Wednesday, May 15, 2024

MEXICO, VIỆT NAM CÓ THỂ LÀ CỬA NGÕ CHO TRUNG QUỐC NÉ HÀNG RÀO THUẾ QUAN MỚI CỦA HOA KỲ (Reuters)

 



Mexico, Việt Nam có thể là cửa ngõ cho Trung Quốc né hàng rào thuế quan mới của Mỹ

Reuters

15/05/2024

https://www.voatiengviet.com/a/mexico-viet-nam-co-the-la-cua-ngo-cho-trung-quoc-ne-hang-rao-thue-quan-moi-cua-my/7611209.html

 

Các thuế suất mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden áp lên xe điện của Trung Quốc và các lĩnh vực chiến lược khác là nhằm bảo vệ tương lai của ngành sản xuất Hoa Kỳ, nhưng chúng có thể sẽ đẩy nhanh quá trình Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Mexico, Việt Nam và các nơi khác để né thuế suất của Mỹ.

 

Các quan chức Mỹ và các chuyên gia thương mại cho rằng nếu không nỗ lực quyết liệt để cắt giảm hàng hóa Trung Quốc được trung chuyển đến hoặc gia công sơ sài ở Mexico và các nước khác, hàng hóa dư thừa rẻ mạt của Trung Quốc vẫn sẽ tìm đường vào thị trường Mỹ.

 

Reuters dẫn lời ông Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại thuộc Đại học Cornell, Mỹ, đồng thời là cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết: “Mức thuế mới có thể ngăn cản hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng có khả năng phần lớn lượng hàng đó sẽ được chuyển hướng qua các nước không bị đánh thuế”.

 

Ông Prasad cho biết nhất là Mexico và Việt Nam từ trước đến nay đã được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang nhờ vào chi phí rẻ hơn và sự gần gũi về địa lý, đồng thời nói thêm rằng cả hai nước đều nên tránh ‘chọc giận’ Washington khi tìm kiếm các khoản đầu tư mới trong ngành sản xuất.

 

Chẳng hạn như Mexico, trong ba tháng đầu năm 2024 đã vượt Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ, với hơn 115 tỷ USD hàng hóa có nguồn gốc từ nước này, trong khi Trung Quốc chỉ xuất chưa đến 100 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ.

 

Các mức thuế này được tính toán để bảo vệ các lĩnh vực sản xuất nội địa mới mà chính quyền Biden đang cố gắng phát triển với các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế trị giá hàng trăm tỷ đô la.

 

Bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), nói với các phóng viên rằng bà lo ngại về mối quan hệ thương mại của Mexico với Trung Quốc và trong tương lai bà sẽ luôn sát sao trong nỗ lực ngăn tình trạng né thuế.

 

Bà Tai cho biết: “Khuynh hướng những sự việc đang xảy ra là mối quan ngại thực sự đối với chúng tôi và tại USTR, chúng tôi đang xem xét tất cả các công cụ mà mình có để xem có thể giải quyết vấn đề như thế nào”.

 

Mexico được hưởng lợi từ mức thuế chủ yếu bằng 0 của Hoa Kỳ theo Hiệp định thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA), trong khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét cấp cho Việt Nam quy chế “nền kinh tế thị trường”, điều này sẽ làm giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Cố vấn cấp cao Cara Morrow, một quan chức khác của USTR, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn trước khi Mỹ công bố áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc rằng cơ quan bà đã làm việc với các đối tác Mexico về các cách để giảm bớt việc trung chuyển thép và nhôm Trung Quốc qua ngỏ Mexico.

 

Ông Biden đã tăng thuế “Mục 301” đối với thép từ 7,5 lên 25%, nhưng ngoài ra còn có 25% thuế an ninh quốc gia và mức thuế hàng trăm % chống bán phá giá cũng như chống trợ cấp đối với nhiều sản phẩm thép Trung Quốc.

 

Các quan chức Mỹ nói rõ với Mexico rằng mục đích của Hiệp định USMCA là nhằm thúc đẩy sự hội nhập và khả năng cạnh tranh của Bắc Mỹ, chứ “không phải mở cửa sau cho Trung Quốc”, bà Morrow cho biết.

 

Theo hiệp định có hiệu lực vào tháng 7/2020, ba nước có thể tìm cách đàm phán lại hoặc chấm dứt USMCA sau sáu năm.

 

USTR đang thảo luận về thuế chống bán phá giá thép và nhôm của Mexico cũng như giám sát kỹ hơn hoạt động xuất nhập khẩu kim loại và các bước khác trong các cuộc đàm phán “khó khăn”, nhưng các quan chức Mexico cũng coi việc sản xuất quá mức của Trung Quốc là mối đe dọa đối với nền kinh tế của họ, bà Morrow cho biết.

 

Động thái này của ông Biden cũng có thể gây thêm áp lực lên châu Âu khi mà sản lượng xe điện, sản phẩm năng lượng mặt trời, pin và thép dư thừa của Trung Quốc bị đẩy sang châu Âu, nơi các biện pháp phòng vệ thương mại của EU thường thông thoáng hơn.

 

Ông William Reinsch, chuyên gia thương mại thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng gắng chặn lượng sản phẩm dư thừa của Trung Quốc ‘giống như bóp một cái bong bóng. Nó xẹp ở chỗ này nhưng phình lên ở chỗ khác”.






No comments: