Đức có thể được tổng hợp như sau:

 

1.    Đức cho rằng vụ kiện đã được tiến hành một cách hấp tấp và không đầy đủ về mặt điều kiện tranh chấp khi mà cả hai bên đều chưa trải qua bất kỳ tranh chấp hay tham vấn nào cụ thể.

 

2.    Ngoài ra, chính phủ Đức cũng bổ sung là tranh chấp được cho là giữa Đức và Nicaragua không thể tách rời khỏi các vụ kiện liên quan đến Israel. Trừ khi có một văn bản pháp lý xác định các vi phạm pháp lý của Israel, và Đức vẫn tiếp tục ủng hộ Israel, những cáo buộc mà Nicaragua dành cho quốc gia này là không thỏa đáng. 

 

3.    Ngoài ra, chính phủ Đức cũng nêu quan điểm rằng pháp luật nội địa của quốc gia này có một hệ thống giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu các vũ khí quân sự (war weapons), đồng thời kèm theo đó là các thủ tục thẩm tra để bảo đảm những vũ khí xuất khẩu không bị sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.

 

4.    Cuối cùng, Đức cho rằng các thông tin mà phía Nicaragua đưa ra là có phần thậm xưng hay thậm chí ngụy tạo. Thực tế thống kê cho thấy chính quyền Đức đã giảm đáng kể lượng vũ khí quân sự gửi tới Israel ngay sau vụ tấn công ngày 7/10. Chưa hề có giấy phép xuất khẩu vũ khí quân sự có tính hủy diệt cao hay số lượng lớn nào tới Israel từ Đức trong suốt nửa năm qua.

 

 

Quyết định của Tòa

 

Phán quyết của ICJ được hầu hết giới luật sư quốc tế dự đoán là sẽ không chấp thuận lý luận mà Nicaragua đưa ra. Kết quả đúng là như vậy. Và dù khiến giới vận động ủng hộ Palestine không bằng lòng, đây cũng là kết quả cuối cùng.

 

Với 15 phiếu thuận và chỉ một phiếu chống (thẩm phán bỏ phiếu chống là thẩm phán ad hoc do Nicaragua chọn), điều này cho thấy sự đồng nhất trong góc nhìn pháp lý chứ không chỉ là sự tranh cãi chính trị giữa các quan điểm khác nhau. 

 

Tuy nhiên, phán quyết cũng ngắn gọn hơn thông lệ.

 

ICJ chấp thuận các lý luận của phía Đức chứng minh cho thấy khối lượng viện trợ dành cho Israel trong nhiều tháng qua đã giảm xuống mức kỷ lục, từ 200 triệu USD vào tháng 10/2023 xuống chỉ còn 1 triệu USD vào tháng 3/2024. Thêm vào đó, liên quan đến việc có ủng hộ cho tổ chức UNRWA hay không, ICJ ghi nhận rằng ủng hộ cho UNRWA là quyết định tự nguyện của các chính phủ quốc gia, không phải nghĩa vụ. Tuy nhiên, số liệu cho thấy chính phủ Đức cũng đã tiếp nối các hoạt động hỗ trợ cho UNRWA. 

 

Như vậy, ngoại trừ việc ICJ không chấp thuận yêu cầu của Đức là loại bỏ vụ việc ra khỏi General list (vì ICJ xác định là mình có thẩm quyền đối xét xử), tất cả các quyết định còn lại đều nghiêng về phía Đức. 

 

Tuy nhiên, người đọc cũng có thể kỳ vọng rằng đây chỉ là một trong số các nỗ lực pháp lý của các quốc gia đang phát triển sử dụng để cô lập Israel và giải quyết vấn đề Palestine.

 

 

Luật Khoa sẽ tiếp tục cập nhật các diễn biến pháp lý khác liên quan.

 

-----------

Chú thích:

 

[1] ICJ, Alleged Breaches of Certain International Obligations in respect of the Occupied Palestinian Territory (Nicaragua v. Germany).

 

[2] ‘After US, Germany Freeze Aid to UNRWA, Could EU Follow? – DW – 01/29/2024’ (dw.com) <https://www.dw.com/en/after-us-germany-freeze-aid-to-unrwa-could-eu-follow/a-68116182> accessed 6 May 2024.

 

 





No comments: